‘Đi tu’ có khác với ‘Sống đời thánh hiến’ không?
TGPSG -- Trong các ngôn từ hằng ngày mọi người hay sử dụng, chúng ta nhận thấy rằng, bình thường nhiều người sẽ gọi các linh mục, tu sĩ là những “người đi tu”; rất hiếm khi họ được gọi là những “người sống đời thánh hiến”. Thế nhưng vấn đề đặt ra đó là “đi tu” có khác gì so với “sống đời thánh hiến”? “Sống đời thánh hiến” thực sự mang lại ý nghĩa nào? “Đi tu” có giá trị gì?
Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu lối nhìn chung về từ ngữ “Tu”. Trong từ điển, “Tu” được giải thích đó là “sống theo ý tưởng, quy định chặt chẽ của một tôn giáo nào đó”[1]. Theo định nghĩa của trang Wikipedia “Tu sĩ hay nhà tu hành, thầy tu là người tu dưỡng tôn giáo khổ hạnh, sống một mình hoặc với một nhóm các thầy tu khác trong tu viện. Thầy tu có thể là người cống hiến cuộc đời mình để phụng sự chúng sinh hoặc là một người tu hành khổ hạnh tránh xa trần thế để sống cuộc sống cầu nguyện và chiêm nghiệm cuộc đời.” “Theo quan điểm nguyên thủy của Phật giáo, chỉ có những người sống viễn ly mới có thể đạt được giác ngộ, nên những người tu hành còn gọi là người xuất gia (rời khỏi nhà), họ thường gia nhập những tăng đoàn.”.[2]
Qua cách định nghĩa trên, chúng ta thấy được rằng, dường như từ ngữ “tu sĩ” mà chúng ta hay sử dụng là những con người biết sống theo những kỷ luật khắt khe, những luật lệ ràng buộc để có thể rèn dũa con người của mình trở nên tốt hơn, nhân bản hơn. Những từ ngữ đó dường như đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của những người Á Đông của chúng ta và có lẽ chính điều này cũng đã làm cho chúng ta nhầm lẫn rất nhiều giữa “Đi tu” và “sống đời thánh hiến” hay “người đi tu” và người sống đời thánh hiến”.
Vậy “đời sống thánh hiến là gì”?
Trong Tông huấn Vita Consecrata, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã viết: “Đời sống thánh hiến, bén rễ sâu trong gương sống và giáo huấn của Chúa Ki-tô, là một ân huệ Thiên Chúa Cha ban cho Giáo Hội Người qua trung gian của Thánh Thần. Nhờ việc tuyên giữ các lời khuyên Tin Mừng, các nét đặc trưng của Đức Giê-su - khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục - trở thành hữu hình giữa lòng thế giới như một gương mẫu thường hằng, và các tín hữu được mời gọi hướng nhìn về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã tác động trong lịch sử, nhưng còn đang chờ đạt tới viên mãn ở trên trời.”
“Qua các thời đại, luôn có những người nam nữ, sẵn sàng nghe theo tiếng gọi của Chúa Cha và sự thúc đẩy của Thánh Thần, đã chọn con đường đặc biệt để bước theo Đức Ki-tô, sequela Christi, để tự hiến cho Chúa với một trái tim "không chia sẻ" (x. 1 Cr 7,34). Như các thánh Tông Đồ, họ cũng đã từ bỏ mọi sự để ở với Người và giống như Người, ra tay phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình. Như thế họ đã góp phần vào việc biểu lộ mầu nhiệm và sứ mạng của Giáo Hội bằng muôn vàn đoàn sủng thuộc đời sống thiêng liêng và tông đồ mà Chúa Thánh Thần đã ban cho họ, và nhờ đó, họ cũng đã góp phần vào việc canh tân xã hội.”[3]
Quả thật, đời thánh hiến thì không phải là một đời sống chỉ hoàn toàn là “tu tâm dưỡng tính”. Chắc chắn mỗi tu sĩ nam nữ chúng ta cũng đã từng trải qua những giai đoạn để sửa đổi tính tình, thay đổi những hành vi, suy nghĩ, lời nói để có thể thích hợp hơn trong đời sống của nhà dòng. Nhiều người phải trải qua những lần “cắt tỉa” “mài giũa” từ Bề trên và anh chị em trong nhà dòng. Cũng có người đã từng phải sửa đi sửa lại nhiều lần tính khí nỏng nảy của mình mà giờ đây người đó có thể hoà hợp hơn trong đời sống cộng đoàn. Cũng có người phải được nhắc nhở về sự bất cẩn của mình trong các công việc nên giờ đây họ mới có thể đảm nhiệm được các trách vụ lớn nhỏ trong nhà dòng một cách chu đáo. Tuy nhiên, dù đó là một điều cần phải có trong đời sống thánh hiến nhưng nếu chỉ là sửa đổi tính nết và hoàn thành các bổn phận luân lí mà thôi thì có lẽ chúng ta sẽ không hiểu được tại sao Giáo Hội lại có một Phêrô hèn nhát, chối Chúa mà lại đứng đầu Giáo Hội; tại sao lại có một Phaolô tàn ác bắt đạo mà lại là một Tông đồ nhiệt thành của Chúa; tại sao lại có một Têrêsa Calcuta đã phải xin từ giã cuộc sống tu viện mà mình đã khấn hứa để phục vụ những người nghèo ở Calcutta đến suốt cuộc đời. Và quả thật, nếu chỉ hiểu đời sống thánh hiến như là sự “tu tâm dưỡng tính” thì chúng ta sẽ không thể nào hiểu được ân huệ của Thiên Chúa đã thương, đã gọi, đã chọn từng người để ở với Người và để Người sai đi.
Chúng ta hãy nhớ lại lời thánh Phaolô đã nói: “Vì chúng ta mới thật là những người được cắt bì, những người thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thần Khí của Người, những người hiên ngang hãnh diện vì Đức Ki-tô Giê-su, chứ không cậy vào xác thịt, bởi vì tôi đây, tôi có lý do để cậy vào xác thịt.” (Pl 3, 3). Nếu như chỉ dựa vào xác thịt, hay các bổn phận luân lý mà quên đi Đức Giêsu và Thần Khí của Người thì đời sống thánh hiến chúng ta sẽ mang lại ý nghĩa nào? Trong các phương pháp khổ luyện của các tôn giáo Đông Phương, Phật giáo là một trường phái khổ luyện làm cho chúng ta phải ngưỡng mộ nơi họ rất nhiều. Có thể nói, họ là những con người sống khổ hạnh, chế ngự được những cảm xúc sân si. Họ tìm được hạnh phúc khi biết “sửa dọn tâm hồn để có được tâm phỉ (tâm-hoan-lạc); tâm phỉ vượt trên luyến ái và mọi hình thức dục lạc của người thường”[4]. Người sống đời thánh hiến cần một cái tâm hoan lạc hay không? Xin thưa, rất cần. Thế nhưng, vẫn không đủ. Người sống đời thánh hiến sẽ không bao giờ có được một tâm hoan lạc đúng nghĩa khi không kết hợp với Chúa Giêsu. Cho nên, đời sống thánh hiến chính là việc bước theo Đức Kitô để tự hiến cho Thiên Chúa với một trái tim không phân chia. Điều này mới làm nên ý nghĩa đích thực của đời sống thánh hiến chứ không phải là việc “tu tâm dưỡng tính”.
Nhiều người đã nghĩ rằng, sống đời thánh hiến hoàn toàn chỉ là những việc khổ chế, diệt dục để làm cho con người mình trở nên “khác” hơn so với những người bình thường. Nếu chỉ chú trọng về điều đó thôi thì tâm điểm đời sống thánh hiến của chúng ta là ai? Là chính con người chúng ta hay là Chúa Giêsu?
Đời thánh hiến cũng không phải là một sự xa lánh thế gian để tìm sự giải thoát cho chính mình. Chúng ta hãy nhớ lại chính Chúa Giêsu đã nhập thể trong thế gian để là một Con Người giữa thế gian. Nếu con đường của Chúa Giêsu là xa lánh thế gian để tìm hạnh phúc cho chính mình thì có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết được một Thiên Chúa Tình Yêu là Cha của chúng ta; sẽ không thể có được một Chúa Giêsu đã chết vì con người chúng ta. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa Tình Yêu, là mối tương quan giữa Cha, Con và Thánh Thần và Tình yêu ấy lại đổ xuống trên từng con người để lôi kéo con người chúng ta hiệp nhất với Ngài. Tu sĩ là những người bước theo Đức Kitô, là người chung tay với Ngài để xây dựng Nước Trời, để sống tình yêu thương bác ái giống Ngài; cho nên nếu người tu sĩ chỉ lo đi tìm hạnh phúc Thiên Đàng cho riêng mình thì liệu rằng đó có phải là người tu sĩ của Đức Kitô nữa hay không?
Nhiều lúc trong những cuộc trò chuyện thường ngày, chúng ta vẫn bắt gặp rất nhiều người đã hỏi các tu sĩ: “Liệu cha/thầy/sơ khi vào nhà dòng rồi có được gặp được người ngoài không?” Có người cũng đã nghĩ rằng, đời sống thánh hiến là một sự thoát ly với thế giới bên ngoài để chỉ làm việc, cầu nguyện trong sự tĩnh lặng, xa cách với tất cả mọi người. Dĩ nhiên rằng, trong đời sống thánh hiến, các tu sĩ cần có những giây phút lắng đọng để cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa nhưng dù sao đi nữa, người thánh hiến phải sống điều mà Chúa Giêsu đã trả lời với ông kinh sư rằng: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mc 12, 30-31).
Điểm xuất phát của việc sống đời thánh hiến không phải là ý muốn của một người nào đó và cùng đích của đời sống này không phải là cho người đó nhưng Thiên Chúa mới là khởi điểm và cùng đích cho đời sống này. Có thể nói rằng, quyết định để sống đời thánh hiến là một sự chọn lựa cá nhân, thế nhưng, chúng ta đừng quên rằng ơn gọi của mỗi người là khởi điểm từ Thiên Chúa. Ơn gọi là người tu sĩ của Chúa đã có trong ý định Thiên Chúa từ trước muôn đời. “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.” (Gr 1, 4-5). Lời của Chúa đã nói với ngôn sứ Giêrêmia ngày xưa không phải là đang nói cho mỗi người tu sĩ chúng ta hôm nay hay sao? Chắc chắn rằng, đây mới là điều mà mỗi người tu sĩ luôn được gợi nhắc về chính mầu nhiệm cao quý tình yêu này để rồi sẽ luôn sống xứng đáng với ơn gọi cao quý mà Thiên Chúa đã thương ban cho họ.
Nếu không có Chúa Giêsu thì liệu rằng mọi sự tu tập khổ chế thân xác có thể giúp cho người tu sĩ “đắc đạo”? Nếu không có Chúa Giêsu thì đời sống thánh hiến sẽ vô nghĩa. Điều cốt yếu của các Kitô hữu đó chính là sống với Chúa Giêsu, ở lại với Chúa Giêsu và kết hợp với Chúa Giêsu. Người sống đời thánh hiến là người sống tận căn và triệt để ơn gọi Kitô hữu đó. Mỗi người chúng ta hãy thường xuyên lặp lại và hãy sống lời của Chúa Giêsu đã nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5)
Đaminh Trường Sơn SDB (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Con đường hiệp hành – một trong những ưu tiên của các nữ tu Salêdiêng
-
Hướng đến việc khám phá một lối đường hiệu quả khi đào tạo người tu sĩ-linh mục -
Lá thư gửi người khao khát trở thành linh mục -
Tam đạo mục huấn trình -
Linh mục - Gương mẫu về đời sống hiệp nhất trong cộng đoàn Giáo hội -
Sáu nguyên tắc căn bản cho đời sống tu sĩ Đa Minh -
Làm thế nào đánh thức ơn gọi tu trì trong các gia đình? -
Hội nghị các đại chủng viện tại Việt Nam năm 2024 - Đồng tính dưới góc nhìn khoa học và đức tin -
Mọi tín hữu tham gia vào sứ vụ đào tạo linh mục -
Tu sĩ sống hiệp thông - Những chia sẻ thực hành
bài liên quan đọc nhiều
- Chia sẻ với em, người muốn đi tu làm linh mục
-
Phó Tế - Người Phục Vụ -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 61 năm 2024 -
Linh mục triều và dòng có gì khác? -
Những thắc mắc phổ biến về ơn gọi tu trì trong Giáo hội -
Bước theo Chúa Giêsu nghèo khó: Tính cách tiên tri của người tu sĩ trong thế giới -
Nữ đan viện Biển Đức -
Ban Mục vụ Ơn Gọi: Thông báo Tuyển Sinh -
Đời tu là hạnh phúc -
Cái động và cái tĩnh của người tu