Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 32. Thánh lễ, hy tế của Đức Kitô và hy tế của Hội Thánh

Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 32. Thánh lễ, hy tế của Đức Kitô và hy tế của Hội Thánh

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ

HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần II: CÁC BÍ TÍCH

 

Bài 32. THÁNH LỄ, HY TẾ CỦA ĐỨC KITÔ VÀ HY TẾ CỦA HỘI THÁNH

Từ xưa, tiên tri Malaki đã loan báo: “Quả thật, từ đông sang tây, Danh Ta thật cao cả giữa chư dân; và ở khắp nơi, người ta dâng lễ hy sinh và lễ vật tinh tuyền kính Danh Ta, bởi vì Danh Ta thật cao cả giữa chư dân” (1,11). Ngay từ thuở đầu của Kitô giáo, các tín hữu đã đọc những lời này như lời tiên báo về Thánh Thể, được dâng trên khắp trái đất, do những người đã tin vào Đức Kitô. Kinh nguyện Thánh Thể III cũng lấy lại tâm tình của tiên tri Malaki: “Chúa đã không ngừng quy tụ cho Chúa một dân, để từ lúc mặt trời mọc cho đến khi lặn xuống, họ dâng lên Chúa một hiến lễ tinh tuyền”.

Chúng ta phải giải thích làm sao về sự kiện: Hy tế của Đức Kitô chỉ dâng một lần là đủ, vậy tại sao cứ phải dâng đi dâng lại mãi? Nhà thần học Karl Rahner đã viết một cuốn sách có tựa đề “Một Hy Tế - Nhiều Thánh Lễ”. Hội Thánh giải thích như sau: “Cũng cùng một hiến vật, cũng cùng một Đấng xưa đã tự hiến trên thập giá, nay cũng chính Người dâng lên qua thừa tác vụ tư tế, chỉ khác biệt về cách tiến dâng” (GLHTCG số 1367). Khác biệt trong cách tiến dâng vì “Cũng chính Đức Kitô, Đấng đã tự hiến một lần bằng cách đổ máu trên bàn thờ thập giá, nay được hiến dâng và sát tế một cách không đổ máu, nên hy tế này thực sự có giá trị đền tội”.

Vậy chúng ta tham dự vào hy tế của Đức Kitô bằng cách nào? “Trong bí tích Thánh Thể, hy tế của Đức Kitô cũng trở thành hy tế của các chi thể trong Thân Thể Người. Đời sống của các tín hữu, lời ca ngợi, sự đau khổ, lời cầu nguyện, việc lao động của họ, được kết hợp với cùng những điều đó trong đời sống của Đức Kitô và với toàn bộ lễ tế của Người; nhờ đó chúng mang một giá trị mới” (số 1368). Trong cử hành phụng vụ, ý nghĩa này được diễn tả cách biểu tượng qua việc pha chút nước vào rượu cùng với lời đọc: “Nhờ mầu nhiệm nước và rượu này, xin cho chúng con được chia sẻ thần tính với Đức Kitô, Đấng đã hạ mình chia sẻ nhân tính với chúng con”.

Cũng chính ở đây, người Công giáo hiểu được ý nghĩa của việc “xin lễ” và “bổng lễ”. Người Công giáo có thói quen xin lễ cho người chết cũng như kẻ sống, cho những ý nguyện của Hội Thánh, của cá nhân hay cộng đoàn. Khi xin lễ như thế, họ cũng dâng một chút tiền gọi là “bổng lễ”. Tại nhiều nơi trên thế giới, bổng lễ là cách duy nhất giúp cho các thừa tác viên trong Hội Thánh có phương tiện để sinh sống và làm việc tông đồ. Thật ra, người ta không thể mua hay bán “thánh lễ”, nhưng việc dâng bổng lễ là cách cụ thể để chúng ta tham dự vào hy tế của Đức Kitô. Chúng ta kết hợp với hy tế của Đức Kitô bằng sự đóng góp và hy sinh của mình, qua đó chúng ta hiến dâng chính mình cùng với Đức Kitô “trên bàn thờ tâm hồn” của mình.

ĐHY Christoph Schönborn

Top