Tin Mừng đã và đang biến đổi thế giới

Tin Mừng đã và đang biến đổi thế giới

Tin Mừng đã và đang biến đổi thế giới như một dòng sông tưới gội một cánh đồng mênh mông. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu đã làm người nơi Đức Giêsu và với hiến tế của Người, Ngài đã cứu chuộc nhân loại khỏi nô lệ sự dữ bằng cách trao ban cho nó một niềm hy vọng đáng tin cậy.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi đọc kinh truyền tin chung với 2.000 tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa nhật 18-9-2011 trong sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo.

Giải thích ý nghĩa bài đọc thứ hai trong phụng vụ Chúa nhật ngài nói: Anh chị em thân mến. Trong phụng vụ hôm nay bắt đầu bài đọc thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Philipphê, nghĩa là gửi các thành phần cộng đoàn mà chính thánh Tông Đồ đã thành lập trong thành phố Philipphê, một thuộc địa quan trọng của người Roma bên Macedonia, ngày nay là miền Bắc Hy Lạp. Thánh Phaolô tới đây trong chuyến du hành truyền giáo thứ hai của người, từ bờ biển Anatolia đi ngang qua biển Egeo. Đây là lần đầu tiên Tin Mừng tới với Âu châu. Chúng ta đang ở vào năm 50, nghĩa là khoảng 20 năm sau cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Vậy mà trong Thư gửi tín hữu Philiphê đã có một bài thánh thi dâng kính Chúa Kitô giới thiệu một tổng hợp đầy đủ mầu nhiệm của Người: nhập thể, dốc đổ chính mình, nghĩa là hạ mình cho tới chết trên thập giá và được tôn vinh. Mầu nhiệm này đã trở thành một với cuộc đời của tông đồ Phaolô, là người viết bức thư này trong khi bị cầm tù, và đang chờ đợi lời tuyên án sống hay chết. Thánh nhân khẳng định: “Đối với tôi sống là Chúa Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21). Đây là một ý nghĩa mới của cuộc sống con người; nó hệ tại sự kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô hằng sống; không phải chỉ như là một nhân vật lịch sử, một bậc thầy của sự khôn ngoan, một vị lãnh đạo tôn giáo, mà với một người có chính Thiên Chúa ở trong mình. Cái chết và sự phục sinh là Tin Mừng khởi hành từ Giêrusalem được chỉ định đến với tất cả mọi người và mọi dân tôc, và biến đổi mọi nền văn hóa từ bên trong, bằng cách rộng mở chúng cho sự thật nền tảng này: đó là Thiên Chúa là tình yêu, đã làm người nơi Đức Giêsu và với hiến tế của Người đã cứu chuộc nhân loại khỏi nô lệ sự dữ, bằng cách trao ban cho nó một niềm hy vọng có thể tin tưởng được.

Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói về thánh Phaolô như sau: Thánh Phaolô là một con người tóm gọn nơi mình ba thế giới: thế giới Do thái, thế giới Hy lạp và thế giới Roma. Không phải tình cờ mà Thiên Chúa đã trao phó cho thánh nhân sứ mệnh đem Tin Mừng từ Á châu tới Hy Lạp, rồi tới Roma, bằng cách bắc một cây cầu sẽ phóng Kitô giáo tới tận cùng bờ cõi trái đất. Ngày nay chúng ta đang sống trong một thời đại của việc tái truyền giảng Tin Mừng. Có các chân trời rộng rãi được mở ra cho việc loan báo Tin Mừng, trong khi các vùng có truyền thống Kitô cổ xưa được mời gọi tái khám phá ra vẻ đẹp của đức tin. Các nhân vật của sứ mệnh này là các người nam nữ, giống như thánh Phaolô, có thể nói rằng: “Đối với tôi sống là Chúa Kitô”. Đó là các người, các gia đình, các cộng đoàn chấp nhận làm việc trong vườn nho của Chúa, theo hình ảnh của Phúc Âm Chúa nhật này (x. Mt 20,1-16). Các người thợ khiêm tồn và quảng đại, không xin phần thưởng nào khác ngoài phần thưởng được chia sẻ sứ mệnh của Chúa Giêsu và của Giáo hội Người. Thánh Phaolô viết trong thư: “Nếu sống trong thân xác có nghĩa là làm việc sinh hoa trái, thì tôi thật không biết phải chọn cái gì” (Pl 1,22): sự kết hiệp tràn đầy với Chúa Kitô bên kia cái chết, hay việc phục vụ thân mình mầu nhiệm Người trên trần gian này.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Các bạn thân mến, Tin Mừng đã biến đổi thế giới và còn đang biến đổi nó, như một dòng sông tưới gội một cánh đồng mênh mông. Chúng ta hãy hướng lời cầu lên Đức Trinh Nữ Maria để trong toàn Giáo hội được chín mùi các ơn gọi linh mục tu sĩ và giáo dân phục vụ việc tái truyền giảng Tin Mừng.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa thánh cho mọi người.


Sau kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thư tiếng khác nhau. Trong tiếng Pháp, ngài khích lệ các học sinh sinh viên và giới phụ huynh như sau: Các năm học hành rất quan trọng: thật là điều quan trọng rộng mở lãnh vực hiểu biết và học sống với người khác. Vì thế tôi mời gọi giới phụ huynh theo dõi sát con em của mình và lắng nghe chúng kể lể, nói với chúng về các kinh nghiệm chúng đang sống, và như thế giúp chúng có các lựa chọn tốt. Gia đình và học đường là thửa đất tốt, nơi đào tạo nhân loại ngày mai. Và lời cầu chúc trở thành lời kêu gọi: Ước chi mỗi trẻ em có thể nhận được nền giáo dục nó có quyền hưởng!

Bằng tiếng Đức, Đức Thánh Cha nói: Tôi vui sướng vì các cuộc gặp gỡ với nhiều người bên Đức trong chuyến viếng thăm quê hương của tôi. Xin anh chị em đồng hành với chuyến viếng thăm của tôi bằng lời cầu nguyện; xin Chúa cho chúng ta sống lại kinh nghiệm vẻ đẹp và sự tươi mát của đức tin một cách mới mẻ, và để chúng ta, như là các chứng nhân của Người, có thể trao ban cho tha nhân niền hy vọng và sự định hướng cho tương lai.

Trong tiếng Anh, ngài mời gọi tín hữu vượt thắng các ghen tương đối với sự thành công của tha nhân, hay các bất mãn vì chúng ta đã không được cám ơn về sự phục vụ của mình. Có thể vượt thắng nó khi nghĩ tới các ơn Thiên Chúa rộng ban cho chúng ta.

Trong tiếng Ba Lan, Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta các đặc sủng khác nhau, các nhiệm vụ khác nhau nhưng cùng một đồng lương chờ đợi chúng ta: đó là niền vui được đời đời chia sẻ lòng lành của Thiên Chúa.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm hiện diện, trong đó có các nữ tu Trường Truyền giáo Mẹ Giáo hội ở Castel Gandolfo. Các chị thuộc nhiều nước khác nhau trong đó có hơn mười chị Việt Nam.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top
Back to Top