Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần II: Các bí tích - Bài 7. Đức tin và bí tích

Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần II: Các bí tích - Bài 7. Đức tin và bí tích

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ

HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần II: CÁC BÍ TÍCH

 

Bài 7. ĐỨC TIN VÀ BÍ TÍCH

Nếu Đức Kitô không sống lại, có lẽ sẽ không có Hội Thánh và cũng chẳng có bí tích. Đức Kitô đang hành động nơi các bí tích của Người. Bí tích là những dấu chỉ và khí cụ cho sự hiện diện của Chúa. Thế nhưng bí tích không hoạt động nếu không có chúng ta. Như Đấng Phục Sinh đã nói khi sai các môn đệ đi vào thế gian: “Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ” (Mc 16,16). Các bí tích không chỉ được trao ban mà còn được lãnh nhận. Việc thông ban ân sủng và sự sống của Thiên Chúa không tùy thuộc nơi chúng ta, thế nhưng có đón nhận và để cho ân sủng ấy trổ sinh hoa trái hay không, việc ấy lại tùy thuộc chúng ta.

Hội Thánh dạy rằng các bí tích có hiệu quả do sự (ex opere operato), “do chính hành động bí tích được thực hiện” (GLHTCG số 1128), nghĩa là do quyền năng của Chúa Kitô, do quyền năng của Thập Giá và sự Phục Sinh của Chúa, và do bí tích được cử hành cách thành sự. Khi một người làm phép Rửa tội, không phải người ấy rửa tội bằng quyền năng của riêng mình mà là chính Đức Kitô rửa tội qua người ấy. Phép Rửa không mang lại hiệu quả do cảm tính của chúng ta, cũng không do đức tin của chúng ta, nhưng do quyền năng của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Đó là lý do tại sao hiệu quả của bí tích không tùy thuộc sự thánh thiện của cá nhân thừa tác viên. Kể cả khi một linh mục đang mắc tội – mà ai trong chúng ta không có tội – ban phép Giải tội, thì chính Thiên Chúa tha tội cho tôi qua vị linh mục ấy: “Bởi vì xét cho cùng, chính Đức Kitô là Đấng hành động và thực hiện ơn cứu độ qua thừa tác viên có chức thánh, nên sự bất xứng của vị này không ngăn cản được Đức Kitô hành động” (số 1584).

Tuy nhiên việc tôi lãnh nhận các bí tích như thế nào lại là điều quan trọng. Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Corintô đừng dự phần Bánh và Chén cách bất xứng, nếu không họ sẽ mang tội xúc phạm đến Mình và Máu Chúa (1 Cr 11,27). Vậy thế nào là lãnh nhận cách xứng đáng?

Trước hết là phải lãnh nhận bí tích bằng đức tin. Khi lên rước lễ, thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa nói “Mình Thánh Chúa Kitô”, và tôi thưa “Amen”. Tiếng Amen ấy là hành vi đức tin, khẳng định sự sẵn sàng của tôi để trong đức tin, tôi đón nhận ân sủng Đức Kitô ban cho tôi trong bí tích.

Đức tin ấy cần được dưỡng nuôi và củng cố. Do đó học hỏi về ý nghĩa của các bí tích là điều cần thiết. Có những hình thức chuẩn bị thích hợp cho từng bí tích: học giáo lý để chịu phép Thêm Sức cũng quan trọng như những năm đào tạo để chịu chức thánh (số 1309 và 1589). Nếu không được chuẩn bị đầy đủ về ý nghĩa của bí tích hôn phối, làm sao các đôi vợ chồng hiểu được rằng họ đang cử hành bí tích cho nhau, Thiên Chúa đóng ấn dây hôn phối của họ, và Đức Kitô hiện diện giữa họ qua bí tích này (số 1632)? Việc chuẩn bị cũng cần thiết đối với những bí tích chúng ta lãnh nhận thường xuyên như bí tích Thánh Thể và bí tích Giao Hòa. Thế nhưng nhiều khi chúng ta rước lễ mà rất ít ý thức. Chẳng hạn, những giây phút thinh lặng sau khi rước lễ là điều cần thiết, nhưng ngày nay lại bị coi thường và lãng quên. Cuối cùng, toàn bộ đời sống chúng ta đều góp phần vào việc lãnh nhận các bí tích cách phong phú và hiệu quả nhất.

ĐHY Christoph Schönborn

(Nguồn: WHĐ)

Top