Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô

Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ


Bài 10. CÔNG BẰNG


Đức công bằng liên quan đến hành xử đúng đắn với tha nhân. Do đó, trong đời sống xã hội, đây là thái độ nền tảng. Công bằng là trả lại cho người lân cận những gì chúng ta mắc nợ họ (GLHTCG 1807). Vì không ai chỉ sống cho mình, nên nhân đức làm nền tảng cho đời sống chung cũng là nhân đức nền tảng. Trong giáo huấn Công giáo về các nhân đức, đức công bằng được khai triển theo 3 hướng.

Trước hết là sự công bằng giữa các cá nhân, gọi là Công bằng giao hoán. Theo đó, người chủ mắc nợ nhân viên tiền lương thích hợp, ngược lại nhân viên nợ ông chủ công việc phải làm tương xứng. Cha mẹ mắc nợ con cái sự chăm sóc và nâng đỡ, con cái nợ cha mẹ sự kính trọng; vợ chồng nợ nhau sự tôn trọng và giúp đỡ. Nói thế, phải chăng là quá tính toán, biến mọi sự thành công việc? Tình yêu, lòng thương xót, sự nhân hậu lại chẳng quan trọng hơn công bằng sao?

Dĩ nhiên khi nói đến những việc trên, cần phải nhìn trong tương quan liên vị và những bổn phận phải có đối với nhau. Đúng là công bằng không phải là tất cả. Không có tình yêu thì cuối cùng cũng chẳng có công bằng. Thế nhưng không có công bằng nền tảng thì cũng không có tình yêu.

Hình thức thứ hai của công bằng liên quan đến hành xử của xã hội đối với các cá nhân, gọi là Công bằng phân phối. Đây là nhiệm vụ riêng của chính quyền, Nhà nước, cũng như của những xã hội nhỏ hơn. Những gì cá nhân không thể làm một mình thì xã hội phải giúp đỡ. Một người đã dành cả đời làm việc cho xã hội có quyền đòi hỏi xã hội phải trợ giúp khi bị bệnh hoặc khi về già. Nếu nguồn lợi của xã hội eo hẹp thì công bằng phân phối đòi hỏi phải làm sao để những thành phần yếu trong xã hội không phải mang gánh nặng quá lớn, không thể chỉ quan tâm người mạnh mà bỏ quên kẻ yếu.

Hình thức thứ ba liên quan đến công bằng của cá nhân đối với xã hội xét như một toàn thể, gọi là Công bằng pháp lý. Mỗi người trong xã hội đều có trách nhiệm với công ích, và công ích phải được quan tâm trước những lợi ích cá nhân hoặc nhóm. Những chương trình xã hội chỉ có thể tiến hành nếu từng cá nhân đóng góp vào công ích.

Còn nhiều điều phải nói về 3 hình thức công bằng nói trên. Điều quan trọng ở đây là phải có cả 3 thứ công bằng đó, chúng ta mới có cái nhìn toàn diện về công bằng. Điều quan trọng nữa là: để có được cả 3 thứ công bằng trên, cần có những con người công chính, ngay thẳng. Xã hội và công ích chỉ phát triển nhờ những con người như thế. Chính vì thế, hình thức sâu xa nhất của đức công bằng là thái độ của chúng ta đối với Thiên Chúa: “Trả lại những gì chúng ta mắc nợ với Thiên Chúa” (x. 1807). Chúng ta mắc nợ Chúa mọi sự, cụ thể là tất cả sở hữu và hiện hữu của mình. Thật vậy, chính từ Chúa mà chúng ta có những gì đang có vì “Vương quốc Chúa vô biên, Vương quyền Người vô tận”.


 
ĐHY Christoph Schönborn

Top