Tìm hiểu Sách GLHTCG – Bài 8... Xin nhìn đến Đức tin của Hội Thánh Chúa

Tìm hiểu Sách GLHTCG – Bài 8... Xin nhìn đến Đức tin của Hội Thánh Chúa

TÌM HIỂU SÁCH GL HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Bài 8. “ … XIN NHÌN ĐẾN ĐỨC TIN CỦA HỘI THÁNH CHÚA”

Trong phụng vụ thánh lễ, sau kinh Lạy Cha, chúng ta cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa”. Lời cầu nguyện làm cho chúng ta ngạc nhiên: “Đức tin của Hội Thánh”. Chúng ta thường hiểu “đức tin của Hội Thánh” là cấu trúc giáo lý, toàn bộ những điều Hội Thánh dạy. Tuy nhiên, ở đây muốn diễn tả một điều gì khác: chính Hội Thánh được hiểu như là một người tin. Cũng giống như khi chúng ta phân biệt giữa hai cụm từ “tội của chúng ta” và “chúng ta là những tội nhân”. Hội Thánh này là ai mà chúng ta nài xin Chúa hãy nhìn vào đức tin của Hội Thánh?

Chúng ta có thể đặt câu hỏi trong hình thức khác: khi chúng ta thực hiện lời tuyên xưng đức tin trong thánh lễ, tất cả chúng ta nói cùng lúc “tôi tin…” Ở đây mỗi người nói cho chính mình cách cá nhân, bởi vì tin là một hành động mang tính cá vị. Tuy nhiên, điều chúng ta diễn tả trong kinh Tin Kính không phải là những ý nghĩ cá nhân của tôi, nhưng là điều mà tất cả chúng ta chia sẻ trong đức tin. Chúng ta cũng có thể nói: “Chúng tôi tin…” như trong bản văn Hy Lạp về lời tuyên xưng đức tin trọng thể. Nhưng, chủ từ “chúng tôi” ở đây không đơn giản là tổng số những khái niệm niềm tin của mỗi người, thí dụ: một tổ chức nào đó đạt được sự đồng thuận dựa trên một số nguyên tắc chung của mỗi thành viên đưa ra và gọi là “những nguyên tắc” của chúng tôi. Trái lại, khi nói “chúng tôi tin” điều Hội Thánh tin, nghĩa là tin những điều mà Hội Thánh tiếp nhận từ nơi Chúa và là Thày – Đức Giêsu Kitô – chính vì vậy mà Hội Thánh gắn bó những điều tin một cách trung thành và quý trọng.

Vì thế, mệnh đề “tôi tin” trước hết quy chiếu về cái “Tôi” của Hội Thánh. Xét như một cá nhân, tôi chỉ có thể nối kết vào mệnh đề “tôi tin…” khi ở trong sự hiệp thông của Hội Thánh. Niềm tin của tôi được nâng đỡ bởi niềm tin của nhiều người, những người đã tin trước tôi và đã chuyển giao đức tin đó. Đức tin không phải là một hành vi đơn độc, không ai có thể tin một mình, cũng như không ai có thể sống một mình (số 166). Cũng vậy, tôi không làm ra sự sống của tôi nhưng tôi tiếp nhận sự sống; tôi cũng không phát minh ra đức tin nhưng tôi đón nhận. Tôi tiếp nhận đức tin từ Hội Thánh, cũng như tôi tiếp nhận sự sống từ cha mẹ tôi. Trong phụng vụ bí Tích Thánh Tẩy, chủ sự hỏi: “Anh (chị) xin gì cùng Hội Thánh Chúa?” Trả lời: “xin đức tin”; chủ sự hỏi tiếp: “Đức tin sinh ơn ích gì cho anh (chị)?” Trả lời: “đức tin đem lại sự sống đời đời” (số 168).

Không có một đức tin chung nếu không có một ngôn ngữ đức tin chung. Tuy chúng ta không tin vào các ‘công thức’, nhưng chúng ta diễn tả điều chúng ta tin qua những từ ngữ và những mệnh đề mà chúng ta chia sẻ chung với nhau, đó là điều cần thiết với chúng ta để nói về điều chúng ta tin. Do đó, cần phải có một ngôn ngữ đức tin chung, gắn kết chúng ta, cũng như sự ràng buộc của ngôn ngữ là điều cần thiết đối với xã hội loài người (số 170).

Phụng vụ của Hội Thánh sẽ như thế nào nếu như không có một gia sản ngôn ngữ tôn giáo chung? Và đức tin có thể được loan báo và chuyển giao như thế nào được nếu như mỗi người chúng ta có một sân chơi ngôn ngữ riêng? Ngôn ngữ tôn giáo cũng là ký ức sống động của các thực tại tôn giáo. Điều cốt lõi qua ngôn ngữ tôn giáo là đưa về Đức Giêsu Kitô, Đấng nói với chúng ta qua lời của Ngài về Nước Thiên Chúa (số 543). Hội Thánh gìn giữ ký ức này. “Như người mẹ dạy con mình nói, hiểu, và thông truyền, Hội Thánh Mẹ chúng ta dạy chúng ta ngôn ngữ đức tin để giới thiệu cho chúng ta, để chúng ta hiểu và sống đức tin” (số 171).

ĐHY Christoph Schönborn

Top