Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 32 Thường niên năm A
Mt 25, 1-13
“Vậy anh em hãy canh thức,
vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”.
(Mt 25,13)
Kính thưa anh chị em
A. Dụ ngôn chúng ta vừa nghe là một trong những dụ ngôn quen thuộc trong Tin Mừng. Nếu chỉ nhìn dụ ngôn dưới con mắt của người Việt thì chúng ta thấy câu truyện xem ra có vẻ bày đặt, thiếu tự nhiên. Tuy nhiên nếu chúng ta đặt nó vào hoàn cảnh đất nước Do thái thì chúng ta sẽ thấy khác. Ở bên nước Do thái thì câu truyện này là một câu chuyện có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hôm nay cũng vẫn còn như vậy.
Tại vùng quê ở xứ Palestine thì đám cưới là một cơ hội rất trọng đại. Cả làng đi đưa đôi tân hôn về ngôi nhà mới của họ. Thường thì đôi tân hôn thích đi bằng con đường dài - càng dài càng tốt để họ có thể nhận được những lời chúc mừng vui vẻ của nhiều người. Và càng nhiều người chúc mừng thì càng vui, càng “hên”.
Hầu như mọi người trong làng từ sáu đến mười sáu tuổi đều tham dự. Họ đi theo tiếng trống cưới. Các Rabi còn cho phép mọi người gác lại việc học hỏi và nghiên cứu luật pháp để họ có giờ chia sẻ niềm vui với đôi tân hôn.
Đây là phong tục của người Do thái. Nó khác xa với phong tục của chúng ta.
Tiến sĩ Alexander Findlay có lần đi du lịch tại xứ Palestine về, đã kể lại những điều ông đã được chứng kiến ở xứ Palestina cho những người nghe ông như sau: “Khi chúng tôi đến gần cổng một thị xã Gallilê...tôi thấy mười cô gái được hướng dẫn bởi một đoàn thanh niên rất đông, vừa đi vừa vỗ tay và đánh đàn rất vui vẻ. Họ nhảy múa dọc theo con đường phía trước xe chúng tôi. Tôi hỏi họ:
- Các bạn đang làm gì vậy ?
Người hướng dẫn trả lời:
- Chúng tôi đang ra nhập bọn với cô dâu để chờ chàng rể đến.
Tôi hỏi người đó xem tôi có thể quan sát đám cưới này được không thì người đó lắc đầu và sau đó người đó cắt nghĩa:
- Không thể được vì đám cưới có thể là tối nay, tối mai hay có khi cả hai tuần lễ nữa, không ai biết chắc khi nào thì đám cưới cử hành.
Sau đó anh còn cho chúng tôi biết: một trong những niềm vui lớn nhất trong một đám cưới thuộc giới trung lưu ở miền Palestine này là làm sao bắt gặp nhà gái đang ngủ. Chính vì vậy mà chàng rể thường đến bất ngờ. Đôi khi vào lúc nửa đêm.
Rồi cũng theo tục lệ ở đây thì trước khi đến chàng rể phải cho một người đi phía trước để la lên: “Kìa chàng rể đang đến!”. Việc này có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên nhà gái phải luôn sẵn sàng để đón chàng rể khi anh đến.
Một chi tiết khác cũng khá quan trọng là không ai được phép ở ngoài đường lúc trời đã tối ngoại trừ khi họ có đèn cầm ở tay và khi chàng rể đã đến - cửa đã đóng lại thì những người đến trễ không được phép vào. Xét như thế thì dụ ngôn Chúa kể cũng không có gì là khác với thực tế là bao.
B. Bây giờ chúng ta tự hỏi Chúa muốn dạy gì khi đưa ra dụ ngôn này ?
Chúng ta có thể trả lời: Cũng giống như những dụ ngôn khác, dụ ngôn này cũng bao hàm nhiều ý nghĩa.
* Đối với người Do Thái lúc đó thì ý nghĩa đã quá rõ. Họ là dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Cả lịch sử của họ lý ra phải là một cuộc chuẩn bị sửa soạn cho việc đón nhận Đấng Cứu thế khi Ngài tới. Đáng lý ra thì phải là như thế. Nhưng họ đã không làm như vậy. Chính vì họ không chuẩn bị để đón tiếp Ngài cho nên họ đã bị bỏ ra ngoài. Đây là tấn thảm kịch về sự mất mát lớn lao mà người Do thái phải chịu. Chúa đã khôn khéo tế nhị cho họ thấy điều đó thế nhưng rồi mọi sự đâu cũng vào đó. Thật là xót xa cho Chúa và cũng xót xa cho cả dân tộc được Chúa yêu thương một cách đặc biệt này.
* Tuy nhiên câu chuyện không phải chỉ dừng lại ở đây. Nó còn mang nhiều ý nghĩa sâu xa hơn.
1. Trước hết là bài học về bổn phận hằng ngày của mỗi người. Bổn phận đó đòi hỏi chúng ta phải chu toàn qua từng giây từng phút của cuộc đời chứ không phải là dành mãi đến phút chót mới làm.
Một học sinh đến ngày thi mới chuẩn bị thì quá trễ.
Nếu một người không chuẩn bị sẵn sàng về khả năng và phẩm cách để làm một công việc nào đó sẽ được trao phó thì khi công tác cần đến, người đó sẽ không còn thời giờ để chuẩn bị nữa.
Đối với Chúa, cũng vậy, nếu không có sự chuẩn bị sẵn sàng để gặp Chúa thì khi Ngài đến chúng ta khó mà kịp trở tay và hậu quả lúc đó như thế nào thì ai cũng biết.
Người biết chuẩn bị là người khôn. Người không biết dự phòng là người dại. Hậu quả của hai thái độ đó như thế nào thì chắc là ai cũng hiểu
2. Đàng khác dụ ngôn cũng còn dạy chúng ta một chân lý nữa: Có những điều chúng ta không thể vay mượn được. Những cô trinh nữ dại khi khám phá ra đèn của mình hết dầu rồi mới đi cầu cứu thì lúc đó mới thấy được cả một thực tế phũ phàng.
Người ta chẳng có thể nào mà đi mượn được mối giây liên hệ với Chúa nếu chính họ không tự làm ra mối giây liên hệ đó.
Chúng ta cũng không thể vay mượn được nhân cách. Mỗi người phải có nhân cách riêng của mình.
Chúng ta không thể cứ sống nhờ mãi vào người khác. Đến một lúc nào đó thì chúng ta phải tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Đến lúc đó thì chúng ta không còn có thể cậy dựa vào bất cứ một ai hay bất cứ một quyền lực nào. Không có tiếng chuông báo tử nào nặng ký bằng tiếng chuông rung lên hai chữ “Quá muộn”.
3. Và cuối cùng là sự khôn ngoan của cuộc sống. Người sống khôn là người biết sống luôn sẵn sàng như cuộc sống chỉ là bây giờ, chỉ là hôm nay. “Các chị ra hàng mà mua thì hơn, e không đủ cho các em và các chị”
Ma quỉ rất sợ những con người như thế. Bởi vì phần thắng đã nằm ở trong tay họ.
Một ngày kia quỉ vương hỏi các quỉ cố vấn:
- Làm thế nào để những người trên trần thế sa đọa và thua mình ?
Các cố vấn đề nghị là nên phỉnh gạt người ta là không có Thiên Chúa hoặc không có sự trừng phạt gì ở đời này và đời sau. Quỉ vương suy nghĩ và chê các ý kiến đó là không hữu hiệu. Sau đó một hồi lâu, một quỉ nhỏ lại lên tiếng đề nghị: “Xin Ngài hãy nói với họ là ngày giờ còn rộng, còn dài, hãy thư thả rồi sẽ tính”
Vua quỉ vội đứng dậy vỗ tay khen hay:
- Đúng, mày nói đúng, chỉ có cách này mới làm cho con người an tâm mà xa thần thánh và không sợ trừng phạt. Bấy giờ ta sẽ mặc sức xúi dục chúng sa đọa theo ý của ta.
Các tôn giáo đã cống hiến cho chúng ta câu châm ngôn: “Hãy sống ngày hôm nay như ngày cuối cùng của đời mình để chúng ta trở về cõi thực, canh tân nếp sống.
Mẹ Têrêxa có lần đã phát biểu:
“Tôi dâng lễ này như là lễ đầu tiên, như là lễ cuối cùng và như là lễ độc nhất cuộc đời của tôi”
Nói một cách khác biết sống từng giây phút của hiện tại của đời mình một cách đầy đủ ý nghĩa - đó là cách chuẩn bị tốt nhất cho mọi tình huống có thể bất chợt xảy ra. Đó là cách giữ cho chiếc đèn đức tin của chúng ta lúc nào cũng có dầu và không bao giờ sợ bị tắt. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Lễ các thánh tử đạo Việt Nam
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 30 Thường niên năm B - CN truyền giáo -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 27 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 26 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 25 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống
-
Bài giảng Chúa nhật ngày 06/08: Lễ Chúa Hiển Dung -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Mùa Chay năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 Phục sinh năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 5 Thường niên năm B -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Phục sinh -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 Mùa Chay năm B