Tôn giáo phải giữ vai trò tiên tri

Tôn giáo phải giữ vai trò tiên tri

WHĐ (19.06.2010) – Theo tin từ các website InfoCatho, Kipa-Apic..., ngày 13-06 vừa qua, tại Giêrusalem, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã tổ chức một cuộc gặp gỡ dưới sự bảo trợ của Tổ chức Israel/Palestine Center for Research and Information (Trung tâm Nghiên cứu và Thông tin Israel/Palestin).

Cuộc gặp gỡ đã thu hút sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo và hoạt động nổi tiếng ở Trung Đông, như: giám mục Munib Younan của Giáo hội Luther tại Giêrusalem; giáo trưởng Do Thái Michael Melchior, nguyên ủy viên Knesset, Quốc hội Israel; ông Mohammed S. Dajani, sáng lập viên và giám đốc Phong trào Hồi giáo Wasatia - Palestin; và bà Deborah Weissman, Chủ tịch Hội đồng quốc tế các tín hữu Kitô và Do Thái giáo.

Cuộc gặp gỡ được tổ chức sau hai tuần xảy ra sự kiện chấn động thế giới ngày 31-05, khi quân Israel dùng tàu chiến và máy bay trực thăng tấn công “Đội tàu Tự do” - Freedom Flotilla - gồm 3 tàu chở 10.000 tấn hàng hóa viện trợ nhân đạo và 3 tàu chở 700 hành khách, trong đó có nhiều nghị sĩ châu Âu - đang tiến về lãnh hải Dải Gaza, vùng lãnh thổ bị Israel phong tỏa kể từ khi Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas giành quyền kiểm soát tại đây năm 2007. Vụ tấn công của Israel đã khiến 10 người chết, 50 tình nguyện viên bị thương. Chính quyền lãnh thổ Palestin đã đề nghị đưa vụ này ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trong khuôn khổ cuộc gặp, Giám mục Munib Younan của Giáo hội Luther tại Giêrusalem đã có những phát biểu được chú ý.

Ông nói: “Trong tình hình mất phương hướng như hiện nay, tôn giáo phải góp phần giải quyết. Tôn giáo phải thể hiện vai trò tích cực hơn trong những nỗ lực tìm kiếm hòa bình tại Trung Đông”.

Nhà lãnh đạo Giáo hội Luther nói rõ quan điểm của mình: “Thay vì để mặc các nhóm cực đoan Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo lạm dụng cho một ý đồ xấu xa, tôn giáo phải thể hiện vai trò tiên tri, làm nhân tố tác động vào tiến trình hòa giải và đề nghị một nền giáo dục hòa bình”.

Ông cũng cảnh báo các nhà lãnh đạo tôn giáo không nên biến thành “Những chính trị gia mini” và nhấn mạnh sự cần thiết phải xét lại trách nhiệm chính trị của bản thân. Ông nói: “Là những phẩm chức tôn giáo, chúng ta đã sẵn sàng thực hiện việc xét lại đó chưa? Thật là quá khó. Tôn giáo đã tham gia vào chính trị rồi”.

Vị Giám mục của Giáo hội Luther kết luận: “Khi tìm cách can thiệp vào chính trị, tôn giáo đã gây ra nhiều khó khăn hơn là đem đến cho chính trường một giải pháp đúng đắn. Tôn giáo trở nên nguy hiểm khi được coi là một cương lĩnh chính trị và biến thành một kịch bản giáo điều”.

Quan điểm của nhà lãnh đạo Giáo hội Luther tại Giêrusalem về việc giải quyết những căng thẳng hiện nay tại Trung Đông, trong đó có vấn đề về mối tương quan giữa tôn giáo và chính trị, khiến dư luận nhớ đến huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI với các nghị phụ Thượng Hội đồng Giám mục Phi châu vào tháng Mười 2009. ĐTC nói:

“Chủ đề Hoà giải, Công lý và Hoà bình dù hàm chứa chiều kích chính trị mạnh mẽ, nhưng chắc chắn không thể có hoà giải, công bằng và hoà bình nếu trái tim chưa được thanh tẩy, tư duy chưa được đổi mới, tâm hồn chưa thật sự hoán cải “metanoia” và chưa nhận ra việc canh tân phải bắt nguồn từ việc gặp gỡ Thiên Chúa.

Nhưng cho dù chiều kích thiêng liêng này đạt đến chiều sâu và nền tảng đi nữa, thì khía cạnh chính trị vẫn là một thực tế lớn lao, vì nếu không có những thực hiện về mặt chính trị thì những tác động thay đổi của Thánh Thần không thành hiện thực được. Vì thế, có thể sẽ bị cám dỗ chính trị hoá vấn đề, nói nhiều về chính trị mà ít nói đến mục vụ, trong khi chính trị không thuộc thẩm quyền của chúng ta” (Huấn từ của ĐTC Bênêđictô XVI trong buổi cơm trưa 24-10-2009 khoản đãi các nghị phụ THĐ Phi châu).

Quả thật, một nền hòa bình đích thực đòi trái tim phải được thanh tẩy, tư duy phải được đổi mới, tâm hồn phải hoán cải và phải gặp gỡ Thiên Chúa. Đó là nội dung vai trò tiên tri của tôn giáo trước những cuộc xung đột.

Tất nhiên cũng không thể quên lời căn dặn của ĐTC: “Chính trị không thuộc thẩm quyền của chúng ta”.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top