Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần II: Các bí tích - Bài 1. Phụng vụ là gì?
TÌM HIỂU SÁCH GL HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần II: CÁC BÍ TÍCH
Bài 1. PHỤNG VỤ LÀ GÌ?
Tại Việt Nam, tỷ lệ người công giáo đi lễ Chúa nhật là 80-90%. Như thế, mỗi Chúa nhật, có 6 triệu người đến nhà thờ. So với những sinh hoạt công cộng khác như bóng đá, hội diễn văn nghệ… thì số người có mặt trong các nhà thờ vẫn lớn hơn nhiều. Qua bao nhiêu thế kỷ, các tín hữu công giáo vẫn đến nhà thờ mỗi Chúa nhật, có khi hằng ngày, để thờ phượng Chúa, để cử hành phụng vụ. Từ thời xưa, người ngoại giáo đã xem đây như dấu ấn đặc thù của các Kitô hữu. Trong một lá thư viết vào năm 112, Pliny đã nói với hoàng đế Tragianô rằng: Vào ngày nào đó trong tuần, từ trước khi mặt trời mọc, một số đông các Kitô hữu đã họp nhau lại “để hát thánh thi dâng kính Đức Kitô như dâng kính một vị thần”. Đúng là ngay từ đầu, Hội Thánh đã là một cộng đoàn cầu nguyện và cử hành việc thờ phượng.
Trong tiếng Hi Lạp, từ leiturgia mà chúng ta dịch là phụng vụ có nghĩa là “việc phục vụ cho công ích” (x. 2Cr 9,12) nhưng cũng có nghĩa là “việc thờ phượng Chúa” (x. Cv 13,2). Theo cách hiểu của Kitô giáo, phụng vụ trước hết là “việc của Chúa” làm cho con người, trước khi trở thành lời tạ ơn và cầu khẩn của chúng ta dâng lên Chúa. Vì thế, điều quan trọng phải nhớ là không phải chúng ta “làm ra” phụng vụ. Không, chính Đức Kitô mới là “nhà phụng vụ”, là “người cử hành chính”. Ngài đã hoàn tất “công việc của Thiên Chúa” cho chúng ta, tức là cứu độ loài người và tôn vinh Thiên Chúa (GLHTCG số 1067). “Phụng vụ” vĩ đại của Đức Kitô là sự hiến dâng mạng sống, hy lễ Ngài dâng lên Chúa Cha trên thập giá “một lần thay cho tất cả” (số 1085), để chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa.
Bất cứ khi nào Đấng Phục Sinh cử hành phụng vụ với chúng ta và cho chúng ta thì “công trình cứu độ được hoàn thành” (số 1068). Trên tất cả là bí tích Thánh Thể, nơi đó Đức Kitô hiến dâng cho Thiên Chúa Cha chính mình Người và Thân Mình của Người là Hội Thánh.
Dĩ nhiên phụng vụ không phải là hoạt động duy nhất của Hội Thánh (số 1072). Rao giảng Tin Mừng và phục vụ tha nhân, cầu nguyện và hi sinh, chứng tá đời sống Kitô hữu, tất cả đều là những việc thiết yếu trong đời sống Hội Thánh. Tuy nhiên “phụng vụ là chóp đỉnh mà các hoạt động của Hội Thánh hướng đến” (số 1074). Thánh Bênađô nói rằng không điều gì có thể chiếm ưu thế lớn hơn việc thờ phượng Chúa (số 347), cho dù đôi khi, vì nhu cầu khẩn cấp của tha nhân, chúng ta không thể tham dự việc thờ phượng.
Yêu mến tha nhân và thờ phượng Thiên Chúa không đối nghịch nhau. Ngược lại, đối với Hội Thánh, phụng vụ chính là “suối nguồn tuôn chảy mọi năng lực của Hội Thánh” (GLHTCG 1074). Chính vì thế, phụng vụ đáng được quan tâm và tôn kính đặc biệt. Kinh nghiệm chứng minh rằng nơi đâu phụng vụ được cử hành với vẻ đẹp đơn sơ nhưng tràn đầy tình yêu và tôn kính thì các tín hữu đến đó. Phụng vụ giống như nguồn suối ở đó chứa đựng sự sống của Đức Kitô và ban tặng cho chúng ta.
ĐHY Christoph Schönborn
bài liên quan mới nhất
- Ngày 25/11: Thánh Catarina Alexanđria
-
Ngày 24/11: Các Thánh Tử đạo Việt Nam -
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo -
Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục -
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi