Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 1. Hỡi Kitô hữu, hãy nhận biết phẩm giá của bạn

Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 1. Hỡi Kitô hữu, hãy nhận biết phẩm giá của bạn

WHĐ -- Loạt bài Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo gồm 4 phần: (1) Tuyên xưng Đức Tin – (2) Cử hành các mầu nhiệm Kitô giáo – (3) Đời sống mới trong Đức Kitô – (4) Kinh nguyện Kitô giáo. Hai phần đầu đã được phổ biến trên trang web HĐGMVN trong Năm Đức Tin (2012–2013). Bắt đầu Năm Phụng vụ 2015, xin tiếp tục gửi đến độc giả phần thứ ba sau đây (mỗi tuần một bài):

 

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ

“Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được sống đời đời?” Đứng trước câu hỏi này của người thanh niên giàu có, Đức Giêsu đã đưa ra câu trả lời rõ ràng, cô đọng: “Nếu anh muốn vào cõi sống thì hãy giữ các điều răn” (Mt 19,16-17).

Kể từ ngày Thầy Giêsu chỉ cho nhân loại thấy con đường sự sống, biết bao người đã đem giáo huấn của Ngài ra thực hành và cảm nghiệm rằng Đức Giêsu Kitô thật sự là “đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6).

Luân lý Kitô giáo không phải là một tập hợp trừu tượng những lề luật, nhưng đúng hơn là bước vào mối quan hệ với Đức Kitô, noi gương Đức Kitô. Do đó những mô hình và mẫu mực của luân lý chính là các thánh, những người mà trong cuộc đời họ, con đường của Đức Giêsu bừng sáng và được cụ thể hóa cách đặc biệt. Đời sống các thánh là chứng tá hùng hồn về tính nhân văn và vẻ đẹp của luân lý Kitô giáo. Những mẫu gương đó không phải là xa vời và không thể vươn tới, và sự thánh thiện là nẻo đường và mục đích dành cho hết mọi người, đây chính là một trong những chủ đề lớn của Công đồng Vatican II.

Ước mong 52 bài suy niệm (cho 52 tuần của Năm Phụng Vụ 2015) thúc đẩy chúng ta bước theo Thầy Giêsu sát hơn, để “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Bài 1. HỠI KITÔ HỮU, HÃY NHẬN BIẾT PHẨM GIÁ CỦA BẠN

Phần thứ ba của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG) bàn về luân lý Kitô giáo. Ngày nay công luận thường gắn kết từ ngữ “luân lý Kitô giáo” với những chuyện bị cho là lỗi thời, cổ giả, chật hẹp, thiếu thực tế, vô bổ. Cách riêng là những cấm đoán liên quan đến điều răn thứ sáu. Những người rời bỏ Giáo hội thường viện dẫn lý do là không thể chấp nhận những ý niệm trong luân lý Kitô giáo. Đặc biệt trong số các bạn trẻ, nhiều người coi thường nền luân lý này, hoặc đúng hơn, cái mà họ tưởng là luân lý Kitô giáo.

Vậy phải chăng luân lý Kitô giáo là cái người ta vẫn nghe qua các phương tiện truyền thông và công luận? Điều được gọi là “luật sống” mà Đức Kitô ban bố cho các môn đệ và chúng ta được mời gọi sống theo đó, điều đó thật sự là gì? Nhiều bậc phụ huynh tự đặt ra câu hỏi này khi cố gắng giới thiệu cho con cái mình đời sống phù hợp với đức tin. Với tất cả những ai tuyên xưng đức tin, câu hỏi khẩn thiết này lại được đặt ra lúc này lúc khác: Sống đời sống đức tin, đời sống Kitô ngày nay thật sự là gì?

Sách Giáo Lý chỉ cung cấp câu trả lời gián tiếp. Mục đích chính của Sách Giáo Lý là trình bày những giáo huấn của đức tin Kitô giáo cách hệ thống (số 18), nhờ đó giúp đào sâu sự hiểu biết đức tin (số 23). Hàm chứa trong giáo huấn này là sự hiểu biết chính xác hơn về luân lý Kitô giáo, nền luân lý vốn thường bị hiểu lầm và vì thế bị gạt bỏ chỉ vì thiếu hiểu biết. Sự hiểu biết tốt hơn và sâu hơn có thể giúp cho người ta đón nhận lối sống Kitô và trân trọng hơn.

Tuy nhiên trước khi bàn đến lối sống này, cần phải thấy được điều này: Luân lý Kitô giáo được khám phá trước hết không phải bằng kiến thức và lý trí, cho dù điều này quan trọng, nhưng chủ yếu là qua việc bước theo Đức Kitô cách cụ thể. Những ai đặt chân trên “con đường của Đức Kitô” (GLHTCG số 1696), những ai nhờ ân sủng cố gắng sống đời sống “xứng đáng với Tin Mừng của Đức Kitô” (số 1692), những người đó sẽ khám phá ý nghĩa những điều răn của Thiên Chúa cách hoàn toàn mới mẻ, tức là những nẻo đường dẫn đến sự sống và cuộc đời hạnh phúc.

Top