Văn hóa nhà tu

Văn hóa nhà tu

"Văn hóa nhà tu như là bức tranh mà người họa sĩ sâu sắc, tinh tế, ý nhị và khéo léo đã cẩn thận miêu tả những cái đẹp trong đời thường, trong giá trị nhân bản của người tu sĩ dưới những gam màu phù hợp với từng chi tiết" (Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, O.P)

Ngày nay, những cụm danh từ liên quan đến văn hóa, đến đời sống con người xuất hiện đầy dẫy trong môi trường sống, trên các tạp chí, thông tin, phương tiện truyền thông, trong nhận thức, trên môi miệng con người thời đại: văn hóa giao thông, văn hóa còi xe, văn hóa điện thoại, văn hóa ứng xử… Cái văn hóa đa dạng, nhiều bộ mặt ấy gắn liền với những suy nghĩ, hoạt động của con người cả về tinh thần lẫn vật chất. Khi nói đến văn hóa, người ta liên tưởng đến những cái đẹp trong cuộc sống, mang giá trị nhân văn, làm cho thế giới được biến đổi với những họa tiết đẹp, đủ ánh sáng, bố cục hài hòa trong nét vẽ người họa sĩ bởi “văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng với nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người”. Từ những khuôn mặt của văn hóa, cách nào đó, ai đó có thể cũng đưa ra một lãnh vực nữa trong thế giới của văn hóa, gắn với cái đẹp mang tính nhân văn, ghép thêm một danh từ nữa cho văn hóa, để trở thành một danh từ kép liên quan đến người tu sĩ: văn hóa nhà tu.

Đó không phải là một kiểu cách ăn theo, hay cũng chẳng phải là một chế biến mới để gọi tên ra cái mà vốn dĩ nó vẫn có, chuyên chở những nét đẹp rất đời thường của người tu sĩ. Có khác hơn, ta dùng một cách nói cho cùng với thời đại, suy nghĩ để nói về cái vẫn có đó mà thôi: văn hóa nhà tu.

Sở dĩ ta không đặt tên, hay cho trình làng một khái niệm, phạm trù mới, nhưng chỉ là một cuộc rong chơi khác để vận hành trí não, để suy tư, lôi chúng ra từ thực tiễn mà suy gẫm, rà xét lại. Lối gọi ấy chỉ là cho in lại bức tranh có không gian của văn hóa, của cái đẹp mà những người tu trì vẫn thường xuyên sống với, vẫn hàng ngày thể hiện cái đẹp ấy trong ý niệm, trong nhận thức, trong không gian văn hóa riêng biệt được gạn lọc từ những cái gì tinh túy về tinh thần của truyền thống, của đất nước và của con người. Nhưng điều tuyệt vời để làm nên giá trị mang tính nhân văn, văn hóa của người tu sĩ, chắc chắn không chỉ là những bậc giá trị đời thường buộc phải có, nhưng phải được khởi nguồn từ CHÂN- THIỆN- MỸ, nguồn mạch mà họ kín múc được từ Thiên Chúa và thể hiện cái đẹp ấy trong mỗi nhịp bước đời thường.

Văn hóa nhà tu như là bức tranh mà người họa sĩ sâu sắc, tinh tế, ý nhị và khéo léo đã cẩn thận miêu tả những cái đẹp trong đời thường, trong giá trị nhân bản của người tu sĩ dưới những gam màu phù hợp với từng chi tiết. Nghệ thuật tinh tế trong từng nét vẽ với bố cục hài hòa thu hút người xem và làm cho cuộc đời thêm thi vị. Văn hóa nhà tu là thế, chỉ đơn thuần là những cái nhỏ bé trong nhịp đời được thể hiện ra bằng cái đẹp trong môi trường họ sống với cần phải có. Cái đẹp ấy là thực, là tự nhiên mà không cần dùng đến những hiệu ứng hay kỹ xảo của thời kỹ thuật số.

Ngày hôm nay, người ta buồn phiền, bị căng thẳng nhiều hơn khi phải đối mặt với những cái chưa đẹp, thiếu văn hóa trong cuộc sống. Tiếng còi xe inh ỏi ngoài đường phố, những kiểu la hét kiểu chợ đời trong cái điện thoại từ phía người giao tiếp, những khuôn mặt lạnh băng, thiếu thân thiện, những kiểu làm văn hóa mà lại vô văn hóa theo kiểu ba cọc ba đồng… không phải là hiếm trong nhịp đời hàng ngày. Nó làm cho xã hội đang chóng mặt lại càng nhức nhối nhiều, làm cho sự thân thiện, chân thật khó lòng mà cạnh tranh, tìm cho mình chỗ đứng. Những cái phiền lòng ấy làm cho người ta ngán ngẩm để nhận ra cái đẹp đời thường đang bị lu mờ bởi cá nhân hay tập thể giới nào đó.

Trận động đất, sóng thần tại Nhật Bản trong tháng 03/2011 vừa qua là đề tài, vấn đề nóng bỏng trên khắp thế giới. Bên cạnh những hình ảnh đau thương từ thảm họa mà đất nước Nhật Bản đang phải gánh chịu, thì một nét đẹp khác trong tính cách của người Nhật đang được đề cao: sự kiên cường, bình tĩnh, và cư xử rất “đẹp” ngay cả trong tình huống khó khăn, phức tạp. Giữa những giây phút cận kề sự sống và cái chết, giữa cơn thảm họa đang xảy ra, người Nhật vẫn bình tĩnh, kiên nhẫn xếp hàng chờ lên xe buýt, chờ đợi đến lượt gọi điện thoại công cộng…Nếu sống trong tình cảnh ấy, liệu chúng ta, những người tu sĩ, có thể chờ đến lượt mình …hay lại phản ứng để tìm “ vé” ưu tiên? Có chuyện kể tưởng chừng nghe như đùa khi biết có bệnh nhân nọ - là tu sĩ- cứ khăng khăng đòi bệnh nhân khác cho mình có quyền ưu tiên chiếm hữu nguyên một cái giường (trong khi bệnh viện xếp hai người cùng nằm chung một giường do bệnh viện quá tải) chỉ để vào nước biển chuẩn bị ca mổ…!?! Và thật khó hiểu khi thấy tu sĩ kia thật “bình chân như vại”, không hề có động thái nào trước chồng ly nhựa bị gió hất tung xuống đất, lăn lóc trước mắt họ! Và chắc chắn không thể nhẹ lòng khi chợt thấy cách cư xử ấu trĩ, chưa trưởng thành của người tu trì, khi họ không can đảm là mình, sống giả tạo, cho qua những đoạn cầu phải đi. Từ sự thiếu trưởng thành, người tu sĩ bị ngộ nhận, sai lầm trong suy nghĩ, hành động. Sự quan tâm đến anh chị em mình đã trở thành sự xoi mói người khác; lý lẽ hiểu biết sẽ trở thành vô nghĩa, cố chấp; sự nóng giận, bất nhã trong bổn phận, trách nhiệm sẽ chiếm lĩnh; khi người tu sĩ thiếu vắng tình yêu. Và sẽ là một thất bại trong vai trò nhân chứng khi một tu sĩ lại có một kiểu giao tiếp thiếu thân thiện, đố kỵ, ganh ghét, kiêu kỳ kém văn hóa ứng xử với những người xung quanh. Nhân cách đẹp sẽ không có kiểu khoa trương, khuếch đại, thổi phồng sự kiện… của người khoác áo nhà tu! Những cái chưa đẹp trong văn hóa nhà tu ấy của một số cá nhân nào đó, có phải chỉ là sự vô tình, hay đã trở thành nét tính cách, thói quen… làm nên một cung đường chỉ toàn những nét chấm cẩu thả?

Một nhân cách đẹp không đơn thuần chỉ là phô diễn nghệ thuật, những kỹ năng xã hội cần thiết. Cái nghệ thuật của giao tiếp sẽ không còn phải là kỹ năng trong tâm lý giao tế của người tu sĩ nữa, nhưng nó đã được chuyển hóa thành xương thịt, là tính cách cho một tương giao thân tình, lịch thiệp, đầy yêu thương trong tình bác ái, từ nguyên lý căn bản mà họ học được từ Đức Ki-tô, làm cho tương quan chiều dọc với Thiên Chúa và tương quan chiều ngang với tha nhân được gần gũi và hòa quyện làm một.

Vì vậy, để có một nhân cách đẹp, biết sống đẹp với mọi người, người tu sĩ không thể bỏ qua giai đoạn đào tạo, tập luyện để có một nhân cách tốt, với những đức tính nhân bản. Học làm người quả là điều không dễ dàng chút nào, và để trở thành người tu sĩ “ đẹp” của Chúa Ki-tô và trong con mắt mọi người lại càng là điều khó khăn hơn. Không thể có ngay một nhân cách đẹp nếu nhân cách đó không trải qua những chặng đường đào tạo, hoàn thiện, đôi khi lại phải không ngừng tự đào tạo, huấn luyện bản thân cả đời. Họ cần phải có một sự hiền lành như chim bồ câu, nhưng cũng phải đủ khôn ngoan như con rắn để sống ơn gọi của mình, để biết làm đẹp cho đời, cho hình ảnh người tu sĩ mà họ đang sống với.

Và con đường để đi đến cái đẹp, làm cho cái văn hóa nhà tu trở thành một biểu tượng đẹp, chắc chắn, có một điều vĩ đại bao trùm toàn bộ ý thức, nhận thức và cách sống của người tu sĩ khi họ để TÌNH YÊU CHÂN THẬT hướng dẫn và chi phối toàn bộ đời sống mình ( x. 1 Cr 13). Sống trọn vẹn nhân cách và ơn gọi của mình mỗi giây phút, mỗi ngày trong cuộc đời, người tu sĩ trở nên một vẻ đẹp diệu kỳ vượt lên trên cái văn hóa mà xã hội mong muốn, làm cho Tin Mừng trở thành hiện thực hóa nhờ vào sự nhập thể trọn vẹn của người tu sĩ giữa xã hội hôm nay.

(trích Tập san Chia sẻ số 62)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top