Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng
Tổng giám mục Jean-Paul Vesco, 62 tuổi, sinh tại Lyon, là một trong số 21 vị vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô trao tước vị hồng y vào ngày 07 tháng 12 năm 2024. Từng hành nghề luật sư, năm 33 tuổi, Vesco gia nhập Dòng Đa Minh. Ngài được bầu làm Giám tỉnh Tỉnh dòng Pháp năm 2010. Ngày 01/12/2012 Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Oran, Algeria 10 năm trước khi trở thành Tổng Giám mục Algiers vào 11/02/2022...
(?) Thưa Đức Cha, là Người Anh Em Giảng Thuyết, Đức Cha dùng hình ảnh “Giáo Hội cẩn trọng” (Church of discretion) để mô tả Giáo Hội ở Algeria. Vậy việc loan báo và tuyên xưng Tin Mừng “một cách cẩn trọng” có nghĩa là gì?
Khi nói về sự cẩn trọng của Giáo Hội, tôi không có ý nói rằng chúng ta không được quyền làm bất cứ điều gì. Tin Mừng được công bố “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” bằng những chứng tá, nhưng luôn phải suy xét khôn ngoan (discretion), nghĩa là tôn trọng niềm tin của người khác. Đặc thù của việc loan báo Tin Mừng tại Algeria, trong một thế giới Hồi giáo, là khởi đi từ đời sống chung giữa những người đã có niềm tin, nhưng là một niềm tin khác. Hoàn cảnh này khác biệt với việc truyền giáo hay làm chứng trong các xã hội chẳng hạn như xã hội “giải trừ Kitô giáo” ở châu Âu.
Đối với tôi, việc làm chứng cho Tin Mừng không thể tách rời khỏi sự tôn trọng niềm tin của người khác. Tôi làm chứng cho điều tôi sống, tôi nói khi tôi được hỏi, tôi trình bày đức tin của tôi, nhưng tôi làm như vậy với nhận thức rằng có điều gì đó nơi người khác, một chân lý mà tôi không biết. Tôi đến Algeria để củng cố sự hiện diện của anh em Đa Minh sau cái chết của Đức cha Pierre Claverie, Giám mục Giáo phận Oran, bị ám sát bằng bom vào năm 1996. Mặc dù chưa bao giờ gặp cha ấy, nhưng tôi cảm thấy một cách sâu xa rằng có một mối liên kết thiêng liêng giữa chúng tôi. Đức cha Pierre Claverie thường nói: “Không ai sở hữu Thiên Chúa, không ai chiếm hữu chân lý, và tôi cần chân lý từ người khác".
(?) Giáo hội Algeria và các Giáo hội Nghi lễ Latin khác ở Bắc Phi hiện thuộc Bộ Loan báo Tin Mừng hay còn gọi là Bộ "truyền giáo". Trở thành những nhà truyền giáo ở các quốc gia này có nghĩa là gì?
Đối với tôi, hình thức truyền giáo ưu tiên nhất là truyền giáo bằng tình huynh đệ và tình bạn. Tôi nghĩ đến Tuyên bố Abu Dhabi về Tình Huynh đệ Nhân loại. Nó không chỉ là một tài liệu nữa về đối thoại liên tôn, mà còn là cử chỉ của hai con người, hai nhà lãnh đạo tôn giáo không cố thuyết phục nhau. Đức Giáo hoàng và Đức Đại Imam là hai con người coi trọng niềm tin của nhau. Và điều này trước đây chưa bao giờ xảy ra. Khi tôi thấy hai người nhìn nhau và mỉm cười, tôi đã thấy đó là hai người anh em. Tôi nhận ra tình bạn giữa họ. Khi yết kiến Đức Phanxicô, tôi đã nói với ngài rằng, đây là điều khiến tôi ấn tượng nhất về triều đại Giáo hoàng của ngài, bởi vì nó cũng phản ánh kinh nghiệm của chúng tôi ở Algeria.
(?) Ngài đang đề cập đến điều đặc biệt gì chăng?
Vài tháng trước đó, trong lễ phong chân phước cho 19 vị tử đạo Algeria diễn ra tại Nhà thờ Đức Bà Santa Cruz ở Oran, vào cuối buổi lễ, tôi thấy những khuôn mặt với những nụ cười rạng rỡ. Ba tháng sau, tại cuộc họp ở Abu Dhabi, tôi đã thấy nụ cười tương tự giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Đại Imam Ahmed al Tayyeb.
Chứng tá Tin Mừng lớn nhất mà Giáo hội có thể đưa ra chính là chứng tá của tình huynh đệ giữa chúng ta, bắt đầu từ chính Giáo hội. Đức Giêsu nói, “Ở điểm này, mọi người sẽ biết anh em là môn đệ của Thầy, nếu anh em yêu thương nhau nhau”. Đức Giáo Hoàng muốn bày tỏ chính xác điều này trong Giáo hội ngày nay.
(?) Làm thế nào tình huynh đệ có thể được sống và được thể hiện giữa những người thuộc các niềm tin khác nhau?
Tất nhiên như thế vẫn không đủ để có thể nói: “Đây là anh tôi hoặc đây là chị tôi”. Ở Algeria, mọi người gọi nhau là anh chị em, theo khuôn mẫu gia đình. Nhưng khi một người Hồi giáo Algeria nói với tôi: “Anh là anh em của tôi”, thì anh ấy hàm ý rất nghiêm túc. Anh ấy muốn nói rằng, anh là bạn của tôi. Và trong khoảnh khắc đó, một cách thức chuyển trao niềm tin đã diễn ra.
Không có người Hồi giáo nào, ngay cả người có học thức, đã từng nói với tôi bất cứ điều gì thực sự cốt lõi về đức tin của chúng ta. Mặt khác, chúng ta cần niềm tin của nhau. Tôi cần gặp gỡ những người Hồi giáo có niềm tin tốt đẹp, không phải để tin theo niềm tin của họ, nhưng để tham gia vào một trao đổi đích thực, và chỉ cho họ thấy một điều gì đó về đức tin của tôi. Tình bạn, giống như tình huynh đệ, dựa trên sự vô vị lợi trong mối tương quan. Chừng nào không có tương quan vô vị lợi thì chứng đó tôi vẫn không tin rằng kho tàng của Tin Mừng có thể được chuyển trao.
(?) Lịch sử gần đây của Giáo hội Algeria được đánh dấu bằng kinh nghiệm tử đạo. Kinh nghiệm này đã thay đổi đường hướng của Ngài ra sao?
Giáo hội Algeria là một Giáo hội của các vị tử đạo và các vị tử đạo của chúng tôi là những người tử đạo của tình huynh đệ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi cho chúng tôi một thông điệp vào ngày phong chân phước, trong đó Ngài sự ngưỡng mộ một sự kiện chưa từng có đã ghi dấu “trên bầu trời Algeria một dấu chỉ tuyệt hảo của tình huynh đệ cho toàn thế giới”. Họ là những người tử đạo, bởi họ đã dám sống bất chấp những hiểm nguy. Họ có thể rời đi, nhưng họ đã ở lại, và đó là lý do tại sao sự tử đạo của họ là sự tử đạo của tình huynh đệ.
(?) Thông thường, sự đau khổ của các Kitô hữu được viện dẫn để củng cố cho sự kháng cự và lên án các cá nhân và các nhóm bị dán nhãn là kẻ thù và là phe bắt bớ...
Trong những năm ghi đậm dấu ấn bằng cái chết đẫm máu của những người tử đạo này, hơn 100 imam và 200.000 người Hồi giáo cũng đã bị giết ở Algeria. Ở lại để chia sẻ một số phận chung là sức mạnh chứng từ mà các vị tử đạo để lại. Cái chết của các vị tử đạo cho thấy rõ các vị ấy quyết sống một cuộc đời như thế. Chúng tôi muốn 19 vị tử đạo được phong chân phước cùng nhau để khẳng định rằng họ là chứng tá của toàn thể Giáo hội vào một thời điểm nhất định trong lịch sử của một dân tộc.
(?) Như ngài đã nói, điều đó có nghĩa là Giáo hội ở Algeria đã được “thanh tẩy” bởi các biến cố của các vị tử đạo?
Tôi đến với Giáo hội này vào năm 2002, vào thời điểm mà cuộc sống đang trở lại bình thường, nhưng không còn gì như trước đây... Mọi người phải học cách sống bình thường trở lại, và điều đó không dễ dàng. Có vẻ giống như sau một cuộc chiến vậy: các anh hùng trở lại xã hội bình thường, nhưng điều đó rõ là phức tạp. Một tu sĩ Dòng Tên, Paul Decisier, thường nói: chúng tôi là những người bình thường sống trong một hoàn cảnh khác thường, và bây giờ chúng tôi phải trở lại với điều bình thường. Tôi rất xúc động khi thấy họ đã trải qua quá trình chuyển đổi này như thế nào.
(?) Màu đỏ gắn liền với tước vị hồng y gợi nhớ đến máu của các vị tử đạo... Ngài có thấy như vậy không?
Việc được chọn làm hồng y vẫn là một điều quá huyền nhiệm đối với tôi... Nhưng bất kể lý do trao hồng y cho tôi là gì, điều quan trọng là bây giờ tôi tự hỏi Chúa muốn gì nơi tôi. Màu đỏ của tước vị hồng y làm tôi nên khiêm tốn, vì biết rằng so với rất nhiều người khác, tôi không xứng đáng với vinh dự ấy. Tôi muốn vinh dự này là một dấu chỉ của sự đơn sơ. Tước vị hồng y không làm cho tôi trở thành “hoàng tử của Giáo hội”, trái lại, mời gọi và thúc đẩy tôi khiêm nhường hơn vì dấu chỉ đó luôn đưa tôi trở lại huyền nhiệm là tại sao tôi được chọn ngay từ đầu.
(?) Ơn gọi linh mục của đức cha và ơn gọi sống đời tu sĩ bắt đầu như thế nào?
Việc tôi gia nhập Dòng Đa Minh rất tình cờ. Tôi là một luật sư và thấy mình có ơn gọi này, thế rồi tôi lại gia nhập Dòng vào lúc 33 tuổi. Trước đó, tôi luôn hình dung sẽ sống ơn gọi giữa đời, tôi tham gia vào công đoàn, vào chính trị và sau đó là một thành viên của hội đồng mục vụ giáo xứ. Tôi làm luật sư và có cảm giác mình đã đạt tới đỉnh cao. Tôi đã đạt được những gì mình muốn, nhưng tôi không thấy hạnh phúc, vẫn còn thiếu một cái gì đó. Cái đỉnh cao này đã sụp đổ vào ngày 14 tháng 8 năm 1994 ở Lisieux. Tôi đã đến thăm một người bạn là một đan sĩ và hôm đó có một thánh lễ truyền chức. Lúc ấy, tôi nhận ra Chúa kêu gọi tôi. Và chính vào ngày 15 tháng 8 năm 1994, từ trong sâu thẳm trái tim mình, tôi nói lời xin vâng với tiếng gọi.
Và các tu sĩ Đa Minh có liên quan gì đến lời xin vâng ấy?
Tôi có một người chú trong Dòng Đa Minh là Jean-Luc Vesco, và văn phòng của tôi tình cờ nằm bên cạnh tu viện nơi người chú của tôi sống, vì vậy tôi thường đến thăm chú. Tôi luôn tự nhủ rằng nếu một ngày nào đó tôi được thụ phong linh mục, tôi sẽ ở một nơi khác cùng với các tu sĩ Đa Minh... Nhưng rồi, trong một cách thức rất kỳ diệu, tôi thấy mình thuộc về đó.
Bức thư mục vụ Mùa Vọng của các giám mục Bắc Phi nói rằng Kinh Thánh không thể được sử dụng để biện minh cho chiến tranh và xâm lược...
Vào ngày 10 tháng 10 năm 2023, ba ngày sau khi Hamas tấn công Israel (07.10.2023), tôi đã viết rằng những gì Hamas đã làm là không thể tha thứ, nhưng không phải là không có lý do. Tôi đã sống ở Giêrusalem trong hai năm, tôi đã ở Gaza, tôi đã trải qua sự sỉ nhục của những con người nơi đây, và tôi cũng gặp nhiều người Israel chống lại Netanyahu. Tôi chỉ có thể nói rằng trong hơn 20 năm, Netanyahu và các đồng minh của ông đã không muốn hòa bình, họ không muốn giải pháp hai nhà nước, và chúng ta thực sự đang ở trong logic của sự hủy diệt. Chính sách này là diệt chủng, có nghĩa là không có lối thoát nào ngoại trừ sự hủy diệt tuyệt đối một dân tộc. Trong tư cách là một hội đồng giám mục, chúng tôi muốn nói rằng, chiến tranh sẽ chỉ có hủy diệt và không mang lại hòa bình.
Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm gì đối với những gì đang xảy ra ở Đất Thánh và Trung Đông?
Tôi thấy rất khó để thấy được sự thuộc địa hóa trong 20 năm qua của thế kỷ 21. Thuộc địa hóa diễn ra thông qua áp bức và trục xuất. Cả thế giới đang trở lại với sự cai trị của những kẻ mạnh nhất. Nó luôn như vậy, mặc dù đã có lúc chúng tôi hy vọng nó sẽ khác. Khi tôi được sinh ra, người ta có thể nghĩ rằng sự cân bằng sẽ thay đổi, nhưng không phải vậy.
Quyền của kẻ mạnh nhất là thứ đạo đức chính trị đang trỗi dậy ở nhiều nơi trên thế giới. Hòa bình và hạnh phúc của các dân tộc không thể được xây dựng trên “sự vô đạo đức” này.
Chuyển ngữ: Đức Hữu
Chuyển ngữ từ: fides.org
Nguồn: daminhvn.net
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha: Giáo hội Công giáo sẵn sàng chấp nhận mọi ngày Lễ Phục Sinh chung
-
Phỏng vấn Đức Hồng y Koovakad, người vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn -
Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức Hồng y Koovakad làm Bộ trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn -
Các Giám mục Hoa Kỳ nói về một số sắc lệnh đặc biệt đáng lo ngại của Tổng thống Trump -
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 59: Dịu dàng chia sẻ niềm hy vọng -
Năm Thánh cho giới Truyền thông: Giải trừ vũ khí truyền thông, chia sẻ niềm hy vọng -
ĐHY Koch: Công đồng Nicaea, sau 1700 năm, vẫn còn vang vọng (số 3) -
Khai mạc sự kiện dành cho giới Truyền Thông trong Năm Thánh 2025 -
ĐHY Koch: Công đồng Nicaea, sau 1700 năm, vẫn còn vang vọng (số 2) -
ĐHY Koch: Công đồng Nicaea, sau 1700 năm, vẫn còn vang vọng (số 1)
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô