Tòa Thánh mong muốn đào sâu thêm cuộc đối thoại với Do thái giáo
WHĐ (11.12.2015) – Hôm thứ Năm 10-12, Uỷ ban Liên lạc với Do Thái giáo thuộc Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất Kitô giáo đã giới thiệu bản “suy tư thần học” về một số vấn đề nhạy cảm.
Đây không phải là một tài liệu “huấn quyền” hay “giáo lý”, nhưng chỉ muốn làm phong phú và tăng cường chiều kích thần học của cuộc đối thoại giữa Do Thái giáo và Công giáo.
Bản suy tư được ấn hành trong khuôn khổ kỷ niệm năm mươi năm ban hành Tuyên ngôn Nostra Aetate.
“Kitô hữu và người Do Thái là nhất định phụ thuộc lẫn nhau”. “Cuộc đối thoại giữa hai bên không chỉ là một lựa chọn, nhưng là một bổn phận, đặc biệt về phương diện thần học”: năm mươi năm sau Công đồng Vatican II, Roma đã đưa ra một bản “suy tư thần học về mối quan hệ giữa người Công giáo và người Do Thái”.
Bản suy tư gồm khoảng 10 trang, được công bố hôm thứ Năm 10-12. Với nhan đề “Khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý (Rm 11,29)”, là kết quả của hai năm rưỡi làm việc miệt mài của Uỷ ban Liên lạc với Do Thái giáo, với sự hợp tác của Bộ Giáo lý đức tin.
Đối thoại “nội bộ tôn giáo” hay “trong gia đình”
Trong cuộc họp báo giới thiệu tài liệu này, cha Norbert Hoffman, Thư ký của Uỷ ban, cho biết: “Dự án này đã bắt đầu từ năm 2005, khi đó là kỷ niệm bốn mươi năm Tuyên ngôn Nostra Aetate, mà số 4 đã “đưa mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và dân tộc Do Thái vào một khung thần học mới”. Vì nhiều lý do khác nhau, công trình phải kéo dài đến năm nay mới hoàn tất.
Lời tựa của Tài liệu nói rõ: Đây không phải là một tài liệu “huấn quyền” hay “giáo lý”, nhưng chỉ muốn là một “công cụ” cho các cuộc thảo luận trong tương lai. Đức hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Hiệp nhất Kitô giáo cho biết, đây chính là “một mục tiêu quan trọng đối với Đức giáo hoàng Phanxicô”.
Theo tài liệu này, về quan điểm thần học, đối thoại với Do Thái giáo “có tính chất hoàn toàn khác, và ở một bình diện hoàn toàn khác với việc đối thoại với các tôn giáo khác trên thế giới”. “Đối với các Kitô hữu, Đức tin của người Do Thái được chứng thực trong Kinh Thánh (...) không phải là một tôn giáo khác nhưng là nền tảng của đức tin Kitô giáo.” Vì thế Tài liệu này thích dùng kiểu nói đối thoại “nội bộ tôn giáo” hay “trong gia đình”.
Mối quan hệ đặc biệt giữa Cựu Ước và Tân Ước
Một phần quan trọng khác nói về mối quan hệ đặc biệt giữa Cựu Ước và Tân Ước. Tài liệu nhấn mạnh: “Giáo hội không thay thế dân Israel của Thiên Chúa”. Và: “Giao ước mới không huỷ bỏ những giao ước trước đó, nhưng làm cho những giao ước ấy được hoàn tất. Khi Chúa Kitô đến, các Kitô hữu hiểu rằng tất cả những gì đã diễn ra trước kia cần phải được giải thích lại.”
Một vấn đề thần học nền tảng khác là “ơn cứu rỗi”: thật vậy, làm thế nào dung hòa được xác tín về “thực tế rằng người Do Thái được dự phần vào ơn cứu rỗi của Thiên Chúa là điều không thể tranh cãi”, với tuyên xưng của đức tin Kitô giáo rằng “chỉ có thể có một con đường đến với ơn cứu rỗi”, là Chúa Kitô? Tài liệu thú nhận rằng: điều này “vẫn còn là một mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa”.
Các vấn đề “gai góc”
Trong phần cuối, tài liệu đề cập đến “các vấn đề gai góc” - theo cách nói của Đức hồng y Koch. “Khái niệm ‘sứ mạng đối với người Do Thái’ là một trong những vấn đề ấy, vì ‘theo quan điểm của người Do Thái’, nó chạm đến chính hiện hữu của dân tộc Do Thái”.
Đang khi vẫn nhắc lại rằng “Giáo hội Công giáo không chủ trương và không khuyến khích bất kỳ sứ mạng truyền giáo mang tính cơ chế cụ thể nào đối với người Do Thái”, tài liệu này kêu gọi các Kitô hữu “làm chứng cho đức tin của mình, với lòng khiêm tốn và sự tế nhị, bằng cách nhìn nhận người Do Thái là những người được thừa hưởng Lời Thiên Chúa”, và không bao giờ quên “thảm hoạ diệt chủng Shoah”.
Mặt khác, khi trả lời các phóng viên hỏi về điều này, Đức hồng y Koch nhìn nhận rằng “người Do Thái đã hiểu không đúng” về lời cầu nguyện của ngày thứ Sáu Tuần Thánh theo nghi thức đặc biệt và ngài khuyên nên dùng nghi thức thông thường, để “tránh gây hiểu lầm”...
Tài liệu của Uỷ ban Liên lạc với Do Thái giáo cũng nhắc lại rằng “Trong cuộc đối thoại Do Thái giáo-Kitô giáo, hoàn cảnh của các cộng đồng Kitô giáo ở Israel cũng được đặc biệt lưu tâm”.
(Nguồn: WHĐ - Theo La Croix)
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô