Ứng dụng di động và Trợ lý ảo
WGPSG -- Các phương tiện ứng dụng di động và chatbot tuyệt vời này cũng cần phải được nằm trong kế hoạch mục vụ của những môn đệ Chúa Giêsu hôm nay, theo lời mời gọi của Giáo hội trong Văn kiện Communio et Progressio (1971)...
APP VÀ CHATBOT
Trên chiếc điện thoại di động hoặc trên máy tính bảng, có những logo nho nhỏ xinh xinh vô cùng tiện lợi. Chỉ cần ấn nhẹ ngón tay trên những logo này là có thể vào thăm một trang web, chạm vào được cả một kho hình ảnh hay một kho tàng video clip, rồi chụp hình, quay phim, dựng phim, hoặc khai thác những dịch vụ rất hữu ích như gọi điện thoại, nhắn tin, giao lưu kết bạn, lên kế hoạch tài chính, tính toán, mua bán trực tuyến, giao dịch ngân hàng, gọi xe Grab, tham dự Thánh lễ online, đọc Giờ kinh phụng vụ, tìm đường đi, hay giải trí với những trò chơi hấp dẫn… - nghĩa là đi vào mọi sinh hoạt của cuộc sống hiện đại! Những logo nho nhỏ xinh xinh đó chính là những ứng dụng di động (mobile app) bắt đầu xuất hiện từ năm 2008. Người ta có thể download rất nhiều những app như thế xuống để sử dụng thoải mái trên điện thoại của mình.
Thế nhưng, vào năm 2016, khi các công ty truyền thông lẫy lừng như Microsoft, Google, Facebook, Apple, Samsung… chính thức giới thiệu các chatbot (
trợ lý ảo hay hệ thống trả lời tự động) của mình, người ta bảo rằng các chatbot này có thể thay thế các ứng dụng di động (app) vì chatbot tuyệt vời hơn app rất nhiều.
Microsoft có chatbot (trợ lý ảo) Cortana, Google có Google Assistant, Facebook có Messenger hay WeChat, Apple có Siri, Samsung có Viv, vân vân…[1] Đặc biệt hơn nữa, vào năm 2016, Facebook đã công bố rằng các doanh nghiệp hay bất kỳ người nào cũng có thể tự mình tạo ra được những chatbot cho riêng mình trên nền Messenger của Facebook[2].
Những chatbot này có một đặc điểm quan trọng là tiết kiệm thời gian chờ đợi của người dùng. Ví dụ khi bạn dùng app của Facebook để nhắn tin cho một fanpage trên Facebook chẳng hạn, bạn sẽ phải chờ, không biết chính xác tới khi nào người quản trị trang đó mới trả lời cho bạn. Có fanpage trả lời cho bạn ngay - chỉ trong vòng vài phút, nhưng cũng có fanpage mất cả vài ngày, hoặc lâu hơn nữa, mới phản hồi được cho bạn. Nhưng khi sử dụng chatbot thì rất khác. Nếu bạn muốn tìm hiểu hay giao lưu với một công ty qua một chatbot, chatbot ấy sẽ tự nhận biết và tự trả lời ngay tức khắc cho bạn, giúp bạn có được thông tin nhanh chóng, làm cho bạn cảm thấy hài lòng, vui vẻ và thích thú với các hoạt động của công ty này.
Hơn thế nữa, các chatbot của Facebook Messenger không chỉ đơn thuần trả lời bằng những đoạn văn bản thô nhàm chán. Nó có thể gửi đến bạn những mẫu thông tin có hình ảnh sinh động, lại có cả các đường link để mở ra xem, hoặc có sẵn các nút để người dùng nhấn vào mà nhận thêm các thông tin cụ thể hơn. Cứ nhìn vào các nút này là người dùng cảm thấy thích thú và muốn click vào ngay. Với những mẫu thông tin phức tạp, chẳng hạn như khi lựa mẫu quần áo hoặc lựa laptop, chatbot có thể hỏi bạn thích màu nào, rồi hướng dẫn bạn chọn lựa kích cỡ, cấu hình và các phụ kiện đi kèm. Những tiện ích này của chatbot được thiết kế tương đối dễ dàng trên nền Facebook Messenger.
Các chatbot này được cho là sẽ thay đổi hoàn toàn cách mà người dùng tương tác với các dịch vụ online, đặc biệt là trong mảng hỗ trợ khách hàng. Thay vì phải tự mình truy cập vào các website hay phải gọi điện hỏi doanh nghiệp, thông tin sẽ được gửi đến khách trong vài giây đồng hồ với lượng thông tin phong phú, không phụ thuộc thời gian, không gian gì cả. Có những chatbot được lập trình để khách hàng có thể nói chuyện với nó như với một con người thực sự, và nó lại còn có thể đáp ứng những đòi hỏi của khách hàng cách nhanh chóng hơn người thật rất nhiều!
CÁC TRỢ LÝ ẢO TẠI VIỆT NAM
Đến nay, chatbot không còn là một khái niệm xa vời tại Việt Nam nữa. Nó đã được nhiều doanh nghiệp Việt và các cơ quan nhà nước tận dụng, như các chatbot của: FPT Shop[3], VietA Bank[4], EVN Hà Nội[5], VHT[6], Sở Du lịch TP Đà Nẵng (chatbot Danang Fantasticity)[7], Sở Giao thông TPHCM[8] …
Ngoài nền tảng tạo chatbot của Facebook Messenger, còn có nhiều nền tảng tạo chatbot khác, thú vị và thông minh hơn. Ví dụ nền tảng tạo lập chatbot có tên gọi QnA Bot Maker của FPT. Nền tảng này được phát triển dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI, cho phép người dùng dễ dàng tạo lập miễn phí những chatbot có khả năng đối đáp bằng giọng nói với khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, đặc biệt là nói được tiếng Việt, hiểu chính xác câu hỏi và đưa ra câu trả lời dựa trên dữ liệu được cung cấp ban đầu. Chúng có khả năng tự học và trở nên thông minh hơn theo thời gian nhờ được người dùng "đào tạo" thường xuyên khi họ thường xuyên giao tiếp với nó. Thao tác tạo lập các chatbot này cũng khá đơn giản và không yêu cầu kỹ năng lập trình, bởi người dùng chỉ cần sao chép và dán đoạn URL, hoặc nhập nội dung câu hỏi và câu trả lời có sẵn. Nền tảng QnA Bot Maker còn giúp cho người dùng tạo ra chatbot có khả năng tương tác rất phong phú, vì ngoài việc phát triển dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI, nền tảng QnA Bot Maker còn cho phép tích hợp trên nhiều kênh hội thoại như Viber và Livechat trên website.[9]
APP VÀ CHATBOT TRONG SINH HOẠT MỤC VỤ
Hiện tại, các ứng dụng di động (mobile app) vẫn hết sức hữu ích, phổ biến và thuận tiện cho việc rao giảng và cổ võ sống Tin Mừng - thông qua phương tiện nhỏ gọn nằm trong lòng bàn tay là điện thoại di động và máy tính bảng - nên tại Tổng Giáo phận Sài Gòn, Đức cha giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng đang thực hiện app cổ võ việc đọc Kinh Tối và suy niệm Tin Mừng mỗi ngày.
Và tất cả các Giáo phận Công giáo tại Việt Nam, cũng như Hội đồng Giám mục Việt Nam, đều đã có app trên Android để người ta có thể đưa ngón tay chạm vào những app này cách dễ dàng trên điện thoại, mà giao lưu với Giáo phận, với Hội đồng Giám mục Việt Nam, và xem các nội dung đăng trên trang web của Giáo phận và của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Tuy nhiên, các app này vẫn chưa được triển khai đầy đủ và chưa được quảng bá nhiều.
Một điều cần quan tâm hơn nữa là, khi các chatbot đã được nhiều doanh nghiệp Việt và các cơ quan nhà nước tận dụng trong các kế hoạch kinh doanh và điều hành của họ, thì phương tiện chatbot tuyệt vời này cũng cần phải được nằm trong kế hoạch mục vụ của những môn đệ Chúa Giêsu hôm nay, theo lời mời gọi của Giáo hội trong Văn kiện Communio et Progressio (1971) số 126:
“Khi sống ở trần gian, Đức Kitô đã tỏ ra là nhà truyền thông trọn hảo. Các tông đồ cũng đã dùng mọi phương tiện truyền thông sẵn có của thời đại của các ngài. Ngày nay cũng cần thiết phải truyền đi một sứ điệp như thế về việc sử dụng các phương tiện truyền thông sẵn có trong thời đại này. Quả thực, khó mà nói rằng mệnh lệnh loan báo Tin Mừng đã được thực thi khi người ta không chịu tận dụng mọi cơ hội mà các phương tiện truyền thông phổ biến cống hiến cho họ để loan báo Tin Mừng.”
Lm Giuse Vi Hữu (x. NSTM tháng 1.2019) / Nguồn: WGPSG
[1] Dùng thử Messenger chat bot và chia sẻ về tiềm năng của việc reply tự động
[2] http://chatbot.com.vn/chatbot-lam-duoc-gi/nhung-kien-thuc-co-ban-ve-chatbot.html
[6] https://chatfuel.com/bot/Navigatordemo2
bài liên quan mới nhất
- Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio - Hiệp thông và Tiến bộ
-
Truyền thông Công giáo được kêu gọi loan truyền Tin Mừng -
Truyền thông và những giấc mơ đẹp -
Trí tuệ nhân tạo và Giáo hội: AI đang định hình công tác mục vụ như thế nào? -
Các nhà truyền giáo kỹ thuật số Công giáo được mời gọi tiếp tục loan báo Tin Mừng trực tuyến -
Liên nhóm Mục vụ Truyền Thông Tân Chí Thọ mừng Bổn mạng 19.10.2024 -
Hiệp hội Truyền thông Công giáo Á châu tổ chức Đại hội 2024 -
Thoáng nhìn Trí tuệ nhân tạo theo quan điểm Kitô giáo: Cơ hội và thách đố -
Hội ngộ truyền thông thường niên năm 2024 -
Sứ mạng Truyền giáo tại Châu Á, một cuộc hội nhập Văn hóa theo bước chân của các chứng nhân vĩ đại của Đức tin
bài liên quan đọc nhiều
- Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ
-
Cậu bé 14 tuổi gặp Chúa nhờ video Công giáo -
Kết quả Tổng điều tra dân số 2019 -
Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024: Trí tuệ nhân tạo và hòa bình -
Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trong đời sống nhân loại hôm nay (2) -
Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2023 -
Hội ngộ Truyền thông thường niên 2021 của Công giáo Việt Nam -
Bộ Truyền Thông: Tài liệu suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19 -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo