Thứ Sáu tuần 32 Thường niên (+video)
Lc 17, 26-37
"Và cũng như thời ông Nôê,
sự việc đã xảy ra cách nào,
thì trong những ngày của Con Người,
sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy”.
(Lc 17,26)
Đoạn Tin Mừng hôm nay tiếp liền đoạn hôm qua về "Ngày của Con Người" tức là ngày quang lâm. Ngày hôm qua, Chúa Giêsu đã bảo đừng mất công tìm hiểu xem khi nào và dấu nào cho biết Ngày ấy đến. Điều quan trọng phải làm là luôn sẵn sàng.
1. Theo cách viết của Luca, thì những người thời ông Nôê chẳng làm điều gì có tội. Họ chỉ làm những việc bình thường. (Lc 17,26). Những người thời ông Lót cũng thế: Nhưng họ bị chết trong cơn nước lụt và cơn mưa diêm sinh vì họ không cảnh giác và không làm những việc phải làm.
Lịch sử chính thức ghi chép rằng, Thế chiến thứ 2 bắt đầu vào ngày 1.9.1939, khi quân Đức tấn công vào nước Balan nhưng thực ra, quốc trưởng Hitler của Đức đã có kế hoạch tấn công Balan trước đó 6 ngày, tức là vào ngày 26-8-1939. Mười sáu đại đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng có vài diễn biến chính trị vào giờ chót đã làm Hitler ra lệnh hoãn cuộc tấn công.
Lệnh hoãn chiến được cấp tốc truyền đến mọi đơn vị lớn nhỏ. Nhưng có một đơn vị do trung úy Henher chỉ huy lại không nhận được lệnh kịp thời, nên đã nổ súng, kéo qua biên giới tiến vào lãnh thổ Balan, chiếm một ngọn đồi chiến lược với một nhà ga xe lửa và bắt một tù binh.
Khi gọi điện thoại về báo cáo chiến công, trung úy Henher được lệnh phải thả tù binh và rút quân về tức khắc.
Mặc dù Đức đã nổ súng và đã chiếm đóng mấy địa điểm chiến lược trên lãnh thổ Balan vào ngày 26.8.1939, nhưng khi đại binh Đức ồ ạt tấn công qua biên giới, quân đội Balan vẫn bị đánh bất ngờ. Sự thiếu cảnh giác và không làm những việc cần phải làm nhiều khi cũng đem lại những thảm họa thật không lường trước được.
Những người thời ông Noê và ông Lót quả đã làm rất nhiều việc cho cuộc sống thể xác, nhưng đã không làm gì trước những lời cảnh cáo của Chúa cho nên họ đã phải chịu những thảm họa thật thảm thương.
2. Chúng ta hãy nghe những lời cảnh giác của Chúa về tính cách bất ngờ trong Ngày của Con Người.
"Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà thì đừng xuống lấy" (Lc 17,31): Tới ngày chết, tất cả mọi đồ đạc của cải đều vô dụng. Khi đó chỉ còn mỗi một điều quan trọng thôi là phần rỗi đời đời.
"Hai người cùng nằm một giường... hai người cùng nhau xay bột... hai người đang ở ngoài đồng, thì một người được đem đi, còn người kia bị bỏ lại" (Lc 17,34-36): những người bề ngoài hoàn toàn giống nhau, nhưng số phận đời đời khác hẳn nhau. Cái khác biệt là có chuẩn bị cho đời sau hay không.
"Hãy mài sắc cảnh giác": (một kiểu nói mà xã hội thường dùng tới). Sự cảnh giác phải thường xuyên mài giũa, nếu không nó sẽ tự động cùn nhụt đi.
Nói tóm lại là phải luôn sống trong tình trạng nhiệt tình và sẵn sàng, có như thế khi Chúa xuất hiện Ngài sẽ vui và rồi Ngài sẽ ôm lấy trọn cuộc đời của ta trong vòng tay yêu thương của Ngài
Nhạc sỹ nổi tiếng nào trên thế giới cũng để lại cho đời một số giai thoại. Augustignasi Vadovaski là nhạc sỹ kiêm chính trị gia nổi tiếng của Balan vào đầu thế kỷ XX cũng thế. Người ta kể lại rằng:
Một người đàn bà nọ có một đứa con đang tập tễnh đánh bài vỡ lòng trên đàn dương cầm. Muốn động viên cậu bé hăng say hơn nữa trong việc học tập, ngày kia, bà mẹ mua vé đưa cậu đến dự buổi độc tấu dương cầm của nhạc sỹ Vadovaski. Để cho cậu con trai có thể thấy rõ, cũng như chiêm ngưỡng được nhà nhạc sỹ đại tài, bà mẹ đã cố gắng mua cho được hai chỗ gần sân khấu.
Giữa lúc bà mẹ đang bận chuyện trò với một người bạn thì cậu bé biến mất! Thì ra cậu bé đã trốn mẹ để lên tận sân khấu, và khi đến giờ trình diễn, đèn trên sân khấu bừng sáng, màn được kéo ra, và người ta thấy cậu bé đã ngồi chễm chệ trước cây đàn dương cầm từ bao giờ! Chưa hết ngạc nhiên, mọi người đã nghe vang lên tiếng đàn ngập ngừng của cậu qua bài học vỡ lòng. Lúc tiến ra sân khấu, nhạc sỹ Vadovaski mỉm cười nói với cậu bé:
- Cháu cứ tiếp tục đi.
Rồi ông bước tới, đứng đàng sau cậu bé, dùng bàn tay trái của mình đệm bè thêm cho bản nhạc. Một lúc sau, ông sử dụng luôn cả bàn tay phải ôm trọn lấy cậu bé và đệm luôn phần trên của bản nhạc. Bốn bàn tay quyện vào nhau. Nhà nhạc sỹ đại tài và cậu bé đã tấu lên được một trong những khúc nhạc du dương lạ thường. Khán giả hôm ấy đã không ngớt vỗ tay tán thưởng.
Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Nếu chúng ta sẵn sàng để Đức Kitô ôm trọn chúng ta trong vòng tay yêu thương của Người, và nếu chúng ta biết lắng nghe tiếng mời gọi cổ vũ của Người: "Đừng bỏ cuộc, nhưng hãy tiếp tục" thì chúng ta có thể tấu lên được những khúc hát tươi vui cho cuộc đời của chúng ta.
bài liên quan mới nhất
- Thứ Tư tuần 1 Thường niên (+video)
-
Thứ Ba tuần 1 Thường niên (+video) -
Thứ Hai tuần 1 Thường niên (+video) -
Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C (+video) -
Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh (+video) -
Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh (+video) -
Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh (+video) -
Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh (+video) -
Thứ Ba sau Lễ Hiển Linh (+video) -
Thứ Hai sau Lễ Hiển Linh (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật Truyền giáo (+video)
-
Chúa nhật 2 Phục sinh năm A (+video) -
Ngày 22/07: thánh nữ Maria Mađalêna, lễ kính (+video) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm A (+video) -
Thứ Bảy tuần 2 Phục sinh (+video) -
Chúa nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A (+video) -
Chúa nhật 4 Phục sinh năm A - Lễ Chúa Chiên Lành (+video) -
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu năm A (+video) -
Chúa nhật 7 Phục sinh năm A - Lễ Thăng Thiên (+video) -
Thứ Hai tuần 22 Thường niên (+video)