Thư Thánh Têrêxa viết cho chủng sinh (1)

Thư Thánh Têrêxa viết cho chủng sinh (1)

 

Thư Chị thánh Têrêxa viết cho người anh em chủng sinh (1)
 
Năm thánh hóa linh mục đang dần dần kết thúc để đẩy các linh mục của Chúa vững bước hành trình trên nẻo đường hy vọng. Xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả, cách riêng là anh em linh mục, 6 lá thư của Chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu viết cho Cha Roulland và 11 lá thư cho một thầy đại chủng sinh, người mà sau khi Chị Thánh qua đời mới được thụ phong linh mục: Cha Bellière.
 
Năm thánh hóa linh mục cũng mời gọi chúng ta cầu nguyện cho các linh mục tương lai. Để có những linh mục thánh, chúng ta cần có những chủng sinh nồng nàn khát khao nên thánh như Thầy Chí Thánh.
 
Maurice-Marie-Louis Bellière (1874-1907) nhỏ hơn Têrêxa 01 tuổi và là người anh em thiêng liêng đầu tiên của Chị Thánh (1895); vào Tập Viện Dòng Trắng 29/9/1897, tức là trước khi Têrêxa qua đời 01 ngày. Bellière thụ phong LM vào năm 1901, sau đó đi tông đồ tại Nyassa từ 1902 đến 1905, tới năm 1906 thì quay về lại Pháp; Có tất cả là 11 thư trao đổi với Têrêxa từ 21/10/1896 đến 25/8/1897. (Trích từ Petit Dictionnaire des Noms Propres; Oeuvres Complètes; Textes et Dernières Paroles, nxb Cerf 1992 -Chú thich thêm của ND -)
 
Dưới đây xin giới thiệu hai thư đầu trong những thư Chị Thánh gởi thầy Bellière, do ông Nôbertô Thái Văn Hiến dịch.
 
Lm Trăng Thập Tự
 
Thư 198: Gửi Thầy đại chủng sinh Maurice Bellière
 
G.M.G.T
Giêsu U
Cát Minh Lisieux, 21 tháng 9 năm 1896
 
Kính thăm Thầy,
 
Mẹ Đáng Kính của chúng con bị ốm, nên đã giao cho con nhiệm vụ phúc đáp thư của Thầy, con lấy làm tiếc vì Thầy phải chịu thiệt mất những lời thánh thiện mà lẽ ra Mẹ Nhân Lành sẽ nói với Thầy, nhưng con rất sung sướng vì được làm người phiên dịch để chuyển lại cho Thầy niềm hân hoan của Mẹ khi biết công việc của Chúa vừa thực hiện trong tâm hồn Thầy, Mẹ sẽ tiếp tục cầu nguyện để Chúa hoàn thành công trình thánh Thiện của Ngài trong Thầy.
 
Thưa Thầy kính mến, con nghĩ là chẳng ích gì khi nói với Thầy về cái phần đáng kể mà con chia sẻ với hạnh phúc của Mẹ Đáng Kính của chúng con. Lá thư vào tháng bảy của Thầy đã khiến con hết sức buồn lòng [1]; chỉ góp được chút ít lòng hăng hái của mình vào những chiến đấu mà Thầy phải lâm vào, con không ngừng nài xin cho Thầy sự phù hộ độ trì của Nữ Vương Nhân Hậu các Thánh Tông Đồ, cũng như niềm an ủi đối với con thật lớn lao khi nhận lấy như là bó hoa dâng tiến để tin chắc những lời cầu nguyện của con [vo] đã được chuẩn nhận [2]
 
Bây giờ thì giông tố đã yên, con cảm tạ Chúa Nhân Lành đã giúp Thầy vượt qua một cách an lành, vì đọc thấy trong các Sách Thánh mà chúng con đang có đây những lời tuyệt diệu này: “Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng thử thách” (Gc. 1,12). Và còn nữa: “Ai không từng trải thì hiểu biết nông cạn” (Hc. 34,10)… Thật vậy khi Chúa Giêsu kêu gọi một linh hồn để dẫn dắt, để cứu nhiều linh hồn khác, thì Ngài cần làm cho linh hồn ấy trải nghiệm những cám dỗ và thử thách của cuộc đời. Bởi Ngài đã ban cho Thầy hồng ân chiến thắng khải hoàn, nên con hy vọng, thưa Thầy kính mến, Giêsu hiền hậu của chúng ta sẽ thực hiện những ước ao lớn của Thầy. Con cầu xin Ngài cho Thầy, không phải chỉ trở nên một nhà truyền giáo tốt lành mà còn là một vị thánh rực cháy tình yêu Thiên Chúa và các linh hồn; con nài xin Thầy cũng cầu cho con có được tình yêu ấy để con có thể góp sức với Thầy trong công việc tông đồ. Như Thầy đã biết, một nữ tu Cát Minh sẽ không trở nên tông đồ bằng cách rời xa mục đích ơn gọi của mình[3] và thôi không làm con cái của người Mẹ như thiên thần là Thánh Têrêxa hằng ước ao dâng hiến hàng ngàn cuộc đời để cứu dù chỉ một linh hồn[4].
 
Thưa Thầy kính mến, con không nghi ngờ việc Thầy sẽ sẵn lòng kết hợp những lời cầu nguyện của Thầy với của con để Chúa chúng ta chữa lành cho Mẹ Đáng Kính của chúng con.
 
Trong Thánh Tâm của Giêsu và của Mẹ Maria con sẽ hằng luôn sung sướng để nói con là:
 
Người chị em của Thầy
Têrêxa Hài Đồng Giêsu Thánh Nhan
Rel. carm. ind.
 
Thư 213: Gửi Thầy đại chủng sinh Bellière
 
G.M.G.T
Cát Minh Lisieux
Giêsu V 26 tháng 12 năm 1896
 
Thưa thầy kính mến,
 
Con đã muốn có thể trả lời thầy sớm hơn nhưng luật dòng Cát Minh không cho phép viết hoặc nhận thư trong mùa Vọng, tuy nhiên Mẹ Đáng Kính đã chuẩn cho con được đọc thư Thầy, vì hiểu rằng Thầy đang cần được nâng đỡ đặc biệt bằng lời cầu nguyện.
 
Thưa Thầy đáng kính, cam đoan với Thầy là con sẽ làm hết khả năng để cầu xin cho Thầy được những hồng ân mà Thầy cần, những hồng ân ấy dĩ nhiên sẽ được ban cho Thầy bởi chẳng bao giờ Chúa lại đòi hỏi chúng ta những hy sinh vượt quá sức chúng ta[5]. Quả thật, đôi lúc Đấng Cứu Độ linh thánh cũng làm cho chúng ta nếm mùi chén đắng mà Ngài chìa ra cho linh hồn chúng ta. Khi Ngài đòi hỏi phải hy sinh tất cả những gì thiết thân nhân trên trần gian này, thì điều đó không thể thực hiện nếu không có một ơn vô cùng đặc biệt được kêu xin như Ngài trong vườn hấp hối: “Lạy Cha, xin hãy cất chén này xa con… nhưng [1vo] đừng theo ý con, mà hãy theo ý Cha…” (Lc 22,42).
 
Thật là an tâm khi nghĩ rằng Giêsu, Vị Thiên Chúa hùng mạnh[6] (Is. 9,5), đã nếm mùi những yếu đuối của chúng ta, đã run rẩy khi nhìn thấy chén đắng, chén mà ngày xưa Ngài đã tha thiết muốn uống. (Lc 22,15)
 
Thưa thầy đáng kính, phần của thầy thật tuyệt diệu bởi chính Chúa đã chọn lấy phần ấy và cũng chính Ngài đã nhấp môi trước tiên vào chén mà Ngài đưa ra cho thầy (Mt 20,23)
 
Một vị Thánh đã nói: Vinh dự lớn nhất mà Thiên Chúa có thể làm cho một linh hồn, không phải là ban cho nó thật nhiều, mà là đòi hỏi nhiều nơi nó [7]! Như vậy, Giêsu đang đối xử với thầy một cách ưu ái. Ngài đã từng muốn thầy bắt đầu công việc truyền giáo và chịu đau khổ để cứu các linh hồn. Chẳng phải là bằng cách chịu đau đớn, chịu chết đi mà Ngài đã chuộc lấy thế gian đó sao?… Con biết là thầy khát khao hạnh phúc được hy sinh cuộc đời mình cho Thầy chí thánh, nhưng phúc tử đạo của tâm hồn cũng phong nhiêu như việc đổ máu mình ra và ngay từ bây giờ phúc tử đạo ấy đã dành cho thầy rồi đó; Vì thế mà con có lý khi nói phần của thầy thật tuyệt diệu, xứng đáng là tông đồ Chúa Kitô.
 
Thưa thầy đáng kính, thầy đến tìm kiếm sự an ủi nơi kẻ mà Giêsu đã ban cho thầy kết làm người chị em và thầy có quyền làm như thế. Vì Mẹ đáng Kính của chúng con cho phép con viết thư cho thầy, nên con muốn đáp trả lại nhiệm vụ ngọt ngào đã được trao cho con, nhưng con cảm thấy phương thế bảo đảm nhất để đạt đến mục đích của mình, chính là cầu nguyện và chịu đau khổ…
 
[2ro] Cùng nhau làm việc vì phần rỗi các linh hồn, chúng ta chỉ có một ngày duy nhất là cuộc sống này để cứu họ và chứng tỏ tình yêu của chúng ta với Chúa. Ngày mai của hôm nay sẽ là vĩnh cửu, bấy giờ Giêsu sẽ ban cho thầy gấp trăm (Mt 19,29) những niềm vui sướng vô cùng ngọt ngào và chính đáng vì thầy chịu hy sinh vì Ngài, Ngài biết sự lớn rộng của những hy sinh nơi thầy, Ngài biết sự đau khổ của những người thân yêu của thầy còn làm tăng thêm sự đau khổ của thầy hơn nữa vì chính Ngài cũng đã trải qua cuộc tử đạo ấy; để cứu linh hồn chúng ta, Ngài đã rời bỏ Mẹ mình, đã nhìn thấy Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, đứng dưới chân thập giá (Ga 19,25), lòng bị lưỡi gươm đâm thâu đau đớn (Lc 2, 25), con cũng hy vọng Thiên Chúa Cứu Độ sẽ an ủi người Mẹ nhân lành của thầy, và con luôn bền bỉ kêu xin Ngài sự ấy. Ôi! Nếu Thầy Chí thánh để cho những ai mà thầy vừa rời bỏ vì tình yêu của Ngài nhìn thấy vinh quang Ngài dành sẵn cho thầy, vô số các linh hồn mà sẽ làm thành đoàn tuỳ tùng với thầy trên Thiên Đàng, thì như vậy họ đã được thưởng công bởi sự hy sinh lớn lao mà họ phải chịu khi thầy lìa xa họ.
 
Mẹ đáng kính vẫn còn đau đớn, tuy mấy ngày qua Mẹ có cảm thấy đỡ hơn đôi chút, con hy vọng Hài Đồng Giêsu sẽ lại ban cho Mẹ những sức mạnh để cống hiến vì vinh quang của Ngài. Ngài Mẹ Đáng Kính ấy gửi cho thầy ảnh Thánh Phanxicô khó khăn để ngài chỉ bảo thầy cách thế tìm gặp được niềm vui giữa những thử thách và chiến đấu trong cuộc sống.
 
Thưa thầy Đáng kính, con hy vọng thầy sẵn lòng [2vo] tiếp tục cầu nguyện cho con vốn không phải là thiên thần như thầy tưởng, mà là một nữ tu Cát Minh hết sức bé mọn và bất toàn, tuy nhiên, bất chấp sự đáng thương của mình, con vẫn cứ ươc ao được như thầy, làm việc vì vinh quang Thiên Chúa Nhân Lành.
 
Chúng ta hãy hiệp nhất trong lời cầu nguyện và sự đau khổ bên máng cỏ Giêsu.
 
Người chị em bất xứng của thầy
Têrêxa Hài Đồng Giêsu Thánh Nhan
 Rel. carm. ind.
 
[1] Từ Caen nơi mà từ đó để nhập ngũ từ tháng 11 năm 1895, Maurice Bellière, vào ngày 21/7/1896, đã gửi một tin nhắn đầy tuyệt vọng cho mẹ bề trên Dòng Cát Minh: “Con đã bị rơi vào một tình cảnh thảm hại – và bằng mọi giá, chị yêu quí của con, Têrêxa Hài Đồng Giêsu, phải kéo bằng được con ra khỏi đó – Nếu cần thì chị ấy cứ làm mạnh với Thiên Đàng đi.” (TTTQ, tr. 871
[2] Ngày 24 tháng 10, hôm trước lễ mừng kính Mẹ Thánh Têrêxa Avila, Thầy Bellière đã viết cho Mẹ Marie de Gonzague như sau: “Xin cảm ơn, Mẹ nhân lành, về sự cứu giúp mà Mẹ đã dành cho con trong một lúc tuyệt vọng – Bão tố đã qua đi, bình an đã trở lại và người lính đáng thương lại được trở thành đại chủng sinh như ngày trước.” Thầy còn viết thêm trên một tấm thiếp, nói về Têrêxa: “Ngày mai là ngày lễ của chị ấy” (TTTQ. Tr. 903).
[3] Xem Thánh Têrêxa Avila, Đường hoàn thiện, ch. III
[4] Sđd, ch I, Têrêxa đã chép lại châm ngôn ấy trên cuộn giấy mà Chị cầm trên tay trong bức ảnh chụp vào tháng 7 năm 1896 (VTL.(Gương mặt Têrêxa Lisieux) Số 29; xem TTTQ tr. 873+e). Chị Thánh đã dùng lại nó cùng thời điểm ấy trong PN (Thơ có đánh số) 35, khổ 4.
[5] Thầy Bellière viết cho Têrêxa vào ngày 28 tháng 11 năm 1896 như sau: “Thầy Chí Thánh đang gửi đến cho em một thử thách nặng nề – như Ngài vẫn làm cho những ai Ngài yêu mến, còn em thì lại quá yếu đuối – Chắc chắn là trong vài ngày nữa, Ngài sẽ sai em đến chủng viện Truyền Giáo Châu Phi - Cuối cùng rồi ước ao của em cũng sắp được thực hiện – nhưng em đã chiến đấu rất nhiều – em đã cắt đứt những tình cảm thân thương và tha thiết nhất của mình - những thói quen thoải mái dịu dàng và cả thích thú nữa – toàn bộ một quá khứ tươi cười và hạnh phúc vẫn còn thôi thúc em mãnh liệt – em cần sức mạnh, chị thân quí ơi” (Thư trao đổi (LC) 172. Chúng ta có phần tóm lược thư trả lời của Têrêxa trong sổ nháp, cho thấy cách làm việc của Chị Thánh.
[6] Câu Thánh Kinh thường gặp thấy lại trong phụng vụ mừng lễ Giáng Sinh.
[7] Cha Pichon; xem Thư 172.

 

Top