Tu đức linh mục theo Công đồng Vaticanô II
Linh mục là người được kêu gọi để lo những việc về Thiên Chúa và để lo phục vụ con người1. Vì thế con người linh mục phải có một cung cách thế nào trong mối liên hệ với Thiên Chúa và với người khác trong ánh sáng đức tin và trong công việc mục vụ hằng ngày. Từ đây chúng ta nói tới một nền tu đức của con người linh mục. Một linh đạo của linh mục hay đời sống thiêng liêng, chúng ta nói tới sự thánh thiện của linh mục. Gọi là tu đức linh mục, vì nền tu đức này liên hệ cụ thể tới con người linh mục, theo như định nghĩa chung về tu đức “như là cách thế chúng ta tiếp nhận, cảm hóa, và cụ thể hóa ơn huệ của Thiên Chúa, ơn thánh của Ngài , trong tiến trình thể hiện sự hiện hữu của chúng ta”2. Nền tu đức này, trong chính bản thân linh mục, là một nền tu đức có chiều kích cộng đoàn, xã hội nhiều hơn là chiều kích cá nhân vì linh mục dành trọn thời giờ, đã tận hiến đời mình cho việc mục vụ giáo xứ hay các hình thức mục vụ khác. Vì thế người ta cần tìm ra được cái căn cốt của nền tu đức của linh mục – đặc biệt các linh mục làm mục vụ3. Vấn đề này đã được trình bày trong truyền thống của Giáo Hội ngay từ đầu và qua các thế hệ cho tới ngày nay và nhất là trong suy tư của Công Đồng chung Vaticanô II4. Chúng ta có thể nói đây là một cái nhìn mới về chân dung và sứ vụ của con người linh mục.
Bài trình bày này dựa vào các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II liên hệ tới linh mục, như là nguồn mạch các điểm được nói tới trong bài này. Các Văn kiện đó là:
- Hiến chế tín lý về Giáo Hội Ánh sáng muôn dân (Lumen gentium), ban hành ngày 21-11-1964.
- Hiến chế về phụng vụ Thánh Công đồng chung (Sacrosanctum Concilium), ban hành ngày 4-12-1963.
- Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục Chức linh mục (Presbyterorum ordinis), ban hành ngày 7-12-1965.
- Sắc lệnh về Đào tạo linh mục Mọi người mong ước (Optatam totius), ban hành ngày 28-10-1965.
Ngoài ra chúng ta còn có Tông huấn hậu thượng Hội đồng giám mục thế giới khóa họp năm 1971, Ta sẽ ban cho các con những vị mục tử (Pastores dabo vobis).
Các văn kiện này cần được đọc trong ý hướng chung và mục vụ của Công Đồng chung Vaticanô II, nghĩa là ưu tư canh tân bên trong Giáo Hội, đem Giáo Hội đến với thế giới ngày hôm nay, như được nói tới trong chính Sắc lệnh về chức linh mục: “Vì thế để đạt tới những mục đích mục vụ trong việc canh tân bên trong Giáo Hội, để truyền bá Phúc Âm cho tất cả thế giới cũng như để đối thoại với thế giới ngày nay, Thánh Công đồng này tha thiết khuyên tất cả các linh mục hãy dùng mọi phương tiện thích hợp mà Giáo Hội ban cho để luôn nỗ lực tiến cao hơn trên đường thánh thiện. Nhờ đó các ngài trở nên những khí cụ ngày càng thích hợp hơn cho việc phục vụ toàn thể Dân Chúa”5. Các việc này phải được áp dụng và thể hiện ngay trong những người được trao ban cho tác vụ rao giảng, thánh hóa và cai quản, tức là các giám mục, linh mục, phó tế. Sự thánh thiện của linh mục được Công đồng Vaticanô II nhìn trong bối cảnh của việc canh tân toàn thể Giáo Hội ngay từ bên trong cuộc sống và những liên hệ hỗ tương bên trong của mình.
Hiến chế Ánh sáng muôn dân, đặt tác vụ linh mục tư tế trong bối cảnh chung của sứ vụ của Giáo Hội được coi như là Dân Thiên Chúa, là dân đã nhận được ơn tham dự vào ba sứ vụ của Chúa Kitô: ngôn sứ, tư tế và mục tử. Hiến chế nói như sau: “Nhờ bí tích truyền chức thánh, linh mục được thánh hiến theo hình ảnh Chúa Kitô, thầy cả thượng phẩm vĩnh viễn (x. Dt 5, 1-10); 7, 24; 9, 11-28), để rao giảng Phúc Âm, chăn dắt tín hữu và cử hành việc phụng tự Thiên Chúa với tư cách tư tế đích thực của Tân Ước”6.
Còn Sắc lệnh Chức linh mục bàn một cách đặc biệt về thừa tác vụ linh mục, của các linh mục, nhất là các linh mục làm mục vụ. Tựa đề của Sắc lệnh làm cho chúng ta nghĩ tới hai phần của văn kiện: tác vụ và đời sống của con người linh mục. Trong Sắc lệnh này Công đồng cũng nói tới bản tính của chức linh mục trong Giáo Hội: theo sự định liệu của Thiên Chúa, một số tín hữu trong Giáo Hội lãnh nhận chức thánh từ đó họ có quyền tế lễ và tha tội trong cộng đoàn tín hữu, và nhân danh Chúa Kitô họ chính thức thi hành chức vụ linh mục cho loài người7. Các linh mục tùy thuộc Giám mục, theo phẩm trật của chức thánh8. Các linh mục lãnh nhận một bí tích riêng in dấu ấn đặc biệt9.
Tất cả những yếu tố đặc biệt do chức linh mục thể hiện nơi các linh mục, như Lời Chúa, Bí Tích, Thánh Thể, tha tội, cầu nguyện cho dân..., đòi buộc các ngài có một đời sống thiêng liêng thật sâu xa. Công đồng nói nhiều về điểm này, với những kiểu nói khác nhau, những cách diễn tả khác nhau. Trong Sắc lệnh về Chức linh mục Công đồng nói như sau: “Bởi vậy, trong chức vụ và đời sống của mình, các linh mục phải nhằm mục đích tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa Cha trong Chúa Kitô...10 Các ngài không thể là thừa tác viên của Chúa Kitô nếu không là chứng nhân và là người ban phát một đời sống khác đời sống thế tục”11. Như vậy đời sống thiêng liêng là một đời sống khác với đời sống thế tục. Đó là một câu nói kết tóm kinh nghiệm và cái nhìn của giáo dân về con người linh mục. Chúng ta sẽ lần lượt nói tới các điểm này để thấy rõ ý hướng của Công đồng Vaticanô II và sự thúc bách của ơn gọi nên thánh gửi tới các linh mục.
I. CÁC KIỂU NÓI VỀ SỰ THÁNH THIỆN CỦA LINH MỤC
Chúng ta lần mở các trang viết của Công đồng Vaticanô II để trích ra các kiểu nói Công đồng dùng để diễn tả sự thánh thiện của các linh mục.
Công đồng nói tới đời sống thiêng liêng này trong liên hệ với tác vụ mà linh mục lãnh nhận và thực hiện. Tác vụ này thật cao cả và việc thực hiện tác vụ này cũng thật là khó khăn. Vì thế các Nghị phụ công đồng đã đưa ra các nguyên tắc, chỉ thị để giúp các linh mục có một đời sống tốt đẹp và tốt đẹp thêm giữa những hoàn cảnh mục vụ và nhân sinh luôn chịu những biến chuyển sâu xa”12. Trong phần mở đầu Sắc lệnh Chức linh mục, sự thánh thiện của linh mục đã được trình bày như là một đời sống tốt đẹp hơn (atque eorumdem vitae melius provideatur). Kiểu nói này gợi ý rất trống và tổng quát, vì là điều Công đồng diễn tả ở số đầu tiên của Sắc lệnh, nhưng cũng làm chúng ta nghĩ tới câu trả lời của Chúa Giêsu với bà Marta; “Maria đã chọn phần tốt hơn”13. Và cái phần tốt hơn này là cuộc sống thân mật với Chúa Kitô, bên cạnh Chúa Giêsu như bà Maria. Sau đó các khía cạnh, các yếu tố khác của đời sống này sẽ được cụ thể hóa trong toàn thể Sắc lệnh.
Sắc lệnh nói tới bản tính của tác vụ linh mục thừa tác, là nhân danh Chúa Kitô mà rao giảng, thánh hóa và cai quản dân thánh Chúa, với quyền năng của chính Chúa Kitô ban cho, mà các linh mục đã nhận được qua bí tích Truyền chức14. Từ suy tư về quyền chức thánh do mối liên hệ mật thiết giữa Chúa Kitô và linh mục, Công đồng đã nói tới một đòi hỏi nơi người linh mục, đó là: “Như thế các ngài nên giống Chúa Kitô Linh Mục, đến nỗi có quyền thay mặt Chúa Kitô là Đầu mà hoạt động”15. Kiểu nói “nên giống Chúa Kitô” ở đây mang ý nghĩa thần học, vì nói tới quyền năng mà linh mục nhận được từ Chúa Kitô qua việc đặt tay của vị Giám mục. Tuy nhiên, kiểu nói này cũng gợi ý cho các linh mục đòi hỏi tu đức mà Giáo Hội muốn trong đời sống của các ngài, tức là phải “nên giống Chúa Kitô” , hoặc “đi theo Chúa Kitô”(sequela Christi), và đây là nét chính yếu của sự thánh thiện. Từ cách giống Chúa Kitô do ơn chức thánh, đến cách giống Chúa Kitô qua sự thánh thiện của linh mục thực hiện, tức là do cố gắng tu đức của ngài đạt tới và phải đạt tới vì ý thức sự cao cả của chức thánh nhận được và vì các hoạt động mục vụ đang thực hiện. Nói theo kiểu thần học kinh viện, “nên giống Chúa Kitô” theo cách thế ex opere operato, và “nên giống Chúa Kitô” theo cách thế ex opere operantis. Như vậy sự thánh thiện của linh mục được diễn tả như là một việc nên giống Chúa Kitô là Đầu.
Tác vụ của linh mục nhằm giúp tín hữu dâng hy tế đời sống của họ lên Thiên Chúa và làm đẹp lòng Ngài. Khi thi hành công việc này theo tác vụ, thì linh mục nhận ra mục đích chính yếu của hoạt động và đời sống của mình là tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa Cha trong Chúa Kitô... khi cầu nguyện cũng như khi tôn thờ và giảng thuyết, khi dâng Hy Tế Thánh Thể và làm các Bí tích, cũng như khi thi hành những tác vụ khác giúp người ta, các linh mục đều qui hướng về việc làm vinh danh Thiên Chúa hơn, đồng thời giúp con người tiến tới đời sống siêu nhiên”16. Ở đây chúng ta có hai kiểu nói: làm vinh danh Chúa Cha trong Chúa Kitô và đời sống thiêng liêng17. Kiểu nói thứ nhất áp dụng cho linh mục, còn kiểu nói thứ hai áp dụng cho các tín hữu. Như vậy khi thi hành tác vụ, linh mục hoạt động theo hai chiều: chiều lên, tức là tôn vinh Thiên Chúa, và chiều xuống là lôi kéo ơn Thiên Chúa, đem sự sống Thiên Chúa cho con người, như hình ảnh chiếc thang của Giacob trong Cựu Ước18. Và từ đây, thì chính linh mục phải sống đúng theo hành động thánh của Ngài, tức là hướng tất cả cuộc đời để tôn vinh Thiên Chúa và đón nhận dồi dào sự sống Thiên Chúa cho chính mình và cho tín hữu. Vậy sự thánh thiện của linh mục được diễn tả như một cuộc sống mang tâm thức tôn vinh Chúa và sống sự sống của Thiên Chúa. Điều này cũng phù hợp với điều mà phụng vụ, mà linh mục là thừa tác viên chính, nhắm tới là để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa con nguời19.
Một cách rõ ràng và đặc biệt, Công đồng nói tới sự hoàn thiện mà linh mục phải theo đuổi như được trình bày trong chương thứ III của Sắc lệnh Chức linh mục. Sắc lệnh xác quyết như sau: “Nhưng các linh mục còn có lý do đặc biệt phải đạt tới sự hoàn thiện này, vì khi lãnh nhận chức thánh là các ngài được thánh hiến cho Thiên Chúa theo một cách thức mới: các ngài trở nên những dụng cụ sống động của Chúa Kitô Tư Tế Vĩnh cửu, để qua mọi thời đại, các ngài có thể tiếp tục công việc kỳ diệu của Đấng đã lấy quyền năng cao cả mà tái lập toàn thể xã hội con người”20 . Đoạn văn này nói tới sự thánh thiện, sự hoàn thiện của linh mục, mà linh mục phải có. Chúng ta còn có các kiểu nói khác để trình bày đời sống thiêng liêng, đời sống tu đức, đời sống thánh thiện của linh mục. Nhưng ở đây không thể nói hết tất cả các kiểu nói này. Các trích dẫn trên đây cho thấy hai điểm, đó là linh mục phải nên thánh thiện, vì ơn gọi phổ quát gửi tới mọi tín hữu đạt tới sự thánh thiện, và nhất là vì các linh mục còn có một lý do khác để cố gắng nên thánh, đó là vì chức thánh đã lãnh nhận. Điểm thứ hai là việc nên thánh này được thực hiện trong chính khi linh mục thi hành các tác vụ của một thừa tác viên của Chúa Kitô. Sắc lệnh nói về điểm thứ II này như sau: “Các linh mục cũng vậy, sau khi được Chúa Thánh Thần thánh hiến bởi việc xức dầu và được Chúa Kitô sai đi, các ngài tiêu diệt nơi chính mình những công trình của xác thịt và hoàn toàn hiến thân phục vụ nhân loại: đó chính là sự thánh thiện mà Đức Giêsu đã ban cho các ngài để nhờ đó mà tiến gần đến con người hoàn thiện”21. Chúng ta có thể kiểm chứng xác quyết này qua lời nhắn nhủ của Giám mục gửi tới các ứng sinh lên chức linh mục: chính nhờ tác vụ thánh mà linh mục được thánh hiến và trở nên thánh thiện22, và “Chính thừa tác vụ của các ngài, vì mang một danh nghĩa đặc biệt, nên đòi buộc các ngài không được theo thói thế gian”23.
II. SỰ THÁNH THIỆN CỦA LINH MỤC
Sang tới phần này, chúng ta ghi lại một số suy tư của Công đồng Vaticanô II về sự thánh thiện của linh mục.
1. Nên thánh là một đòi hỏi cốt yếu đối với các linh mục
Suy tư của các Nghị phụ công đồng thật đơn giản và hợp lý về bổn phận phải nên thánh của các linh mục. Suy tư này đi từ việc nên thánh qua bí tích rửa tội, như đối với các tín hữu khác. Đó là lý do thứ nhất: mọi người, trong đó phải kể cả linh mục, đều được kêu gọi nên thánh theo như lời Chúa Giêsu đã nói: “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con ở trên trời là Đấng hoàn thiện”24. Rồi sự đòi hỏi nên thánh nơi các linh mục, còn có một lý do khác nữa, đó là chức thánh các ngài đã lãnh nhận và vì qua chức thánh đó và trong Chúa Thánh Thần, con người linh mục đã được thánh hiến trong một tư cách mới, để hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa25. Từ hai lý do này Công đồng đi tới một xác quyết chắc chắn, về sự thánh thiện mà linh mục phải đạt tới, vì các ngài tiếp xúc với thế giới thánh thiêng, với các thực tại, sự vật thánh thiện, và thi hành những công việc thánh thiện cũng như là những người quản thủ các mầu nhiệm thánh: “Thánh Công đồng này tha thiết khuyên tất cả các linh mục hãy dùng mọi phương tiện thích hợp mà Giáo Hội ban cho để luôn luôn nỗ lực tiến cao hơn trên đường thánh thiện. Nhờ đó các ngài trở nên những khí cụ ngày càng thích hợp hơn cho việc phục vụ toàn thể Dân Chúa”26. Trong lời tiên tri Malachia quở trách các tư tế thời đó, người ta thấy có sự xác định vai trò thánh thiện, cầm cân nảy mực trong dân, như sau: “Quả thế môi của linh mục phải bảo tồn khoa học, và từ miệng của ngài người ta tìm thấy những lời dạy bảo”27.
Ý thức về sự thánh thiện này, linh mục cảm nghiệm được tự trong thâm tâm của mình, mỗi ngày cảm nghiệm này trở nên mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn và xác tín hơn. Lý do dễ hiểu là vì mỗi ngày linh mục đi sâu vào sự hiệp thông với Chúa Kitô hơn, nên đồng hình dạng với Ngài hơn. Đàng khác, như đã nói trên đây, sự thánh thiện của linh mục, được nhìn trong góc cạnh mục vụ, nghĩa là do việc thực hành các tác vụ thánh liên hệ tới các linh hồn, mà linh mục có được cảm nghiệm sâu xa về sự thánh thiện phải có. Vì trước khi rao giảng Phúc Âm và làm cho người khác trở thành môn đệ của Chúa Kitô, thì chính linh mục đã phải là môn đệ của Phúc âm. Mỗi ngày, khi linh mục dâng hy tế Thánh Lễ, khi ngài ngồi tòa giải tội, khi ngài xức dầu bệnh nhân hay rửa tội... linh mục đụng chạm với các thực tại thánh. Linh mục cũng cảm thấy nhu cầu nên thánh nơi các tâm hồn và giới hạn của mình để đáp ứng nhu cầu nên thánh nơi tín hữu. Nơi linh mục cũng có thể có tình trạng bão hòa, làm quá hóa quen với việc cử hành các bí tích, và đây là một điều cần cố gắng vượt qua. Linh mục, nhất là các linh mục làm mục vụ lâu năm, cũng có thể có một cảm nghiệm khác, đó là ý thức rằng các hành động thánh mà ngài làm, rất hữu hiệu và có sức vạn năng vì do chính Chúa Kitô đặt để nơi các bí tích. Nhưng cụ thể, thì tình trạng nên thánh nơi chính mình cũng như nơi người tín hữu thật là chậm chạp và có khi còn như vô hiệu. Cảm nghiệm này đôi khi thật là đáng sợ và có khi làm cho con người linh mục chán nản và không muốn hoạt động, hoặc có khi nghi ngờ những giá trị mình đang nắm giữ. Nhưng đàng khác, các cảm nghiệm này lại có cái hay của nó, đó là trở nên một thúc đẩy cho cố gắng vươn lên và canh tân đời sống của mình để nên thánh hơn mỗi ngày. Đôi khi gương thánh thiện của các tín hữu giáo dân mà linh mục tiếp xúc trong công việc mục vụ hằng ngày, làm các linh mục suy nghĩ về sự thánh thiện và tự tìm cách làm cho mình nên thánh trong đời sống mục vụ.
Cảm nghiệm về giới hạn là điều mà chính Công đồng Vaticanô II đã nói trước cho các linh mục dưới nhiều hình thức khác nhau. Sắc lệnh Chức linh mục nói: “Do đó, vì mỗi linh mục đều là hiện thân của Đức Kitô theo cách thức riêng của mình, nên ngài nhận được những ơn riêng để trong khi phục vụ dân được trao phó cho mình và phục vụ toàn thể dân Chúa, ngài có thể dễ dàng nên hoàn thiện như Đấng mình đại diện, và để sự yếu đối của xác thịt loài người được chữa trị nhờ sự thánh thiện của Đấng vì chúng ta đã trở nên Vị Thượng Tế ‘thánh thiện, trong sạch, vô tội, tách biệt khỏi kẻ có tội” (Dt 7, 26)28 (gạch dưới là của tôi). Linh mục được kêu gọi lãnh nhận chức thánh trong chính giữa sự yếu đuối của xác thịt loài người, như những thừa tác viên bất xứng29. Ngài cũng được mời gọi nên thánh trong chính tình trạng này. Ngài cũng cảm nhận ước muốn nên thánh trong chính tâm thức yếu đuối này. Sắc lệnh Chức vụ linh mục một lần nữa nói tới tâm thức này như sau: “Vậy ý thức những sự yếu hèn của mình, thừa tác viên đích thực của Chúa Kitô khiêm tốn làm việc trong khi tìm xem điều gì làm đẹp lòng Thiên Chúa...”30.
Nhưng Thiên Chúa đã mời gọi linh mục nên thánh trong tác vụ tư tế của linh mục. Sự nên thánh này phải được hiểu như thế nào? Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục không đưa ra một định nghĩa về sự thánh thiện của linh mục, nhưng lại đưa ra những nét vẻ riêng biệt nói lên sự thánh thiện của bậc linh mục. Vậy khi ghi lại đây những nét vẻ này, chúng ta có thể chẩn đoán một hình thức thánh thiện – nói một cách trừu tượng – của linh mục. Trước tiên sự thánh thiện của linh mục phải được nhìn trong mối tương quan mật thiết và đặc biệt với Chúa Kitô là Thừa tác viên của công việc cứu rỗi. Như thế sự thánh thiện này là một thể hiện của mối dây liên kết chặt chẽ với Chúa Kitô và trong tư thế là một tác viên của ơn cứu rỗi, của ân sủng31, của công việc thánh hóa. Khía cạnh này được Sắc lệnh Chức linh mục diễn tả qua nhiều kiểu nói khác nhau, như khí cụ hành động của Chúa Kitô Tư Tế Vĩnh cửu32, là hiện thân của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình33, như là Đại diện của Chúa Kitô34, là thừa tác viên Lời Chúa35, như những vị cai quản và chăn dắt Dân Chúa36, là người được Thánh Thần xức dầu thánh hiến và thi hành tác vụ của Chúa Thánh Thần và của sự công chính37. Các lối diễn tả này cho thấy mối dây liên kết chặt chẽ con người linh mục với Chúa Kitô và từ đây sự thánh thiện của linh mục cũng khởi nguồn từ sự thánh thiện của Chúa Kitô. Sự thánh thiện của linh mục được coi như là thể hiện chiều sâu và chiều cao của mối dây liên kết chặt chẽ với Chúa Kitô. Nhờ mối dây liên kết này các linh mục lãnh nhận chính sự thánh thiện của Chúa Kitô, như Sắc lệnh Chức linh mục nói: “Các linh mục cũng vậy, sau khi được Chúa Thánh Thần thánh hiến bởi việc xức dầu và được Chúa Kitô sai đi, các ngài tiêu diệt nơi mình những công trình của xác thịt và hoàn toàn hiến thân phục vụ nhân loại: đó chính là sự thánh thiện mà Đức Giêsu đã ban cho các ngài để nhờ đó mà tiến gần đến con người hoàn thiện”38. Đây là lý do nội tại đòi buộc linh mục cố gắng nên thánh.
Ngoài ra sự thánh thiện của linh mục cũng không thể bỏ qua nền tảng nhân bản nơi các ngài, mà các ngài phải tập luyện. Sắc lệnh Chức linh mục kê khai các khía cạnh, các đức tính nhân bản nơi người linh mục như sau: “Để được thế, cần phải có nhiều đức tính đáng cho xã hội loài người kính chuộng như từ tâm, thành thật, dũng cảm, kiên nhẫn, say mê công chính, lịch thiệp và những đức tính khác mà Thánh Tông đồ Phaolô khuyên nhủ khi ngài nói: ‘Tất cả những gì là chân thật, là trong sạch, là công bằng, là thánh thiện, là khả ái, là danh thơm tiếng tốt, hoặc nhân đức, hoặc hạnh kiểm nào đáng khen, thì xin anh em hãy tưởng nghĩ đến’ (Pl 4, 8)”39. Trong Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục Công đồng cũng diễn tả thật rõ ràng về khía cạnh nhân bản này40: “Vì thế một nền giáo dục khéo tổ chức cũng phải nhằm huấn luyện các chủng sinh đạt được mức trưởng thành nhân bản cần thiết nhất là mức trưởng thành đã được kiểm nghiệm trong một đức tính cương nghị, trong khả năng quyết định chín chắn, và một óc phê phán xác đáng về con người và về các biến cố... họ phải được huấn luyện cho có tính thần quả cảm, và nói chung, phải biết quý chuộng những đức tính mà người đời thường quý chuộng và không thể thiếu nơi các thừa tác viên của Chúa Kitô, thí dụ như lòng thành thực, chuyên lo giữ đức công bình, đức tín trung, cư xử lịch thiệp, khiêm tốn và bác ái trong ngôn từ”. Các đức tính tự nhiên này được coi như cái nền cho việc xây dựng đời sống thiêng liêng, và cũng được coi như là yếu tố cấu thành cho sự thánh thiện của linh mục.
Việc nên thánh của linh mục, được hiểu như một điều bình thường của linh mục, tuy nhiên nó mang những đòi hỏi thật tận căn nơi các ngài. Công đồng Vaticanô II nhận thức điều này và đã giới thiệu cho các linh mục, ngoài việc thi hành các tác vụ, những phương tiện khác để nên thánh. Công đồng nói: “Để có thể sống kết hợp mật thiết hơn với Chúa Kitô trong mọi cảnh ngộ cuộc đời, ngoài việc thực hành một cách ý thức thừa tác vụ của mình, các linh mục còn hưởng nhờ những phương tiện chung và riêng, mới và cũ mà Chúa Thánh Thần không bao giờ ngừng khơi dậy trong Dân Chúa và Giáo Hội hằng khuyến khích, đôi khi còn buộc dùng, để thánh hóa các chi thể mình”41. Như vậy lòng sùng mộ Chúa Thánh Thần được coi như một yếu tố căn bản của sự thánh thiện linh mục. Rồi Công đồng kể ra các phương tiện khác như: sống Lời Chúa, cử hành Thánh Thể. Đây là hai phương tiện quan trọng hơn cả42. Rồi đến việc năng lãnh nhận bí tích Cáo giải43, lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Maria44. Việc viếng Mình Thánh Chúa và thờ lạy Chúa Kitô trong Thánh Thể45. Việc cầu nguyện riêng và tâm nguyện46. Việc khổ chế, một yếu tố của mọi tín hữu theo Chúa Kitô, với linh mục đó là một thái độ tự nhiên phát xuất từ Hy tế Thánh Thể mà các ngài cử hành: “và như thế các ngài được mời gọi bắt chước điều các ngài đang thi hành, vì khi cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết, các Ngài phải lo khắc chế chi thể mình khỏi mọi tật xấu và dục vọng”47. Với các lời khuyên Phúc Âm, như vâng lời48, trong sạch49 và khó nghèo50, tất cả đều được Công đồng mời các linh mục tuân thủ, nhưng với lý do là để nên giống Chúa Kitô mục tử gương mẫu51 và làm phát sinh các hiệu quả mục vụ. Về đức vâng phục và khiêm tốn, Sắc lệnh Chức linh mục đã khẳng định rõ ràng: “Trong những đức tính cần thiết hơn cả cho chức vụ linh mục phải kể đến thái độ này, là bao giờ cũng sẵn sàng tìm ý muốn Đấng đã sai mình chứ không tìm ý riêng... Vậy đức bác ái mục vụ thôi thúc các linh mục đang hoạt động trong mối thông hiệp này biết hy sinh ý riêng mình, qua việc vâng phục Chúa và anh em, bằng cách lấy đức tin mà lãnh nhận và tuân theo những gì được Đức Giáo Hoàng, Đức Giám mục của mình, cũng như các Bề trên khác truyền dạy và khuyên bảo, bằng cách hoàn toàn sẵn lòng tự hiến và tự hiến hết mức trong bất cứ chức vụ nào đã được trao phó cho mình dù là thấp kém và nghèo hèn”52. Sự tự hiến toàn diện của linh mục cho Thiên Chúa và cho nhân loại còn được cụ thể hóa trong đời sống độc thân, như lời Công đồng nói: “Sự chế dục hoàn toàn và vĩnh viễn vì Nước Trời vừa là dấu chỉ vừa là niềm khích lệ đức bác ái mục vụ và là nguồn mạch đặc biệt làm phát sinh đời sống thiêng liêng phong phú trên thế giới”53. Còn về đời sống khó nghèo, Công đồng căn dặn cách thật cụ thể như sau: “Vì thế, các linh mục cũng như giám mục, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Ngài là Đấng đã xức dầu cho Chúa Cứu Thế và sai đi giảng Phúc Âm cho người nghèo khó, phải tránh tất cả những gì bằng cách này hay cách khác có thể làm mình xa cách người nghèo khó, và hơn các môn đệ khác của Chúa Kitô, các ngài phải loại bỏ mọi thứ khoe khoang trong các đồ dùng của mình. Các ngài phải xếp đặt chỗ ở thế nào để không ai coi đó là nơi bất khả xâm phạm, và để không ai dù nghèo hèn đến đâu phải sợ hãi không bao giờ dám lui tới”54. Công đồng cũng khuyên các linh mục hãy dùng tới phương thế tĩnh tâm thiêng liêng, việc đối thoại huynh đệ với một cha linh hướng55 hay một linh mục có kinh nghiệm thiêng liêng sâu xa và đầy bác ái. Đến đây chúng ta phải nói tới một nhu cầu khá quan trọng, đó là trong mỗi giáo phận, mỗi vùng, nếu có được những linh mục gương mẫu và là những điểm hướng định, bàn hỏi, xưng tội mà anh em linh mục khác dễ dàng chạy tới, thì đó là phúc lớn cho giáo phận và hàng linh mục.
Nhưng một điều khác thật quan trọng và là nét nổi bật của sự thánh thiện mục vụ của linh mục, con người vừa sống đời kết hiệp với Thiên Chúa, lại vừa xả thân thi hành các tác vụ mục tử: đó là việc thống nhất đời sống của linh mục. Điều này được trình bày một cách rõ ràng trong số 14 của Sắc lệnh Chức linh mục. Công đồng đưa ra một nhận định cụ thể, đó là ngày người ta nhận thấy có sự phân hóa trầm trọng của con người trong các sinh hoạt hằng ngày. Các linh mục cũng rơi vào tình trạng phân hóa này khi lãnh nhận bao nhiêu trách nhiệm, bao công việc, rồi thời giờ của họ bị chia cắt. Linh mục thấy cần phải thống nhất đời sống mình. Tuy nhiên họ không thể thực hiện việc thống nhất đời sống này qua việc tổ chức đời sống mà thôi, nhưng nhất là bằng cách theo gương Chúa Kitô trong việc chu toàn tác vụ: lo tìm thánh ý Thiên Chúa trong tất cả và hiến thân cho đoàn chiên. Với ý thức này, linh mục nắm vững được nguyên lý hướng dẫn và thống nhất đời sống mục vụ của mình trong mọi sinh hoạt hằng ngày. Cụ thể là nguyên tắc sau đây: “Để có thể thực hiện sự thống nhất đời sống cách cụ thể, các linh mục phải xét đoán mọi hoạt động của mình cho biết rõ đâu là ý muốn của Thiên Chúa, nghĩa là biết rõ những hoạt động đó có thích hợp với tiêu chuẩn của sứ mệnh Phúc Âm của Giáo Hội hay không” (s. 14).
Chúng ta còn có thể kéo dài suy tư và cảm nghiệm về chân dung của người linh mục theo Công đồng Vaticanô II. Những suy tư này bắt nguồn từ cái nhìn đức tin của các giám mục tham dự Công đồng, về chức linh mục và đời sống mục vụ của các linh mục, với vui mừng cũng như mối lo âu trong khi thi hành các tác vụ của mình và lo âu về sự hoàn thiện của mình. Tất cả được kêu mời để cầu nguyện cho các linh mục, nhất là trong Năm Linh mục này. Ở đây tôi xin giới thiệu một Kinh cầu cho các linh mục của Nữ tu Têrêsa Casini, sáng lập Dòng Các Nữ Tu Tận hiến cho Thánh tâm Chúa Giêsu (Congregazione delle Suore Oblate al Sacro Cuore di Gesù, Italia), một Dòng có đặc sủng cổ võ ơn gọi linh mục và cầu nguyện cho việc thánh hóa các linh mục.
Kinh cầu cho các linh mục
Lạy Cha chí thánh56,
xin thánh hóa các linh mục của Cha,
xin thánh hóa họ trong chân lý57,
xin gìn giữ họ nhân danh Cha58.
Chớ gì tình yêu ở trong họ59,
cùng với tình yêu đó Cha đã yêu thương
Con của Cha là Thiên Chúa.
Xin Cha gìn giữ họ khỏi sự dữ60.
Họ còn ở trong thế gian61
và thế gian ghét ghen họ62.
Xin Cha gìn giữ họ.
Họ là của Cha63.
Xin đừng để một người nào bị hư mất64
dù chỉ một người thôi
trong số những người Cha đã trao phó cho Con Cha65.
Lạy Chúa Giêsu,
xin Chúa nâng đỡ, tăng sức mạnh66,
cứu rỗi các linh mục của Cha67.
Lạy Thánh Thần Thiên Chúa68, là tình yêu,
xin đổ tràn trong họ đức ái của Chúa69.
Xin Chúa dẫn đưa họ,
như Chúa đã dẫn đưa Chúa Giêsu70,
cho tới Thập Giá71.
Xin thương để các linh mục
cũng là những hiến lễ tình yêu72:
cho Thiên Chúa,
cho chính anh chị em của họ
cho tất cả các linh hồn.73
Amen.
Lời kinh này có một cơ cấu Ba Ngôi, gồm ba phần và lời cầu nguyện tuyên xưng lên với Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Lời kinh hầu hết gợi hứng từ Kinh Thánh, nhất những chương 14, 15, 16 và 17 của Phúc Âm Thánh Gioan, như chúng ta thấy qua các chú thích. Lời Kinh có một cái nhìn thần học khá đầy đủ về chức linh mục – cho dù được trình bày trong lối văn cầu nguyện – như: chức linh mục là ơn huệ của Chúa Cha ban cho một số người, như Chúa Cha đã đặt chính Chúa Kitô Con của Ngài làm thượng tế muôn đời; để lo phần rỗi cho thế giới trong chính thế giới mà họ đang sống qua hy tế đời sống và qua chính hy tế thập giá, và qua việc dâng hy tế của Chúa Kitô. Lời kinh không nói tới việc thực thi ba tác vụ rao giảng, thánh hóa và cai quản, như trong giáo huấn của Công đồng Vaticanô II. Việc thánh hiến này được thực hiện do Chúa Thánh Thần. Đây là một điều khá mới mẻ, trong bối cảnh trước đây hơn 100 năm.
Rôma, ngày 13-6-2009
Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
1 X. Dt 5, 1. X. Sắc lệnh Chức linh mục, s. 3.
2 Bruno Secondin – Tullo Goffi (edd.), Corso di spiritualità. Esperienza – Sistematica – Porjezioni, Ediz. Queriniana Brescia 1989, tr. 602.
3 Sắc lệnh Chức linh muc, s. 1.
4 Ủy ban Giám mục về Giáo sĩ và Chủng viện của Hội đồng Giám mục Pháp đã công bố một tài liệu học hỏi về đề tài này trong cuốn sách mang tựa đề như sau: Commissione Episcopale Francese del Clero e dei Seminari, I Sacerdoti nel Pensiero del Vaticano II, Edizione dell’Unione Apostolica del Clero, Roma, 1966 (bản dịch tiếng Ý của các Ủy ban Giáo sĩ toàn quốc và một số Ủy ban giáo phận tại Ý); nguyên bản tiếng Pháp 1965: Les prêtres dans la pensée de Vatican II, Editions du Vitrail, Paris 1965.
5 Sắc lệnh Chức linh mục, s. 12.
6 Hiến chế Ánh sáng muôn dân, s. 26.
7 X. Sắc lệnh Chức linh muc, s. 2.
8 X. Nt., s. 2.
9 X. Nt., s. 2.
10 Sắc lệnh Chức linh mục, s. 2.
11 Nt., s. 3.
12 Nt., s. 1.4.
13 Lc 10, 42.
14 Nt., s. 2.
15 Nt., s. 2.
16 Sắc lệnh Chức linh mục, s. 2.
17 Bản văn Latin của Sắc lệnh: Ad vitam divinam provehendam (Đời sống Thiên Chúa).
18 X. St 28, 10-18.
19 X. Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Công đồng chung, s. 7.
20 Sắc lệnh Chức linh mục, s. 12.
21 Sắc lệnh Chức linh mục, s. 12.
22 Giám mục chủ sự lễ truyền chức linh mục nhắn nhủ ở phần đầu với tín hữu và với các ứng sinh như sau: “Vì phải nên giống Đức Kitô Thượng tế muôn đời, phải liên kết với chức tư tế của Giám mục, thày sẽ được thánh hiến tư tế thật sự của Tân Ước, để rao giảng Phúc Âm, chăn dắt dân Thiên Chúa và cử hành việc phụng tự nhất là trong Thánh Lễ”. Nói với các ứng sinh: “Còn con thân mến, con sắp lên chức linh mục, con sẽ thi hành nhiệm vụ giảng huấn trong Chúa Kitô là Thầy chúng ta. Con đã vui mừng lãnh nhận Lời Chúa, con hãy đem ra phân phát cho mọi người. Khi suy gẫm luật Chúa, con hãy chú tâm tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy. Vậy giáo lý của con phải nên lương thực nuôi dân Thiên Chúa, hương thơm đời sống của con phải nên niềm vui thú cho các tín hữu Đức Kitô, để lời nói và gương lành của con xây dựng nhà Thiên Chúa là Hội Thánh”, trong Nghi Thức Phong Chức Giám mục, Linh mục và Phó tế, Bản dịch của Hội đồng Giám mục Việt Nam, dịch theo bản mẫu năm 1990 và đã được Hội nghị Giám mục Việt Nam năm 1991 cho phép tạm dùng, tr. 104. X. Hiến chế Ánh sáng muôn dân, s. 27: “Sau hết, vất vả truyền giáo và dạy dỗ (1Tm 5, 17), linh mục tin những gì các ngài được thấy và suy niệm trong lề luật Chúa, dạy dỗ những điều mình tin và thực hành những điều mình dạy” .
23 Sắc lệnh Chức linh mục, s. 3.
24 Mt 5, 48; Sắc lệnh Chức linh mục, s. 12; Hiến chế tín lý về Giáo Hội Ánh sáng muôn dân, chương V.
25 X. Sắc Lệnh Chức linh mục, s. 12; x. Hiến chế tín lý về Giáo Hội Ánh sáng muôn dân, s. 28. 41.
26 Sắc lệnh Chức linh mục, s. 12.
27 Ml 2, 7.
28 Sắc lệnh Chức linh mục, s. 12. 15.
29 Nt., s. 12. Trong Nghi thức Thánh Lễ, chúng ta đọc được những kiểu nói diễn tả tâm thức bất xứng mà linh mục cảm nhận được khi đứng trước toà Thiên Chúa, khi dâng tiến hy lễ cao cả cực thánh: Kinh Cáo Minh và Kinh Thương Xót; trươc khi công bố bài Phúc Âm: “Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh tẩy tâm hồn và môi miệng con, để con xứng đáng và đủ tư cách công bố Tin Mừng của Chúa”. Khi linh mục rửa tay: “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con phạm, xin Ngài thanh tẩy”. Hoặc lời kinh Tưởng nhớ sau Truyền Phép (Kinh nguyện Thánh Thể II): “Vì vậy lạy Chúa, khi kính nhớ Con Chúa chịu chết và sống lại, chúng con dâng lên Chúa bánh trường sinh và chén cứu độ để tạ ơn Chúa, vì Chúa đã thương cho chúng con được xứng đáng hầu cận trước Tôn nhan và phụng sự Chúa”. Kinh đọc trước khi ban bình an và trước khi rước lễ: “Xin đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa; xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hợp nhất theo thánh ý Chúa”.
30 Nt., s. 15.
31 Sắc lệnh Chức linh mục, s. 18.
32 Nt., s. 12.
33 Nt., s. 12. 13.
34 Nt., s. 12.
35 Nt., s. 13.
36 Nt., s. 13.
37 Nt., s. 12.
38 Nt., s. 12.
39 Sắc lệnh Chức linh mục, s. 3.
40 Sắc lệnh về đào tạo linh mục Mọi người mong ước (Optatam totius), 28-10-1965, s. 11.
41 Sắc lệnh Chức linh mục, s. 18.
42 Nt., s. 18. Lời Chúa được đào sâu để giúp cho đời sống thiêng liêng của linh mục như cách thế lectio divina: đọc lời Chúa với suy tư và cầu nguyện.
43 Nt., s. 18.
44 Nt., s. 18.
45 Nt., s. 18.
46 Nt., s. 18.
47 Nt., s. 13.
48 Nt., s. 15
49 Nt., s. 16.
50 Nt., s. 17.
51 Với đức khó nghèo Sắc lệnh nói như sau: “Thật vậy, vì nhận Chúa là phần và là gia nghiệp của mình (Ds 18, 20), nên các linh mục chỉ được sử dụng những của cải trần gian vào những mục đích mà giáo lý Chúa Kitô và quy luật của Giáo Hội ấn định” (s. 17).
52 Nt., s. 15.
53 Nt., s. 16.
54 Nt., s. 17.
55 Nt., s. 18.
56 X. Ga 17, 11. X. Ga 17, 25 chúng ta có lời cầu khẩn: “Lạy Cha công chính” (Pater iuste).
57 X. Ga 17, 17: “Xin Cha thánh hóa họ trong chân lý” (Sanctifica eos in veritate). Ga 17, 19: “Vì chúng mà Con đã thánh hóa chính mình Con, để chính họ cũng được thánh hóa trong chân lý” (et pro eis ego sanctifico me ipsum, ut sint et ipsi et ipsi sanctificati in veritate).
58 Ga 17, 11-12: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ họ nhân Danh Cha. Danh mà Cha đã ban cho Con, để họ nên một như Chúng Ta. Khi Con còn ở với họ, Con đã gìn giữ họ nhân Danh Cha, Danh mà Cha đã ban cho Con và Con đã giữ lấy, và không ai trong họ hư mất, trừ người con của sự hư mất, để Kinh Thánh được nên trọn”” (Pater sancte, serva eos in Nomine tuo quod dedisti mihi, ut sinh unum sicut nos. Cum essem cum eis, ego servabam eos in Nomine tuo quod dedisti mihi et custodivi, et nemo ex his periit, nisi filius perditionis, ut Scriptura impleatur).
59 X. Ga 15, 8.
60 X. Ga 17, 15: “Con không cầu xin để Cha đưa họ ra khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi sự dữ” (Non rogo ut tollas eos de mundo, sed ut serves eos ex Malo).
61 X. Ga 17, 11: “Và Con không ở trong thế gian, nhưng họ còn ở trong thế gian, còn Con thì về cùng Cha” (Et iam non sum in mundo, et hi in mundo sunt, et ego ad te venio).
62 X. Ga 15, 19.
63 Ga 17, 9-10: Con cầu xin cho họ; Con không cầu xin cho thế gian, nhưng cho những người đó mà Cha đã ban cho Con, vì họ là của Cha. Và những gì là của Con thì cũng là của Cha và những gì là của Cha cũng là của Con” (Ego pro eis rogo; non pro mundo rogo sed pro his quos dedisti mihi, qui tui sunt, et mea omnia tua sunt et tua mea).
64 X. Ga 17, 12.
65 X. Ga 17, 3-4.
66 X. 2Tm 2, 1: “Phần con, con thân mến của cha, hãy tăng cường sức mạnh trong ân sủng nơi Chúa Kitô Giêsu” (Tu ergo, fili mi, conforare in gratia quae est in Christo Iesu”.
67 X. 2KS 6, 41: trong lời cầu nguyện khi thánh hiến đền thờ, Vua Salomon kêu xin cho các linh mục, tư tế như sau: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin cho linh mục của Chúa mặc lấy ơn cứu rỗi và các tín hữu của Chúa được hưởng sự thịnh vượng dồi dào” .
68 X. Kn 1, 7. Lc 4, 12.
69 X. Rm 15, 30: “Vì thế, thưa anh em, vì Chúa chúng ta Đức Kitô Giêsu và vì tình yêu của Chúa Thánh Thần, tôi khẩn nài anh em: hãy chiến đấu với tôi bằng lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa để tôi được cứu thoát khỏi các người vô đạo ở Giuđêa và cho việc phục vụ của tôi tại Giêrusalem được các thánh thương chấp nhận” .
70 X. Lc 4, 1
71 Mt 10, 38: “Ai không đón nhận thập giá mình và theo Ta thì không đáng là môn đệ của Ta” (et qui non avvipit crucem suam et sequitur me, non est me dignus). Ga 19, 17: “Và Chúa Giêsu vác lấy thập giá trên mình, và ra đi tới nơi gọi là Calvario” .
72 X. Rm 12, 1: “Vì vậy tôi khuyên anh em, thưa anh em, vì lòng nhân từ của Thiên Chúa, hãy dâng hiến thân xác anh em làm hiến lễ sống động và đẹp lòng Thiên Chúa” .
73 X. Dt 7, 27: “Ngài không cần, như các thượng tế khác phải dâng hiến lễ mỗi ngày, trước là để đền bù tội lỗi mình và sau là đền bù tội lỗi của dân”.
Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Linh mục và luật độc thân
-
Tính cách của Tu sĩ Công giáo -
Linh mục với vấn đề hồi tục -
Đời sống linh mục là một đời sống khó khăn -
Thụ phong Linh mục -
Giám mục & Linh mục -
Những bước chân -
Viết cho người linh mục -
Linh mục: Người được “chọn” và “gọi” -
Linh mục sống tu đức trong bối cảnh thực tế Giáo Hội và Xã hội Việt Nam hôm nay