Từ cuộc triển lãm tác phẩm hội họa của Benn đến sự thưởng ngoạn nghệ thuật thánh ngày nay

Từ cuộc triển lãm tác phẩm hội họa của Benn đến sự thưởng ngoạn nghệ thuật thánh ngày nay

WHĐ (7.07.2010) – Tại Viện Bảo tàng nghệ thuật thánh tại Gard (Pháp), đang diễn ra cuộc triển lãm các tác phẩm của nhà danh họa Benn, người Nga gốc Do Thái. Cuộc triển lãm bắt đầu từ cuối tháng Sáu và bế mạc vào 19-09-2010.

Họa sĩ Benn sinh năm 1905 tại Belostok (Nga). Ông là người gốc Do Thái. Năm 1930, ông cùng gia đình sang Pháp lập nghiệp. Năm 1989, ông qua đời tại Paris.

Những năm chủ nghĩa bài Do Thái hoành hành khắp châu Âu, Benn sống trong tâm trạng của người “tị nạn” và tìm đến Thánh Kinh làm nơi nương náu.

Ông đọc Kinh Thánh và chuyển đạt thành hội họa.

Benn nói: “Tôi dùng hội họa để phiên dịch Kinh Thánh. Tôi cố diễn đạt sự chuyển dịch bằng ngôn ngữ của đường nét và sắc màu. Tôi mong hội họa của tôi là lời diễn đạt trần trụi và nhân bản về Kinh Thánh”.

Những họa phẩm nổi tiếng của Benn đều lấy cảm hứng từ Kinh Thánh, đặc biệt từ Thánh Vịnh. Trong đó có hai bức họa nổi tiếng về Thánh Vịnh 40 và 102.

Các tác phẩm hội họa của Benn đang được trưng bày tại Viện Bảo tàng Gard, một địa chỉ nổi tiếng khắp thế giới đối với giới mộ điệu. Được biết, viện bảo tàng này là nơi sưu tầm và triển lãm các tác phẩm nghệ thuật thánh.

Giáo sư Regis Debray, chuyên gia nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật, nói về vai trò của viện Bảo tàng Nghệ thuật thánh Gard:

“Đây là ‘nơi’ giúp chúng ta khám phá sự linh thiêng bằng ngôn ngữ văn hóa, là ‘lúc’ để chuyển từ thái độ khinh miệt và dửng dưng của phàm tục đến thái độ đồng cảm thấu hiểu trong cõi nhân sinh. Nhờ đó ta mới hội nhập được thực tại tôn giáo như một bộ phận hợp thành nền văn hóa của chúng ta”.

Những cuộc triển lãm hội họa lấy nguồn cảm hứng từ đời sống đức tin như cuộc triển lãm các tác phẩm của họa sĩ Benn, đã gợi cho giáo sư Regis Debray những suy tư về ý nghĩa của ngôn ngữ nghệ thuật trong tương quan với văn hóa và đức tin. Ông khẳng định tôn giáo chính là một bệ phóng của sáng tạo nghệ thuật:

“Việc tìm hiểu nguồn cội nền văn hóa của chúng ta không nhằm để dạy đạo, nhưng khi tiếp cận với những biểu hiện nghệ thuật của văn hóa, thì không thể không nhớ đến nền tảng tôn giáo, đó là nơi khởi phát và tuôn trào cảm hứng sáng tạo nghệ thuật”.

Giáo sư nhận định về sự thưởng ngoạn các tác phẩm nghệ thuật thánh của con người ngày nay:

“Ngày nay, xã hội đang chịu sự tác động của trào lưu giải thiêng và tục hóa, Viện Bảo tàng Nghệ thuật thánh không còn là nơi nói về thánh thiêng mà là nơi diễn đạt cái nhìn của xã hội về sự linh thánh”.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top