Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 30. Tính liên tục và những thay đổi trong Thánh lễ

Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 30. Tính liên tục và những thay đổi trong Thánh lễ

TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ

HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần II: CÁC BÍ TÍCH

Bài 30. TÍNH LIÊN TỤC VÀ NHỮNG THAY ĐỔI TRONG THÁNH LỄ

“Chính trong Phụng Vụ mà Hội Thánh bày tỏ sự hiểu biết của mình về Thánh Thể, theo cách sâu xa và đầy đủ nhất”. Nhà thần học H. Vorgrimler nhận xét như thế. Cũng vì vậy, cần phải quan tâm đến cấu trúc và hình thức cử hành Thánh Thể, qua đó hiểu được ý nghĩa của Thánh Lễ.

Không cần phải nói, trong nhiều thế kỷ, đã có nhiều thay đổi trong việc cử hành Thánh Lễ. Thánh Phaolô đã nói thế nào về “việc bẻ bánh” trong những cộng đoàn Kitô hữu thời của ngài (x. Cv 20,7-12)? Trong những hang toại đạo ở Rôma, các tín hữu cử hành Thánh Lễ ra sao? Rồi ai cũng biết có những nghi lễ khác nhau, chẳng hạn người đã quen với Phụng vụ Byzantine của Giáo Hội Đông phương sẽ thấy Giáo Hội Công giáo Rôma cử hành Thánh Lễ khác quá.

Tuy nhiên, giữa những khác biệt ấy, luôn có một hình thức căn bản và thường hằng khi cử hành Thánh Thể. Sách Giáo Lý trích dẫn nguyên văn bài tường thuật của thánh Giustinô ở thế kỷ II, mô tả việc cử hành Thánh Lễ (số 1345). Ở đây chúng ta có thể nhắc lại những nét chính yếu.

Thánh Giustinô cho biết mỗi Chúa nhật, các Kitô hữu từ nhiều nơi tập họp lại (số 1348). Rồi ngài mô tả phần mà ngày nay được gọi là Phụng Vụ Lời Chúa: các bài đọc từ sách các tiên tri hoặc ký sự của các Tông đồ. Vị chủ sự “giảng” dựa trên những bài đọc. Cuối cùng, có lời cầu nguyện cho mọi người. Phần thứ nhất khép lại với cái hôn bình an, điều mà Giáo Hội Đông phương vẫn duy trì (số 1349).

Ở trung tâm của việc cử hành là lời nguyện mà thánh Giustinô gọi là “kinh tạ ơn dài” (eucharistia, chính là tên gọi của cử hành Thánh Thể) do vị chủ sự đọc. Ngày nay chúng ta gọi là “Kinh nguyện Thánh Thể”. Trước đó có phần dâng lễ vật và quyên góp cho những người thiếu thốn (số 1350-1351). Kinh nguyện Thánh Thể bắt đầu bằng lời chúc tụng Chúa Cha về những sự lạ lùng Ngài đã làm cho chúng ta, nhất là đã ban tặng Con của Ngài cho chúng ta, cũng như về sự chết và phục sinh của Chúa. Đó là nội dung của “Kinh Tiền Tụng”.

Trong kinh nguyện Do Thái giáo, việc tưởng niệm không chỉ là nhớ lại nhưng còn là làm cho những biến cố ấy thành hiện tại. Vì thế, cuộc khổ nạn, sự chết và phục sinh của Đức Kitô trở thành hiện tại khi chúng ta tưởng niệm (số 1357). Trong tác động của Chúa Thánh Thần và nhờ quyền năng của Lời Chúa (Này là Mình Thầy… Này là Máu Thầy), thì chính Đức Kitô thực sự hiện diện dưới hình bánh rượu (số 1353). Việc cử hành hoàn tất với “Bữa Tối của Chúa” mà thánh Giustinô mô tả là phân phát bánh và rượu pha nước “đã được thánh thể hóa”, nghĩa là đã trở nên Mình và Máu Đức Kitô (số 1355).

Dù có những thay đổi theo thời gian, thì qua nhiều thế kỷ, những yếu tố căn bản này vẫn không thay đổi. Lý do là vì “chúng ta biết mình bị ràng buộc bởi mệnh lệnh Chúa đã ban, hôm trước ngày Người chịu khổ hình: Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (số 1356).

ĐHY Christoph Schönborn

(Nguồn: WHĐ)

Top