Từ vựng Thần học Thánh Kinh: Pharisêu

Từ vựng Thần học Thánh Kinh: Pharisêu

Phái Do thái của người Pharisiêu (tiếng Do thái, “những người tách biệt”) vào thời Chúa Giêsu gồm khoảng sáu ngàn thành viên; giống như phái của người Essen, phái Pharisiêu thường gần với nhóm Assidéens (tiếng Do thái, hasidim: những người sùng đạo) mà ở thời Macabê họ đã say mê đấu tranh chống lại ảnh hưởng của dân ngoại (1Mcb 2,42). Phái này tính đến cả những luật sĩ và biệt phái, nhưng cũng có một số tư tế. Tổ chức các thành viên lại thành những nhóm tôn giáo, phái Pharisiêu nhắm đến việc duy trì những nhóm này bằng sự trung thành với Lề Luật và lòng sùng đạo.

1. Những nguyên nhân mâu thuẫn với Đức Giêsu

Về mặt lịch sử, dường như trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu trước hết thuộc giai cấp tăng lữ và phái Sađốc; những người Pharisiêu không được nêu đích danh trong các bản văn về Cuộc Tử Nạn (trừ Ga 18,3); vài người trong số họ thẳng thắn xin bảo vệ Đức Giêsu (Ga 7,50); 9,16) và những Kitô hữu (Cv 5,34; 23,9); nhiều người thấy nơi Đức Giêsu Đấng đã hoàn thành đức tin Do thái của họ (Cv 15,5) – cũng như Phaolô, họ là những đại diện sáng chói nhất (Cv 26,5; Pl 3,5). Dẫu vậy vẫn còn một số đông chống đối kịch liệt lời giảng dạy và bản thân con người của Đức Giêsu. Chính sự chống đối này chứ không phải là chủ nghĩa cơ hội của các đại tư tế đã đem lại lợi ích dưới cái nhìn của các tác giả Tin mừng, vì nó nêu bật sự mâu thuẫn của Do thái giáo và của Kitô giáo.

Để không phải lên án thói giả hình của người Pharisiêu thời xưa, điều quan trọng là nhận biết những đặc tính chúng là nguồn gốc của những thái độ quá đáng của họ. Đức Giêsu khâm phục lòng nhiệt thành của họ (Mt 23,15), mối bận tâm của họ về sự hoàn thiện và sự trong sạch; thánh Phaolô đã nhấn mạnh đến ý chí thực hành lề luật cách tỉ mỉ của họ; người ta phải khen ngợi họ đã gắn bó với những truyền thống sống động được truyền khẩu. Thế nhưng, mạnh về sự am hiểu lề luật, họ đã ngăn chặn giáo huấn của Thiên Chúa bằng những truyền thống nhân văn của họ (Mt 15,1-20), họ mỉa mai những người dốt nát nhân danh luật pháp riêng của họ (Lc 18,11…), họ tránh tiếp xúc với những kẻ tội lỗi và bọn thu thuế, như thế là giới hạn tình yêu của Thiên Chúa trong phạm vi của họ; họ còn cho rằng họ có những luật pháp về Thiên Chúa nhân danh việc thực hành của họ (Mt 20,1-15 ; Lc 15,25-30). Và theo Phaolô (Rm 2,17-24), vì họ không thể thực hiện lý tưởng này nên họ xử sự bằng thói đạo đức giả, “mồ mả tô vôi” (Mt 23,27). Đóng kín trong thế giới luật lệ, họ trở nên mù lòa với các ánh sáng đến nữa, họ từ chối nhận biết nơi Đức Giêsu điều gì đó khác ngoài một tên bịp bợp hay một kẻ đồng minh của quỷ.

2. Chủ nghĩa pharisiêu

Việc sử dụng từ “pharisiêu” này trong bối cảnh còn gây tranh luận đã chi phối cách dùng quen thuộc trong truyền thống của người Kitô hữu. Ở nghĩa hẹp này, chủ nghĩa pharisiêu không còn là một phái nữa, nhưng đó là một tinh thần chống lại tinh thần Tin Mừng. Sách tin mừng thứ 4 đã ghi lại được một số sự việc tiêu biểu xảy ra về sự mù quáng của người Pharisiêu (Ga 8,13 ; 9,13.40), nhưng sách này lại thường đồng hóa họ với “người Do thái”, đồng thời cũng chỉ ra rằng sự xung đột của họ với Đức Giêsu có một giá trị vượt lịch sử. Có thứ chủ nghĩa pharisiêu khi mà người ta nấp dưới vẻ bề ngoài của công lý để miễn khỏi phải sống công lý ấy từ trong bản thân họ, hoặc khỏi phải nhận biết tội lỗi và nghe tiếng gọi của Thiên Chúa, khi mà người ta bao bọc tình yêu Thiên Chúa trong phạm vi hiểu biết tôn giáo chật hẹp của họ. Tâm tính này cũng được thấy trong đạo Kitô thời sơ khai, nơi những người Do thái-Kitô mà thánh Phaolô đã đụng chạm với họ (Cv 15,5): những người này muốn buộc những ai hoán cải đã từng thờ đa thần phải theo những thực hành của người Do thái, và qua đó giữ chặt những người đã được giải thoát khỏi Lề luật bởi cái chết của Đức Kitô dưới ách của Lề luật. Chủ nghĩa pharisiêu vẫn còn nơi người Kitô hữu vốn coi thường người Do thái bị lìa khỏi cây (Rm 11,18…). Chủ nghĩa pharisiêu đe dọa Kitô giáo trong chừng mực mà chủ nghĩa này đi ngược lại giai đoạn tuân thủ luật pháp và không biết đến tính phổ quát của ân sủng.

Top