Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần II: Các bí tích - Bài 6. Các bí tích của Hội Thánh

Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần II: Các bí tích - Bài 6. Các bí tích của Hội Thánh

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ

HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần II: CÁC BÍ TÍCH

Bài 6. CÁC BÍ TÍCH CỦA HỘI THÁNH

Mầu nhiệm Vượt Qua là nền tảng đức tin của chúng ta: “Chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại”. Đức Kitô đã chết vì và cho chúng ta. Người sống lại thật. Người đang hiện diện. Những gì Người đã làm trong cuộc sống trần thế, Người vẫn tiếp tục làm, cách riêng qua các bí tích.

Hội Thánh dạy chúng ta rằng có bảy bí tích và những bí tích này “được Đức Giêsu Kitô thiết lập” (GLHTCG số 1114). Với một số bí tích, sự kiện Chúa Giêsu thiết lập bí tích và Người thiết lập như thế nào, mọi sự đã rõ. Chẳng hạn, Chúa truyền lệnh cho các tông đồ làm Phép Rửa (số 1223), và trong bữa Tiệc Ly, Chúa thiết lập bí tích Thánh Thể (số 1337). Chúng ta không thể xác định thời điểm Chúa lập các bí tích, tuy nhiên tất cả các bí tích đều có “điểm cố định” trong cuộc đời Chúa Giêsu, qua lời nói và hành động của Người. Ví dụ cụ thể là bí tích Xức dầu bệnh nhân. Chúa Giêsu thường dùng những dấu chỉ khả giác để chữa lành: Người chạm đến người bệnh và đặt tay trên họ (số 1504). Ngay từ thời đầu, khi tiếp xúc với các bệnh nhân, Hội Thánh đã có nghi thức cầu nguyện riêng và xức dầu cho bệnh nhân (1510). Cũng như Đức Kitô chạm đến người bệnh và chữa lành cho họ, thì Người vẫn làm như thế qua bí tích Xức dầu bệnh nhân.

Đến thế kỷ 12, Hội Thánh khẳng định rõ ràng bảy bí tích. Việc này cũng giống như việc xác định Quy Thư Kinh Thánh (số 120). Trong những thế kỷ đầu, Hội Thánh đã xem xét, phân định, và cuối cùng xác định những sách nào được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, và do đó là Lời Thiên Chúa. Cũng vậy, “theo dòng thời gian, Hội Thánh xác định trong số các cử hành phụng vụ của mình, có bảy cử hành là những bí tích, theo nghĩa hẹp của từ này, do Chúa thiết lập” (số 1117).

Một trong những đặc điểm của bảy bí tích là tất cả đều có mối liên hệ nào đó với thừa tác vụ linh mục. Điều này đặc biệt rõ ràng khi nói về bí tích Thánh Thể. Cử hành Thánh Thể “cho đến khi Chúa đến” là mệnh lệnh các tông đồ nhận lãnh từ nơi Chúa: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Việc ban phát các bí tích được trao phó cho các tông đồ và những người kế vị. Khi một linh mục giải tội cho ai thì không phải ngài tha tội nhân danh ngài nhưng là nhân danh Đức Kitô, “trong tư cách của Đức Kitô” (số 1461, 1548). Không có thừa tác vụ thánh chức (giám mục và linh mục) thì không có bí tích, ngoại trừ trong trường hợp khẩn cấp, ví dụ rửa tội, khi đó bất cứ ai cũng được làm (số 1256). Chức linh mục thừa tác ở tự nó cũng là một bí tích, qua đó Đức Kitô kiến tạo và dẫn dắt Hội Thánh (số 1547). Chức linh mục này “bảo đảm rằng trong các bí tích, chính Đức Kitô hành động nhờ Chúa Thánh Thần cho Hội Thánh… Đây là sợi dây mang tính bí tích nối kết hành động phụng vụ với những gì các tông đồ đã nói và đã làm, và qua các tông đồ, với những gì Đức Kitô, Đấng là nguồn mạch và nền tảng của các bí tích, đã nói và đã làm” (số 1120).

ĐHY Christoph Schönborn

(Nguồn: WHĐ)

Top