Viết cho người linh mục

Viết cho người linh mục

WGPSG -- Có linh mục Triều và có linh mục Dòng; có linh mục trẻ và có linh mục già; có linh mục nhiệt tâm thánh thiện, nhưng cũng có linh mục khô khan chán chường… Thế nhưng, Giáo hội cần có linh mục để minh chứng cho Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô giữa một thế giới đang nhiễu nhương phức tạp và thiếu vắng tình thương. Vậy, linh mục là ai, tại sao nhiều người quý mến các ngài, các ngài làm gì và quan tâm đến những gì, những đối tượng nào trong xã hội hôm nay?

Đức cha Nguyễn Năng đã định nghĩa người linh mục thế này: “Linh mục là người của Thiên Chúa, nên ở giữa thế gian mà không thuộc về thế gian, không theo cách sống của thế gian. Linh mục có con đường riêng của mình, có lối sống riêng theo tinh thần Phúc Âm.” (Bài giảng sáng thứ Năm Tuần Thánh 2010). Hình ảnh người linh mục đã được âm nhạc và nghệ thuật khắc họa với nhiều ngôn từ khác nhau. Chẳng hạn có một bài thánh ca viết về người linh mục: “Là linh mục, con loan tin tình yêu, nhưng sao chim trời có tổ cáo có hang, còn tình yêu không nơi tựa đầu. Là linh mục, con biết làm chi, biết nói gì, dù chỉ là thân tôi tớ, dù chỉ là bình sành hay vỡ”; hay có những tác phẩm viết về người linh mục như: “Giáo hội cần linh mục nào”, “Linh mục là ai?” v.v…

Quả thật, người linh mục là một Đức Kitô khác (Alter Christus) chứ không phải khác Đức Kitô, nghĩa là những gì linh mục nói và làm đều phải rập theo tinh thần Tin Mừng của Đức Kitô. Linh mục là người từ bỏ tình cảm riêng tư, từ bỏ những dính bén của vật chất, từ bỏ những đam mê xác thịt và thế gian lôi cuốn, để bước theo Đức Kitô: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Mệnh lệnh này không phải dễ dàng thực thi.

“Từ bỏ mình” nghĩa là từ bỏ những gì dính dáng đến con người của linh mục như vật chất, danh vọng, nghề nghiệp, sắc đẹp, lạc thú, quyền lực v.v…; “Từ bỏ mình” để người linh mục thuộc trọn về Thiên Chúa, sống vì Chúa và tha nhân. Quả thật, từ bỏ là điều không phải dễ dàng đối với bất kỳ ai, nhưng người linh mục phải làm như thế, bởi vì đó là mệnh lệnh tình yêu của Đức Kitô. Càng từ bỏ bao nhiêu người linh mục càng cảm nhận được tình yêu hy sinh vì lý tưởng Tin Mừng bấy nhiêu. Bởi lẽ, người linh mục là những người lội ngược dòng, dám sống khác với lối sống của thế gian. Thế nhưng, không phải linh mục nào cũng dễ dàng từ bỏ như có người bảo rằng: “Bỏ cái này để lấy lại cái khác”, người linh mục sống khó nghèo hay sống khó mà nghèo? Nếu như thế, giáo dân sẽ không thật lòng yêu thương người linh mục. Và nếu như thế, đời linh mục sẽ không hạnh phúc vì không giống Chúa và yêu thương giáo dân.

Cha Charles de Foucauld đã ví linh mục là người “bị ăn” như tấm bánh mà Chúa Giêsu đã bẻ ra và trao cho nhóm Mười Hai cầm lấy ăn trong bữa Tiệc Ly năm xưa. Đó là tấm bánh của sẻ chia, là tấm bánh của tình yêu đúng nghĩa. Vì là người “bị ăn” nên linh mục dành trọn thời gian cho việc đọc kinh nhật tụng mỗi ngày 5 giờ kinh, cử hành Thánh lễ mỗi ngày, ban các bí tích cho người giáo dân, tổ chức khám bệnh từ thiện, chương trình Tết Trung Thu, Noel cho bà con trong xứ, thăm và tặng quà cho người già cả, bệnh tật, phát học bổng cho những em thiếu nhi học giỏi và khá, nhưng điều kiện kinh tế gia đình khó khăn v.v… Nói tóm lại, linh mục là người của Chúa, của Giáo hội và của mọi người.

Thư Do Thái cũng đã có những dòng diễn tả sâu sắc về người linh mục: “Quả vậy, thượng tế (linh mục) nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, để dâng lễ phẩm cũng như của lễ đền tội. Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối nên phải dâng của lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi…” (Dt 5,13).

Vì thế, mỗi lần dâng Thánh lễ là mỗi lần người linh mục cầu nguyện cho các linh hồn, cầu nguyện cho những nhu cầu vật chất và tinh thần của đoàn chiên trong xứ đạo; mỗi lần dâng Thánh lễ là mỗi lần người linh mục dâng những yếu đuối, tội lỗi của chính các ngài lên Thiên Chúa, để được ơn Chúa gột rửa tâm hồn trở nên xứng đáng hơn; hay mỗi lần ngồi tòa giải tội, người linh mục cảm thông và tha thứ những lỗi lầm yếu đuối của giáo dân, đồng thời ý thức rằng mình cũng chỉ là thụ tạo đầy yếu đuối, nghèo nàn, thấp hèn và là công cụ của Chúa. Bởi vậy, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ mới nhìn tận căn sự thật về con người linh mục: “Linh mục tự bản thân, tinh thần cũng như vật chất, nhất là mặt tinh thần, luân lý và đạo đức: linh mục luôn là người bất xứng, thật sự rất nghèo nàn.”

Cuối cùng, xin mượn lại những dòng cảm nghĩ về đời linh mục, về người linh mục của Đức cha Bùi Tuần để khép lại bài viết này: “Linh mục Việt Nam hôm nay đang trong cơn lốc tự do có phần không lành mạnh. Cơn lốc tự do này sẽ cuốn linh mục xa dần thánh giá. Nhiều nơi, thánh giá chỉ còn là biểu tượng, chứ không còn là bàn thờ để môn đệ Chúa hiến tế chính mình. Nếu chẳng may đúng là như vậy, thì đời linh mục có thể sẽ huy hoàng bên ngoài, nhưng lại hết sức thê thảm bên trong trước mặt Chúa… Khi nhìn lại 50 năm linh mục của mình giúp tôi nhận ra mình: Mình chẳng là gì. Mình chẳng có gì. Nhận thức này sẽ giúp tôi gắn bó hơn với Chúa Giêsu. “Người là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” của tôi” (Ga 14,6). Vì thế, mỗi Kitô hữu giáo dân hãy cầu nguyện cho các linh mục thật nhiều, bởi vì các ngài cũng chính là những “chiếc bình sành dễ vỡ” trong cuộc đời. Xin cầu nguyện cho các ngài lúc tuổi già rất dễ cô đơn!

Top