Viên mãn – tròn đầy

Viên mãn – tròn đầy

Một linh mục nói với tôi, khi đọc Kinh Cầu Cho Các Linh Mục (Trong Năm Linh Mục 2009-2010) hay bị chia trí, vì câu “Lời Chúa là chân lý tròn đầy và là sự khôn ngoan vô biên”, “Dân Chúa cảm nhận Chúa đang yêu thương đồng hành với họ, soi dẫn đường lối đến Nguồn Chân Lý tròn đầy”. Nhiều nơi thay vì đọc “Chân Lý tròn đầy”, thì đọc là “Chân Lý tràn đầy”. Sao một câu kinh mà có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến nhiều người? Tôi nghĩ là vì tròn đầy dịch nghĩa của hai chữ Hán viên mãn. Vậy, tròn đầy và viên mãn có nghĩa gì?

1. Nghĩa của tròn, đầy, viên, mãn.

1.1. Tròn: tt. (1) Có hình dáng, đường nét giống như hình tròn, đường tròn: Khuôn mặt tròn. (2) Có hình khối giống như hình cầu hoặc hình trụ: Trái Đất tròn. (3) (Âm thanh) Có âm sắc tự nhiên nghe rõ từng tiếng, dễ nghe: Giọng tròn. (4) Có vừa đúng đến số lượng nào đó, không thiếu, không thừa hoặc không có những đơn vị lẻ: Tròn mười tám tuổi. (5) (Làm việc gì) đầy đủ, trọn vẹn, không có gì phải chê trách: Làm tròn nhiệm vụ. dt. (6) (khẩu ngữ) (Cách sống) Tự thu mình lại để không va chạm, không làm mất lòng ai: Tính tròn. (7) (Âm nhạc) Nốt nhạc có độ dài bằng bốn nốt đen hoặc hai nốt trắng.

1.2. Đầy tt. (1) Hết mức chứa: Bát nước đầy (tng), Gió trăng chứa một thuyên đầy (Nguyễn Công Trứ) (2) Cảm giác hết mức chứa: Đầy hơi, đầy bụng. (3) Lượng rất lớn: Khách đầy nhà. (4) To nhỏ đúng cỡ: Khuôn trăng đầy đặn. (5) Đủ kỳ hạn: Đầy tháng. (6) Hành hạ: Đầy đọa. (7) Người ở hầu hạ: Đầy tớ (đày tớ).

1.3. Viên có 16 chữ Hán: 員(员), 貟(贠), 圓(圆), 円, 園, 薗, 园, 猿, 猨, 蝯, 垣, 袁, 轅(辕), 媛, 湲, 爰, ở đây là chữ 圓này, nghĩa là: dt. (1) Hình tròn: Viên hình, viên tâm (tâm của đường tròn), viên chu (chu vi hình). (2) Đơn vị tiền tệ Trung Quốc: Thập viên (mười đồng). (3) Trời: Đới viên lý phương (đầu đội trời chân đi đất). (4) Họ Viên. đt. (5) Bào chữa: tự viên kỳ thuyết (Tự bênh vực cách suy nghĩ của mình). (6) Hoàn thành: Viên phòng (hoàn thành viêc vợ chồng, chính thức chung sống). (7) Vê, vò, dùng hai ngón tay hay ban tay xe cho tròn: Viên thuốc mỏi tay. (8) Cách diển tả sự việc không có khuyến khuyết: Viên hoạt (khéo léo). (9) Chết, dịch từ tiếng Phạn: Viên tịch (Nhà sư chết). tt.(10) Vòng tròn: Nguyệt hữu âm tình viên khuyết (trăng có khi tốt, xấu, tròn và thiếu). (11) Đầy đủ: Viên toàn. (12) Trọn vẹn: Viên mãn. (13) Uyển chuyển: Viên nhuận (Âm thanh mượt mà êm dịu).

1.4. Mãn có ba chữ Hán滿 (满), 襔, 蟎 (螨), trong thuật từ viên mãn là chữ 滿, nghĩa là: dt. (1) Một trong những dân tộc của Trung Quốc: Người Mãn. (2) Họ Mãn. đt. (3) Đầy tràn: Sung mãn. (4) Đổ đầy: Mãn thượng nhất bôi (đổ đầy ly). tt. (5) Đầy, chật: Thất nội mãn nhân (trong phòng đầy chật người). (6) Hết, chấm dứt: Mãn nguyệt (Trẻ đầy tháng). (7) Đúng là: Mãn bất hảo (Đúng là không tố). (8) Vừa ý: Mãn nguyện. (9) Tự phụ: Kiêu mãn. (10) Hết hạn: Giá kỳ dĩ mãn (kỳ nghĩ đã hết). (11) Toàn vẹn: mỹ mãn. (12) Thoả mãn: Mãn ý (vừa lòng) pht. (13) Rất: Mãn cao hứng (rất vui mừng). (14) Tốt đẹp: Hạnh phúc mỹ mãn.

2. Nghĩa của viên mãn và tròn đầy

2.1. Viên mãn.

Theo nghĩa phổ biến trong các từ điển: Viên mãn: Đầy đủ, trọn vẹn, không thiếu chỗ nào (complet): “Đời văn minh, mỏi mắt chốn quê hương, Danh viên mãn, nhưng chí chưa viên mãn”(Phan Bội Châu). Nghĩa rộng: mãn nguyện, hài lòng, vừa ý, xứng tâm, hoàn tất, chung cuộc, tốt đẹp.

Theo nghĩa Phật Giáo [1]: Viên mãn: Hoàn toàn thành tựu, hoàn thiện, tròn đầy. “Tu hành viên mãn là tu hành có chứng ngộ, có kết quả hoàn thiện”. Viên mãn kinh (圓滿經): Kinh bao gồm tất cả, từ dùng để chỉ Kinh Hoa Nghiêm (華嚴經).

Theo nghĩa Đạo Giáo [2]: Viên mãn: Trước hạ huyền, sau thượng huyền [3], huyền khí [4] trên dưới hợp nhất là dương trong dương, hai cái tám lạng hợp làm một cân, là thời gian viên mãn. Tổ Tam Phong nói: “Trăng tròn tồn nơi khẩu quyết, giờ tý diệu nơi tâm truyền”

Theo nghĩa Công Giáo [5]: Viên mãn (L: plenus, A: plenteous, P: plein: Gốc HL. dapsilis: đầy đủ, bổ sung): sung mãn, dồi dào, tràn đầy, hoàn thành. Ví dụ: “Khôn ngoan viên mãn là kính sợ Đức Chúa” (Hc 1, 16); “Sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 3, 19); “Sự viên mãn của Đức Kitô” (Ep 1, 23; 4, 13); “Sự viên mãn của thần tính” (Cl 2, 9)...“tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người” (Cl 1, 19). “tất cả được viên mãn” (Ep 1, 23); “vũ trụ được viên mãn” (Ep 4, 10). Theo Thánh Kinh, “thời gian tới hồi viên mãn” hay “sự viên mãn của thời gian” (accomplissement des temps: Tb 14, 5; Gl 4, 4; Ep 1, 10) là cách nói trong tiếng Do Thái có nghĩa là thời điểm đã đến. Nó thường chỉ hai thời điểm đặc biệt của lịch sử: hoặc là “thời trọn vẹn” (la plénitude des temps: thời viên mãn), nghĩa là thời của Tân Ước, hoặc là sự tận cùng thời gian là thời sẽ thấy sự hoàn tất trọn vẹn và vĩnh viễn chương trình Thiên Chúa. Thuật từ này thích hợp một cách rất đặc biệt để chỉ quyền lực cứu độ của Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã lãnh nhận mọi quyền năng trên trời, dưới đất (Ga 1, 16), và Giáo Hội là sự viên mãn của Chúa (Ep 1, 23).

2.2. Tròn đầy:

Chúng tôi đã tra nhiều từ điển nhưng không thấy có mục từ này. Duy nhất trong quyển TỪ ĐIỂN PHẬT HỌC VIỆT NAM (1991) của Hoà Thượng Thích Minh Châu có sử dụng từ “tròn đầy” để cắt nghĩa thuật từ viên mãn. Có thể nói, đây là thuật ngữ mới, ghép bởi hai tĩnh từ thuần Việt: tròn và đầy, theo mặt chữ có nghĩa là: tròn trĩnh và đầy đặn.

3. Nhận xét:

3.1. Hai chữ viên và mãn gần nghĩa với nhau, đều diễn tả ý niệm về sự toàn vẹn, hoàn hảo. Thuật từ viên mãn là từ ghép Hán Việt có cấu trúc chặt vì gồm hai thành tố đều có nghĩa, thuật từ này có từ lâu đời, được sử dụng phổ biến rộng rãi trong nhiều lãnh vực, nhất là văn chương và tôn giáo. Mặc dù viên (cũng) có nghĩa là tròn, nhưng viên trong viên mãn thì lấy nghĩa là trọn (tức là nghĩa bóng của chữ tròn: trọn vẹn, tất cả, thi hành đầy đủ). Và mãn trong viên mãn thì lấy nghĩa là toàn vẹn, tốt đẹp. Do đó, viên mãn có nhiều ý nghĩa rất phong phú, có thể liệt kê nhóm các từ đồng nghĩa của mãn (từ trung tâm [6], với ý nghĩa là “toàn vẹn” ) như sau: mãn, mãn túc (đầy đủ), mãn mãn đương đương (đầy ắp) , sung mãn (đầy tràn), toàn mãn (đầy đủ), viên mãn (trọn vẹn), viên toàn, chu toàn, hoàn thành, hoàn tất,...

3.2. Có thể kiểm chứng: Khi truy tìm từ “viên mãn”, trên mạng Google cho thấy có khoảng 523.000 kết quả; chỉ có 32.400 cho “vẻ đẹp viên mãn”, 127 cho “bộ ngực viên mãn”, 9 cho “gò bồng đảo viên mãn”; 197.000 cho “hạnh phúc viên mãn”... Trong khi đó, với từ “tròn đầy”, trên mạng Google cho thấy có khoảng 473.000 kết quả; 191.000 cho “vẻ đẹp tròn đầy”, 175.000 cho “bộ ngực tròn đầy”, 28.200 cho “gò bồng đảo tròn đầy”; 63.000 cho “hạnh phúc tròn đầy” nhưng hầu hết là nói về hạnh phúc gia đình, đời sống tính dục!

Như vậy, tròn đầy có thể xếp vào nhóm từ đồng nghĩa của “tròn” (từ trung tâm, với ý nghĩa là “có hình như quả bóng”) là: tròn, tròn đầy, tròn đều, tròn trặn, tròn trịa, tròn trĩnh, tròn vo, tròn xoay, tròn xoe...

Tròn đầy cũng có thể xếp vào nhóm từ đồng nghĩa của “trọn” (từ trung tâm, với ý nghĩa là “trọn vẹn”) là: trọn, trọn vẹn, trọn hảo, trọn tốt, trọn lành, đầy đủ, hoàn toàn, hoàn hảo, hoàn thành, hoàn tất,...

4. Kết luận.

Viên mãn và tròn đầy là hai thuật từ gần nghĩa với nhau. Tuy nhiên, hai thuật từ này cũng có một số khác biệt:

- Về phương diện từ vựng (kết cấu ý nghĩa): viên mãn có ý nghĩa biểu niệm [7] trừu tượng và phong phú hơn so với tròn đầy. Đặc biệt trong các tôn giáo, viên mãn được dùng như một thuật từ có nội dung riêng, có khác biệt.

- Về phương diện tu từ: viên mãn có sắc thái biểu cảm và phong cách sử dụng [8] trung hòa và trang trọng hơn, phạm vi sử dụng rộng rãi hơn so với tròn đầy (có sắc thái biểu cảm và phong cách sử dụng khẩu ngữ, phạm vi sử dụng hạn hẹp hơn).

Cần nhận biết để phân tích, tập hợp thấu đáo các nhóm đồng nghĩa sẽ giúp cho chúng ta sử dụng các từ ngữ chuẩn xác và tinh tế hơn, phù hợp với tâm lý và thói quen của người đọc, người nghe hơn. Điều đó rất quan trọng đối với việc truyền giảng Phúc Âm vậy.

-----------------------------------

Ghi chú:

[1] x. Thiện Phúc, VIỆT ANH PHẬT HỌC TỪ ĐIỂN và Thích Minh Châu, Minh Chi, TỪ ĐIỂN PHẬT HỌC VIỆT NAM, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1991.

[2] Tấn Tài, Phước Đức biên dịch, TỪ ĐIỂN THUẬT NGỮ ĐẠO GIÁO, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2006.

[3] Hạ huyền tức là thận; thượng huyền tức là tim. Thượng huyền hạ huyền: Thượng huyền là khôn biến thành đoài, mùng tám đủ kim nửa cân, biểu tượng hình  của mặt trăng, ba lần biến thành càn. Hạ huyền là càn biến thành cấn, ngày 23 thiếu thuỷ hai lạng biểu tượng  của mặt trăng, ba lần biến thành khôn. Đường thẳng là huyền, đường tròn là đan. Tham Đồng ghi: “Thượng huyền đoài số tám, hạ huyền cấn cũng tám, hai huyền hợp với tinh, thể càn khôn liền thành, hai cái tám lạng ứng một cân, đạo dịch chính không nghiêng”.

[4] Huyền khí: chỉ khí được sinh ra giữa hai quả thận.

[5] Ref. : Olivier de La Brosse, TỪ ĐIỂN ĐỨC TIN KITÔ GIÁO (DICTIONNAIRE DE LA FOI CHRÉTIENNE), Cerf, Paris, 1968.

[6] Từ trung tâm (còn gọi là từ chủ đạo) của một nhóm từ đồng nghĩa là từ mang nghĩa chung, được dùng phổ biến và trung hoà về mặt phong cách, được lấy làm cơ sở để tập hợp và so sánh, phân tích các từ khác. Từ trung tâm thường là từ mang nghĩa chung nhất, dễ dùng và dễ hiểu nhất. Chẳng hạn, trong nhóm “mồ, mả, mộ, mồ mả” thì “mộ” là từ trung tâm, vì nó đáp ứng được các đặc điểm vừa nêu. Trong tiếng Việt, từ trung tâm có một số biểu hiện hình thức như sau:

• Nếu trong nhóm có cả từ đơn tiết lẫn đa tiết thì từ trung tâm thường là từ đơn;

• Nếu trong nhóm có những từ không có khả năng tạo từ phái sinh (nghĩa là từ được tạo ra từ yếu tố gốc nhờ biến đổi một hoặc vài thành tố trong đó) hoặc tạo từ phái sinh rất ít, thì còn lại, từ nào có khả năng phái sinh lớn nhất, từ đó cũng thường là từ trung tâm.

• Nếu một từ trực tiếp trái nghĩa với một từ trung tâm của một nhóm đồng nghĩa khác thì nó cũng sẽ chính là từ trung tâm trong nhóm của mình.

[7] Từ vựng học phân biệt “ý nghĩa biểu vật” và “ý nghĩa biểu niệm” của một từ hay từ ngữ. Vd: “tròn” có ý nghĩa biểu vật là “hình tròn” và ý nghĩa biểu niệm là “trọn vẹn”. Hai đơn vị từ hay từ ngữ được gọi là đồng nghĩa khi chúng có vỏ ngữ âm khác nhau, biểu thị các biểu vật hoặc biểu niệm giống nhau. Vd: “tròn” đồng nghĩa với “viên”.“Viên mãn” có ý nghĩa biểu niệm về sự hoàn hảo. Vd: “chân lý viên mãn” : Đó là một ý niệm trừu tượng. “Tròn đầy” cũng có người dùng với ý nghĩa này, như khi nói “gia đình hoàn hảo”: Cũng trừu tượng rồi, nhưng không bằng ý niệm về chân lý viên mãn”.

[8] Ngôn ngữ giao tiếp của con người tồn tại dưới hai dạng cơ bản là nói và viết. Về mặt thuật ngữ, người ta phân biệt: Phong cách nói (hoặc phong cách khẩu ngữ) và phong cách viết (hoặc phong cách sách vở) và phong cách trung hòa. Phong cách nói là ngôn ngữ thông tục, “đời thường”, chưa có sự gia công, trau giồi, ít gắn với những chuẩn mực nguyên tắc; còn phong cách viết là ngôn ngữ được trau giồi, chọn lọc, gắn liền với những chuẩn tắc đó, và cuối cùng là lớp từ ngữ trung tính (hoặc còn gọi: trung hòa về phong cách) có thể dùng trong mọi phong cách khác nhau.

Top