Uỷ ban nghiên cứu vấn đề phong chức phó tế cho phụ nữ nhóm họp tại Roma
WHĐ (26.11.2016) – Uỷ ban nghiên cứu về việc phong chức phó tế cho phụ nữ -một uỷ ban được thành lập theo quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô hồi tháng Năm vừa qua-, đã nhóm họp lần thứ nhất tại Roma vào thứ Sáu 25-11.
– Vì sao lại lập ra Uỷ ban nghiên cứu vấn đề phong chức phó tế cho phụ nữ?
Tháng Năm vừa qua, trước sự hiện diện của hằng trăm nữ bề trên cả khắp thế giới nhóm họp tại Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận ý tưởng lập một ủy ban nghiên cứu vấn đề phong chức phó tế cho phụ nữ, “đặc biệt chức nữ phó tế vào những thế kỷ đầu của Giáo hội”.
Vài tháng sau, Vatican công bố danh sách các vị tham gia ủy ban nghiên cứu này, gồm sáu nam và sáu nữ – hai nữ tu và bốn giáo dân. Uỷ ban này, đứng đầu là Đức Tổng giám mục Luis Francisco Ladaria, Thư ký Bộ Giáo lý Đức Tin, không có nhiệm kỳ về thời gian, vì vậy sẽ nhóm họp khi cần thiết.
– Giáo hội nói gì về vấn đề phong chức phó tế cho phụ nữ?
Cuộc bàn luận này, vốn nhạy cảm và vẫn thường xuất hiện, cũng đã được nêu lên trong công đồng Vatican II, khi khôi phục chức phó tế vĩnh viễn cho nam giới, đã khơi lại suy nghĩ có nên truyền chức phó tế cho phụ nữ không. Uỷ ban Thần học quốc tế (viết tắt là CTI) năm 2003 đã công bố kết quả công trình nghiên cứu năm năm của mình về lịch sử và ý nghĩa thần học của chức phó tế, nhất là về chức nữ phó tế.
Khả năng khôi phục chức nữ phó tế chủ yếu vấp phải vấn đề phong chức. Hiện vẫn còn tranh luận liệu các phó tế nữ thời Giáo hội sơ khai đã được truyền chức thánh hay chỉ nhận được sự chúc lành. CTI vào năm 2003 đã không minh định và chỉ kết luận vấn đề thuộc “thẩm quyền tuyên bố của Huấn quyền Giáo hội”.
– Trong lịch sử, các nữ phó tế đã từng đảm nhận vai trò gì?
Các diakonos (phó tế) phụ nữ được nhắc đến trong Tân Ước và tài liệu lịch sử Giáo hội sơ khai tại phương Đông, Syria và nhất là tại Constantinopolis. Vào thời việc rửa tội được thực hiện bằng cách dìm cả người xuống nước, thì chỉ có các phụ nữ mới được chủ sự nghi thức ban phép rửa cho nữ giới. Phụ nữ cũng đảm nhận việc thăm viếng bệnh nhân. “Tuy nhiên tác vụ các phụ nữ thi hành không giống như tác vụ của các phó tế ngày nay”. Đức cha Roland Minnerath, Tổng giám mục Dijon, từng tham gia công việc của CTI, cho biết. Trong nguồn sử liệu đó, “người ta không hề thấy phụ nữ đảm nhận vai trò nào trong phụng vụ hoặc rao giảng”.
Việc tiếp cận về phương diện lịch sử của ủy ban này đã đặt ra một vấn đề về phương pháp luận, “vấn đề vị trí của các cứ liệu lịch sử khi đưa ra quyết định về mục vụ”, và nhớ rằng “Truyền thống không phải là việc gom góp lại các tư liệu lịch sử”, cha Luc Forestier, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Học viện công giáo Paris, lưu ý. Đằng khác, cha nói thêm, chức phó tế nam giới ngày nay không giống chức phó tế thời đầu của Giáo hội.
– Triển vọng ra sao?
Nếu “cứ theo quan điểm lịch sử, thì công việc đã xong”, như Đức cha Minnerath đã nêu. Đây là lần đầu tiên có một ủy ban nghiên cứu riêng vấn đề phong chức phó tế cho phụ nữ. “Bởi lẽ trong 15 năm qua, việc nghiên cứu trong lĩnh vực này đã có bước tiến triển”, cha Forestier cho biết, khi nêu lên bước tiến đã đạt được. “Sự đóng góp của xã hội học cho phép xem xét lại việc phong chức phó tế cho phụ nữ trong một triển vọng mới, với cảm nhận mới”.
Cha Forestier khẳng định: “Từ quan điểm phương pháp luận khoa học, trong mọi trường hợp đều coi công việc của sử học là chặng đầu tiên, nhưng không vì thế nó được phép khép lại tranh luận”. Cha cho rằng cũng phải nhìn sang phương Đông, tại đây chức nữ phó tế được áp dụng trong nhiều thế kỷ. Mới đây, Toà thương phụ Chính thống Alexandria và toàn châu Phi đã công bố muốn khôi phục chức nữ phó tế.
Để có thể truyền chức phó tế cho phụ nữ, còn phải vượt qua những trở ngại về thần học. Có lẽ cần triệu tập một Thượng Hội đồng Giám mục về vấn đề này, để qua đó, nhấn mạnh trọng tâm của chiều kích mục vụ khi đạt được một bước tiến triển như thế.
(Nguồn: La Croix)
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha thành lập Ủy ban Tòa Thánh về ngày Thế giới Trẻ em
-
Việt Nam, quốc gia có tỷ lệ phá thai cao hàng đầu thế giới, dẫn đầu sáng kiến của Liên Hợp Quốc về sinh non -
Đức Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố hoàn tục một linh mục lạc giáo người Argentina -
Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người thánh thiện của các giáo phận -
Nhận định của Đức Bênêđictô XVI về vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em -
Giáo hội và Nhà nước Pháp đang chuẩn bị sự kiện mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà Paris -
Kitô hữu chiếm 75% tổng số các cuộc bách hại chống các tôn giáo thiểu số -
Ngày thế giới người nghèo: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dùng bữa trưa với 1.300 người nghèo -
Vatican tổ chức khám bệnh miễn phí cho người nghèo nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VIII -
Tại sao Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu cho một bản dịch Kinh Thánh mới?
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô