Tình bạn và tình yêu trong đời tu
Ý nghĩa đời tu
Có lẽ điều liên tưởng đầu tiên của những người ngoài đời về các vị đi tu là những người không lập gia đình, những người sống độc thân. Tuy nhiên, liên tưởng này không phải ai cũng hiểu được một cách thấu đáo, đặc biệt những người không phải là Kitô giáo. Chính vì lẽ đó, mà có những người không phải Kitô giáo, khi gặp các vị linh mục, tu sĩ, thường hỏi: Vậy đi tu có được lấy vợ không? Hoặc có kẻ không biết ác ý hay vô tình không biết còn hỏi: Vậy đi tu có lấy được các xơ không? Thật là quá đáng và quá đáng!
Vậy đi tu là gì? Và tại sao đi tu lại phải sống độc thân? Nhiều người trả lời rằng, đó là dựa theo những lời khuyên của Tin Mừng, dựa vào những đặc tính đã có từ lâu trong lịch sử. Chọn đời sống độc thân là vì tình yêu của Đức Kitô. Trước tiên, có lẽ khỏi nói, từ bậc cao nhất đến hàng rốt chót, cũng biết đi tu là dâng mình cho Chúa. Nói như vậy, cũng đúng nhưng xem ra chưa đủ. Ngắn gọn đó nhưng chưa mang tính chiến đấu cao. Bởi vì nếu như vậy sẽ có kẻ vặn lại ai cũng có thể dâng mình cho Chúa “mà lị”. Họ sẽ phùng mang trợn mắt, nói văng cả nước miếng mà thuyết cho chúng ta rằng: một mức độ nào đó, bất cứ ai khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy cũng được xem là dâng mình cho Chúa rồi. Điều này là bởi vì, nhờ tác động mầu nhiệm và thầm kín của Chúa Thánh Thần, qua lời cam kết từ bỏ ma quỷ và mọi sự quyến rũ, thụ nhân chịu phép Thanh Tẩy đã được thánh hiến cách riêng cho Chúa. Với lập luận cứng như “đinh đóng cột” này, họ sẽ cho rằng cần cóc gì phải đi tu nữa, dĩ nhiên và ngang nhiên là không cần đến việc sống độc thân. Cho nên họ việc lập gia đình và sống đúng vai trò của con người và người con của Chúa là dâng mình cho Chúa cách trọn vẹn. Được lợi cả hai: vừa được cả đời này (vợ đẹp con ngoan) lẫn đời sau.
Điều này hoàn toàn đúng, không sai một chút nào. Nhưng còn một sự thánh hiến thứ hai dành đặc biệt cho một số người mà được Chúa tuyển chọn cách riêng. Thánh hiến trong bậc tu trì. Cuộc thánh hiến này làm cho họ thuộc về Chúa một cách quyết liệt hơn. Thật vậy, trong khi lời hứa của phép Thanh Tẩy nhằm từ bỏ ma quỷ và quyến rũ của nó, thì lời khấn hứa của các tu sĩ trong dòng tuyên bố mình thuộc về Chúa cũng như tuyên bố công khai Chúa là chủ nhân tuyệt đối đời mình. Qua ba lời khấn, tu sĩ sẽ bằng lòng một cách tự nguyện từ bỏ chiếm hữu và sử dụng tài sản, giữ luật độc thân và khước từ mọi nhục cảm và tùy thuộc vào bề trên dòng. Nếu qua chịu phép Thanh Tẩy ghi dấu ấn đặc biệt trên thụ nhân để làm họ thành dân riêng của Chúa, lời khấn dòng cũng phân hạng cho tu sĩ, biến họ thành những người được thánh hiến trong Hội Thánh. Con đường này thật thánh thiện nhưng những người đi trên con đường này có thực sự thánh thiện lại là một chuyện khác. Họ tuy được thánh hiến đặc biệt nhưng vẫn là những con người với những bất toàn của phận người và sống giữa những người đời trong cuộc đời trần thế. Ở trong đời mà lại không thuộc về đời. Theo như nhà thần học Congar nói về đời tu trong thời đại mới: “Ở đời mà lại ít thuộc về đời”.
Để hiểu rõ hơn chúng ta đọc đoạn văn sau đây: “Do phép Rửa Tội, tín hữu chết cho tội lỗi và được hiến dâng cho Chúa, Nhưng muốn lãnh nhận ơn ích dồi dào, họ phải dùng lời tuyên hứa trong Hội Thánh mà thực thi các lời khuyên của Tin Mừng để gỡ mình ra khỏi những ràng buộc, ngăn trở có thể làm cho họ chậm bước trên đường mến yêu thờ phượng Chúa cách hoàn hảo. Nhờ những lời khấn này, họ hiến thân phục vụ Chúa cách mật thiết hơn. Sự dâng hiến này càng trở nên hoàn hảo khi càng được lời khấn bảo đảm” (LG 51).
Như vậy, qua đây, chúng ta thấy sự hiến thân trong bậc tu trì và khi chịu bí tích Thanh Tẩy cũng là một. Tuy nhiên, hình thức hiến thân trong bậc tu trì thì theo con đường chặt chẽ hơn để đi theo Chúa. Một trong ba yếu tố giúp cho việc theo Chúa chặt chẽ hơn là sống độc thân. Lý do có thể là các tu sĩ hoàn toàn tự do muốn hiến thân trực tiếp cho việc phục vụ và phụng thờ Thiên Chúa.
Tình bạn và tình yêu
Việc nói tới tình bạn và tình yêu trong đời tu hay cụ thể hơn là trong đời sống độc thân xem ra hơi khó và phức tạp. Thật vậy, cũng chính vì tình bạn và và tình yêu trong đời sống độc thân mà đã khiến bao nhiêu người “trần ai khoai củ” mới vượt qua được để đứng vững trong đời tu. Cũng chính vì tình bạn và tình yêu trong đời sống độc thân mà khiến bao nhiêu tu sĩ không muốn tu hoặc không tu được nữa. Tuy nhiên, thiết nghĩ và dám chắc chắn rằng với những người sống đời sống độc thân trong bậc tu trì một cách trọn vẹn thì vẫn có thể có những tình bạn, tình thân và thậm chí tình yêu một cách tốt đẹp và đáng được trân trọng. Cho nên việc quan trọng và thiết yếu là có một thái độ và giữ mối quan hệ như thế nào cho phù hợp về tình bạn và tình yêu trong đời tu. Như đã nói ở trên, một trong những điều liên tưởng đầu tiên mà cũng gây tò mò cho bao người, về những người tu sĩ là không lập gia đình, sống đời sống độc thân. Độc thân nhưng không có nghĩa là đơn độc. Độc thân nhưng không phải là sống một mình. Người ta thường hát “không ai là một hòn đảo”. Đúng vậy, con người là sống vì, sống cho và sống với mọi người. Đời tu, cũng vậy, cần phải sống vì, sống cho và sống với mọi người. Chính vì lẽ đó, những người tu sĩ cũng cần có tình bạn, thậm chí cả tình yêu trong đời sống độc thân. Cái quan trọng là khái niệm và biên độ của tình yêu và tình bạn của những người tu sĩ tới đâu là đủ. Có những tu sĩ, đặc biệt là các soeur, rất ư là “nhát đòn” trong khái niệm về tình bạn và tình yêu trong đời tu. Thật vậy, một số người vẫn nghĩ rằng hễ có một tình bạn hơi sâu xa một chút là đã vi phạm lời khấn khiết tịnh rồi. Theo họ việc trao hiến con tim cho Chúa thì cho đến chết chỉ một mình họ biết con tim đó, ngoài Chúa ra. Thái độ của những người theo lập trường này là sợ gắn bó với ai, sợ gắn bó để có một tình bạn vui tươi trong sáng, e dè nhận những cách bày tỏ tình thân một cách trong sáng, không hàm hồ. Đó cũng là thánh thiện, là một tu sĩ thánh thiện nhưng không vui. Một tu sĩ buồn là một tu sĩ đáng buồn! Một tu sĩ đích thực là cần phải hội đủ hai điều kiện: đi tìm Chúa và đem Chúa đến cho mọi người. Như vậy, người tu sĩ là những người đầu tiên giới thiệu Chúa cho những người khác. Họ là những người đầu tiên tình nguyện đón nhận và giới thiệu tình yêu Thiên Chúa cho những người khác. Giới thiệu một Thiên Chúa yêu thương trong sự thân ái, thiện cảm và vui vẻ. Có thể nói sứ mạng của người tu sĩ là gieo rắc thiện cảm và niềm vui, sau đó gặt hái về trong tâm tình của những tâm hồn biết yêu và được yêu.
Trái lại với thái độ “nhát đòn” là thái độ quá “lì đòn” trong tình bạn và tình yêu trong đời sống độc thân. Quan niệm này có thể là do không biết hoặc chưa ý thức đủ về ý nghĩa của đời sống độc thân và những mối nguy hại của tình bạn và tình yêu trong đời sống dâng hiến. Tuy người tu sĩ sống đời sống độc thân nhưng, nhìn vào thực tế, chúng ta thấy có một số tu sĩ không đơn độc. Họ có rất nhiều con linh thiêng, cả những người ngoài đời lẫn những người trong nhà tu. Không phải nói quá, nhưng có những cha, thầy đi đâu cũng có những người con, cháu, anh, chị, em… kết nghĩa, tinh thần. Cũng vậy, có những xơ gặp đâu cũng kêu bố, ông nội... mà nếu tính đời linh tông đôi khi bắn đại bác cả ngày cũng chưa tới! Âu cũng là con người với những thu hút lẫn nhau và khác dấu hút mạnh hơn. Một thực tế, nếu chúng ta để ý, hình như các cha thầy có nhiều ông nội, ông ngoại… linh tông, nhưng các xơ thì chỉ có ông nội, bố chứ không có ông bà ngoại, mẹ linh tông! Với nhiều tình thân trong mối dây linh tông như vậy sẽ khó mà có được tình bạn và tình yêu trong sáng trong đời sống dâng hiến. Dẫu biết rằng, họ luôn ý thức đó là linh thiêng, nhưng với một người đã thưa với Chúa “con chỉ muốn yêu mình Ngài thôi” mà lại có quá nhiều mối tình thân như vậy thì sao có thể còn chỗ cho tình yêu của Thiên Chúa triển nở nơi mình? Thay vào đó là những “tình bạn đặc biệt”, những “linh tông bí mật”. Chính những mối tình thân quá khép kín và đặc biệt này gây những dị nghị và cản trở cho việc phát triển trong cộng đoàn tu trì của họ. Kết quả là không ít những tu sĩ rơi vào tình trạng “khởi sự nhờ Thần khí, nhưng kết thúc bằng xác thịt”. Thế mới có chuyện kể rằng: Người mẹ, trước kia cũng là người đã từng đi tu, thấy con gái mình có mối quan hệ rất thân thiết với một ông thầy. Đi đâu ông thầy và cô con gái cũng đi chung. Thấy điều bất ổn như vậy, với kinh nghiệm của mình đã từng trải qua, bà mẹ nói với con gái: “Con nên cẩn thận và ý tứ trong việc tiếp xúc với ông thầy nhé!” Cô con gái đáp: “Mẹ cứ an tâm đi, chúng con là anh em kết nghĩa mà lị”. Bà mẹ nói: “Tiên sư bố mày, hồi xưa tao cũng vì anh em kết nghĩa nên giờ mới khổ như vầy nè!”.
Tình bạn và thậm chí tình yêu trong đời sống dâng hiến là không thể không có. Vì dù sao Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa và đôi khi Người có vẻ như ở xa chúng ta quá… Cho nên việc có những mối tình thân của những người tu sĩ là hết sức cần thiết và bình thường. Một người bạn thân có thể là một người, khác phái hay cùng phái, đang làm chung với ta hay ta thường gặp thường xuyên. Một người bạn thân có thể là một người mà ta cảm thấy có điều gì ràng buộc, dù không biết tại sao, vì có một thiện cảm trong sáng sâu sắc mà khó có thể phai nhòa được. Cho dù có xa cách, người đó vẫn là một điều gì đó thật quý báu với ta. Thật vậy, Thiên Chúa luôn muốn những người tận hiến cho Người, nếu cần, vẫn có thể tìm cho mình một người bạn nào đó để đem lại một tình yêu vô hình thành hữu hình.
…một quả tim bằng thịt
“Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt” (Ed 11, 19).
Thật vậy, Thiên Chúa đã gỡ bỏ con người quả tim gỗ đá và thay vào một quả tim bằng thịt, có lẽ Người cũng muốn con người biết yêu như Người, như Người đã yêu Con của Người, bằng một quả tim nhân loại, một quả tim biết rung động và đau đớn. Cho nên, nếu lý tưởng của sự độc thân là vô cảm thì có lẽ đó không phải là sự độc thân của Kitô giáo. Vì thế, khó khăn của con đường độc thân là chúng ta vẫn phải có một trái tim thật cởi mở, có thể yêu thương một cách trong sáng không hàm hồ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể bước vào con đường này một cách trong sáng và tốt đẹp. Nếu không đủ khôn ngoan, sáng suốt và khéo léo thì những mối quan hệ này sẽ gây ra thất vọng và có thể đưa tới ngõ cụt. Dĩ nhiên một tình bạn trong sáng trong đời sống độc thân là một điều người tu sĩ nào cũng mong muốn có. Nhưng điều nên nhớ là làm sao cho tình bạn triển nở trong sự tự do hoàn toàn giữa người này với người kia. Tránh đi những tình bạn quá nghiêng về cảm giác, từ đó dành chỗ quá lớn cho nhu cầu cần đến nhau và những khát vọng. Là một con người với những nhu cầu bình thường, nếu đôi khi xác thịt bị những khát vọng dày vò, thì đó là chuyện bình thường, nhưng lúc đó không được phép nhượng bộ hay trì hoãn. Tình bạn chân thật trong đời sống độc thân có thể trao nhau với tất cả sự sáng suốt, không có hậu ý để minh chứng cho sự kết hợp vô hình giữa Người với những kẻ được Người yêu thương. Một sự kết hợp như vậy được thực hiện với sự liên kết của Thiên Chúa, giữa ta với Người. Cũng nhờ đó, tình bạn chân thật trong đời sống dâng hiến sẽ tìm thấy Chúa ở nơi sâu xa tới mức không có gì có thể cản trở tình yêu của họ đối với Thiên Chúa được.
Tạm kết
Nếu đặt câu hỏi tại sao có những tu sĩ nam nữ từ khước hôn nhân? Câu trả lời, với những người Kitô giáo, là “Vì Người, vì Đức Kitô”. Làm sao có được chuyện ấy? Có hay không cũng vẫn không quan trọng nhưng đó vẫn là sự thật. Tuy nhiên, những người ngoài cuộc vẫn tò mò và đôi khi cảm thấy thương tiếc cho những người tu sĩ vì không có người yêu bên cạnh. Nhưng những người tu sĩ có thể nói như thánh Gioan rằng: Tôi đã tin vào tình yêu của bạn thì bạn hãy tin rằng cả tôi nữa, tôi cũng biết thế nào là tình yêu chứ. Chính vì tình yêu vào Đức Kitô mà người phụ nữ khước từ anh thanh niên hấp dẫn, cương nghị và nồng nàn. Cũng chính vì tình yêu vào Đức Kitô mà chàng thanh niên từ khước cô thiếu nữ đang yêu, thông minh, hiền hòa và dễ thương. Tất cả vì tình yêu và để phục vụ và phụng sự Thiên Chúa mà những người tu sĩ đã chọn đời sống độc thân.
Tuy nhiên, độc thân không bao hàm là có một lối sống đơn độc lẻ loi. Họ vẫn có những nhu cầu tình cảm, chia sẻ tình cảm của mình cho người khác và ngược lại. Đó là tình bạn trong đời sống độc thân. Một mối tình thân trong sáng và không hàm hồ. Đó là con đường thánh thiện mà người tu sĩ nào cũng phải đạt tới. Nhưng trên thực tế không phải tu sĩ nam nữ nào cũng có thể có một tình bạn, một tình thân trong sáng, không hậu ý trong đời sống độc thân. Đúng vậy, với quả tim bằng xương thịt, không ít lần người tu sĩ bị những cảm giác và nhục dục lôi kéo theo những tình cảm mà tự nó cản trở cho đời sống độc thân. Cần phải có một thái độ triệt để trong lãnh vực này. Triệt để không có nghĩa là sẽ không bị thử thách, sẽ không bao giờ bị sa ngã và yếu đuối, sẽ không một tình cảm nào đó để lấp vào khoảng trống cần đáp trả yêu thương và được yêu vì hình như lúc nào Thiên Chúa quá xa… Nhưng dù có vấp ngã, dù có sa ngã ta vẫn tiến lên phía trước như một người vẫn kiên vững trong quyết định của mình, cho dù thực tế vẫn còn bao yếu đuối.
bài liên quan mới nhất
- Con đường hiệp hành – một trong những ưu tiên của các nữ tu Salêdiêng
-
Hướng đến việc khám phá một lối đường hiệu quả khi đào tạo người tu sĩ-linh mục -
Lá thư gửi người khao khát trở thành linh mục -
Tam đạo mục huấn trình -
Linh mục - Gương mẫu về đời sống hiệp nhất trong cộng đoàn Giáo hội -
Sáu nguyên tắc căn bản cho đời sống tu sĩ Đa Minh -
Làm thế nào đánh thức ơn gọi tu trì trong các gia đình? -
Hội nghị các đại chủng viện tại Việt Nam năm 2024 - Đồng tính dưới góc nhìn khoa học và đức tin -
Mọi tín hữu tham gia vào sứ vụ đào tạo linh mục -
Tu sĩ sống hiệp thông - Những chia sẻ thực hành
bài liên quan đọc nhiều
- Chia sẻ với em, người muốn đi tu làm linh mục
-
Phó Tế - Người Phục Vụ -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 61 năm 2024 -
Linh mục triều và dòng có gì khác? -
Những thắc mắc phổ biến về ơn gọi tu trì trong Giáo hội -
Bước theo Chúa Giêsu nghèo khó: Tính cách tiên tri của người tu sĩ trong thế giới -
Nữ đan viện Biển Đức -
Ban Mục vụ Ơn Gọi: Thông báo Tuyển Sinh -
Đời tu là hạnh phúc -
Cái động và cái tĩnh của người tu