Ngày 19/08: Thánh Gioan Eudê, linh mục

Ngày 19/08: Thánh Gioan Eudê, linh mục

Ngày 19/08: Thánh Gioan Eudê, linh mục

Ngày 19 tháng 8
THÁNH GIOAN ÊUĐÊ,
NGƯỜI ĐÀO TẠO LINH MỤC

I. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

Thánh Gioan Êuđê sinh tại miền Normandie nước Pháp, thuộc địa phận Sées ngày 14 tháng 11 năm 1601 ở làng Ri. Thoạt đầu, thánh nhân theo học với các cha Dòng Tên tại Caen và sau đó đi vào Đại Học. Được gần gũi các cha Dòng Tên, được hun đúc về tình yêu Chúa và phục vụ tha nhân, thánh Gioan Eâuđê muốn đáp trả lại lời mời gọi của Chúa, nhưng gia đình Ngài ngăn cản Ngài trở thành linh mục. Ý Chúa thật nhiệm màu, Ngài không bao giờ nản chán và quyết tâm theo đuổi lý tưởng trở thành linh mục của Chúa, Ngài gia nhập hội dòng Giảng Thuyết do Đức Hồng y Bérulle vào năm 1623 và rất hăng say với công việc loan báo Tin Mừng. Thánh nhân nhiệt thành với công việc, chuyên cần học triết học và thần học, Ngài được gọi lãnh sứ vụ linh mục và sau đó được chỉ định làm cha xứ ở Aubervillier, đồng thời kiêm nhiệm chức vụ giảng dạy ở nhiều nơi trong nước Pháp. Đời sống đạo đức, lối sống thánh thiện, gương mẫu đi đôi với lời giảng dạy có sức thu hút, lôi cuốn nhiều linh hồn. Thánh nhân có tinh thần truyền giáo cao độ, khi trong vùng có dịch bệnh hoành hành, lan rộng khắp nơi, thánh nhân đã tình nguyện đi săn sóc bệnh nhân và an táng những người qua đời.

Thánh nhân có đời nội tâm sâu sắc, chính Ngài đã chấn chỉnh lại đời sống đạo đức và uy thế của các giáo sĩ bị sa sút, và thánh Gioan Euđê đã thiết lập nhiều chủng viện để thực hiện dự tính tốt lành của Ngài trong việc chấn hưng đạo đức và đào tạo giáo sĩ. Năm 1662, thánh nhân đã lập Hội sùng kính trái tim Chúa Giêsu, sau này được  đổi tên là Dòng Đấng Chăn Chiên Lành để giáo dục các thiếu nữ trụy lạc, hư đốn, sa đọa.

Với cố gắng tận lực, với lòng hy sinh, nhiệt thành cao độ, thánh Gioan Euđê đã được Chúa gọi về vào ngày 19 tháng 8 năm 1680. Đức thánh Cha Piô X đã cất nhắc Ngài lên bậc chân phước. Đức Giáo Hoàng Piô XII, vào dịp năm thánh 1925, đã tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh, và truyền cho Giáo Hội kính Ngài trên toàn thế giới vào năm 1928.(Internet)

II. BÀI HỌC.

Bài học thánh Gioan Euđê để lại cho chúng ta là việc ngài rất quan tâm đến việc giáo dục.Và vì quan tâm đến việc giáo dục mà ngài đã thiết lập nhiều chủng viện.

Từ xưa đến nay giáo dục, luôn là vấn đề nóng của mọi thời đại. Ngày 11 tháng 8 năm 2021 lúc 11 giờ tôi  vào Google nhập từ “giáo dục” trong vòng 0,63 giây tôi nhận được 181.000.000 kết quả.

Addison khẳng định: “Không có giáo dục, con người chỉ là một tên nô lệ, một kẻ man rợ”.

Có một nhà quí tộc đến thăm một vị ẩn sĩ nọ. Trước cổng nhà, vị ẩn sĩ nuôi một con két. Khi thấy nhà quí tộc con két liền nói:

“Chào nhà quí tộc, chắc ngài đi đường xa mệt lắm, xin vào đây nghỉ ngơi một chút, cứ xem như đây là nhà của quí nhân.”

Vào trong túp lều đơn sơ của vị ẩn sĩ, nhà quí tộc thắc mắc:

-Thưa ngài, cách đây không xa, một con két đã nói với tôi những lời hoàn toàn có tính rủa xả và đe dọa. Còn con két của ngài chỉ nói những lời lịch sự nhã nhặn.

Vị ẩn sĩ mỉm cười giải thích:

- Hai con két này vốn là anh em với nhau.

Nhà quí tộc ngạc nhiên:

- Anh em, nhưng sao lại nói năng khác nhau như thế ? Tại sao con két của ngài lịch sự tử tế, còn con két kia lại hung hăng dữ tợn ?

Vị ẩn sĩ trả lời:

- Két thì không có két nào tốt, két nào xấu cả, chúng chỉ học và lặp lại những gì chúng ta đã nghe mà thôi!

Cây cối trồng nơi đất tốt thì sinh trái tốt, trồng nơi đất xấu thì sinh trái xấu. Thú vật được huấn luyện giáo dục thì thuần thục, không được huấn luyện giáo dục thì vẫn giữ nguyên tính dã thú của nó. Kinh nghiệm cho thấy nguyên tắc này lại càng được áp dụng cho loài người: Được giáo dục dạy dỗ uốn nắn thì nên người, mà chịu ảnh hưởng xấu thì ra hư hỏng.

Nguyên tắc trên lại càng có giá trị hơn trong lãnh vực đức tin. Không được đức tin soi dẫn, con người dễ rơi vào lầm lạc và mù quáng; sai lầm trong tư tưởng dẫn đến lỗi lầm trong hành động. Một cuộc sống không được đức tin soi dẫn hoặc gạt bỏ ra bên ngoài chiều kích tôn giáo, là một cuộc sống bất hạnh nhất. Con người không những rơi vào lầm lạc mà nhất là không biết mình đang lầm lạc.

Nhưng làm sao để việc giáo dục mang lại nhiều hiệu quả nhất?

Vị giáo sư đại học Baltimore, Hoa Kỳ, yêu cầu các sinh viên đang theo lớp giảng huấn về xã hội học của ông hãy đến xóm nghèo của thành phố để nghiên cứu về cơ may được thăng tiến trong xã hội của hai trăm học sinh trong xóm. Vị giáo sư không khỏi ngạc nhiên khi đọc những bản báo cáo của các sinh viên sau thời gian nghiên cứu. Các sinh viên cho rằng không em nào trong hai trăm của xóm nghèo này được xét là có cơ may phát triển.

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Hồ sơ của hai trăm em được lưu giữ cẩn thận tại trường để rồi lại mươi năm sau, một vị giáo sư khác đem ra nghiên cứu lại và lần này giáo sư yêu cầu các sinh viên hãy đến xóm nghèo trên, để điều tra xem hai trăm em đã được phỏng vấn cách đây hai mươi năm hiện đang như thế nào. Bản tường trình thứ hai này cho biết một kết quả bất ngờ và tích cực như sau:

“Ngoại trừ hai mươi em chết hoặc đã cùng gia đình dọn đi nơi khác không để lại địa chỉ, thì có một trăm bảy mươi sáu em trong số một trăm tám mươi còn lại đã thành công trên đường đời, vượt xa mức tiên đoán của bản phúc trình thứ nhất đã được thực hiện hai mươi năm trước. Các em đó đã trở thành: người thì luật sư kẻ thì bác sĩ, người khác là những nhà kinh doanh nổi tiếng”.

Vừa bỡ ngỡ, vừa tò mò muốn biết tại sao các em trước kia bị thẩm định như là không có cơ may nào để tiến lên trong xã hội, nhưng nay đã thành công như vậy vị giáo sư mới này cho các sinh viên đi gặp từng người đã thành công để hỏi lý do. Tất cả đều nói đến một con người còn sống đã ảnh hưởng sâu xa đến đời sống của họ, con người đáng kính đó chính là thầy giáo của ngôi trường họ đã học. Vị giáo sư tìm đến người thầy giáo già để hỏi xem có bí quyết nào giúp thành công như vậy. ' '

Thầy giáo già trả lời: “Bí quyết của tôi đơn sơ lắm: tôi đã lấy tình yêu thương giáo dục những trẻ đó'

Tôi đã lấy tình yêu thương mà giáo dục những trẻ đó. Đấy là bí quyên của giáo dục. Và chỉ có tình yêu mới có thể giúp con người phát triển.

Không có tình yêu trong gia đình, cha mẹ không thể giúp con cái phát triển. Không có tình yêu trong xã hội, xã hội đó không thể đem lại sự phát triển đích thực cho con người. Con người cần đến tình yêu nhiều hơn của cải vật chất. Mẹ Têrêsa Calcutta đã có lời khuyên đơn sơ nhưng căn bản cho mọi công cuộc phát triển và cho hạnh phúc của con người. Mẹ nói:

“Hãy phổ biến tình yêu khắp nơi bạn sinh sống, trước hết là trong gia đình: cha mẹ hãy yêu thương con cai, vợ chồng yêu thương nhau, mọi người yêu thương người thân cận, đừng để bất cứ  ai đến với bạn mà lúc ra về lại không cảm thấy mình được trở thành tốt hơn, hạnh phúc hơn. Hãy biểu lộ hình ảnh sự tốt lành của Thiên Chúa trong ánh mắt, nụ cười, trong lời nói việc làm “.

Chỉ tình yêu thương mới giúp con người phát triển. Thiên Chúa đã đối xử với chúng ta như vậy. Ngài là tình yêu và không ngừng yêu thương chúng ta để tạo cho chúng ta biết bao cơ may để phát triển. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận tình yêu của Ngài, đồng thời đối xử như thế đối với anh em chung quanh. Yêu mến Chúa và yêu thương anh em, đó là trọn cả lề luật.

Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi những gì làm chúng ta không nhận thấy tình yêu Chúa. Xin Chúa ban tràn đầy tình yêu để chúng ta trở thành dụng cụ tình yêu của Chúa giữa mọi người.

Top