Thứ Tư Tuần Bát Nhật Phục Sinh (+video)

Thứ Tư Tuần Bát Nhật Phục Sinh (+video)

Thứ Tư Tuần Bát Nhật Phục Sinh (+video)

Lc 24,13-35

“Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người,
nhưng Người lại biến mất”.
(Lc 24,31)

1. Sau Mátthêô và Gioan, đến phiên thánh Luca tường thuật. Tin Mừng của Luca được gọi là “Tin Mừng của người môn đệ”.

Có hai môn đệ, nhưng Luca chỉ nêu tên một người là Clêôpha, người kia không tên, có lẽ Luca muốn độc giả hiểu người vô danh ấy là bất cứ môn đệ nào của Chúa. Độc giả cũng có thể coi mình là chính môn đệ ấy để được chia sẻ với người môn đệ này những cảm nghiệm thật thú vị trên đường.

Hai môn đệ này là những người đã có một thời theo Chúa. Thế nhưng, cái chết của Chúa đã khiến họ hoang mang và bỏ cuộc. Họ đang cùng nhau trên đường trở về quê quán của mình.

Hai môn đệ đã bỏ Chúa nhưng Chúa không bỏ họ. Ngài vẫn đồng hành với họ dù họ không nhận ra Ngài.

Để làm sống lại niềm tin nơi hai môn đệ này, Chúa Giêsu đã dùng hai phương thế: Thánh Kinh và việc “bẻ bánh”. Thánh Kinh và Bí tích Tạ ơn đã giúp họ tìm lại được niềm tin và cuộc đời của họ đã được đổi mới.

Như vậy, chúng ta có thể nói: Ý chính của bài tường thuật này là: Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn đang sống, Ngài ở kề bên chúng ta. Hai nơi thuận tiện nhất để chúng ta nhận ra Ngài là Thánh Kinh và Thánh Lễ.

2. Khi không nêu tên người môn đệ kia, thánh Luca dường như muốn cho chúng ta hiểu rằng, mỗi người chúng ta là người môn đệ ấy. Hãy đặt mình vào con người của người môn đệ ấy để cảm nghiệm được niềm vui khi nhận ra Chúa Phục Sinh.

Khi đức tin của chúng ta bị lung lay, bị thử thách, chúng ta hãy chạy đến với Thánh Kinh, Bí tích Thánh Thể, cộng đoàn sống đức tin để xây dựng lại. Thánh Kinh, Thánh Thể và cộng đoàn đức tin là ba cột trụ vững chắc để nâng đỡ niềm tin của chúng ta.

Jacques Loew là người phu khuân vác ở bến tàu. Anh là đảng viên của đảng Lao Động Thụy Sĩ. Bỗng một hôm anh nảy ra ý định thử đi tìm hiểu điều mà những người Công giáo vẫn tin tưởng là có thực đó là “có một Thiên Chúa”. Anh muốn biết điều đó có thực hay không ? Muốn là làm. Anh tìm đến một dòng khổ tu và nói rõ ý định của mình với cha bề trên của dòng. Với nụ cưới thật tươi trên môi, cha bề trên rất cảm động nói với anh những lời này:

- Anh đã đi đúng đường rồi đó, anh cứ tiếp tục đi đi. Anh hãy coi tu viện đây như là nhà của anh.

Rồi cha bề trên giơ tay chỉ nhà nguyện và nói:

- Đây là nhà nguyện, nếu anh muốn xin mời anh vào.

Lúc ấy nhà nguyện đang có Thánh lễ. Jacques Loew đi vào. Anh quì xuống như bao người khác. Rồi anh cứ quì mãi trong khi những người khác đã thay đổi vị thế, khi ngồi, khi đứng. Đến lúc đã mỏi gối, anh ngồi lên thì lúc đó lại là lúc mọi người khác trong nhà nguyện đều quì sụp xuống vì đó là lúc truyền phép Mình Máu Thánh Chúa.

Đến lúc rước lễ, hầu như tất cả đều lên rước lễ, trừ anh thì cứ ngồi lại tại chỗ. Anh nghĩ thầm trong lòng: Mình thật không giống ai.

Ngồi ngó những người lên rước lễ đi xuống, anh nhận ra có rất nhiều khuôn mặt khác nhau: người học thức, kẻ có địa vị cao ngoài xã hội, và dĩ nhiên cũng có cả những người bình dân nữa. Jacques Loew tự hỏi: Sao những người này mê tín thế ? Ăn miếng bánh nhỏ bằng đồng xu kia để làm gì ? Họ có điên không ?

Nhưng rồi ý tưởng trên đây của Loew đã bị một tư tưởng khác tấn công: không lẽ tất cả những người học thức, có địa vị ngoài xã hội hơn mình, họ lại điên, còn mình thì lại khôn sao ? Hay là ngược lại, tôi điên ?

Thế rồi, Jacques Loew bắt đầu đi tìm hiểu về phép Thánh Thể với cha bề trên. Sau một thời gian, anh đã tâm sự:

“Bây giờ tôi có thể nói như hai môn đệ Emmau: “Tôi nhận ra Ngài lúc Ngài bẻ bánh”. Chính lúc bẻ bánh chúng tôi mới biết là chúng tôi là anh chị em với nhau trong Chúa Kitô. Có những người mà trước đó gặp ở ngoài đường, chúng tôi dửng dưng như người xa lạ, nhưng trên bàn tiệc thánh, chúng tôi thấy gần gũi với nhau. Tôi gặp Chúa Kitô nơi họ, cũng như họ gặp Chúa Kitô nơi tôi, bởi chúng tôi cùng tin Tin Mừng, cùng lãnh nhận một của ăn là Mình và Máu Chúa Kitô”. Sau này Jacques Loew đã trở thành một linh mục. Ngài đã hoạt động rất tốt trong phong trào Linh Mục thợ.

Lạy Chúa,
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện
để con khỏi quên Chúa.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con yếu đuối,
con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn.
Cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.
Con cần được thêm sức mạnh
để khỏi ngừng lại dọc đường.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.
Con không dám xin những ơn siêu phàm,
chỉ xin ơn được Ngài hiện diện. Amen.

Top