Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần II: Các bí tích - Bài 2. Thiên Chúa Cha: Cội nguồn của toàn thể phụng vụ
TÌM HIỂU SÁCH GL HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần II: CÁC BÍ TÍCH
Bài 2. THIÊN CHÚA CHA: CỘI NGUỒN CỦA TOÀN THỂ PHỤNG VỤ
“Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Chúa Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không có sự chuyển vần khi tối khi sáng” (Giacôbê 1,17).
Như chúng ta đã thấy, phụng vụ trước hết và trên hết là “công trình của Thiên Chúa” cho con người. Việc thờ phượng của chúng ta là sự đáp lại những hồng ân Thiên Chúa ban. Vì thế trong cử hành phụng vụ luôn có một chuyển động hai chiều: chiều đi xuống và chiều đi lên. Chiều đi xuống phát xuất từ Chúa Cha vĩnh cửu là cội nguồn mọi sự sống, chiều đi lên là lời khẩn cầu, tạ ơn và ca tụng của chúng ta dâng lên Chúa. Trong tiếng Hípri, từ barak, bera’ha diễn tả cả hai chiều này. Trong tiếng La tinh, từ benedicere và benedictio cũng diễn tả như thế (GLHTCG số 1078): phúc lành của Thiên Chúa và lời chúc tụng chúng ta dâng lên Chúa.
Cả hai ý nghĩa “phúc lành” và “chúc tụng” này đều có mặt trong ơn gọi của Abraham. Chúa nói với ông: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi… Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi… Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,2-3). Con người được Thiên Chúa chúc phúc lại trở nên phúc lành cho nhiều người. Qua đời sống và lời cầu nguyện của mình, Abraham dâng lại cho Chúa “phúc lành” bằng tâm tình tạ ơn.
Kinh Thánh Cựu Ước cho chúng ta nhiều ví dụ như thế và qua đó, cung cấp “nguyên mẫu” cho phụng vụ Kitô giáo. Chẳng hạn, khi Môsê kể lại cho bố vợ của mình biết việc Thiên Chúa đã giải thoát dân Israel khỏi tay vua Pharaô và cảnh nô lệ Ai Cập cách lạ lùng như thế nào, thì ông Gíthrô vui sướng nói rằng: “Chúc tụng Chúa đã giải thoát các anh khỏi tay người Ai Cập và tay Pharaô. Giờ đây tôi nhận biết rằng Chúa cao cả hơn hết mọi thần minh”. Rồi ông dâng lên Thiên Chúa lễ toàn thiêu và các hy lễ. Và sách Xuất Hành kể tiếp: “Ông Aaron và mọi kỳ mục của Israen đến ăn bánh với nhạc phụ của ông Môsê trước nhan Thiên Chúa” (Xh 18,8-12).
Ở đây chúng ta đã thấy những gì báo trước những yếu tố chủ chốt trong phụng vụ Kitô giáo: Phụng Vụ Lời Chúa nhắc chúng ta nhớ lại những kỳ công của Chúa; Kinh Tiền Tụng chúc tụng Chúa vì mọi phúc lành Ngài ban; hy lễ bao hàm lời tạ ơn và khẩn cầu; việc cử hành kết thúc bằng một bữa ăn, dấu chỉ phúc lành của Chúa. Điều mới mẻ trong phụng vụ Kitô giáo là chính Đức Kitô. Ngài là phúc lành của Thiên Chúa, là “quà tặng tuyệt hảo” của Chúa Cha, và vì thế chúng ta “chúc tụng” Chúa trong cử hành phụng vụ: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Eph 1,3).
“Trong phụng vụ của Hội Thánh, Chúa Cha được chúc tụng và tôn thờ với tư cách là nguồn mạch mọi chúc lành trong công trình tạo dựng và cứu độ; qua đó Ngài đã chúc lành cho chúng ta trong Con của Ngài để ban Thần Khí nghĩa tử cho chúng ta” (số 1110).
ĐHY Christoph Schönborn
(Nguồn: WHĐ)
bài liên quan mới nhất
- Ngày 04/01: Thánh Elizabeth Ann Seton
-
Ngày 03/01: Danh Thánh Chúa Giêsu -
Ngày 02/01: Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô -
Ngày 31/12: Thánh Silvester I, Giáo Hoàng (270-335) -
Ngày 29/12: Thánh Tôma Becket, Giám mục tử đạo -
Ngày 28/12: Các Thánh Anh Hài tử đạo -
Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ -
Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ (lễ kính) -
Ngày 25/11: Thánh Catarina Alexanđria -
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 03/11: Thánh Martinô de Porres, tu sĩ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi