Tính cách của Tu sĩ Công giáo
Con người được truyền ban cho kết hôn phù hợp với kết cấu của tâm lí và thể xác mình. Nhưng có những người quyết tâm và khoan khoái sống đời độc thân. Họ làm thế "vì nước trời" (Mt. 19:12).
Con người được phép bảo là của mình một số của cải nhất định trong trần gian nầy. Con người cần chúng để độc lập, vì người ta nên sống như thế. Nhưng có những người cam kết không sở hữu riêng tư bất cứ của cải nào.
Con người phát triển bằng cách theo đuổi tính chủ động của mình. Nhưng có những người thề hứa tự nguyện vâng lời.
Những người ấy không giữ ba giá trị nhân sinh nói trên, cố gắng noi theo gương mẫu và lời chỉ bảo của Đức Giêsu. Vì thế có đề tài "Những lời khuyên của phúc âm" này. Người mà cuộc đời mình vĩnh viễn sống theo những lời khuyên ấy được gọi là tu sĩ.
Sống độc thân vì nước trời
Tình trạng độc thân chẳng phải là tình trạng không tình yêu. Ngược lại, tình yêu là động lực duy nhất cho cuộc sống ấy, và tình yêu ấy không thể tồn tại mà không có một thân xác. Người nam ấy không yêu đương một phụ nữ nào và không yêu dấu đứa con nào. Người nữ ấy không ôm ấp một nam nhi nào và không cưu mang một đứa con nào. Nhưng cơ bản, trừ việc quan hệ tính dục, thân xác ấy ở đó hoàn toàn cho nhiều việc khác. Nó có ở đó để sống quảng đại, để nói về chân lí, để bằng hàng ngàn cách biểu hiệu về mọi điều mà con người có thể sống, để là khởi điểm phục vụ người khác, và như thế, cũng để sinh hoa kết trái. Thân xác ấy ở đó để tối hậu ở cùng Thiên chúa. "Thân xác...là dành cho Chúa và Chúa dành cho thân xác. Và Thiên chúa đã cho Chúa sống lại, và Người sẽ cho cả ta sống lại nữa, bởi quyền năng của Người. Anh em không biết thân xác của anh em là chi thể của Đức Kitô sao?" (1 Cr. 6:13-15). Những lời này (vốn không nói về tình trạng không lập gia đình, nhưng về việc tránh tà dâm) nói cho chúng ta rằng mục đích căn bản của thân xác không phải à cho sắc dục. Như thế, sống độc thân vì Thiên Chúa không nhất thiết có ý nghĩa tối hậu là phủ nhận thân xác.
Nhưng thực tế phải nói là họ không lập gia đình. Sự sinh sôi của tinh lực, sự chờ đợi của dạ con, trái tim để trao hiến người khác - mọi sự ấy chẳng còn ăn thua gì. Không, không phải chẳng ăn thua, nhưng đơn giản chúng chỉ là phần phụ trong con người vươn lên toàn diện của người nam hoặc người nữ ấy. Người tu sĩ từ chối hôn nhân nhưng không từ chối phát triển toàn diện nhân cách của mình. Một nữ tu y tá, một nữ tu dạy học làm việc đời mình như một phụ nữ. Một nhà truyền giáo làm việc đời mình như một người nam. Phái tính thể xác không được hành xử nhưng nó phải có đó, để làm cho một người thật sự là nam hoặc nữ, để họ có thể có đức hạnh chân chính của một người trưởng thành. Trong ý nghĩa này, không có năng lực nào của thể xác và tâm hồn là không cần thiết. Chúng ta hiểu rằng Đức Kitô là một con người trọn vẹn. Khi sống như một con người, ngài mang tin mừng đến cho nhân loại.
Những ai sống độc thân cho nước trời, đều cố gắng chuẩn bị cách đầy đủ qua cầu nguyện và hoạt động, và như thế, được sinh hoa kết trái theo nhiều cách thức mà người khác không thảnh thơi thực hiện. Họ đem tâm hồn mình cho người khác bằng nhiều cách thức, bởi và trong những người nhận ấy, họ thấy sự kết hợp, kiên định và chân lí. Điều này cho thấy trong cuộc sống tu trì, đức tin thiết yếu biết bao. Vì làm sao người ta có thể chọn yêu nhiều người mà không đem trái tim mình trao cho một người?
Không của cải
Lời khuyên thứ hai của phúc âm là sống không có tài sản riêng. Mọi của cải được sở hữu chung. Điều này không có nghĩa từ bỏ mối liên hệ với của cải trần gian như thể chúng là sự dữ. Trong ý nghĩa nhất định, tu sĩ cảm thấy mình thoải mái với mọi sự. Vì thế, tu sĩ không xem là mình không có gì cả, cả thế gian là nhà mình, như Phanxicô Assisi, khi ngài từ bỏ mọi của cải, đã coi mọi người là anh em và chị em của mình. Phêrô có lần nói với Đức Giêsu, "'Này chúng tôi từ bỏ mọi sự mà đi theo Thầy'. Đức Giêsu trả lời: 'Quả thật, Ta bảo các ngươi: không ai bỏ nhà cửa, hay anh chị em, hay cha mẹ, hay con cái, hay ruộng nương vì Ta và vì Tin mừng, mà lại không lĩnh lấy gấp trăm lần ở đời này về nhà cửa, anh em và chị em, mẹ và con cái cùng ruộng nương, làm một với cấm cách bắt bớ và sự sống đời đời trong thời sẽ đến'" (Mc. 10:28-30). Trong đoạn văn tuyệt diệu này, Đức Giêsu cắt nghĩa người mất mọi sự thì nhận được ngần nào ngay ở trần thế này. Nhưng sở hữu ấy không đến với người đó cách êm ả, mà đúng hơn tặng phẩm ấy được ban cho cách bền gan và mỗi thời mỗi mới giữa các cấm cách bách hại. Tu sĩ có sự sử dụng của cải mà không có quyền sở hữu chúng. Tu sĩ sống chủ yếu không tài sản cá nhân trong một tu hội mà mọi sự tùy thuộc vào đó, để tu sĩ giữ vô tư với của cải. Tu hội cũng phải giữ tính thanh thoát. Vì thế cần tới đạm bạc kiên trì. Chỉ giữ lại những gì cần cho nhiệm vụ. Đó là cách Đức Giêsu xử sự. Những cái còn lại thì dành cho những người lâm cảnh sa sút.
Vâng lời
Lời khuyên thứ ba của phúc âm là từ bỏ ý muốn của chính mình bằng vâng lời. Tu sĩ dứt khoát tìm kiếm ý muốn độc nhất, ý muốn của Chúa Cha, vì Đức Giêsu luôn luôn làm điều đó. Dĩ nhiên trong thực tế mọi Kitô hữu đều tìm cách thực hiện ý muốn của Chúa Cha. Có điều khi Kitô hữu bắt đầu sống đời nghèo khó và độc thân trong các tu hội, họ cũng bắt đầu thấy trong các mệnh lệnh của tu viện trưởng sự biểu lộ trực tiếp và rất cụ thể của ý muốn thiêng liêng. Lúc ấy, họ đã khấn vâng lời các bậc bề trên để có thể được sống giống Đức Kitô.
Đây không phải là từ bỏ lương tâm con người, mà dĩ nhiên có bỏ cũng không được. Tu sĩ có thể không vâng lời bất cứ mệnh lệnh nào làm điều có tội, nếu có. Trong hầu hết các luật thời xưa đều có đặt ra nguyên tắc này, coi là điều tự nhiên, thí dụ, từ chối dứt khoát lời biện hộ của các tội phạm chiến tranh cho là mình chỉ làm theo lệnh. Thêm nữa, vâng lời không có nghĩa từ bỏ tính chủ động và khả năng phê phán của ta, dù tu sĩ sẵn sàng bỏ các kế hoạch của mình nếu bề trên, có biết tới chúng, mà quyết định ngược lại. Việc này có thể liên quan gay go tới thử thách, đặc biệt lúc bề trên không thành thạo việc ấy, đi quá sâu vào chi tiết và để quá ít chỗ cho sáng kiến - tóm lại, bậc cai quản nào cũng đều có thể có khuyết điểm. Nhưng tu sĩ không nản lòng. Tu sĩ hiểu rằng trong vâng lời có một mầu nhiệm vĩ đại. Nó có nghĩa làm một với sự vâng lời của Đức Kitô theo ý muốn của Chúa Cha, đôi khi che khuất nhưng luôn luôn là đấng mang lại sự sáng tỏ. Thế gian này được đem tới nhiều bình an nhờ sự nhu thuận có quyết tâm của sự vâng lời của các tu sĩ.
Con tim khăng khít
Lời khuyên thứ ba trong ba lời khuyên của phúc âm là tận hiến trọn đời, lời khấn với Thiên chúa trong bộ ba lời khấn. Sống tận hiến là một kiểu mẫu rất đặc biệt của kinh nghiệm con người. Phaolô có lời diễn tả nó. Lúc phát biểu về việc giữ độc thân vì Thiên chúa, ngài nói rằng việc đó có thể giúp Kitô hữu "được khăng khít với Chúa không hề lơi", trong khi không bị xao lãng bởi các "lo âu" (1 Cr. 7:35-37). Kinh nghiệm mà Phaolô đưa ra như ý kiến này của ngài đã được xác nhận, cho đến hôm nay, bởi kinh nghiệm của vô số người khác.
Các Kitô hữu không được những lời khuyên phúc âm này mời gọi sẽ thấy gay go ở đây. Có phải vậy hàm ý rằng họ "không được khăng khít"? Hôn nhân, của cải, sự làm chủ chính mình, có phải là điều trục trặc không? - Dĩ nhiên không. Đức tin Kitô giáo xem điều ấy là những con đường trong đó con người phát triển và là những cách thức hướng đến Thiên chúa. Qua nỗi hân hoan của nụ hôn tình ái đầu tiên, qua niềm hãnh diện của đồng tiền công đầu tiên lãnh được, qua phiêu lưu của quyết định độc lập lớn lao đầu tiên, những giá trị ấy có thể là cuộc gặp mặt Thiên chúa. Nhưng vì chúng ta là người tội lỗi nên luôn luôn muốn một cái gì đó. Tình yêu của chúng ta không đạt tới người khác cách trọn vẹn, vẫn giữ lại chút vị kỉ và vì thế bị xao lãng với Thiên chúa. Chúng ta không luôn luôn để cho mình chia sẻ (và nhận ra) sự rộng lượng của Thiên chúa trong của cải của mình. Ý muốn của chúng ta đôi khi đi ngược lại ý muốn của Thiên chúa. Tóm lại, trong mọi cách thức hướng đến Thiên chúa này, chúng ta đều vẫn còn và vẫn là không ở ngoài trạng thái của tội nguyên tội. Chúng không dẫn đến Thiên chúa mà không có bất cứ trở ngại nào. Vì thế, có những người Thiên chúa kêu gọi, qua mầu nhiệm của Giáo hội ngài, tận hiến cuộc đời cho ngài cách giản dị hoặc có thể có những rắc rối nhỏ nhoi. Dĩ nhiên, trên thực tế, điều này không có nghĩa là "khăng khít" lập tức. Mà là một sứ mệnh kiên trì để trở nên khăng khít. Khi nhận ra trong cuộc sống mình tính duy nhất của ý định mình, họ trở nên những người có sự mộc mạc và thảnh thơi của Đức Kitô. Đôi khi dường như họ vẫn giữ được điều gì hồn nhiên mà những người khác thường đánh mất. Nó không là dấu vết của thời thơ ấu - dù có thể có, trong tôn giáo cũng như trong hôn nhân - mà nó là tính không kiêu căng, tính chính trực và sự đơn sơ của tâm hồn.
Thảnh thơi cho cuộc sáng thế mới
Cùng với sự tận hiến khăng khít, Phaolô đưa ra một động lực khác nữa là "vì các hình thức của thế gian này đang qua đi" (1 Cr. 7:31). Thời đó, ngài nghĩ là chuyện ấy sắp nhanh chóng xảy ra. Việc chậm xảy ra làm động lực đó ít cụ thể nhưng không mất giá trị. Tu sĩ được mời gọi theo các lời khuyên của phúc âm để định hướng cuộc đời mình thẳng hướng tới cái đang kéo dài: tình yêu đối với Thiên chúa và đối với mọi người, nước trời, ý muốn của Chúa Cha. Điều vẫn đúng là trong hôn nhân, của cải và quyết định riêng tư, người ta vẫn định hướng tâm trí mình tới cái đang kéo dài và thực hiện trong và qua những giá trị trần thế ấy. Tu sĩ được kêu gọi đạt tới sự thảnh thơi nhất định khỏi các thực tại trần thế đáng giá ấy, chú mục vào cái cốt lõi đáng giá vĩnh viển được hứa hẹn trong các thực tại ấy.
Rõ ràng tu sĩ là người có sứ mạng đối với trần thế và những cảm xúc con người. Thật ra, bằng việc không bị ràng buộc vào những giá trị như gia đình và của cải, tu sĩ có thể gắn bó với mọi việc trần thế và toàn thể loài người - như Phanxicô Assisi, Phaolô và cả Chúa. Nhưng bất chấp việc đó, hoặc đúng hơn, vì đó, tu sĩ có nỗi hân hoan nhất định cách đầy đủ nhất trong sự kéo dài của cuộc sáng thế mới, cố gắng nếm trải đặc biệt tất cả những điều Chúa hứa hẹn cho đời đời. Do đó, nếu sống kiên định theo lí tưởng và gắn bó với phần tín đồ còn lại, các tu hội có thể biểu tượng cho cái cốt lõi căn bản của hôn nhân, của cải và quyền tự quyết của đời thường. Họ là biểu hiệu rằng mọi sự ấy chỉ có thể làm tâm hồn con người mãn nguyện nếu được sống "trong Chúa", nghĩa là, trong tình yêu quên mình, đức tin vào thánh giá và hi vọng vào sự sống lại.
Để đi theo các lời khuyên, tu sĩ từ bỏ những con đường bình thường dẫn đến Thiên chúa. Vì thế, họ từ bỏ ân sủng thích hợp cho các con đường đó. Việc này liên can tới mạo hiểm. Ta từ bỏ những hân hoan và chăm sóc nhất định, vốn làm ta tốt lành và thánh thiện. Và việc ấy cũng kéo theo với việc người có gia đình cũng có sứ mệnh liên quan tới tu sĩ. Họ phải cho thấy đức hạnh, khôn ngoan và sự hi sinh mật thiết với cuộc đời thường của Kitô hữu. Đấy là thành phần bổ sung mà tu sĩ cần. Thật tiện lợi nếu người ở phía này cũng hiểu biết nỗi hân hoan và âu lo của ở người phía kia.
Đức Kitô là một gương mẫu
Thánh Phaolô không đề cập tới động lực thứ ba của các lời khuyên này. Nhưng nó rõ ràng có mặt đều khắp thông điệp phúc âm. Là sự kiện Đức Kitô sống độc thân. Ngài, người lí tưởng, người duy nhất có tâm hồn khăng khít chân chính, sống đời độc thân và không của cải. Điều ấy không có nghĩa ngài đánh giá hôn nhân và của cải là lầm lạc. Đánh giá ấy hiển nhiên vì thông điệp của ngài đến với chúng ta, rõ ràng nhất và giản dị nhất, theo con đường trần thế, nơi tội lỗi ngự trị. Thông điệp của ngài là sự ngự trị của Thiên chúa. Theo gương mẫu của Đức Kitô mà những người khác cũng từ bỏ việc lập gia đình "vì lợi ích của nước trời" (Mt. 19:12). Sự có mặt thường trực của Thiên chúa trong Thánh linh làm lối sống ấy đáng sống. Tu sĩ hiểu họ trao phó con tim mình cho ai.
Đức tin
Những động cơ ấy đặt cơ sở trên đức tin. Không có đức tin thì lối sống ấy phi lí, một tận hiến trống rỗng. Nhưng đức tin liên can đây thường là đức tin hiển nhiên và hân hoan. Việc nếm trải đời sống như một người "hèn mọn của Đức Giavê", con của Thiên chúa, em của Đức Giêsu, được đặt định cho thảnh thơi để làm điều tốt , để rao giảng đức tin mà không xao lãng, khiến lối sống ấy thành nhân tính cách sâu sắc và hoà điệu. Nó là dấu chỉ rằng ta không xây dựng trên cát. Dĩ nhiên có thể có những thời gian và hoàn cảnh đầy gay go. Nơi này cũng như nơi khác có thể có ngã lòng bởi sai phạm cùa chính ta, lỗi lầm của người khác hoặc hoàn cảnh. Theo cái nhìn loài người thì trong những trường hợp đó, dấu chỉ ấy ít lôi cuốn hơn. Tuy nhiên, có một điều vẫn gây xúc động, là đức tin. Trong ý nghĩa nhất định, nó gợi cảm hơn bao giờ hết. Họ hiểu rằng họ được mời gọi đến những hoàn cảnh ấy. Dưới lớp tro, đức tin, trông cậy và tình yêu vẫn âm ỉ cháy. Thông thường chúng ta thấy trong những người đó và trong những hoàn cảnh ấy có niềm hứng khởi mới lóe sáng sau những giờ âm u, để tưởng thưởng đức tin mà họ đã kiên gan bền chí.
Có lẽ các điều kiện mạnh mẽ nhất của đức tin được cung cấp bởi các cộng đoàn có những phần tử thực hiện công tác phục vụ cách thực tế và rất khiêm tốn - là các tu hội nam nữ tu sĩ, và các nam tu sĩ trong các tu hội tông đồ. Hiển nhiên là công việc của họ thường được cam kết và bền gan cách đầy hân hoan vì lợi ích duy nhất của Đức Kitô. Cũng thật sự có những dòng tu và những tu hội mà công tác chính là cầu nguyện. Đức tin làm cuộc sống của họ đầy ý nghĩa.
Ba lời khuyên của phúc âm đi cùng nhau. Chúng hỗ trợ nhau lập thành một lối sống dứt khoát, và lời khuyên này nâng đỡ lời khuyên kia. Điều này không có nghĩa chúng luôn luôn được thấy trong một trạng thái gồm đủ cả ba, nhưng nếu ai phấn đấu để theo bất cứ một lời nào thì luôn luôn nhận ra được cái gì đó của hai lời kia.
Linh mục độc thân
Có tục lệ từ thưở xưa là các giám mục là người giữ tình trạng không kết hôn. Tục lệ này được giữ nguyên trong Giáo hội phương Tây, dù trong Giáo hội phương Đông một người có gia đình có thể được truyền chức - và một linh mục được truyền chức có thể không lập gia đình. Chúng ta đã có nói về khái niệm này trong mối liên kết giữa thừa tác vụ và sự độc thân: rằng sứ mệnh của những người dẫn dắt trong Giáo hội là trách vụ rất đặc biệt và sinh hoa kết trái. Do đó, mối liên kết ấy rất có ý nghĩa. Có điều, điều ấy không có nghĩa phản bác. Các linh mục có gia đình của Giáo hội phương Đông và các mục sư của Giáo hội Tin lành thông thường là những vị chăn dắt rất tốt.
Thường có lời nói rằng linh mục không lập gia đình thì không nên đưa lời hướng dẫn về những vấn đề liên can tới cuộc sống hôn nhân. Nhưng thực tế dường như cho thấy nhiều người hài lòng thật sự lúc nói với linh mục độc thân về những vấn đề ấy. Các linh mục có kinh nghiệm rộng rãi nhờ những cuộc thảo luận với người thế tục. (Và liệu các tâm lí gia của các cơ sở hướng dẫn hôn nhân đặt căn bản các lời khuyên của họ trên những nghiên cứu thực tế hoặc trên những kinh nghiệm của riêng mình về hôn nhân? Hầu hết các vấn đề này có tính cách chủ yếu cá nhân và rất khác biệt giữa người này với người kia).
Thông thường tu sĩ và linh mục dường như cũng được ban tặng phẩm ân sủng đặc biệt trong công tác giáo dục của mình. Sau nhiều năm nếm trải yêu thương trong giáo dục, họ thông thường có thể ít nhất - không nói đến việc mất nhạy cảm đôi khi xảy ra - hiểu trẻ em theo cách mà các cha mẹ không thể hiểu.
Linh mục giáo phận thề hứa vâng lời giám mục, nhưng không khấn về sự nghèo khó. Trên thực tế, họ nhận thấy, cũng như toàn thể dân Thiên chúa nhận thấy, rằng lối sống thanh đạm thích hợp cho cuộc sống cử hành các bí tích và rao giảng phúc âm. Nhiều khi họ sống hết sức nghèo khó, còn hơn nhiều tu sĩ không sở hữu gì cả.
Cùng nhau trước Thiên chúa
Dân Thiên chúa ngóng đợi Chúa như chờ chú rể. Ngài yêu thương Giáo hội và đi tìm Giáo hội. Giáo hội đi tìm ngài. Mỗi giáo phận, mỗi giáo xứ, mỗi tu hội và mỗi gia đình đều tham dự cuộc tìm kiếm ấy. Những người lập gia đình, bằng tình yêu song phương của mình, là hình ảnh mầu nhiệm này của Đức Kitô và Giáo Hội. Nhưng họ cũng tham dự trực tiếp vào mầu nhiệm này vì tình yêu của họ cũng tìm thấy Đức Kitô trong người bạn đời, Đức Kitô tham gia vào cả đôi bạn. Tu sĩ được kêu gọi tham dự vào mầu nhiệm này của Đức Kitô và Giáo hội bằng tâm hồn khăng khít đặc biệt. Về điều có thể thực hiện trong định chế tu trì nam và nữ thì đã được giải thích (xem chương, chẳng hạn, về "Lời hằng sống").
Những biểu hiệu thiên hướng về cuộc sống tu sĩ thì cũng như của thừa tác vụ: sự bình an và hân hoan mà qua đó Đức Kitô cuốn hút linh hồn, sự xác nhận thiên hướng bởi việc chấp nhận ứng viên vào tu hội, sự sâu lắng kiên trì của các động lực. Về sự kiện đa dạng phong phú của các dòng tu và tu hội thì đã bàn tới trong chương Lịch sử Giáo hội.
----------------------------------
Ghi chú:
Bài này trích từ cuốn “Giáo lý mới Thời đại mới: Đức tin Công giáo”. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2005, Chương “Những lời khuyên của phúc âm” tt. 674-685”.
Xin xem them phần Lời người dịch, trong bài “Giáo hội và Nhà nước” vừa đăng trên trang nhà Dũng Lạc.
Trích dẫn Kinh Thánh lấy từ “Kinh Thánh”, bản dịch Nguyễn Thế Thuấn, Nxb Dòng Chúa Cứu Thế, Sàigòn, Việt nam, 1976.
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Linh mục và luật độc thân
-
Linh mục với vấn đề hồi tục -
Đời sống linh mục là một đời sống khó khăn -
Thụ phong Linh mục -
Những bước chân -
Giám mục & Linh mục -
Viết cho người linh mục -
Linh mục: Người được “chọn” và “gọi” -
Linh mục sống tu đức trong bối cảnh thực tế Giáo Hội và Xã hội Việt Nam hôm nay -
Linh mục, con người đối thoại