Trang nhật ký của một linh mục: Một Ước Mơ
TGP.TPHCM vừa có 12 tân linh mục được phong chức vào lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Các vị tân chức này đang mơ ước những gì? "NHỮNG TRANG NHẬT KÝ CỦA MỘT LINH MỤC" ghi lại ước mơ của hai linh mục sống vào hai thời điểm rất xa nhau, nhưng ước mơ của họ đều phát xuất từ một nguồn động lực duy nhất: từ Trái Tim Chúa, yêu Chúa và yêu như Chúa. Đọc lại những ước mơ này để đi vào mơ ước của Chúa về các mục tử của Ngài...(wtgp-tphcm 19.06.09)
Thánh Phanxicô Xaviê đi ngang qua Trung Hoa lần đầu khi ngài từ Nhật Bản về Ấn Độ. Lúc ấy tàu ngài dừng chân trên bờ biển Thượng Xuyên. Lúc ở Nhật Bản, ngài được biết người Nhật chịu ảnh hưởng sâu đậm Trung Hoa. Ngài nghĩ nếu người Trung Hoa theo đạo, có thể người Nhật sẽ chịu ảnh hưởng và lôi cuốn theo. Từ đó ngài quyết định phải đến Trung Hoa.
Từ đảo Thượng Xuyên, ngài quay lại Ấn Độ để chuẩn bị cho chuyến đi. Bấy giờ Hoàng đế Trung Hoa đã nghiêm cấm người nước ngoài vào Trung Hoa, ai bất tuân sẽ bị tử hình hoặc tù. Phải có phép của Hoàng đế Trung Hoa mới được truyền giáo, nên thánh Phanxicô tổ chức một phái đoàn ngoại giao, có cả sứ thần và tặng vật cho Hoàng đế. Nhưng ngang đường, vì ghen tị, viên trấn thủ Bồ Đào Nha ở Malacca chiếm đoạt chiếc tàu, bắt ngài bỏ lại cả viên sứ thần cùng với tặng vật. Cuối cùng ngài đến đảo Thượng Xuyên tháng 8 năm 1552. Cùng đi với ngài chỉ có một thầy dòng Tên, một giáo dân Ấn Độ và một thanh niên công giáo người Hoa tên là Antôn.
Vì lý do an ninh, bấy giờ tất cả các người nước ngoài đều sống trên tàu thuyền ở ngoài khơi đảo Thượng Xuyên. Thánh Phanxicô Xaviê làm một chòi và một nhà nguyện nhỏ trên bờ rồi ở đó đợi người đưa vào đất liền. Tại đây, ngài bắt đầu thấm mệt sau mười năm lặn lội và lao đao trên đường truyền giáo. Nhưng ngài vẫn nhất quyết vào Trung Hoa.
Vì không có sứ thần Bồ Đào Nha và tặng vật, ngài chỉ còn cách vào lén mà thôi. Lấy ai quen đường mà giúp đỡ bây giờ? Ngài nghĩ lí tưởng là tìm được một nhà buôn người Hoa thông thạo ngõ ngách.
Ngài gặp một người Quảng Đông, cố thuyết phục ông sắp xếp đưa ngài vào đất liền. Ông đồng ý chở bằng thuyền nhỏ với giá hai trăm đồng vàng, tương đương giá 10,000 con gà lúc bấy giờ. Đến nơi, ông sẽ giấu ngài trong nhà, chờ sáng sớm đưa ra cổng thành, từ đó ngài tìm đến quan tổng đốc, sẽ trình với quan tổng đốc là ngài đến để trao một lá thư của đức giám mục cho Hoàng đế ở triều đình.
Phanxicô Xaviê biết điều đó có thể nguy hiểm. “Tôi biết điều này cũng là liều đấy vì có thể sau khi nhận được tiền, anh nhà buôn sẽ bỏ chúng tôi trên một đảo hoang, hoặc liệng chúng tôi xuống biển để khỏi phát hiện. Cũng có thể khi đến Quảng Đông và gặp quan tổng đốc, chúng tôi bị tra tấn và giam trong ngục tối. Nhưng nguy hiểm lớn nhất chính là mất lòng trông cậy và tin tưởng vào Thiên Chúa từ nhân. Vì thế chúng tôi quyết định lên đường đến Trung Hoa với bất cứ giá nào.”
Phanxicô Xaviê đợi nhà buôn quay lại, nhưng ngài đợi mãi không thấy tin hơi đâu hết. Ngài nhắn tin là sẽ trả thêm tiền. Tiếp tục chờ đợi, cứ lạc quan, nhưng ngày tháng trôi qua, bắt đầu xuống sức. Các tầu buôn Bồ Đào Nha lần lượt ra đi, sau cùng đem theo thầy dòng Tên. Ngài chỉ còn một mình, với anh thanh niên người Hoa quê ở Malacca. Phanxicô sẵn sàng lên đường, tiếp tục ngóng trông, thấp thỏm chờ người buôn trở lại.
Cuối cùng Phanxicô Xaviê nằm liệt giường, sốt cao. Ngài vẫn chưa bỏ ý định vào Trung Hoa. “Nếu năm nay chưa đến Quảng Đông được, tôi sẽ đi Thái Lan, và nếu không được tôi sẽ trở về Ấn Độ. Nhưng tôi rất hi vọng là tôi sẽ vào được Trung Hoa." Đó là ước vọng của ngài.
Càng ngày càng thấy rõ ông nhà buôn không quay lại đón ngài. Sức khỏe suy sụp. Ngài nhớ đến anh em dòng. Xa nhau tới mười năm rồi. Trong lá thư cuối cùng ngài bộc lộ rõ ràng được gặp lại thánh Inhaxiô.
“Cha Inhaxiô kính mến, trong thư con vừa nhận, cha cho biết cha rất mong gặp lại con trước khi chết. Chúa biết cho là những lời ấy đánh động tâm hồn con thế nào, và con không sao cầm được nước mắt.
Ký tên
Phanxicô Xaviê"
Antôn là người gắn bó với ngài cho tới khi ngài chết, anh thuật lại những giây phút cuối đời của ngài như sau:
“Sau tám ngày nằm liệt giường, cha Phanxicô Xaviê á khẩu và thinh lặng suốt ba ngày. Trong mấy ngày ấy, ngài không ăn gì hết. Vào trưa hôm thứ năm, ngài tỉnh lại và chỉ kêu Ba Ngôi Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần. Tôi nghe ngài nhắc đi nhắc lại: “Lạy Chúa Giêsu, con vua Đavid xin thương xót con.” Ngài cứ mấp máy trên môi như vậy, cho đến rạng đông hôm thứ bẩy, mồng 3 tháng 12. Khi ấy ngài hấp hối, tôi đặt vào tay ngài một cây nến sáng. Rồi sau khi kêu Thánh danh Chúa Giêsu, ngài trút hơi thở, về với Đấng Tạo Hóa và là Chúa mình, rất bình an như an thái.”
Hơn mười năm ở Á Châu xa lạ, không thông thạo ngôn ngữ địa phương, chỉ có một trái tim thật lòng, một mơ ước phục vụ Chúa và tha nhân. Phanxicô đã lìa bỏ quê hương để theo một giấc mơ. Như mọi người khác, ngài cũng mơ ước một cuộc đời thành nhân, mơ ước công danh thành đạt. Một lúc nào đó trên đường đời, Phanxicô biến giấc mơ ấy thành nguyện ước là làm được cái gì đó để cuộc sống có ý nghĩa hơn, để đáng kể là mình đã sống. Phanxicô Xaviê đã dũng cảm theo đuổi điều mình mơ ước cho đến chết.
“Mục đích của chúng ta là giúp mọi người biết Đấng Tạo Hoá, và làm cho Đấng Tạo Hóa được tôn vinh nơi những con người là hình ảnh của Ngài và giống Ngài.”
Phanxicô Xavier
1506-1552
Nơi an táng
Tôi đứng bên ngôi mộ nhỏ trong nhà nguyện, nơi ngày xưa Phanxicô yên nghỉ. Giấc mơ của tôi đã thành sự thật. Tôi đang ở đảo Thượng Xuyên thuộc đất Hoa Lục. Ngôi nhà nguyện nằm trên sườn núi nhìn xuống biển. Phía bên kia là đất liền. Trời nước mênh mông. Tôi hong gió biển thổi mạnh trên sườn núi. Ngôi mộ như đợi chờ khắc khoải muốn bước chân xuống biển đi về phía bên kia vùng biển: Đất Hoa Lục.
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Linh mục và luật độc thân
-
Tính cách của Tu sĩ Công giáo -
Linh mục với vấn đề hồi tục -
Đời sống linh mục là một đời sống khó khăn -
Thụ phong Linh mục -
Giám mục & Linh mục -
Những bước chân -
Viết cho người linh mục -
Linh mục: Người được “chọn” và “gọi” -
Linh mục sống tu đức trong bối cảnh thực tế Giáo Hội và Xã hội Việt Nam hôm nay