Thứ Năm tuần 32 Thường niên (+video)
Lc 17, 20-25
“Vì ánh chớp chói lòa chiếu sáng
từ phương trời này đến phương trời kia thế nào,
thì Con Người cũng sẽ như vậy
trong ngày của Người”.
(Lc 17,24)
Đoạn Tin Mừng hôm nay gồm 2 ý:
1. Nước Thiên Chúa - Nước Trời hay Triều đại Thiên Chúa: Đây là đề tài chủ yếu trong Kinh Thánh. Cùng với niềm mong đợi Đấng Thiên Sai, người Do Thái tưởng tượng ra một vương quốc thịnh vượng, hùng cường mà Thiên Chúa sẽ thiết lập ngay trên lãnh thổ của họ. Vào thời Chúa Giêsu, một niềm hy vọng như thế bừng cháy lên một cách mãnh liệt trong tâm hồn mọi người.
Nước Trời hay Nước Chúa cũng là đề tài chủ yếu trong lời rao giảng của Chúa Giêsu. Ngài đã khai mở sứ vụ bằng lời kêu gọi: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 3,2). Nhưng trái với niềm hy vọng của người Do Thái, Nước Trời mà Chúa Giêsu loan báo không phải là một lãnh thổ có thể quan sát, đo đạc hay khoanh vùng trong những ranh giới. Nước ấy giống như một hạt giống được âm thầm gieo vào lòng đất. Nước ấy giống như men được cho vào bột để làm cho bột ấy dậy lên.
Vì người Do Thái quan niệm Nước Thiên Chúa như một vương quốc trần thế, có lãnh thổ, có binh lính, có quyền lực cho nên họ rất mong ngày đó mau đến, nhất là khi họ đang phải sống tủi nhục dưới ách đô hộ của Rôma. Họ muốn biết khi nào và ở đâu ngày ấy xảy ra. Bởi thế, hôm nay người Pharisêu hỏi Chúa Giêsu: “Khi nào thì Triều đại Thiên Chúa đến?” (Lc 17,20)
Thực ra triều đại Thiên Chúa là một biến cố trọng đại nhưng không phải trọng đại theo cặp mắt loài người. Với sự xuất hiện của Chúa Giêsu thì Triều đại Thiên Chúa đã đến trên cơ bản, và triều đại ấy sẽ dần dần đến trong tâm hồn những kẻ tin theo Ngài. Nói cách khác, vấn đề không phải là xác định nơi chốn và thời gian để tìm đến, mà là tin và theo Chúa Giêsu. Ai muốn thuộc về Nước ấy cần phải chấp nhận điều kiện Ngài đề ra, đó là sống vâng phục và yêu thương như Ngài. Nơi nào con người cố gắng sống như Ngài, nơi đó Nước Chúa được thể hiện.
Một nhà truyền giáo đến thăm viếng một cậu bé da đen trong lúc cậu sắp sửa lìa đời. Cậu bé liền nói với nhà truyền giáo này về niềm hạnh phúc mà cậu cảm thấy và niềm ao ước được ở với Đức Giêsu.
Cậu bé nói:
- Chẳng bao lâu, con sẽ được lên Thiên Đàng, con sẽ nhìn thấy Đức Giêsu và ở với Người mãi mãi.
Nhà truyền giáo đáp:
- Nhưng nếu Đức Giêsu phải rời khỏi Thiên Đàng, con sẽ làm gì?
- Con sẽ đi theo Người.
Nhà truyền giáo lại nói:
- Nhưng giả thử Đức Giêsu đi xuống hỏa ngục, con sẽ làm gì?
Trong giây lát, với một cái nhìn thông minh và một nụ cười trên nét mặt, cậu bé đáp:
- Ồ, đâu có Đức Giêsu, thì ở đó không thể có hỏa ngục. Chúa Giêsu ở đâu, ở đó là Thiên Đàng”. Đó là ý thứ nhất.
2. Ý thứ hai: Ngày của Con Người: Ngày của Con Người tức là lúc Chúa Giêsu quang lâm, khi đó Triều đại Thiên Chúa sẽ hoàn thành trọn vẹn. Cũng như bao người khác, các môn đệ cũng mong ngóng ngày đó. Nhưng Chúa Giêsu cảnh cáo: đừng quan tâm nghiên cứu về địa điểm và thời gian của ngày đó. Vô ích thôi, vì đặc tính của Ngày ấy là đến một cách nhanh chóng và bất ngờ.
Chúng ta hãy nghe lại Lời Chúa: “Nước Thiên Chúa ở giữa anh em” (Lc 17,21). “Ở giữa” có nghĩa là ở ngay trong lòng mỗi người. Cho nên muốn biết Ngày của Con người đến hay chưa thì đừng đi tìm ở đâu mà hãy đi vào ngay cõi lòng của mình. “Nước Thiên Chúa không đến như một điều gì có thể quan sát được”. Nước Thiên Chúa “ở giữa anh em”, ở ngay trong lòng con người.
Vào thời Nga Hoàng, một thanh niên vì chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng của đại văn hào Tolstoi và nhất là giáo huấn của Chúa Giêsu, nên đã từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự. Ra trước tòa, anh đã trình bày niềm xác tín là anh không thể cầm khí giới giết người. Sau khi nghe người thanh niên biện hộ, quan tòa mới phát biểu như sau:
- Tốt lắm, tôi đã hiểu được lý tưởng của anh. Nhưng anh còn phải thực tế. Lý tưởng anh đề ra là lý tưởng của Nước Trời, mà Nước Trời thì chưa đến.
Nghe thế, người thanh niên dõng dạc trả lời:
- Thưa ông, tôi nhìn nhận là Nước ấy chưa đến cho ông... nhưng Nước ấy đã đến cho tôi. Tôi không thể sống như Nước ấy chưa đến, để tiếp tục chém giết và gieo rắc hận thù” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
Nếu hiểu được như vậy, thì chúng ta không thể mong Nước Trời đến như mong chờ kiểu ‘ngồi chờ sung rụng’, nhưng phải biết dấn thân, tham dự vào công cuộc đồng-sáng-tạo với Chúa và phải làm những công việc đó ngay từ hôm nay, ngay từ giây phút này.
Hãy nhìn vào tờ lịch ngày hôm nay, nhìn vào đồng hồ với việc bổn phận của ta lúc này mà bước đi những bước thật vững vàng trên con đường phục vụ, chúng ta sẽ được sống trong Nước Thiên Chúa.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 03/01 (+video)
-
Ngày 02/01: Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô (+video) -
Ngày 1 tháng 1: Cuối tuần Bát nhật Giáng sinh - Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa (+video) -
Ngày 31 tháng 12 (+video) -
Ngày 30 tháng 12 (+video) -
Lễ Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse (+video) -
Ngày 28/12: Kính Các thánh Anh hài (+video) -
Ngày 26/12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi (+video) -
Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (+video) -
Ngày 23 tháng 12 (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật Truyền giáo (+video)
-
Chúa nhật 2 Phục sinh năm A (+video) -
Ngày 22/07: thánh nữ Maria Mađalêna, lễ kính (+video) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm A (+video) -
Thứ Bảy tuần 2 Phục sinh (+video) -
Chúa nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm A (+video) -
Chúa nhật 4 Phục sinh năm A - Lễ Chúa Chiên Lành (+video) -
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu năm A (+video) -
Chúa nhật 7 Phục sinh năm A - Lễ Thăng Thiên (+video) -
Thứ Hai tuần 22 Thường niên (+video)