Về tác phẩm "Bắt Chúa Giêsu" của Caravaggio

Về tác phẩm "Bắt Chúa Giêsu" của Caravaggio

Đối với người Công Giáo, trong Mùa Chay, nhất là trong Tuần Thánh, nhân vật Giuđa với câu chuyện “bán Chúa” vẫn luôn được nhắc lại. Đây là chủ đề vĩnh cửu cho sự xét mình!

Trong nghệ thuật, chuyện Giuđa bán Chúa, cũng đã trở thành một chủ đề lớn, mà sự thể hiện luôn bao hàm những ý nghĩa suy nghiệm.

Có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật về chủ đề này, nhưng nổi tiếng nhất, phải kể đến “Cái hôn của Giuđa” của Giotto di Bondone (Giotto:1267-1337) và “Bắt Chúa Giêsu” (1) của Michelangelo Merisi da Caravaggio (Caravaggio: 1571-1610). Giotto di Bondone và Michelangelo Merisi da Caravaggio là hai bậc thầy hội họa, một người được xem là “vĩ nhân” mở đầu thời đại Phục Hưng trong nghệ thuật, và người kia là “thiên tài” tiên phong của nghệ thuật Baroque.

“Cái hôn của Giuđa” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Giotto, mà giá trị, cơ bản, là đóng góp một cách thể hiện mới, gần với kinh nghiệm hằng ngày hơn của mọi người, trước các chủ đề tôn giáo. Ngày nay, cách thể hiện này của Giotto đã trở thành quá đơn giản, chỉ có ý nghĩa minh họa (Kinh Thánh), nhưng đương thời, trong bối cảnh chịu sự chi phối rộng khắp của nghệ thuật Byzantium và Gothic, đã là cả một cuộc “cách mạng”. Nó không còn là những hình ảnh tượng trưng khô khan để “gợi nhớ”, “gợi tưởng” nữa. Đó đã là cả một câu chuyện: Giuđa đã hôn Chúa Giêsu như thế nào trước những kẻ đang vây bắt Người, và Thánh Phêrô đã cắt tai gã đầy tớ của thượng tế ra làm sao… Xin xem ảnh tranh:

Bức tranh của Caravaggio có một tinh thần và giá trị khác. Khác, bởi nó được vẽ sau bức tranh của Giotto đến gần tròn 300 năm, khi mà nghệ thuật đã đi qua trọn vẹn giai đoạn phát triển rực rỡ với khả năng tả thực ngày càng tinh tế hơn của thời đại Phục Hưng. Tranh của Caravaggio không còn thuần tuý là kể câu chuyện Kinh Thánh bằng hình ảnh nữa. Sắc thái biểu hiện với sự nhìn nhận và đánh giá chủ quan đã tràn ngập vào từng chi tiết trong tranh. Trong tranh, đã có thể ẩn giấu bao nhiêu suy tưởng siêu hình.

Bức tranh, thoạt trông, cũng có vẻ như chỉ mô tả “cái hôn của kẻ phản bội Giuđa”. Nếu có khác so với bức tranh của Giotto, phải chăng chỉ ở hình thức tả thực chi li và sống động hơn mà thôi?

Không đơn giản như vậy! Hãy nhìn kỹ bức tranh. Nổi bật trong không gian đêm tối là gương mặt im lặng chịu đựng trước cái hôn của kẻ phản bội và đôi bàn tay đan vào nhau của Chúa Giê-su.

Caravaggio đã thể hiện chủ đề cách khác. Ông diễn tả sự đón nhận của Chúa Giêsu trước sự phản bội này. Khi vẽ, cũng như Giotto và Leonardo da Vinci trước đây, Caravaggio đã nghiền ngẫm kỹ càng câu chuyện trong Kinh Thánh. Trong tranh, ngoài việc mô tả dáng vẻ thô bạo thể hiện qua cánh tay ôm chặt lấy Chúa Giêsu và gương mặt biểu lộ sự xác tín, ông hầu như không tập trung đánh giá hành động “bán Chúa” của Giuđa. Ông tập trung vào Chúa Giêsu. Đặc biệt như muốn nhấn mạnh vào đôi bàn tay đan vào nhau của Chúa Giêsu. Ánh sáng trong tranh cho phép nói như vậy về sự nhấn mạnh này. Ông muốn diễn tả phản ứng của Chúa Giêsu: chấp nhận, chịu đựng. Chính gương mặt hớt hãi trong tư thế quay lưng bỏ chạy của một vị Tông Đồ nào đó (được cho là Thánh Gioan) ngay sau lưng Chúa Giêsu, càng làm rõ nét sự điềm tĩnh chấp nhận của Người…

Chúng ta đã biết, trong Kinh Thánh, hành động bán Chúa Giêsu của Giuđa là có thật. Và, cũng trong Kinh Thánh, chúng ta đã biết, Chúa Giêsu đã biết trước hành động của Giuđa. Ngài chấp nhận điều đó như một sự thật hiển nhiên. Vấn đề này, đã và vẫn đang gây nhiều tranh luận trong các nỗ lực diễn giải Kinh Thánh khác nhau.

Trong cách nhìn của Caravaggio, khi thể hiện đề tài này, ông cho rằng sự chấp nhận trong Đức Vâng Lời của Chúa Giêsu mới là điều đáng chú ý, và đáng suy nghiệm nhất. Phần “nhận lại từ Chúa Giêsu”, chính là thông điệp về sự chấp nhận trong Đức Vâng Lời này! Chúa Giêsu đến thế gian không phải để giành phần thắng theo cái nhìn thế tục. Chúa Giêsu đến thế gian và chịu khổ nạn, để chứng minh sự tất thắng của CÁI THIỆN. Đôi bàn tay đan vào nhau của Chúa Giêsu biểu thị cho sự kiềm chế các phản ứng trần thế mà Người đang mang vác trong hình hài con người. Chúa Giêsu trước đó đã làm vô số Phép Lạ của một sức mạnh Siêu Nhiên, và không ai có thể bắt được Người. Nhưng Người đã không dùng cái SỨC MẠNH SIÊU NHIÊN ĐÓ để ĐỐI KHÁNG VỚI BẠO LỰC CỦA CON NGƯỜI. Người đã chấp nhận để bị bắt, chịu cực hình rồi chịu đóng đinh trên Thập Tự Giá trong dáng vẻ yếu đuối của con người. Chỉ trong dáng vẻ này, Người mới làm thức tỉnh lương tri con người. Bởi, chính sự thức tỉnh lương tri mới là nền tảng của đạo đức. Và đó là Thánh Ý Chúa…

Với Caravaggio, hình ảnh Giuđa với bàn tay thô bạo và vẻ mặt xác tín, chỉ là biểu tượng cho sự u mê, tham lam bán mình cho các loại quyền lực trần thế của con người mà thôi. Có lẽ, ý tưởng của ông là quá mới lạ, quá táo bạo so với cách nghĩ đương thời, nên tác phẩm này của ông, suốt gần 4 thế kỷ sau đó, đã bị chìm khuất trong bóng tối. Cả thời gian dài, người ta không biết về sự tồn tại của nó, ngoài một số giai thoại đủ loại về nó - từ chuyện các phát biểu của ông vừa nêu cho đến chuyện ông lấy mình làm nguyên mẫu cho hình tượng Giuđa…

Mãi đến năm 1990, tác phẩm “Bắt Chúa Giêsu” này của Caravaggio mới được tìm thấy một cách tình cờ trong phòng ăn của các linh mục dòng Tên ở Dublin (Ireland). Những khảo sát sau đó đã xác nhận đây là một bức tranh thật của Caravaggio, và từ 1993, nó đã được chuyển về treo tại Thư viện Quốc gia Ireland.

Nguyên Hưng

----------------------------
(1) Tên tiếng Ý của bức tranh là "La Cattura di Cristo", dịch thẳng ra tiếng Anh là "The Capture of Christ". Khi dịch một cách văn vẻ hơn, thay vì dùng chữ "Capture", thì người ta dùng chữ "Taking".

Top