Tổng kết một chuyến đi: Hành hương Thánh địa của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (8.05.2009 – 15.05.2009)

Tổng kết một chuyến đi: Hành hương Thánh địa của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (8.05.2009 – 15.05.2009)

Tổng kết một chuyến đi: 

Hành hương Thánh địa của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (8.05.2009 – 15.05.2009) 

WHĐ (18.05.2009) -- Một chuyến viếng thăm được Đức Thánh Cha nghĩ đến ngay vào đầu triều đại của ngài. Đây cũng được xem là chuyến đi đầy nguy hiểm và nhiều cạm bẫy bởi vì Thánh địa nằm trong vùng Trung Đông hiện nay, nơi đang diễn ra cuộc xung đột dân tộc–chính trị ác liệt trong đó, mọi phía đều rất muốn khai thác chuyến viếng thăm của ngài cho mục tiêu riêng của mình, nơi “chất chứa những khổ đau bi thảm, những năm tháng bạo lực và căng thẳng chưa được giải quyết”, như ngài đã mô tả. 

Nhưng Đức Thánh Cha đã vượt qua khỏi vũng lầy của cuộc xung đột và của các quyền lợi hẹp hòi. Ngài đã tới giữa cuộc xung đột không phải với tính cách một chính khách, một nhà ngoại giao, càng không phải như người đại diện cho một thế lực chính trị. Ngài đã đến với tư cách một người hành hương trong cầu nguyện cho hòa bình và thống nhất, với tư cách một mục tử và do đó, ngài đã có được đủ tự do để đến những nơi cần phải đến, gặp gỡ những con người cần phải gặp và phát biểu những lời lẽ chân thành thốt lên từ con tim yêu chuộng chân lý và hòa bình. Ngài đến với tư cách một Kitô hữu “được gương Chúa Giêsu thúc đẩy, sẵn sàng góp phần vào việc hòa giải và hòa bình bằng sự tha thứ và quảng đại”, như ngài đã khẳng định. 

Những nơi Đức Thánh Cha đã tới 

Trong chuyến hành hương Thánh địa, Đức Thánh Cha đã lần lượt tới thăm Trung tâm Regina Pacis tại Amman, Vương cung Thánh đường tưởng niệm Môisen trên núi Nebo, Bảo tàng Hashemite và Đền thờ Hồi giáo Al-Hussein Bin Talal tại Amman, thăm nơi Chúa Giêsu chịu phép rửa, tại Bethani bên kia sông Jordan, Đài tưởng niệm Yad Vashem ở Jerusalem, Mái vòm Đá tảng ở Jerusalem, tới cầu nguyện bên Bức tường Than khóc tại Jerusalem, đọc Kinh “Lạy Nữ vương Thiên Đàng” với các vị Bản quyền Công Giáo tại Thánh Địa trong Nhà Tiệc ly ở Jerusalem, tới Đồng-Nhà thờ Chính Tòa (co-cathedral) Công Giáo la tinh tại Jerusalem, dâng Thánh lễ tại Thung lũng Josaphat ở Jerusalem, và tại Quảng trường Máng Cỏ ở Bethlehem, tới viếng Hang đá Giáng sinh ở Bethlehem, thăm trại tị nạn Aida ở Bethlehem, dâng Thánh lễ trên Núi tại Nazareth, thăm giảng đường của Đền thờ Truyền tin tại Nazareth, viếng thăm Mồ Thánh tại Jerusalem, nhà thờ thánh Giacôbê của Tòa Thượng Phụ Armenia tại Jerusalem…

 Không ít những địa danh trên đây đã gợi lại lịch sử cứu độ, cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu cách nay hai ngàn năm. ĐTC nhắc nhở mọi người về ý nghĩa của việc hành hương Thánh địa: “Truyền thống xa xưa của Giáo Hội hành hương đến Thánh địa nhắc nhở chúng ta về mối liên hệ chặt chẽ nối kết giữa Giáo Hội và dân Do Thái. … Ngày nay, mong sao cuộc gặp gỡ này khơi lên cho chúng ta sự khát vọng vượt qua mọi cản trở để hòa giải giữa người Kitô giáo với người Do Thái giáo. Hòa giải trong sự tôn trọng lẫn nhau. Hòa giải trong tinh thần hợp tác cùng nhau phục vụ nền hòa bình mà Lời Chúa kêu gọi chúng ta đạt đến”. 

Gặp gỡ và đối thoại 

Trong chuyến viếng thăm Thánh địa này, Đức Thánh Cha đã có thể trao đổi với Quốc vương Abdullah II của Jordan, “đất nước của những sáng kiến khôi phục hòa bình”, với Tổng thống Israel Shimon Peres, Tổng thống Palestin tại “miền đất được thánh hiến bởi đã in dấu chân của các đấng Tổ phụ và Tiên tri, miền đất mà các Kitô hữu đặc biệt tôn kính vì tại đây Chúa Giêsu đã sống, đã chết và đã phục sinh”. 

Đức Thánh Cha cũng đã có những cuộc gặp gỡ với các vị lãnh đạo Hồi giáo, các tổ chức đối thoại liên tôn tại Trung Tâm Đức Bà ở Jerusalem, thăm vị Đại Mufti Hồi giáo tại Jerusalem, với hai vị Đại Rabbi của Do Thái giáo tại Trung tâm Hechal Shlomo ở Jerusalem, với các vị thủ lãnh tôn giáo của miền Galilea tại giảng đường của Đền thờ Truyền tin tại Nazareth, gặp gỡ đại kết tại Tòa Thượng Phụ Chính Thống Hy lạp ở Jerusalem…

 Tại những cuộc gặp gỡ này, qua 25 bài diễn văn và 4 bài giảng lễ, Đức Thánh Cha đã có thể nói lên tiếng nói của công lý và hòa bình, của sự đối thoại trong sự tôn trọng lẫn nhau, của sự khoan dung và tha thứ. 

Hòa bình giữa các dân tộc 

ĐTC ca ngợi một đất nước “ Jordan của vương triều Hachémit (dòng dõi của Mahomet), một đất nước giàu truyền thống lịch sử, là chiếc nôi của những nền văn minh cổ đại, là nơi ghi đậm dấu ấn của các tôn giáo: Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. … Từ lâu, Jordan đã là quốc gia khởi xướng những sáng kiến nhằm đem lại hòa bình cho trung Đông và thế giới. Jordan hằng cổ võ việc đối thoại liên tôn và ủng hộ những nỗ lực hướng đến một giải pháp công bình cho cuộc xung đột Israel - Palestin. Jordan đã đón tiếp những người tị nạn từ đất nước Irak láng giềng. Jordan tìm cách giải trừ những khuynh hướng cực đoan. Tôi không thể không nắm lấy cơ hội này để nhắc lại những nỗ lực của cố Quốc vương Hussein (1952-1999) mưu tìm hòa bình cho khu vực như một nhà tiên phong đích thực”. 

Về mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Nhà nước Israel, ĐTC nhấn mạnh cả hai “cùng chia sẻ nhiều giá trị, đặc biệt đều quan tâm đem lại cho tôn giáo một vị trí xứng đáng trong xã hội”. Cũng trong dịp này ĐTC nêu rõ mục đích và nội dung chuyến viếng thăm Israel của Ngài: tưởng niệm 6 triệu người Do Thái bị thảm sát trong đệ II thế chiến (Shoah) đồng thời cầu nguyện cho nhân loại đừng bao giờ phải chứng kiến tội ác hãi hùng như thế. Trong bài giảng Thánh lễ với 45.000 người tham dự, Đức Thánh Cha cổ vũ: “Gia đình và trường học phải là nơi trẻ em học yêu thương, sống lương thiện, và tôn trọng người khác, thực hành đức tính nhân từ và tha thứ”. 

Với Tổng thống Palestin, Mahmoud Abbas, Đức Thánh Cha khẳng định Tòa Thánh ủng hộ một nước Palestin độc lập, có chủ quyền. Ngài cũng đã nhắc lại lời của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong sứ điệp Hòa bình năm 2002: “Không có công lý thì không có hòa bình; không có tha thứ thì không có công lý”. Và Đức Thánh Cha khuyên người trẻ Palestin chống lại cám dỗ của bạo lực và khủng bố. 

Đối thoại liên tôn giáo 

Với Do Thái giáo. ĐTC bày tỏ mong ước các tôn giáo vượt lên trên những hiểu lầm và xung đột, cùng nhau đối thoại nhằm xây dựng một thế giới công lý và hòa bình. Với hai vị Đại giáo trưởng Do Thái giáo tại Giêrusalem, ĐTC dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Toàn năng đã chúc phúc cho Ủy ban song phương Do Thái giáo – Công giáo. Đặc biệt ĐTC bày tỏ niềm trân trọng đối với những nỗ lực chung của hai tôn giáo nhằm phát triển mối quan hệ thân thiện, hữu hảo, đi vào chiều sâu của đối thoại liên tôn và nhằm tìm phương cách đương đầu với chủ nghĩa tương đối về đạo đức và khuynh hướng bạo lực đang gia tăng trong thời đại ngày nay và ngày càng tấn công dữ dội vào phẩm giá con người. ĐTC nhấn mạnh mối quan tâm của Giáo Hội là gìn giữ di sản chung giữa Kitô giáo và Do Thái giáo, phát triển sự hiểu biết lẫn nhau và niềm quý trọng của Kitô giáo đối với Do Thái giáo thông qua hoạt động nghiên cứu Thánh Kinh và thần học, cũng như qua những cuộc đối thoại huynh đệ giữa hai tôn giáo. Kết thúc bài phát biểu, ĐTC bày tỏ niềm tin tưởng vào sự hợp tác ngày càng bền chặt giữa hai cộng đồng tôn giáo. Sự hợp tác này, theo ĐTC, nhằm đẩy lui lòng hận thù và những cuộc bách hại đang đe dọa trên toàn thế giới.

 Với Hồi giáo. Đức Thánh Cha đề nghị với cộng đồng những người Hồi giáo hướng vào điểm chung giữa hai tôn giáo là Lệnh Chúa truyền phải sống yêu thương: “Mùa thu năm ngoái, theo sáng kiến của tổ chức Hội nghị Công giáo - Hồi giáo, tại Rôma đã diễn ra Hội thảo về vai trò trung tâm của Lệnh truyền yêu thương trong truyền thống tôn giáo đáng tôn kính của chúng ta. Tôi hi vọng mãnh liệt chuyến viếng thăm của tôi cũng như mọi sáng kiến thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa Kitô giáo và Hồi giáo, sẽ giúp chúng ta lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa Tối cao và Giàu lòng thương xót cũng như trong tình huynh đệ đối với nhau”.

 Đức Thánh Cha cổ vũ các cộng đồng Kitô giáo tiếp tục theo đuổi con đường đối thoại, khoan dung và hợp tác để mưu cầu hòa bình trong vùng và trên thế giới. 

Đức Thánh Cha quả đã tạo nên được những điểm gặp gỡ. Trong diễn văn chào mừng ĐTC, Quốc vương Abdullah II đã nhấn mạnh một kinh nghiệm lịch sử quan trọng của Jordan là sự chung sống hòa bình giữa người Kitô hữu và người Hồi giáo. Quốc vương cho rằng cần phải “gạt qua một bên giọng điệu kích động” đồng thời phải cùng hành động nhằm “góp phần xua tan bóng tối u ám của sự xung đột bằng đàm phán thương lượng về quyền được hưởng tự do của người Palestin và quyền của người Israel được sống an toàn”. 

Tổng thống Israel Shimon Peres chào mừng “Vị Thủ lĩnh các tín hữu” với lời lẽ sau: “Tôi cho rằng chuyến viếng thăm của Ngài đến Thánh địa mang một sứ vụ thiêng liêng tối quan trọng là mang lại hòa bình, gieo hạt giống bao dung và loại bỏ những hạt mầm cuồng tín… Tôi tin rằng cuộc đối thoại giữa Do Thái giáo và Kitô giáo sẽ được theo đuổi trong tinh thần của các đấng Tiên tri”. 

Kết luận 

“Xin ban bình an cho chúng con”

 Đó là lời cầu xin chung của các nhà lãnh đạo Hồi giáo, Kitô giáo, Do Thái giáo, Druze trong cuộc gặp gỡ liên tôn vào giờ phút kết thúc chuyến hành hương của Đức Giáo hoàng Bênêđictô tại Thánh Địa. Thuộc các tôn giáo khác nhau, qua các ngôn ngữ khác nhau: Anh, Do Thái, Ả Rập, Latinh, Đức, nhưng trong cùng một vòng tay và hướng về cùng một phía, các ngài đã nói lên nguyện vọng chung của cả một vùng đất.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top