Linh mục, con người đối thoại
Mặc Khải Ki-Tô Giáo cho ta hay Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa của Giao Ước, một Thiên Chúa luôn trao đổi với con người qua các cuộc đối thoại. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nhắc nhở ta rằng Thiên Chúa của người Ki-Tô hữu không đơn độc, một Thiên Chúa luôn sống trong các mối tương quan. Mầu nhiệm Nhập thể diễn tả rõ nét một cuộc đối thoại không ngừng giữa Đức Ki-Tô với Cha Ngài và với những con người đương thời. Cuộc đối thoại này không chỉ bằng Lời, nhưng cả “Ngôi Lời hóa thành nhục thể” (Ga 1,14), một cuộc đối thoại bằng chính cả cuộc sống, một sự hiện diện trọn vẹn.
Lời nói thật sự cần thiết cho cuộc sống: “Lúc khởi nguyên đã có Lời (Logos), và Lời ở nơi Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Thánh Gioan đã khéo léo dẫn nhập Tin Mừng một cách tinh tế khi dùng từ Lời (Logos), một luồng triết học chính yếu trong nền văn hóa Hy-Lạp để “hội nhập” với Tin Mừng được loan đi. Trong tiếng Hy-Lạp, dialogos (đối thoại) bao gồm hai từ: dia có nghĩa là qua, nhờ vào đó; còn logos là lời, lý luận. Đối thoại là một cuộc trao đổi giữa hai hoặc nhiều người nhằm đi đến một đồng thuận nào đó. Còn nếu không đi đến đồng thuận thì ít ra, nhờ đối thoại, con người xích lại gần nhau hơn. Bài viết này chủ yếu dựa vào Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về chức vụ và đời sống của linh mục – Presbyterorum Ordinis.
1. Đối thoại với Thiên Chúa
Tương quan đầu tiên mà người linh mục cần thiết lập hằng ngày, đó là với Thiên Chúa. Vì linh mục được Thiên Chúa tuyển chọn để phục vụ Nước của Ngài, nên linh mục cần đối thoại hằng ngày với Ngài qua cầu nguyện để biểt được Thiên Chúa muốn mình làm gì. Lùi về quá khứ, chúng ta biết rằng những người được Thiên Chúa tuyển chọn để phục vụ dân Ngài thường có những cuộc đàm đạo đặc biệt với Ngài. Abraham, người cha của Đức Tin, đã dựng bàn thờ để kính Chúa qua mỗi trạm dừng chân, kín đáo nhắc Chúa chưa thực hiện những lời hứa chưa được thực hiện, đàm đạo với các vị khách huyền bí vào lều trại của mình. Mai-Sen đã tranh tụng với Thiên Chúa trước khi chấp nhận sứ vụ (Xh 3, 1-10), rồi đàm đạo với Chúa như hai người bạn với nhau (Xh 33,11): trước khi hướng dẫn dân Chúa, ông lên núi đàm đạo lâu giờ với Thiên Chúa để lắng nghe những phán quyết của Ngài, và ngay cả khi dân Chúa phản nghịch, ông cũng khẩn cầu xin Chúa thứ tha. Ngay cả những vị vua như Đavít và Salomon vẫn một mực trung tín trao đổi, cầu nguyện với Vị Vua Duy Nhất: Đavít đã trở thành vị ngôn sứ đầu tiên trong truyền thống cầu nguyện của người Do Thái, còn Salomon thì thường dang tay nguyện cầu cho muôn dân nhận biết Yahvê là Thiên Chúa duy nhất. Các ngôn sứ thì tìm được ánh sáng và sức mạnh để thực hiện sứ mạng khó khăn của mình trong những lúc ở “một mình trước Tôn Nhan Thiên Chúa”. Có lúc các ngài còn tranh luận hay than thở với Thiên Chúa, có lúc các ngài nguyện xin cho dân Chúa như trường hợp của Elia cầu cho con trai của bà góa Sarépta được sống lại (1 V 17, 7-24), hoặc xin Chúa can thiệp để giúp tăng trưởng niềm tin của dân ngài như vụ xin lửa từ trời xuống trên núi Các-men. Chính Đức Giê-Su, Thầy Cả Thượng Phẩm, cũng đã thường xuyên đàm đạo với Cha Ngài. Trước những quyết định lớn, Ngài thường lên núi cầu nguyện. Đặc biệt, khi gặp thử thách gian nan, trong vườn Cây Dầu, Ngài vẫn gắn bó một mực với Cha, để “nếu được, xin Cha cất chén đắng này khỏi con, nhưng một xin theo ý Cha, xin đừng theo ý con” (Mt 26,39).
Linh mục cần đối thoại với Thiên Chúa hằng ngày để thực thi trọn vẹn ý Cha: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con xin đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10, 5-7). Đặc biệt, khi gặp những thử thách gian lao, khi bị hiểu lầm, khi thất bại trên đường mục vụ, người linh mục của Chúa luôn quỳ gối để xin ánh sáng chỉ đường. Có Chúa đồng hành, linh mục sẽ không thất vọng, vì sau ngày thứ sáu tuần thánh, luôn le lói chút ánh sáng Phục Sinh. Có Chúa là người bạn đường, linh mục dù sống độc thân vẫn không cảm thấy cô đơn lạnh lùng. Đối thoại với Thiên Chúa sẽ làm khai mở các cuộc đối thoại khác, những cuộc đối thoại chân thành và khiêm tốn, bắt đầu với bề trên trực tiếp của mình.
2. Đối thoại với giám mục
- Về phía giám mục: Ngài nên tạo bầu khí đối thoại cho các linh mục. Công Đồng khuyên: “Chính vì sự hiệp thông trong cùng một chức Tư Tế và thừa tác vụ, các giám mục phải coi các linh mục như anh em và bạn hữu, và hết sức lo lắng đến lợi ích vật chất và nhất là thiêng liêng của các ngài. Thực vậy, trước hết, các ngài gánh lấy trọng trách thánh hóa các linh mục của mình: do đó các ngài phải hết sức chú tâm đến việc đào luyện liên tục các linh mục của mình. Các giám mục phải sẵn sàng lắng nghe, hơn nữa phải hỏi han và đối thoại với các linh mục về những vấn đề cần thiết cho công việc mục vụ và ích lợi cho giáo phận” (PO. 7). Công Đồng còn khuyên giám mục nên lập một Hội Đồng Đại Diện Linh Mục Đoàn để góp ý kiến giúp đỡ giám mục một cách hữu hiệu hơn trong việc quản trị giáo phận. Giám mục khôn ngoan là người biết “dùng người”, biết lắng nghe giáo dân và anh em linh mục của mình. Cai quản một địa phận rộng lớn, dù có tài đến đâu thì ngài vẫn không nắm hết được các vấn đề, vì thế việc tham khảo ý kiến đại diện linh mục, các cha hạt trưởng, những người khôn ngoan là cần thiết. Đặc biệt, trong việc bổ nhiệm các chức vụ trong giáo phận hay các cha xứ, giám mục phải để ý đến “tài và đức” cũng như lòng nhiệt thành tông đồ của từng người mà trao sứ vụ cho phù hợp.
- Về phía linh mục: Thánh Công Đồng khuyên các linh mục phải luôn nhớ rằng “các giám mục lãnh nhận sung mãn Bí Tích Thánh Chức, nên phải tôn trọng nơi các ngài quyền bính của Chúa Kitô, Chủ Chăn tối cao. Vậy các linh mục phải kết hiệp với giám mục bằng tình thương yêu chân thành và lòng vâng phục” (PO.7). Trong giáo phận, linh mục phải xem giám mục như người cha, kính cẩn vâng phục ngài. Vâng phục là căn tính của linh mục, bởi khi nhận chức linh mục, linh mục đã đặt hai tay của mình vào trong lòng bàn tay của giám mục để thề hứa xin vâng lời ngài, cũng như đấng kế vị ngài. Tuy nhiên, vâng lời đích thực phải có các cuộc đối thoại chân thành. Khi được trao sứ vụ, linh mục thành tâm nói cho giám mục nghe điểm yếu và điểm mạnh của mình, để cho giám mục biết có nên cất nhắc mình vào sứ vụ đó hay không. Và khi giám mục trao sứ vụ thì vui vẻ nhận lời, đừng so đo tính toán, vì toàn cả cuộc đời ta đã dâng cho Chúa. Khi gặp khó khăn trong công tác mục vụ hay thậm chí khi sa ngã trên đường đời, linh mục đơn sơ tâm sự với giám mục như người cha để nhận lời khuyên. Các ngài cũng mạnh dạn đề nghị bề trên của mình những ý tưởng để phát triển giáo phận. Đề nghị là trách nhiệm của mình, còn thực hiện là trách nhiệm của bề trên. Ngay cả khi những đề nghị của mình không được thực hiện thì linh mục cũng vui, vì ngoài mình ra, còn hằng trăm, nếu không nói là hàng ngàn đề nghị khác. Người cha của giáo phận chỉ làm những gì mà ngài cho là có lợi chung cho cả giáo phận.
3. Đối thoại với anh em linh mục
Số 8 của sắc lệnh nhấn mạnh tới việc tương quan giữa các linh mục với nhau. Trong tương quan này, có ba sự khác biệt cần đối thoại, đó là tương quan mà ta có thể tạm gọi: già- trẻ, giàu-nghèo, mạnh-yếu.
- Đối thoại giữa các thế hệ: Ý thức được sự khác nhau giữa các thế hê, một phần do tuổi tác, một phần do mỗi thế hệ được lĩnh hội một nền giáo dục khác nhau, nên Thánh Công Đồng đã khuyên các thể hệ hảy đối thoại để học hỏi lẫn nhau, nhất là tôn trọng sự khác biệt của nhau và trên hết mọi sự, phải tập đón nhận nhau: “Bởi vậy, những linh mục lớn tuổi hãy thực sự đón nhận các linh mục trẻ như là những người em và hãy giúp đỡ họ trong những công tác cũng như những gánh nặng đầu tiên của thừa tác vụ; hơn nữa, các ngài nên cố gắng hiểu biết tâm trạng của họ, dù khác với tâm trạng của mình, và theo dõi công việc của họ với lòng nhân hậu. Cũng thế, các linh mục trẻ phải kính trọng tuổi tác và kinh nghiệm của các vị lớn tuổi cũng như phải bàn hỏi các ngài về những vấn đề liên quan đến việc coi sóc các linh hồn và sẵn lòng cộng tác với các ngài” (PO. 8). Như vậy, phía linh mục lớn tuổi phải tập bao dung và sẵn sàng chỉ dẫn cho các linh mục trẻ như những người anh đi trước. Còn các linh mục trẻ phải khiêm tốn lĩnh hội kinh nghiệm của người đi trước. Nên nhớ rằng con người không nhỏ đi chút nào khi mình học hỏi kẻ khác. Sự trưởng thành nhân cách hệ tại ở việc khiêm tốn đón nhận những lời chỉ bảo, những kinh nghiệm quý báu của những người đi trước. Ở điểm này, đa số các địa phận đều bổ nhiệm các linh mục mới ra trường làm cha phó một thời gian dài trước khi làm linh mục chính xứ.
- Tương quan giàu-nghèo: Ở Việt Nam chưa có chế độ trả lương cho các linh mục, nghĩa là tất cả tiền xin lễ được gửi về Tòa Giám Mục, rồi sau đó Tòa Giám Mục phát lương một cách công bằng cho các linh mục. Vì chưa có chế độ trả lương, nên còn có chuyện xứ giàu, xứ nghèo, “lễ béo, lễ gầy”. Và ngay cả khi có chế độ trả lương thì chuyện giàu-nghèo vẫn luôn tồn tại, bởi luôn có người gặp nhiều “may mắn” trong các tương quan. Chính vì thế, Công Đồng khuyên các linh mục phải sống tình huynh đệ đặc biệt với anh em linh mục của mình: “các linh mục đừng quên lòng hiếu khách, phải lo làm việc thiện và san sẽ của cải, nhất là phải chú tâm đến những vị đau yếu, phiền muộn, lao lực, cô đơn, bị đày ải và ngay cả những vị bị bách hại” (PO. 8).Không chỉ chia sẻ, linh mục còn được mời gọi sống tinh thần nghèo khó. Thước đo của linh mục không phải là chiếc ô tô đẹp hay tài sản ngài có, nhưng là tương quan mật thiết với Chúa và quảng đại với anh em. Ngày xưa, Giu-Đa đã bán Chúa vì ba mươi đồng bạc, ước gì linh mục ngày nay không bán rẻ nhân cách linh mục của mình vì tiền bạc.
- Tương quan với những người gặp khó khăn: Linh mục cũng là con người. Họ được mời gọi lãnh nhận thiên chức từ những con người yếu đuối mỏng dòn, nhiều khi mỏng dòn hơn cả giáo dân. Ý thức chính từ những mỏng dòn yếu đuối của mình, người linh mục luôn sẵn sàng nâng đỡ những anh em khác khi họ sa ngã.Thánh Công Đồng dạy: “Các ngài phải biết rằng mình đặc biệt có trách nhiệm với những vị đang gặp những hoàn cảnh khó khăn; các ngài phải kịp thời giúp đỡ, và nếu cần phải khuyên bảo một cách tế nhị. Đối với những vị khiếm khuyết về một vài vấn đề nào đó, các ngài phải luôn lấy tình bác ái huynh đệ và quảng đại mà đối xử, lại phải cầu nguyện rất nhiều với Chúa cho các vị đó, và phải luôn tỏ ra mình là anh em bạn hữu đích thực của họ” (PO.8). Hành trình của con người là sự trở về với Chúa. Chúng ta luôn xác tín rằng mỗi tội nhân, kể cả chúng ta, đều nhận được ân sủng để trở về với Ngài và với anh em. Nói như ĐHY Nguyễn Văn Thuận: “Mỗi vị thánh đều có một quá khứ, mỗi tội nhân đều có một tương lai”.
4. Đối thoại với giáo dân được ủy thác cho mình
Ở Việt Nam, do ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo cũng như vấn đề tôn trọng phẩm trật trong Giáo Hội Công Giáo, các linh mục, dù còn rất trẻ, vẫn thường có thói quen “phán” cho giáo dân nghe. Giáo dân nhiều lúc “bằng mặt mà không bằng lòng”. Vì thế, một mục tử đích thực phải học cách đối thoại với giáo dân của mình. Khi vừa được bổ nhiệm coi sóc một giáo xứ, các ngài phải dùng thời gian tìm hiểu những phong tục, tập quán, những mặt yếu, mặt mạnh của giáo xứ. Ngài phải lắng nghe các bô lão, các ông câu, ông trùm, cũng như các thành phần dân Chúa nói cho nghe về giáo xứ của họ. Không ai hiểu giáo xứ hơn những giáo dân sở tại. Sắc lệnh về chức vụ và đời sống của linh mục nhấn mạnh tới hai điểm sau đây trong tương quan với giáo dân:
- Nhìn nhận các khả năng của giáo dân: “Các linh mục phải thành thật nhìn nhận và nêu cao phẩm giá và vai trò riêng biệt của giáo dân trong sứ mệnh Giáo Hội. Các ngài cũng phải thành thật kính trọng sự tự do chân chính mà mọi người có quyền được hưởng trong xã hội trần gian. Các ngài phải sẵn lòng lắng nghe giao dân, lưu ý đến nguyện vọng của họ trong tinh thần huynh đệ, nhìn nhận kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của họ trong các lãnh vực khác nhau của hoạt động nhân sinh, để cùng với họ có thể nhận biết những dấu chỉ của thời đại”. Và khi nhìn nhận khả năng của giáo dân, “các ngài phải tin tưởng trao phó nhiệm vụ cho các giáo dân trong việc phục vụ Giáo Hội, để họ được tự do và có lãnh vực hoạt động, hơn nữa lúc thuận tiện, phải khuyến khích họ đảm trách công việc” (PO.9).
- Xây dựng giáo xứ hiệp nhất: “Các ngài phải tìm cách hòa hợp các tâm trạng khác nhau, để không ai cảm thấy mình xa lạ trong cộng đoàn tín hữu”. Đồng thời, “các ngài là những người bênh vực ích chung mà các ngài gìn giữ nhân danh Giám Mục, đồng thời là những người can đảm bảo vệ chân lý để các tín hữu không bị lôi cuốn bởi một chủ thuyết nào” (PO.9). Liên quan đến vấn đề chủ thuyết, để hiệp nhất cộng đoàn, Giáo Hội khuyên các linh mục không làm chính trị dưới danh nghĩa đảng phái, nghĩa là không tham gia bất kỳ đảng phái nào: “Trong việc kiến thiết cộng đoàn Kitô, các linh mục không bao giờ phục vụ cho một chủ thuyết hay một đảng phái nhân loại nào, nhưng là những vị rao giảng Phúc Âm và là chủ chăn của Giáo Hội, các ngài lo lắng theo đuổi việc phát triển thiêng liêng của Thân Thể Chúa Kitô” (PO.6). Sở dĩ Giáo Hội khuyên các linh mục không nên tham gia đảng phái, vì ở các nước tự do, trong một giáo xứ, thường có nhiều đảng phái. Nếu linh mục ủng hộ đảng này thì sẽ làm phật lòng giáo dân theo các đảng khác. Như vậy, linh mục trở thành con người của sự chia rẽ. Tuy không làm chính trị theo nghĩa đảng phái, nhưng linh mục là những người thực thi sứ mạng bảo vệ những giá trị của Tin Mừng, các ngài phải luôn bảo vệ, cổ xúy và phát triển phẩm giá và nhân quyền cũng như cương quyết nói lên những gì nghịch với nhân quyền. Nói tóm lại, linh mục phải thi hành nghĩa vụ công dân, nghĩa là dấn thân cho công ích. Hơn nữa, các ngài còn thi hành nghĩa vụ ngôn sứ, tức là dấn thân cho một xã hội thực sự công bằng, dân chủ, bác ái và huynh đệ. Kinh nghiệm cho thấy, giáo dân thường sống đoàn kết,hiệp thông chung quanh một mục tử can đảm thực thi chức năng ngôn sứ của mình.
Để tránh gây chia rẽ trong cộng đoàn, linh mục cũng cần tránh xa sự tùy tiện của người lãnh đạo, nhất là trong việc đề cử các ban ngành. Ở nhiều nơi, đã có tình trạng giáo dân tập họp để bầu các ban ngành theo nội quy của giáo xứ. Cha xứ không đồng ý và đã chọn những người khác hợp sở thích của mình.Vì thế, giáo xứ chia rẽ. Một ít theo cha xứ. Số còn lại cho rằng giáo dân được quyền tự quyết trong việc chọn người đại diện của mình. Giáo xứ chia rẽ trầm trọng, người đến nhà thờ thưa dần. Đức Giám Mục phải đổi cha xứ đi nơi khác.
Còn một vấn đề khác rất cần cho tinh thần đoàn kết trong giáo xứ. Thông thường, khi nhận một xứ mới, trong giáo xứ thường có hai khuynh hướng: một theo cha mới và một theo cha cũ. Vì thế, để tránh xung đột xảy ra, cha mới nên dạy cho giáo dân biết tôn kính các linh mục quản xứ trước mình. Ở Sài Gòn, tôi thấy cha xứ họ đạo Gia Định thường cầu nguyện cho linh hồn các cha sở của họ đạo đã qua đời, ngài cũng dạy giáo dân tôn kính các cha đã từng giúp xứ Gia Định. Đây là một thái độ của những con người trưởng thành. Chúng ta không cần loại trừ người khác, hoặc các công trình của người khác để khẳng định chính mình. Ngược lại, khi có thái độ tôn trọng các vị tiền nhiệm thì giáo dân cũng tôn trọng linh mục quản xứ hiện tại, cũng giống như cha mẹ biết tôn trọng ông bà thì con cái sẽ tôn trọng cha mẹ.
5. Đối thoại với con người đương thời
Khi nói đến đối thoại với con người đương thời, tức là đề cập tới việc đối thoại với con người ngày hôm nay. Linh mục yêu quá khứ qua lịch sử, chuẩn bị nhân sự cho tương lai, nhưng ngài là con người của hiện tại. Là người hiện tại, các ngài phải dùng ngôn ngữ của hiện tại. Hiện tại luôn có những thách đố riêng của nó, hay nói như Thánh Kinh, “ngày nào có sự khốn khó của ngày đó”. Để đối thoại với con người ngày hôm nay, Thánh Công Đồng khuyên các linh mục hảy không ngừng trau dồi kiến thức và hoàn thiện chính mình: “Thực ra, trong thời đại chúng ta, văn hóa nhân loại và ngay đến khoa học thánh cũng tiến thêm một bước mới, nên khuyên các linh mục hảy hoàn bị kiến thức của mình về Thiên Chúa và về nhân loại một cách thích hợp và liên tục, và như thế các ngài tự chuẩn bị để đối thoại với những người đương thời một cách thích hợp hơn” (PO. 19).
Thực tế các giáo xứ ở Việt Nam hôm nay, giáo dân không còn khép kín sau lũy tre làng. Phong trào di dân về các thành phố lớn hoặc ra nước ngoài tìm việc làm, rồi giới trẻ công giáo vào các trường Đại Học ngày một đông hơn.Những con chiên sau một thời gian làm việc ở phố phường trở về, không còn sống như những con chiên trước kia. Linh mục phải tìm hiểu nguyên do. Phố phường không phải chỉ là tội lỗi, nó cũng có những mặt tốt của nó. Rồi các sinh viên tiếp cận với những hậu quả của chủ nghĩa vô thần. Linh mục phải tìm hiểu xem ở Đại Học người ta dạy cái gì để ứng phó và hướng dẫn giới trẻ. Còn các vấn đề khoa học đặt ra cho Đức Tin. Linh mục tìm hiểu và giải thích cho giáo dân. Một khoa học chân chính là hồng ân của Thiên Chúa, vì chính Ngài đã dựng nên trí thông minh của con người.
Đặc biệt, trong thời đại các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là internet bùng nổ đã làm cho thế giới trở thành ngôi nhà nhỏ. Thông tin ở trên mạng thì đa chiều. Kẻ dùng internet để truyền bá Đức Tin cũng nhiều, người dùng nó để phá Đạo cũng không ít. Linh mục thường xuyên truy cập tin tức để định hướng cho giáo dân, bảo vệ sự trong sáng của Đức Tin Ki-Tô giáo.
6. Đối thoại với lương dân
Sau nhiều năm, do hoàn cảnh lịch sử, có thể nói, chúng ta giữ đạo hơn là truyền đạo. Linh mục cũng thế, chúng ta thi hành việc quản trị, điều khiển, bảo tồn và phát triển Đức Tin nơi giáo xứ mình nhiều hơn, nếu không muốn nói là hiếm khi truyền đạo cho lương dân. Đây có thể là thời điểm thuận tiện để ta đến với lương dân, vì đó cũng là trách nhiệm mà Giáo Hội ủy thác cho linh mục. Chúng ta hãy nghe Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục khuyên: “Sau hết các ngài phải đặc biệt coi sóc tất cả những người chưa nhận biết Chúa Ki tô là Đấng Cứu Chuộc mình” (PO. 9). Tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể “coi sóc” lương dân, nếu chúng ta không đến với họ?
Lùi về lịch sử, chúng ta khâm phục các nhà truyền giáo Tây Phương. Họ đến từ một nền văn hóa khác, hoàn toàn xa lạ, không biết ngôn ngữ, chưa rành tập tục. Thế mà các ngài đã đi vào các làng mạc, đến cả những vùng rừng núi heo hút để đem Tin Mừng đến cho cha ông chúng ta. Thế thì tại sao ta không có những sáng kiến trong hoàn cảnh hiện tại, hay ít ra cũng bắt chước các ngài để đối thoại, đem Tin Mừng đến cho lương dân trong xã hội hôm nay?
Miền Bắc, do bị tuyên truyền lâu nay, nên nhiều làng lương dân xem các làng công giáo như những người sống xa lạ, theo Tây, kẻ thù của dân tộc. Chúng ta cố gắng thiết lập tương quan để giải thích đạo ta là đạo tình yêu, không thờ ngoại bang, nhưng yêu tất cả mọi người. Cũng nói cho họ biết là ngay cả chủ nghĩa cộng sản cũng nhận từ ngoại bang, từ Tây Phương. Vấn đề không phải là đạo ấy có nguồn gốc từ đâu, song là sứ điệp của đạo ấy mang đến cho con người. Các cha xứ tìm tất cả các dịp thuận lợi để tiếp xúc, giúp đỡ người lương dân.Dịp nhận chức linh mục, ta có thể mời bạn bè thầy cô lương dân để tỏ lòng biết ơn. Dịp Noen thì khuyến khích các gia đình, các học trò mời bạn bè lương dân về dự lễ. Chính linh mục có thể mời các thầy cô dùng tiệc sau lễ Noen. Nhân tiện giải thích về mầu nhiệm nhập thể trong bài giảng cho lương dân hiểu. Ngoài ra, có thể mở các lớp dạy ngoại ngữ, lớp bồi dưỡng vào dịp hè và cho các em lương dân học miễn phí. Khi có gia đình lương dân qua đời, chúng ta có thể phúng điếu, thăm viếng và nâng đỡ họ. Hay là mở các tủ thuốc tình thương giá rẻ cho mọi người trong vùng. Có lần, tôi đi thăm cha Bosco Nguyễn Văn Đình ở Cù Lao Giêng. Chiều tối, tôi thấy từng đoàn người lương dân vào xin hoặc mua thuốc ở tu viện Phanxicô. Tôi mạo muội hỏi một người lương dân: sao chị không mua thuốc ở trạm xá nhà nước mà vào đây? Chị trả lời: “Thuốc của Ông Cố là thuốc thật”. Chỉ một câu trả lời ấy thôi, tôi thầm cám ơn Chúa, vì người phụ nữ này, dù chưa nhận phép Rửa Tội, thì tâm của chị đã ở nơi người công giáo, nơi Đức Tin người kitô giáo rồi. Hay là chúng ta cũng có thể khuyến khích mỗi gia đình công giáo kết nghĩa với một gia đình lương dân. Về mặt này, chúng ta phải thừa nhận Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn, giám mục Đà Lạt, đã có một thành công lớn trong công cuộc truyền giáo. Không chỉ ngài trực tiếp đối thoại, gặp gỡ lương dân, nhất là anh chị em người dân tộc thiểu số, ngài còn đề nghị các gia đình công giáo trực tiếp đỡ đầu các gia đình dân tộc. Nhờ các tương quan, nhờ các cuộc gặp gỡ với các gia đình công giáo, nhiều anh chị em dân tộc đã nhận lãnh Bí Tích Rửa Tội, đến với Tin Mừng tình yêu.
Kết luận:
Mỗi con người không phải là một ốc đảo. Sống là sống với và sống cho người khác. Ai đó đã thốt lên: giết người rồi ta ở với ai? Sống với người khác thì cần đối thoại. Ngôn ngữ Việt nam thật hay khi sử dụng danh từ “người ta”, nghĩa là trong người có “ta” và trong “ta” có người. Ngôn ngữ càng hay hơn khi dùng từ “người khác”, nghĩa là “người” luôn khác “ta” và “ta” luôn khác “người”. Vì khác biệt, nên con người cần đối thoại để giảm bớt khoảng cách, để “người khác” dần dần trở thành “người ta”. Linh mục là người của mọi người, người “làm dâu trăm họ”, nên các ngài lại cần đối thoại hơn bao giờ hết. Khi đối thoại không chỉ bằng lời mà bằng cả cuộc đời, linh mục theo gương Đức Ki-Tô nhập thể sống giửa muôn người để thiết lập các tương quan: giao hòa giửa người với người và giao hòa giửa người với Thiên Chúa, cho mọi người “được sống và sống dồi dào”. Cuộc đối thoại tuyệt vời nhất, chính là hy lễ được dâng trên bàn thờ mỗi ngày. Nơi đó, cộng đoàn dân Chúa, các chi thể khác biệt cùng hiệp nhất trong thân thể nhiệm mầu của Đức Ki-Tô, như bản hòa tấu kết hiệp bởi muôn cung đàn, để cùng dâng lên Chúa Cha lời cảm tạ tri ân vì ân huệ cuộc sống, Đức Tin và nhất là vì con người luôn có khả năng nói chuyện được với nhau sau những bất đồng.
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Linh mục và luật độc thân
-
Tính cách của Tu sĩ Công giáo -
Linh mục với vấn đề hồi tục -
Đời sống linh mục là một đời sống khó khăn -
Thụ phong Linh mục -
Giám mục & Linh mục -
Những bước chân -
Viết cho người linh mục -
Linh mục: Người được “chọn” và “gọi” -
Linh mục sống tu đức trong bối cảnh thực tế Giáo Hội và Xã hội Việt Nam hôm nay