Việt Nam, quốc gia có tỷ lệ phá thai cao hàng đầu thế giới, dẫn đầu sáng kiến của Liên Hợp Quốc về sinh non
Nghĩa trang thai nhi thuộc giáo xứ Hòa Hội, giáo hạt Xuyên Mộc, giáo phận Bà Rịa
TGPSG / CNA (21.11.2024) – Việt Nam, một quốc gia có tỷ lệ phá thai cao hàng đầu thế giới, đã dẫn đầu sáng kiến của Liên Hợp Quốc trong tuần này về giải quyết các nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho trẻ sơ sinh sinh non.
Sự kiện này, tổ chức nhân Ngày Thế giới vì trẻ sinh non, hướng đến việc nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện chất lượng chăm sóc cho trẻ sinh non. Tuy nhiên, một nhà đạo đức sinh học đã chỉ ra sự trớ trêu của một quốc gia đang đối mặt với vấn nạn phá thai tràn lan lại đảm nhận vai trò tiên phong trong lĩnh vực này.
"Đây là một thông điệp hoàn toàn lẫn lộn," ông Joseph Meaney, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Đạo đức Sinh học Công giáo Quốc gia, chia sẻ với chương trình “EWTN News Nightly” vào thứ Ba (19.11.2024).
Những tiến bộ trong chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh đã giúp gia tăng khả năng sống sót của những trẻ sinh ra ở độ tuổi thai kỳ nhỏ hơn và sớm hơn. Trẻ sinh non nhất thế giới được sống sót là Curtis Zy-Keith Means, chào đời ở tuần thứ 21 và một ngày, tại Birmingham, Alabama.
Tại Việt Nam, luật pháp cho phép phá thai không giới hạn đến tuần thứ 22 của thai kỳ, nhưng việc kiểm soát đối với các ca phá thai muộn hơn vẫn còn lỏng lẻo.
Một báo cáo năm 2023 chỉ ra rằng Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á, có tỷ lệ phá thai cao thứ hai thế giới. Năm 2014, Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội ghi nhận rằng 40% các trường hợp mang thai ở Việt Nam kết thúc bằng việc phá thai mỗi năm.
Ông Joseph Meaney chia sẻ với Tracy Sabol, người dẫn chương trình “EWTN News Nightly”: “Ở một khu vực của bệnh viện, người ta đang đỡ đẻ… và cố gắng giữ cho trẻ sơ sinh sống sót trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt. Trong khi đó, ở những khu vực khác, thì họ lại đang kết liễu mạng sống của những đứa trẻ cùng độ tuổi thai kỳ.”
Ông Meaney cũng nhấn mạnh rằng các nghiên cứu đã phát hiện những phụ nữ đã trải qua nhiều lần phá thai phải đối mặt với nguy cơ sinh non và sảy thai cao hơn trong những lần mang thai tiếp theo.
Ngày Thế giới vì trẻ sinh non được thành lập vào năm 2008 nhằm nâng cao nhận thức về những thách thức của tình trạng sinh non, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Theo UNICEF, mỗi năm ước tính có 13,4 triệu trẻ em được sinh ra trong tình trạng sinh non. Nhân dịp này, UNICEF kêu gọi tiếp cận phổ quát với dịch vụ chăm sóc chất lượng cao cho các trẻ sinh non.
“Tất nhiên, nếu họ lo ngại đến tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, thì nguyên nhân cao nhất gây tử vong cho trẻ sơ sinh chính là việc phá thai,” ông Meaney nhận định.
Tại Việt Nam, người Công giáo giúp quản lý các nghĩa trang đặc biệt dành cho các nạn nhân của phá thai, bao gồm một nghĩa trang tại Tổng Giáo phận Hà Nội với 46.000 thai nhi được an táng và một nghĩa trang khác tại Giáo phận Xuân Lộc, nơi chôn cất hơn 53.000 thai nhi, theo La Croix International.
Một tổ chức bác ái Công Giáo có tên là Nhóm Bảo Vệ Sự Sống thu thập thi hài các thai nhi từ các bệnh viện công và phòng khám tư nhân. Nhóm này từng ghi nhận mỗi ngày thu gom từ 25-40 thai nhi bị phá bỏ để chôn cất.
Theo Viện Nghiên cứu Guttmacher thuộc Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc, có hơn 1,6 triệu ca phá thai được thực hiện tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2019.
Khi được Tracy Sabol hỏi làm thế nào để giảm số lượng sinh non ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới, ông Meaney cho rằng: “Một giải pháp là giảm số ca phá thai.”
Ngoài ra, ông cho biết “thực sự cần có các bệnh viện hỗ trợ các bà mẹ tiếp tục mang thai” cũng sẽ góp phần giải quyết vấn đề.
“Khi họ có nguy cơ sinh non, số ngày liên quan là rất quan trọng. Chỉ cần thêm vài ngày cũng có thể tăng đáng kể khả năng sống sót của đứa trẻ,” Meaney cho biết.
“Việc các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận các bà mẹ có nguy cơ sinh non” có thể giúp giảm các trường hợp như vậy, ông cho biết.
_____________
Tâm Bùi (TGPSG) chuyển ngữ
Nguồn: Catholic News Agency
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô