Trao đổi ngắn sau Ngày hội ngộ 27.10.2011
Hai ngày sau cuộc HỘI NGỘ - CHUNG TAY XÂY DỰNG BÌNH AN, hôm 29.10.2011, Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn chúng tôi cùng với thầy Trần Mừng và một số anh em vừa thu dọn xong gian triển lãm “Tinh thần Assisi”. Đang khi mọi người ngồi quanh bàn tròn uống nước giải khát, nghệ nhân dòng Phanxicô giới thiệu vợ chồng Chị Nhung - Anh Tám, tài xế xe tải, là người Gò Công.
Tôi chen lời: Ồ ! Gò Công nổi tiếng vì có những Đại Phu Nhân trong lịch sử a! Gò Công lại cũng nổi tiếng với đặc sản dưa hấu nữa …. “Dạ”. Chuyện trò rôm rả bên bàn nước xong thì tan hàng, ai về việc nấy, Anh Tám chở các tác phẩm nghệ thuật đi, số còn lại, chúng tôi nhờ chị (và cháu nhỏ) trông giúp. Tôi làm việc của mình ở gần đấy.
* Bỗng chị hỏi: “Thầy ơi, người bên Đạo của Thầy khi kết hôn, vào nhà thờ làm gì vậy?”
Tôi lấy ghế ngồi đối diện với chị và cháu rồi nói: “Đời người ta, khi kết hôn có phải là việc quan trọng không? (Dạ) Vậy thì, nếu là người theo Đạo Ông Bà, có phải là đôi trai gái đó thắp hương đứng trước bàn thờ Ông Bà rồi vái khấn hứa, báo cho ông bà biết việc kết hôn của mình, xin ông bà chứng giám và phù hộ cho được sống bình an, mạnh khỏe hay là cái gì gì nữa đúng không? (Dạ, có thắp nhang rồi vái, xin vậy vậy đó). Bên Đạo Phật, khi kết hôn, người ta cũng thắp hương vái vậy đó đúng không? (Dạ) nhưng ở trong nhà, ngoài bàn thờ Gia Tiên ra còn có bàn thờ Phật đúng không? (Dạ) Vậy họ cũng vái và khấn với ông bà và với Phật để xin các Đấng phò hộ cho đôi vợ chồng đó được mọi sự tốt lành, thuận lợi … đúng không? (Dạ) Còn bên Đạo Công Giáo chúng tôi thì có khác, vì chúng tôi tin rằng kết hôn là một bí tích (!!!) vâng tôi nói bí tích chị không hiểu, tôi chỉ nói sơ thôi: Bên Đạo chúng tôi có bảy bí tích: bí tích Rửa Tội, bí tích thánh Thể … và bí tích Hôn phối. Chúng tôi tin rằng khi kết hôn, sẽ ra nhà thờ, rồi hai người được Thiên Chúa tác hợp và sẽ được chúc phúc rồi ban cho nhiều ơn lành để sống đời vợ chồng, vì kết hôn là một bí tích mà, nên làm thế!
(...)
* Thầy à, Đạo Phật phát xuất từ Ấn Độ, tại sao người ở đây lại bảo Đạo Phật phát xuất từ Pháp?”
- Ai nói vậy? Đạo Phật phát xuất từ Nepal, là nước gần Ấn Độ, rồi Đạo được truyền vào Ấn Độ rồi sang Trung Quốc, ấy là Đạo Phật Đại Thừa, rồi từ Trung Quốc, Đạo Phật vào Việt Nam mình. Còn Đạo Phật Tiểu Thừa thì theo đường từ Ấn Độ truyền sang Myanma, rồi Lào, Campuchia, Thái Lan v.v.. rồi vào Miền Tây của mình, ấy là Đạo Phật Tiểu Thừa, vậy đó!
* Mẹ con bảo: “Bên Công Giáo để xác người chết kỳ quá, giả dụ bên tụi con, khi xác để ở trong nhà thì đầu hướng phía trong – chân hướng ra ngoài, ý là để nhìn người vào viếng. Còn khi ra khỏi nhà thì cũng chiều đó, lúc chôn thì đầu để ở phía tấm bia. Còn bên Đạo Công Giáo không giống vậy”.
- Vâng tôi hiểu rồi, tôi cũng nói cho chị hay về cách thức của bên này, chúng tôi khi sống thì nhìn bàn thờ mà cầu nguyện, đúng không? (Dạ) vậy lúc chết, thì chị thấy phía trên hòm hoặc ở phía cuối hòm có để Cây Thánh Giá, đúng không? (vâng) ấy là để hướng đầu người chết phía ngoài – chân phía trong để nhìn Thánh Giá. Khi đi ngoài đường thì chân đi trước như lúc còn sống vậy (Dạ) còn khi vào nhà thờ thì cũng để hướng như ở nhà vì để dự lễ mà! Lúc chôn thì .. “à, vậy lúc chôn thì chỗ đặt Cây Thánh Giá là phía chân của người chết phải không?” - Vâng đúng vậy, thế nhưng có khác nữa là như vầy: chúng tôi là giáo dân thì khi đi lễ chúng tôi quay lên bàn thờ mà cầu nguyện, con các linh mục thì đứng ở bàn thờ quay xuống phải không? (vâng) vì thế khi các vị ấy chết thì đặt hướng ngược lại với chúng tôi. “À vậy hả, bên con, khi đi ra thăm mộ, thấy có người ngồi nghỉ trên các ngôi mộ, tụi con bảo “tội chết! ngồi trên đầu cha người ta đấy!” (Dạ).
* Thầy à, Đạo thờ một mắt là đạo gì? Họ ác lắm phải không? (cả hai cùng cười)
- Chị nghe ai nói vậy, chứ tôi đã quen biết họ hai ba năm nay, chúng tôi thấy họ rất tốt, rất dễ gần. Hôm tổ chức ngày Hội Ngộ ở đây có nhiều người Đạo khác đến dự, cũng có cả người của Đạo Cao Đài nữa (ủa họ gọi là Đạo Cao Đài hả) ở trong Đạo của họ có nhiều người có đạo hạnh cao lắm, như ông Huệ Khải là người rất hay, hôm đó ông phát biểu nhiều người thích nghe lắm. Hôm đó ông cũng kể một câu chuyện truyền khẩu năm 1968 thời Tết Mậu Thân chiến tranh ác liệt ấy, người ta kể rằng Đức Mẹ hiện ra dùng áo choàng hất hết bom sang bên làng Cao Đài ! Nghe xong mọi người đều cười, cười vì buồn cười nhưng cười xong lại buồn, vì đó là chuyện ngày xưa suy nghĩ còn khép kín, ai cũng lo bảo vệ Đạo của mình vì thế nên hay nói xấu Đạo khác. Cũng giống như chuyện nãy chị hỏi tôi về đám cưới ấy.
“Vâng con hiểu rồi, vì người ta nói xấu nhau vậy thôi chứ còn đâu có phải vậy đâu!”
- Chúng tôi đều quan niệm: chúng ta là anh chị em của nhau, chứ có phải kẻ thù gì đâu, còn ai theo Đạo nào thì tùy họ vì chị biết đấy, những người sáng lập Đạo đều dạy người ta phải ăn ngay ở lành đấy. Cũng chính bởi vì mọi người không biết về nhau nhiều nên chúng tôi tổ chức ra ngày hội này để cho mọi người của các tôn giáo gặp nhau. Dạ.
* Con thấy người bên Công Giáo đỡ thiệt, trước khi kết hôn họ được học 3 tháng, còn bên tụi con cứ cưới là cưới chứ không được học gì cả!”
Dạ, chị biết chuyện đó hả? đúng vậy, vì khi kết hôn là người ta sẽ sống một đời sống hai người rồi, nó khác với lúc trước đấy. Lúc đó, hai người yêu nhau nhưng chỉ gặp nhau ở ngoài – chưa biết hết về nhau. Khi sống chung thì có nhiều bất ngờ lắm … thế nên họ được học để biết những chuyện vợ chồng, chăm sóc, dạy con, và nhiều chuyện khác … Với lại chị biết sao không? Khi kết hôn, họ đứng trước bàn thờ và nói lời: “Tôi tên … xin nhận em … làm vợ và hứa giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bịnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời tôi” vì thế kết hôn là vĩnh viễn và chỉ một lần. Chỉ có cái chết mới cắt đứt được thôi. Không được ly dị đâu. “Vâng bởi vậy nên nói bên Đạo Công Giáo hay ở chỗ đó, chứ còn bên con là cứ không hạp là ly dị à!”
* Vậy khi bên thầy ghi vào lý lịch thì ghi làm sao? (ý chị là gì?) Ý con là khi ghi vào phần lý lịch ở hồ sơ nộp nhà nước, thì thầy ghi mình đạo gì? À, khi ghi vào lý lịch thì chúng tôi ghi là Đạo Công Giáo hay có lúc người ta đề nghị chúng tôi ghi là Thiên Chúa Giáo. “Bên con chẳng biết ghi là gì, cứ để trống thôi” À, tôi hiểu rồi, nhà chị không phải là theo đạo Phật phải không? Tôi nói chị nghe, từ xưa lúc Đạo Phật chưa vào Việt Nam mình, thì chúng ta đã có tín ngưỡng thờ cúng ông bà, vạn vật hữu linh, thờ thần sông thần suối … Vậy nhà chị có bàn thờ ông bà không? “Dạ có.” Có nơi người ta còn để bàn thờ Thiên ngoài cửa nữa “cái này thì ở miền Tây thì có chứ ngoài Bắc không có”. Vâng vậy là nhà chị theo Đạo Ông Bà? “Dạ đúng vậy, vì có giỗ quảy, cúng, rồi khấn vái …” Nếu ghi lý lịch thì chị cứ ghi là Đạo Ông Bà.
- “Con thấy bên Đạo của thầy có nhiều cái hay lắm” - Dạ, chị nói thế thì tôi xin nói thêm: giả dụ gia đình chị là Đạo Ông bà, thì làm giỗ quảy và khấn vái các ngài phù hộ. Bên Đạo Phật, nếu muốn cầu nguyện cho ông bà thì mình mời quý sư tụng niệm cầu siêu cho các ngài. Còn bên Đạo Công Giáo chúng tôi có thể nhờ các linh mục cầu nguyện và chính chúng tôi cũng có thể cầu cho những người thân của mình đã qua đời.
“Vậy hả thầy! Hôm nay gặp thầy đánh bạo hỏi những thắc mắc đó, chứ con thắc mắc mà không dám hỏi các ông Cha. Nói chuyện với thầy và thầy Mừng con biết thêm được nhiều chuyện”.
- Thầy Mừng là thầy, là tu sỹ còn tôi không phải là thầy, tôi là giáo dân như mọi người thôi, nhưng tôi được học chút ít nên biết cái gì thì nói cho chị hay.
* “Dạ cám ơn thầy” - Dạ cảm ơn anh chị Tám! TẠ ƠN CHÚA!
bài liên quan mới nhất
- Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
-
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo -
Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục -
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô -
Ngày 02/11: Lễ các đẳng linh hồn -
Ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Ngày 28/10: Thánh Simon và Thánh Giuđa, Tông đồ - lễ kính
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi