Thứ Tư tuần 24 Thường niên (+video)

Thứ Tư tuần 24 Thường niên (+video)

Thứ Tư tuần 24 Thường niên (+video)

Lc 7, 31-35
“Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được
tất cả con cái mình biện minh cho”. (Lc 7,34)

1. Chúa Giêsu trách thế hệ của Ngài:

- Không chịu nghe lời của Gioan Tẩy Giả và của Ngài mà hoán cải.

- Lại còn viện cớ đổ thừa là vì Gioan là người bị quỷ ám, còn Ngài là tay ăn nhậu, tội lỗi.

Viện cớ đổ thừa là điều người ta thường làm, để tự biện hộ cho những việc làm xấu xa của mình:

Chúa nhật không đi lễ: tại vì trời mưa.

Đi ngủ không đọc kinh tối: tại quên, tại bệnh.

Không giúp đỡ người khác: tại vì nó không nói.

Một cha xứ gặp chị đàn bà chồng mới chết mấy tháng, ngài hỏi:

- Chắc con còn nhớ bạn con lắm, con nên xin lễ cầu nguyện cho bạn con.

- Thưa cha, con vẫn nhớ bạn con hằng ngày. Nếu bạn con nay đã lên Thiên Đàng rồi, con tưởng chẳng cần phải xin lễ nữa.

- Phải, nhưng nếu bạn con chưa lên Thiên Đàng ?

- Nếu không lên Thiên Đàng, bạn con đã phải sa hỏa ngục. Sa hỏa ngục mà xin lễ, thì vô ích.

- Con nói đúng, song nếu bạn con đang phải giam trong luyện tội ?

- Thưa cha, nhà con rượu chè, bê tha nếu phải giam trong luyện ngục thì cũng đáng lắm.

Thế là cả đời, cô ta không hề xin lễ cho chồng.

Đúng như sách gương phúc đã nói: “Ai sẽ thương con sau khi đã chết. Người ta quên con chóng hơn con tưởng nhiều. Con không thương con thì ai sẽ thương con. Nào được mấy người con mỗi năm xin cho cha mẹ được vài ba lễ. Người ta tưởng mình đã làm đầy đủ nghĩa vụ người con thảo, vợ hiền. Chúa đã ban cho người ta cái quyền cứu thoát, như xin lễ, ngắm đàng Thánh Giá, ân xá, mà người ta không dùng để cứu, thì người ta có phải là con thảo và người vợ hiền chăng”.

2. Lắm khi, để biện hộ cho mình, người ta không ngại đổ tội cho người khác:

“Gioan là người bị quỷ ám”.

“Giêsu là tay ăn nhậu”.

Chúng ta chỉ mong ước Chúa thực hiện chương trình của chúng ta. Chúng ta chán nản buông xuôi thất vọng vì thấy công việc Chúa làm không như chúng ta mong muốn. Ông Gioan Tẩy Giả đến không ăn bánh, không uống rượu thì các ông bảo “Ông ta bị quỷ ám” (Lc 7,33). Con người đến, cũng ăn cũng uống giống như ai thì người ta lại bảo “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thế, phường tội lỗi” (Lc7,34).

Nhà hùng biện Démosthène trổ tài ngôn ngữ hoạt bát vốn có của mình để biện hộ cho một bị cáo. Ông nói năng rất hùng hồn và đưa ra nhiều lý luận rất đanh thép, nhưng những người nghe vẫn không mảy may quan tâm chú ý. Thấy thế ông bèn thuật câu chuyện dưới đây:

Có một du khách kia thuê một con lừa để đi ngoạn cảnh. Lối giữa trưa, mặt trời đứng ngay đỉnh đầu, ông ta không tìm đâu ra một bóng mát để tránh nắng. Bỗng dưng, ông ta nảy ra một ý nghĩ. Ông nhảy xuống khỏi lưng lừa và ngồi dưới bụng của con vật. Nhưng người chủ lừa đi theo để hướng dẫn ông ta trong cuộc du ngoạn, tỏ ý không bằng lòng, viện cớ bóng mát của con lừa không có tính trong giá tiền cho thuê. Hai bên cãi vã, ban đầu nhỏ, sau to dần và rốt cuộc họ đánh đấm với nhau, đến nỗi cả hai phải đưa ra trước quan án để nhờ xét xử.

Démosthène ngưng câu chuyện tại đó và tiếp tục bào chữa cho thân chủ của ông. Những thính giả tỏ ý phản đối. Họ nhất định đòi ông cho biết quan tòa tuyên án thế nào trong vụ bóng của con lừa. Ông chụp ngay cơ hội ấy quở trách họ cách nặng nề rằng, họ giống như con trẻ, chỉ thích để ý đến một câu chuyện phù phiếm về cái bóng của một con lừa mà không chịu để ý lắng tai nghe lời bênh vực của ông đối với mạng sống của một con người.

Chúng ta nói thế nào về những kẻ để thì giờ của mình hơn thua về những việc sẽ qua đi, chỉ tồn tại một thời gian ngắn, mà bỏ quên vấn đề quan trọng hơn tất cả, đó là sự sống đời đời (Croire ét Sevir).

Khi tin vào Chúa Giêsu, thì chúng ta phải biết lắng nghe với lòng chân thành. Có thế, ta mới nhận ra được tiếng của Ngài, bằng không thì Lời Chúa có sức mạnh đến đâu, linh nghiệm đến đâu cũng chẳng sinh ích gì cho chúng ta.

Xin được trích ra đây lời cầu nguyện của một linh mục:

Lạy Chúa, xin ban cho con tính Ngay Thẳng, biết tôn trọng chân lý, để không bao giờ con hiểu theo nghĩa xấu, điều mà có ai đó đã làm phiền lòng con.

Xin ban cho con một tấm lòng Khiêm Tốn, để con không trở nên cứng cỏi, bất chấp những lời chỉ dạy, những lời phê bình, những lời kết án khắt khe từ mọi phía.

Xin ban cho con một tấm lòng Quả Cảm, chịu đựng anh em con một cách lâu bền, để giúp họ được bình an hạnh phúc, dầu cho họ còn yếu đuối và đầy khuyết điểm.

Xin ban cho con ơn Sáng Suốt, đừng dễ tin vào điều xấu mà người ta đã nói về kẻ vắng mặt; và nhất là cương quyết không kể lại cho ai khác những điều xấu đã lọt vào tai con. Amen.

Top