Vai trò văn chương trong tầm nhìn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Vai trò văn chương trong tầm nhìn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Vai trò văn chương trong tầm nhìn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Bức thư Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết về vai trò của văn chương trong đào tạo có tầm quan trọng như thế nào? Đâu là những tác phẩm văn học được ngài ưa thích? Nhất là văn chương đóng vai trò như thế nào trong tầm nhìn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô? Sau đây, người viết xin mạo muội giải đáp ba câu hỏi này.

WGPPD (03/10/2024) - Nhiều độc giả không khỏi ngạc nhiên khi đọc thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết về vai trò của văn chương trong đào tạo, công bố ngày 04.8.2024. Có thể nói, bức thư đã tạo nên một niềm phấn khích không nhỏ cho các độc giả yêu thích văn chương cũng như niềm cảm hứng mới cho các nhà đào tạo. Trong Câu chuyện đầu tuần, ngày 20 tháng 8, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, tân Viện trưởng Học viện Công giáo Việt Nam đã thốt lên: “Quả là chuyện lạ!”[1]. Linh mục Trăng Thập Tự, một người nhiệt thành dấn thân cho văn học Công giáo, cũng không giấu được niềm xúc động: “Có tin mừng cho tất cả những ai quan tâm đến văn thơ chữ nghĩa”[2].

Triết gia Feuerbach từng nói: “Chúng ta là những gì chúng ta ăn”, nếu điều đó đúng thì cũng có thể nói rằng: “Chúng ta là những gì chúng ta đọc”. Vậy bức thư này có tầm quan trọng như thế nào? Đâu là những tác phẩm văn học được ngài ưa thích? Nhất là văn chương đóng vai trò như thế nào trong tầm nhìn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ? Sau đây, người viết xin mạo muội giải đáp ba câu hỏi này.

1. Tầm quan trọng của bức thư

Xét về cấp độ của văn bản huấn quyền, Thư (Letter) chắc chắn không thể so sánh với Tông thư (Apostolic Letters), Tông hiến (Apostolic Contitutions), hay Tông huấn (Apostolic Exhortations), hay là Thông điệp (Encyclicals).

Theo trang vatican.va[3], cho đến nay, sau hơn 10 năm trên cương vị Chủ chăn Giáo hội Công giáo, Đức Phanxicô đã ban hành 3 Thông điệp (Lumen Fidei; Laudato sì; Fratelli Tutti), 7 Tông huấn (Evangelii Gaudium; Amoris Laetitia; Gaudete et Exsultate; Christus Vivit; Querida Amazonia; Laudate Deum; C’est la Confiance), 20 Tông hiến (Vd. Praedicate evangelium nhằm cải cách Giáo triều, 19.3.2022), 70 Tông thư (chẳng hạn Patris Corde về thánh Giuse hay Tông thư dưới dạng tự sắc về đại thi hào Dante Alighieri). Còn về Thư, chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, Đức Phanxicô đã có 17 thư gửi cho các cá nhân hoặc tập thể khác nhau (Vd: Thư gửi cho cộng đoàn dân Chúa Việt Nam, 2023).

Về thể loại, thư thường có tính chất riêng tư, dễ dàng bộc lộ tâm tư tình cảm, trao đổi thông tin gián tiếp với cá nhân hoặc tập thể. Điểm khác biệt, bức thư này không gửi đến một cá nhân hay một nhóm các nhà đào tạo linh mục, mà như là một Thư ngỏ gửi cho mọi người thành tâm thiện chí. Đức Phanxicô đã giải thích về điều này:

“Ban đầu tôi đã chọn đặt tiêu đề cho Thư này qui chiếu đến việc đào tạo linh mục. Nhưng rồi nghĩ thêm, tôi thấy chủ đề này cũng áp dụng cho việc đào tạo tất cả những ai liên quan đến công việc mục vụ, quả thực là liên quan đến mọi Kitô hữu. Điều tôi muốn đề cập ở đây, đó là giá trị của việc đọc tiểu thuyết và thi ca xét như một phần con đường trưởng thành cá nhân của chúng ta” (Số 1).

Đức cha Phêrô, Viện trưởng Học viện Công giáo, trong Câu chuyện đầu tuần, cũng nhận xét: “Lá thư của Đức Thánh Cha rất phong phú và đáng trân trọng, vì thế cần được đào sâu hơn trong những bài sau, về văn hóa đọc, và về giá trị của việc đọc sách văn học trong việc đào tạo linh mục”. Để hiểu hơn tầm nhìn của Đức Phanxicô, thiết tưởng cũng nên biết sơ qua danh sách những tác phẩm ngài ưa thích.

2. Những tác phẩm văn học được Đức Giáo Hoàng Phanxicô ưa thích

Có câu nói: “Hãy cho tôi biết bạn đọc gì và tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai”. Thật vậy, sách định hình diện mạo nội tâm, nuôi dưỡng tâm trí người đọc. Nhưng giữa một thế giới có hàng tỉ cuốn sách, làm sao chúng ta có thể đọc được những cuốn hay nhất, có ý nghĩa nhất?

Đối với Đức Giáo Hoàng, hiển nhiên quyển sách được ưa thích nhất, đọc nhiều nhất phải là Kinh Thánh. Tuy nhiên, ở đây thời báo Corriere della Sera giới thiệu bộ sưu tập mang tên Tủ sách Đức Phanxicô[4], do cha Antonio Spadaro S.J chủ biên, giới thiệu 20 tác phẩm văn học được Đức Phanxicô ưa thích nhất. Đây là bộ sưu tập các tác phẩm có giá trị cao về tôn giáo, văn hóa, và triết học, được chọn lọc nhằm phản ánh tư tưởng và tầm nhìn của ngài. Trong số này, có những tác giả kinh điển như: đại văn hào Alessandro Manzoni hay đại văn hào người Nga Fëdor Dostoevskij; có tác giả là vị thánh Công giáo, có tác giả ngoài Công giáo, có tác giả là giáo sĩ, có tác giả là giáo dân…vv.

1) Tôi yêu Người quá muộn màng (Tardi ti ho amato), Ethel MANNIN

2) Chúa tể của thế giới (Il padrone del mondo), Robert Hugh BENSON

3) Nhật ký dưới hầm (Memorie del sottosuolo), Fëdor DOSTOEVSKIJ

4) Người khác, chính mình (L’altro, lo stesso), Jorge Luis BORGES

5) Sự tươi trẻ thân thương hơn (La freschezza più cara), Gerald Manley HOPKINS

6) Linh Thao (Esercizi Spirituali), Thánh Ignazio DI LOYOLA

7) Suy tư về Giáo hội (Meditazioni sulla Chiesa), Henri DE LUBAC

8) Thơ ngợi ca (Odi), Friedrich HÖLDERLIN

9) Về Thiên chức Linh mục (Sul Sacerdozio), Thánh AGOSTINO

10) Nhật Ký (Memoriale), Thánh Pierre FAVRE

11) Hứa hôn (I Promessi Sposi), Alessandro MANZONI

12) [Cậu bé chăn bò] Martín Fierro (Martín Fierro), José HERNÁNDEZ

13) Tuyển tập trăm bài thơ (Cento poesie), Nino COSTA

14) Anh hùng Eneide (Eneide), VIRGILIO

15) Sự đối kháng cực (L’opposizione polare), Romano GUARDINI

16) Thánh sốt ruột (Il divino impaziente), José Maria PEMÁN

17) Megafòn hay là chiến tranh (Megafòn o la guerra), Leopoldo MARECHAL

18) Agostino Meridier, Joseph MALÈGUE

19) …

Trên trang chính thức, danh sách này mới chỉ có 18 tác phẩm. Lướt qua danh sách, dù chỉ là ‘cưỡi ngựa xem hoa’ người đọc cũng có thể nhận ra phần nào tầm nhìn và sự nhạy cảm văn chương của ngài.

3. Vậy, văn chương đã ảnh hưởng như thế nào đến tầm nhìn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ?

Trong Lời Giới Thiệu bộ sưu tập Tủ sách Đức Phanxicô, linh mục chủ biên Antonio Spadaro, SJ, đã đặt câu hỏi: “Làm thế nào chúng ta có thể hiểu đầy đủ tầm nhìn về cuộc sống, về con người và về Giáo hội mà Đức Phanxicô đã phát triển theo thời gian?”

Những cuốn sách được ngài yêu thích là chìa khóa quan trọng để bước vào thế giới nội tâm của ngài. Tác giả trình bày tầm nhìn của Đức Phanxicô về văn chương, ‘nghệ thuật không vị nghệ thuật’, nhưng “nghệ thuật vị nhân sinh”. Tất cả đều nhắm tới phục vụ con người theo tinh thần Tin Mừng.

Nghệ thuật không “vị nghệ thuật”

Trong cuộc phỏng vấn Đức Phanxicô đăng trên tạp chí La Civiltà Cattolica, khi đang nói về sự lạc quan, Đức Phanxicô đã cho biết ngài không thích từ này vì nó quá mang tính tâm lý. Thay vào đó, ngài yêu thích từ hy vọng. Tóm lại, ngài mỉm cười, không phải vì ngài lạc quan mà vì, với tư cách là một người có niềm tin, ngài sống với niềm hy vọng không làm thất vọng.

Khi Đức Phanxicô đánh vần tên vở kịch Tu-ran-dot[5], tức thì những câu thơ nổi tiếng hiện lên trong tâm trí người phỏng vấn, bộc lộ niềm khao khát về một niềm hy vọng, tuy nhiên ở đây lại là một bóng ma óng ánh biến mất với bình minh. Điều này làm người viết chợt liên tưởng đến quan điểm của nhà văn Nam Cao: “Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp người lầm than” (Trăng Sáng).Đức Thánh Cha nói tiếp: “Niềm hy vọng Kitô giáo không phải là một bóng ma và không lừa dối. Đó là một nhân đức thần học. Đo đó, kết lại là một món quà từ Thiên Chúa không thể giản lược thành sự lạc quan, vốn chỉ mang tính nhân bản. Thiên Chúa không đánh lừa niềm hy vọng, Ngài không thể chối bỏ chính mình. Thiên Chúa là tất cả đã hứa.”

Đức Bergoglio là một người sống nghệ thuật và cách thể hiện sáng tạo như một phần không thể thiếu trong đời sống mục vụ. Chẳng hạn, ngài trích dẫn tác phẩm Thánh sốt ruột[6] của José María Pemán trong bài giảng lễ Thánh Ignatio tại Nhà thờ Giêsu ở Roma, vào ngày 31 tháng 7 năm 2013. Tương tự, ngài đề cập đến Joseph Malègue, để nói về tầng lớp “trung lưu thánh thiện”. Đối với Đức Bergoglio, nghệ thuật là cuộc sống và diễn ngôn về cuộc sống. Nghệ thuật không “vị nghệ thuật”, nó không phải là một thế giới tách biệt của những người có văn hóa, có học thức, lịch sự, mà cơ bản lại là “trưởng giả”.

Những điều này được thể hiện trong các tác phẩm của Hernández, Malègue, Dostoevsky và Manzoni...vv. Bạn đọc sẽ cảm nhận được tính nhân văn trong tâm hồn Đức Phanxicô.

Nghệ thuật vị nhân sinh: Động lực bình dân trong óc thẩm mỹ của Đức Bergoglio

Trong Thư về vai trò của Văn chương trong đào tạo, Đức Phanxicô khẳng định sở thích của mình:

“Về phần mình, tôi yêu thích các tác giả viết bi kịch, vì tất cả chúng ta đều có thể nâng niu các tác phẩm của họ như là của chính mình, như những diễn tả bi kịch riêng của mỗi người chúng ta. Khi khóc thương cho số phận của các nhân vật, đó thiết yếu là chúng ta khóc cho chính mình, cho sự trống rỗng của mình, cho những yếu kém và cho sự cô đơn của mình. Hẳn nhiên tôi không nhằm đề nghị các bạn đọc đúng những tác phẩm mà tôi đã đọc. Mỗi người sẽ tìm thấy những quyển sách lên tiếng nói với cuộc đời mình, và trở thành những bạn đồng hành đích thật cho hành trình của mình” (Thư, số 7).

Đó không phải là sở thích thuần túy đối với bi kịch được hiểu như một thể loại văn học, mà là mong muốn của ngài được hòa nhập vào thân phận con người thông qua sự thể hiện thẩm mỹ. Ngài quan tâm đến một tác phẩm, ngay cả khi nó không hề là một kiệt tác. Chẳng hạn sử thi Argentina Martín Fierro, của José Hernández, viết vào năm 1872, tạo nên khát vọng về một xã hội trong đó mọi người đều tìm thấy một chỗ cho mình: Từ thương nhân đến kẻ chăn bò bờ biển, từ người mục tử miền Bắc đến nghệ nhân Đông Bắc, từ thổ dân tới người nhập cư, không ai trong số họ muốn chiếm mọi thứ cho riêng mình, mà loại trừ người khác.

Do đó, có thể nói động lực bình dân trong óc thẩm mỹ của Đức Bergoglio cũng chính là tầm nhìn mục vụ và Giáo hội học của ngài. Nghệ thuật không phải là một “phòng thí nghiệm” để thử nghiệm các động lực văn hóa và biểu cảm: thay vào đó, nó là một phần của dòng lịch sử, một phần của cuộc hành trình nhân sinh trên trần gian.

Trong tầm nhìn về Giáo hội hiệp hành

Thượng Hội đồng Giám mục XVI có chủ đề: “Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”. Thượng Hội đồng diễn ra theo phương pháp đối thoại trong Thánh Thần: cùng gặp gỡlắng nghe và phân định dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh ngay trong diễn từ ngày 18/9/2021, trước cộng đoàn giáo phận Roma:

“Như anh chị em biết - điều này không có gì mới! –, một tiến trình hiệp hành sắp bắt đầu, một tiến trình trong đó toàn thể Giáo hội dấn thân xung quanh chủ đề: “Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ’: ba trụ cột. Ba giai đoạn đã được lên kế hoạch, sẽ diễn ra từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 10 năm 2023[7]. Hành trình này được suy tư như một động lực lắng nghe lẫn nhau, tôi muốn nhấn mạnh điều này: một động lực lắng nghe lẫn nhau, được thực hiện ở mọi cấp độ của Giáo hội, liên quan đến tất cả Dân Thiên Chúa. Đức Hồng y Giám quản và các Giám mục phụ tá phải lắng nghe nhau, các linh mục phải lắng nghe nhau, các tu sĩ phải lắng nghe nhau, anh chị em giáo dân cũng phải lắng nghe nhau. Và sau đó, tất cả mọi thành phần lắng nghe nhau. Hãy lắng nghe nhau; nói chuyện với nhau và lắng nghe nhau. Đó không phải là việc thu thập ý kiến, không. Đây không phải là một cuộc tham vấn; nhưng đó là vấn đề lắng nghe Chúa Thánh Thần, như chúng ta thấy trong sách Khải Huyền: “Ai có tai, hãy lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần nói với các Giáo hội” (2.7)[8].

Như thế, Thượng Hội đồng XVI có sự khác biệt cơ bản so với các Thượng Hội đồng trước ở phương pháp tiếp cận, đi từ giáo phận đến châu lục rồi cuối cùng tới trung tâm Roma. Những cuộc thỉnh ý (cùng gặp gỡ, lắng nghe, phân định), không phải là tham vấn, thu thập ý kiến nhưng là để thực tập việc đối thoại trong Thánh Thần để nhận ra Thánh Ý Chúa muốn dẫn đưa Giáo hội.

Kinh nghiệm gặp gỡ

Đức Phanxicô chia sẻ kinh nghiệm dạy văn, chấp nhận để cho học trò được thảo luận về tác phẩm mà các em ưa thích thay vì áp đặt theo giáo án soạn sẵn. Đó không phải là phương pháp rập khuôn máy móc theo kiểu “đọc chính tả”, nhưng là phương pháp đối thoại, đi từ kinh nghiệm của người học, từ đó khơi dậy cho học trò cảm nếm vẻ đẹp của văn chương (Thư, số 7). Ngài đã quyết định mạo hiểm làm điều đó vì: “Văn chương có liên hệ đến những khát vọng thâm sâu nhất của chúng ta trong cuộc đời này, bởi trên một bình diện sâu xa văn chương liên quan tới hiện sinh cụ thể của chúng ta, với những căng thẳng nội tại, những khát khao và những kinh nghiệm đầy ý nghĩa” (Thưsố 6).

Từ kinh nghiệm gặp gỡ của bản thân, Đức Phanxicô đọc lại kinh nghiệm tiếp cận của Phaolô trước Nghị viện Athen (Areopagus), như đọc thấy trong sách Công vụ Tông đồ (17,16-34).

“Trong diễn từ của mình, Phaolô nói về Thiên Chúa: “'Chính nơi Người, chúng ta sống, cử động, và hiện hữu’; như một số thi sĩ của quí vị đã nói: ‘Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người’” (Cv 17,28). Câu này chứa hai trích dẫn: một trích dẫn gián tiếp, từ thi sĩ Epimenides (thế kỷ 6 trước Công nguyên), và một trích dẫn trực tiếp, từ thi phẩm Phaenomena của nhà thơ Aratus gốc ở Soli (thế kỷ 3 trước Công nguyên), người đã viết về tinh tú và các dấu hiệu thời tiết tốt xấu. Ở đây, “Phaolô cho thấy rằng ngài là một ‘độc giả’, đồng thời cũng cho thấy cách mình tiếp cận văn bản văn chương, đó là một sự phân định văn hóa dựa theo Tin Mừng”” (Thư, số 12). 

Đối với Đức Phanxicô, ‘không bao giờ có một Đức Kitô phi xác thể’, nghĩa là: “Chúng ta phải luôn lưu ý để không bao giờ đánh mất nhãn giới về “xác thân” của Đức Giêsu Kitô: xác thân ấy bao gồm các khát vọng, các tình cảm và các cảm quan, là những lời thách thức và an ủi, là những bàn tay đụng chạm và chữa lành, là những cái nhìn giải phóng và khích lệ, xác thân ấy bao gồm sự nồng nhiệt, tha thứ, phẫn nộ, can đảm, mạnh dạn; tắt một lời, đó là yêu thương” (Thư, số 15).

Kinh nghiệm lắng nghe

Lắng nghe là điều kiện thiết yếu của phương pháp đối thoại trong Thánh Thần. Không thể có đối thoại nếu không có lắng nghe. Một trong những cách học lắng nghe tốt nhất là đọc tác phẩm văn học. Đức Phanxicô chia sẻ:

“Tôi rất thích định nghĩa này về văn chương: Lắng nghe tiếng nói của một người khác. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng thật nguy hiểm biết bao việc ngừng lắng nghe tiếng nói của một người khác khi họ thách đố chúng ta! Chúng ta sẽ ngay lập tức rơi vào tình trạng tự cô lập chính mình; chúng ta sẽ đi vào một loại “điếc tâm linh”, vốn có một hiệu ứng tiêu cực trên tương quan của ta với chính mình và với Thiên Chúa, cho dẫu chúng ta đã học bao nhiêu thần học hay tâm lý học” (Thưsố 20).

“Đây là mấu chốt: nhiệm vụ của các tín hữu, cách riêng của các linh mục, chính xác là “chạm vào” trái tim của người khác, để họ có thể mở lòng ra đón nhận sứ điệp của Chúa Giêsu. Trong nhiệm vụ cao cả này, sự đóng góp mà văn thơ có thể cung ứng có một giá trị không thể so sánh được.”

Khi đọc các Bài giảng chọn lọc của Thánh Augustinô cùng với Suy tư về Giáo hội của De Lubac, người ta sẽ hiểu được tầm nhìn về Giáo hội của Đức Phanxicô là gì và hình ảnh lý tưởng về “người mục tử” của đàn chiên là gì. Ý thức về “sứ mệnh” được bộc lộ trong tác phẩm Aeneid của Virgilio có nét tương đồng với tác phẩm Thánh sốt ruột của Pemán. Nếu đọc cùng nhau, hai tác phẩm này sẽ tạo nên sự kết hợp đạo đức giữa hai nhân vật Aeneas và Phanxicô Xavier. Chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của sứ mạng loan báo Tin Mừng vốn sống động trong trái tim của Đức Phanxicô.

Kinh nghiệm phân định

Bằng cách liên kết việc đọc Tự thuật của thánh Augustino và Linh thao của Thánh Ignatio với Nhật Ký của thánh Phêrô Favre, chúng ta sẽ nắm bắt được tọa độ tâm linh sâu sắc của Đức Bergoglio cũng như ý nghĩa của từ khóa phân định mang tính then chốt trong Triều đại Giáo hoàng của ngài. Những bản văn này nếu được kết hợp với những bài thơ của tu sĩ Dòng Tên Gerard Manley Hopkins và cuốn tiểu thuyết Tôi yêu Người muộn màng của Ethel Mannin, một nữ nhà văn độc đáo, thì người ta sẽ hiểu rõ hơn tâm hồn của vị Giáo hoàng, có khả năng gắn kết, chú ý đến mọi tình huống, mọi khuôn mặt, mọi thực tại. Vì thế, ngài nhận thấy việc đọc sách trở thành “nẻo đường” dẫn người ta đến với sự thật về chính hiện hữu của mình và là cơ hội cho một tiến trình phân định thiêng liêng:

“Việc đọc, như một hành động “phân định”, liên quan trực tiếp đến người đọc trong tư cách vừa là “chủ thể” đọc vừa là “đối tượng” của những gì đang được đọc. Khi đọc một quyển tiểu thuyết hoặc một thi phẩm, người đọc thực sự kinh nghiệm mình “được đọc” bởi những ngôn từ mà họ đang đọc. Do đó, độc giả có thể được so sánh với những người chơi trên sân: họ chơi trò chơi, nhưng trò chơi cũng được chơi thông qua họ, theo nghĩa là họ hoàn toàn bị cuốn vào hoạt động ấy” (Thư, số 29).

Tạm kết

Đến đây, độc giả có thể cảm thấy bài viết đã dài nhưng vẫn còn nhiều điều chưa thể nói. Thật không dễ để đào sâu vai trò của văn chương hay là phân tích những tác phẩm đã ảnh hưởng đến tầm nhìn của Đức Phanxicô. Có một điều chắc chắn: văn chương đã truyền rất nhiều cảm hứng cho ngài. Tác phẩm và cuộc đời thánh Phanxicô Assisi là minh chứng hùng hồn, dù không có tên trong bộ sưu tập, nhưng đã truyền cảm hứng cho Đức Giáo hoàng chọn tước hiệu. Cũng chính từ thi phẩm Bài Ca Anh Mặt Trời[9] mà Giáo hội đang chuẩn bị mừng kỷ niệm 800 năm, đã truyền cảm hứng cho Đức Phanxicô viết những Thông điệp lớn lao như Laudato sì, Fratelli Tutti.

Nhưng điều quan trọng, như thánh Ignatio từng nói: “Không phải là biết nhiều kiến thức thì làm thỏa mãn và cho tâm hồn no đủ, nhưng là cảm nhận và nếm mọi sự từ bên trong” (ES, 2). Có thể nói, dù thánh Phanxicô không viết nhiều, nhưng ngài đã cảm nhận và nếm mọi sự trong nội tâm, sống kiếp nhân sinh một cách sung mãn và thi vị nhất đến nỗi ngài được coi thực sự như một Alter Christus.

Và đối với Đức Bergoglio cũng vậy, qua nẻo văn chương, cảm nhận cách này hay cách khác, luôn liên quan đến sự biểu hiện của Thiên Chúa trong tâm hồn và đời sống mỗi người.

Đình Chẩn, mừng lễ thánh Phanxicô Assisi 2024

Nguồn: phatdiem.org

_____

[1] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-giao-hoang-phanxico-va-chuyen-doc-sach-van-hoc

[2] Email gửi riêng cho nhóm linh mục và anh chị em Văn thơ Công giáo.

[3] https://www.vatican.va/content/francesco/en.html

[4] https://www.cercoiltuovolto.it/uscita-biblioteca-papa-francesco/ (truy cập ngày 03.10.2024).

[5] Vở opera 3 màn của nhà soạn nhạc opera nổi tiếng người Ý Giacomo Puccini.

[6] Đây là một vở kịch của José María Pemán, trong đó thánh Phanxicô Xaviê là nhân vật chính. Nhân vật Xaviê được mô tả là "nóng lòng" vì khát khao rao giảng Tin Mừng cho thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Cái chết của ngài, trước bờ biển Trung Quốc, mang lại một hình ảnh có ý nghĩa đặc biệt và vẻ đẹp lớn lao.

[7] Sau đó được thay đổi, kéo dài thêm sang cuối năm 2024.

[8] https://www.vatican.va/content/francesco/it/speeches/2021/september/documents/20210918-fedeli-diocesiroma.html

[9] Còn gọi là “Bài ca các thụ tạo”, người viết sẽ giới thiệu bản dịch và bài suy tư trong dịp tới.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top