Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 44. Thừa tác vụ giám mục

Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 44. Thừa tác vụ giám mục

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ

HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần II: CÁC BÍ TÍCH

Bài 44. THỪA TÁC VỤ GIÁM MỤC

Giám mục, linh mục, phó tế, là thừa tác vụ có chức thánh, ở ba cấp bậc trong Hội Thánh. Đây là điều đã có từ thời xa xưa (GLHTCG số 1554). Trong ba bài tới, chúng ta sẽ bàn về ba cấp bậc này, để xem ba cấp thừa tác vụ này phát xuất từ đâu, có liên hệ với nhau ra sao, và có ý nghĩa gì.

Xét về hình thức bên ngoài, chức giám mục đã có những thay đổi qua nhiều thế kỷ, nhưng nhiệm vụ chính yếu thì vẫn thế cho đến ngày Chúa trở lại. “Sứ mệnh thần linh đã được Chúa Kitô trao phó cho các Tông đồ phải tồn tại cho đến tận thế (x. Mt 28,20), bởi lẽ Tin Mừng mà các ngài có nhiệm vụ rao truyền là nguyên lý ban sự sống trọn vẹn trong Hội Thánh qua mọi thời đại. Vì thế, các Tông đồ đã quan tâm đặt người kế vị… Thật vậy, không những các ngài có nhiều phụ tá giúp thi hành chức vụ, nhưng để sứ mệnh trao phó cho các ngài được tiếp tục sau khi các ngài qua đời, các Tông đồ còn ủy thác, như một di chúc, cho các cộng sự viên trực tiếp của mình, nhiệm vụ hoàn tất và củng cố công trình các ngài đã khởi sự… Bởi vậy, các ngài đã chỉ định những người như thế, rồi truyền lệnh cho họ sẽ làm tương tự, để khi họ chết, sẽ có những người có năng lực tiếp nối thừa tác vụ của họ” (Giáo Hội, 20).

Hiến chế tín lý về Giáo Hội đã trình bày như trên về sự chuyển tiếp từ các Tông đồ đến những người kế vị các ngài là các giám mục. Giáo huấn này được nâng đỡ bằng những tư liệu cổ xưa nhất, khẳng định về sự chuyển tiếp này. Ngoài các thư của thánh Phaolô và sách Công vụ các Tông đồ, tư liệu quan trọng nhất là thư của thánh Clêmentê thành Rôma, người kế vị thứ ba của thánh Phêrô, gửi cho cộng đoàn Côrintô năm 96. Trong các thư của thánh Inhaxiô thành Antiôkia, giám mục tử đạo (năm 110), chúng ta đã thấy thừa tác vụ có chức thánh được cấu trúc thành ba cấp bậc: “Chớ gì mọi người tôn trọng các phó tế như Chúa Giêsu Kitô, tôn trọng Giám mục như hình ảnh của Chúa Cha, và tôn trọng các linh mục như nghị viên của Thiên Chúa và như công hội các Tông đồ: không có những vị này, không thể nói về Hội Thánh”. Ở thời điểm muộn hơn (năm 180), thánh Irênê đã nói với chúng ta về danh sách giám mục của các Hội Thánh địa phương do các Tông đồ thiết lập, và ngài kể tên những đấng kế vị thánh Phêrô ở Rôma cho tới thời của ngài.

Với tính liên tục như thế, sự kế nhiệm tông đồ đã trải dài từ thời đầu của Hội Thánh cho đến ngày nay. Sức sống và sức mạnh nội tại của tính liên tục này là ân sủng bí tích. Để chu toàn sứ mệnh, các Tông đồ “được Đức Kitô đổ tràn đầy Thánh Thần cách đặc biệt, và chính các Tông đồ trao ban hồng ân thiêng liêng cho các cộng sự viên của mình qua việc đặt tay, điều đó được lưu truyền cho đến chúng ta qua việc thánh hiến giám mục” (số 1556). Công đồng dạy rằng: “Việc thánh hiến giám mục mang lại sự viên mãn của bí tích Truyền Chức Thánh” (số 1557). Và như thế, dù có những mặt mạnh hay yếu về nhân loại, các giám mục thật sự là những người kế vị các Tông đồ.

ĐHY Christoph Schönborn

(Nguồn: WHĐ)

Top