Thư Chị thánh Têrêxa viết cho người anh em linh mục

Thư Chị thánh Têrêxa viết cho người anh em linh mục

Giới thiệu tổng quát Những Lá Thư
của Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu

Năm thánh linh mục đang dần dần kết thúc để đẩy các linh mục của Chúa vững bước hành trình trên nẻo đường hy vọng. Xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả, cách riêng là anh em linh mục, 6 lá thư của Chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu viết cho Cha Roulland và 11 lá thư cho một thầy đại chủng sinh, người mà sau khi Chị Thánh qua đời mới được thụ phong linh mục: Cha Bellière.

Để hiểu hơn về bối cảnh những thư này, mời độc giả đọc phần dẫn nhập tổng quát vào các thư của Chị Thánh, do ông Thái Văn Hiến dịch từ bộ Toàn Tập Têrêxa Lisieux của Nxb Du Cerf.

1. Trong năm mươi năm

Khác với Chuyện Một Tâm Hồn (1898), cuốn sách có số lượng phát hành trong mười lăm năm đã đạt đến gần hai trăm nghìn bản, các Thư của Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã phải chờ mất năm mươi năm mới có được khối lượng ấn bản tương tự. Cho đến nay công chúng vẫn chỉ mới tiếp xúc được với một số hạn chế những phần trích lọc:

“Trong khi xem các bản văn ấy - và những gì còn lại - chỉ như là những bổ sung hữu dụng cho cuốn sách đầu tiên: cuốn Chuyện Một Tâm Hồn, các chị em của thánh nữ coi chúng như là một danh mục các tư tưởng mang tính khuyến thiện mà, dường như với họ, chỉ để tuỳ nghi sử dụng vào việc trích dẫn các đoạn văn khác nhau, nhằm làm rõ nghĩa và xác định những lập trường chủ yếu đã được phần Tự Thuật xác định. Từ quan điểm đó, niên biểu, nội dung độc đáo và tính nguyên vẹn chặt chẽ của mỗi bức thư chẳng cho thấy có gì quan trọng. Thậm chí chẳng có vẻ gì là trái nghịch khi xích lại gần nhau, có lúc ở vào cùng một thời điểm, những câu văn xuất phát từ nhiều bức thư khác nhau, nhưng hoàn toàn liên quan đến cùng một chủ đề.” (André Combes, Các Thư, 1948, lời nói đầu, trang XXII)

Mười tám mẩu thư gửi Céline được xuất bản trong năm 1898 cũng vậy; sưu tập ấy được phong phú dần lên qua những đợt phát hành kế tiếp, đạt đến con số bốn mươi bảy vào năm 1907, năm mươi mốt vào năm 1910. Vì thế, không lạ gì khi người ta thấy rằng Bản Sao chính thức các Bản Viết, được thực hiện trong cùng năm để lập Biên Bản phong thánh, gồm không dưới một trăm tám mươi bốn trang chỉ dành để nói về những mẩu thư ấy mà thôi. Trong suốt ba mươi năm, tình hình vẫn chẳng có gì thay đổi trên phương diện xuất bản.

2. Lần xuất bản đầu tiên của các Thư

Lễ kỷ niệm năm mươi năm ngày qua đời của thánh Têrêxa vào năm 1947, biến cố thánh nữ được tôn phong làm quan thầy nước pháp vào năm 1949, kích thích một đổi mới về lòng sốt mến đối với nơi ở của thánh nữ. Một sử gia, thầy André Combes [1], lúc bấy giờ tỏ ý quan tâm tìm cách lý giải ý nghĩa học thuyết về lòng sùng mộ ấy. Nhưng không có học thuyết nằm ngoài cuộc sống, không có thần học bị cắt rời khỏi lịch sử.

Do đó, ngài yêu cầu Dòng Cát minh cung cấp cho ngài một tư liệu thích hợp và, qua người quản thủ tài liệu lưu trữ, tức nữ tu Geneviève, 77 tuổi vào năm 1946, mà ngài sẽ, bằng môt hành trình chung, gặp không ít khó khăn, nhưng luôn phong phú, đưa thêm vào những nghiên cứu về Têrêxa, giai đoạn quan trọng của việc xuất bản các Thư.

Ngài rất sớm nhận ra là mình thiếu những yếu tố để lập nên một niên biểu, nền tảng của tất cả mọi hành trình thiêng liêng: “Vào lúc mà trong tâm trí của đa số những người ngưỡng mộ thánh Têrêxa còn đang ngự trị một sự hoang mang hết sức về phương diện các yếu tố và mối liên quan đích thực giữa cuộc đời và các tác phẩm của chị, thì bấy giờ việc xuất bản các bản viết giúp thắt chặt mối liên quan ấy nhiều hơn người ta tưởng” (thư ngày 25.01.1946). Việc xuất bản toàn bộ các Thư, vì thế, đối với ngài có vẻ như một việc làm tiên quyết khơi mào cho các bước về sau.

“Điều mà tôi tìm cách với tới, ngài còn viết, chính là diễn tiến tư tưởng của Têrêxa ngay trong những phản ứng cơ bản của chị hoặc qua tiếp xúc của chị với những ảnh hưởng đến từ bên ngoài, hoặc trước kinh nghiệm sâu xa về sự phát triển tự nhiên của bản thân chị, những hồng ân được ban cho cách riêng và những thử thách của chị. Đó là phương thế duy nhất, dường như đối với tôi là vậy, để tìm gặp lại Têrêxa trong chính chị, theo mức độ mà chị đã thực hiện, trong thời gian, ý định của Thiên Chúa vốn đã có từ đời đời (…). Phương thế duy nhất để thành công, trong chừng mực người ta có thể hy vọng đạt được, chính là dùng lại toàn bộ tư liệu để phân tích dựa trên quan điểm đó. Tất cả những gì chị đã viết. Tất cả những gì mà người ta viết về chị. Nhìn chị như chị tự nhìn mình. Nhìn chị như người ta đã nhìn. Bổ sung hai xuất xứ ấy với nhau. Tôn trọng tất cả mọi sắc thái” (thư ngày 02.10.1946).

Thầy Combes thành công trong việc thuyết phục Soeur Geneviève, sau một cuộc đấu tranh từng bước, trao toàn bộ thư của Têrêxa, trong đó gồm cả những mẩu thư thuở ấu thời, để thực hiện một ấn bản “chính xác và hoàn chỉnh”, với một kết cấu theo trình tự thời gian. Cuốn sách ấy, biểu hiện một tiến trình dứt khoát rõ ràng, sẽ được xuất bản vào ngày 30.9.1948, đúng nửa thế kỷ sau cuốn sách đầu tiên: Chuyện một Tâm hồn.

3. Khúc “giao hưởng Têrêxa”

Trong một bức thư chính thức gửi nữ tu Geneviève (ngày 11.9.1947), thầy Combes đã chứng minh tầm quan trọng của việc xuất bản toàn bộ các Thư (và nói chung là tất cả các bản văn) của Têrêxa Hài Đồng Giêsu.

“Chính bởi vì chị là thánh Têrêxa và, bắt đầu từ năm hồng ân này, sẽ chiếm lấy một vị trí càng lúc càng vĩ đại trong lịch sử linh hạnh, nên đã xảy đến cho chị những gì phải xảy đến với tất cả những con người phi thường. Lịch sử quan tâm đến tất cả mọi phương diện của cuộc sống và những tác phẩm của chị, và có thể công bố tất thảy những gì xuất phát từ ngọn bút của chị. (…) Đó là điều không thể tránh khỏi và người ta hiểu rõ như vậy. Vì là vấn đề liên quan đến một nữ thánh, nên toàn bộ cuộc sống của chị có giá trị điển hình, và để đảm bảo là hiểu được cách đúng đắn toàn bộ cuộc đời của chị, cần phải biết tất cả những chi tiết. Từ đó mà có những lần xuất bản tác phẩm trọn bộ. Cũng từ đó mà có việc tôi nài nỉ muốn được nhìn thấy xuất hiện các thư, tất cả những mẩu giấy của người em gái thánh nhân của chị em. Phải xử sự với chị như xử sự với vị thánh vĩ đại nhất. (…).

“1. Nơi một vị thánh, chẳng có gì là tầm thường cả. Ngay đến trong Thánh Kinh cũng vậy, hẳn sẽ có biết bao phần bị chúng ta lược bớt nếu chúng ta được Chúa hỏi ý kiến! Chúng ta thật sai lầm! Phải vận dụng công việc của Thiên Chúa đúng với bản chất của nó, và suy ngẫm về nó cho đến khi có thể hiểu được và rút ra những bài học đúng lúc.

“2. Với Têrêxa, cần phải hết sức chú ý. Những gì có vẻ tầm thường (nhất là đối với Céline là người biết tất cả, biết rõ từ trước khá lâu những gì sẽ được viết ra) lại có thể đầy tính hữu ích đối với lịch sử, và sự cảm hoá các tâm hồn đơn sơ vốn sẽ hết sức nhạy cảm với những gì mà họ gặp thấy trong “tầm với của mình”. Từ đó, họ sẽ thấy ngay rằng Têrêxa đã sống như họ, không phải khi nào chị cũng bay lượn trên đôi cánh Đại bàng của chị, rồi dần dà họ tự để cho chính họ được lôi cuốn.

“3. Hơn nữa, từ những bức thư khiến các chị thất vọng vì chúng “chẳng nói lên điều gì”, thì lịch sử lại sẽ có thể bất ngờ đưa ra sử dụng. Tôi đặc biệt suy nghĩ đến loạt thư từ nước Ý hoặc từ Rôma chẳng chứa đựng một cái gì sống động hoặc ý nhị về chuyến du lịch cùng với những nhân vật quá quen thuộc. Có nên lấy làm tiếc về điều đó chăng? Hoàn toàn ngược lại. Đó là một tư liệu vô cùng quan trọng dùng để phản bác lại luận cương cũ kỹ của P. Ubald mà Van der Meersch [2] vừa làm cho sống dậy mới đây. Ở đây Têrêxa có vẻ hết sức tách khỏi tất cả những gì ngẫu nhiên, tất cả những gì mà sẽ có thể khiến chị phân tâm, để hết sức tập trung vào mối quan tâm duy nhất của mình, vào ơn gọi và sự chú ý, đến độ tôi sẽ có thể phản bác lại một cách mạnh mẽ tất cả những tay “lơ mơ” kia: “Tác giả của những bức thư như thế chắc chắn không phải là một cô bé đã “bốc hơi”, một chú ngựa sổng chuồng mà các chị chẳng mấy phân vân khi mô tả. Đó là một tâm hồn tĩnh toạ và sâu lắng mà trong đó không một sự phân tâm nào có thể gặm mòn trầm trọng được”. Trình thuật về Chuyện một Tâm hồn còn giàu sắc thái và đầy ý vị hơn nhiều, người ta sẽ có thể khôi phục lại được sự quân bình, và chân lý sẽ được báo thù. (…)

“Có gì là lạ khi một bé gái viết những bức thư trẻ con? Ngược lại mới là điều trầm trọng! (…) Các chị sẽ thấy rằng một khi tổng thể được hoàn chỉnh, bấy giờ các viên ngọc mới tìm lại được ánh lấp lánh của chúng. (…) Nếu người ta cắt ngang một bản giao hưởng ngay sau những nhịp mở đầu của nó, người ta sẽ lệch hướng, không hiểu tác giả muốn đi đến đâu … Nhưng nếu chờ đợi cho đến cùng, nếu để cho nhạc công dạo đầu và triển khai tất cả các chủ đề cho đến kết thúc. Bấy giờ người ta mới hiểu, người ta mới ngây ngất, người ta mới rung cảm đầy lòng thán phục.

“Tác giả của bản giao hưởng Têrêxa, chính là Têrêxa, nhưng trước hết, cũng chính là Chúa Giêsu. Cần phải để cho Ngài thời gian chuẩn bị “cây đàn lyre bé bỏng của Ngài”, làm cho nó hòa điệu với những rung động của Trái Tim Ngài … đến khi đàn lyre đã sẵn sàng, Ôi! biết bao là cung bậc tuyệt diệu! Nhưng còn gì xúc động hơn, còn gì thần thánh hơn, ngay cả những khúc dạo đầu cũng thế! Càng tỏ ra khiêm nhu chừng nào, chúng lại càng chân thật chừng đó.

“Sau hết chúng ta đừng quên rằng những Bức Thư là một phần của tổng thể. Cần bổ trợ cho chúng bằng Chuyện một Tâm hồn và những bài Thơ. Bấy giờ tôi bảo đảm với các chị rằng tất cả đều được đặt đúng vị trí và người ta chớ có liều lĩnh mà nhầm lẫn trước sự lộng lẫy huy hoàng của tâm hồn khôn sánh ấy [3].

4. Phần “Thư tín tổng quát” (TTTQ).

Vào lúc mà việc tái bản các Thư trở nên cần thiết, tức là năm 1962 - số lượng ấn bản của lần tái bản thứ nhất đã hết - thì nguyên tắc về một sự trung thành đúng nghĩa với các bản gốc không còn gây khó khăn nữa (Cha Francois de Sainte Marie đã xuất bản, vào năm 1956 các Thủ bản Tự thuật bằng cách sao y nguyên bản, thì năm tiếp theo sau lần xuất bản đại trà, các bức hình của Têrêxa cũng xuất hiện trong tập Gương mặt Têrêxa Lisieux, vào năm 1961).

Kế hoạch lúc đầu thật khiêm tốn: chỉ đơn giản là “xuất bản có kiểm định và sửa chữa”. Nhưng việc kiểm kê các nguồn gốc làm xuất hiện, đối với các thư của Têrêxa, một vấn đề nghiêm trọng không kém phần phức tạp hơn vấn đề về bản văn cuốn tự thuật (xem Lời Giới thiệu về Thủ bản tự thuật).

Đằng khác, bước giật lùi xảy đến cho lịch sử do cái chết của Mẹ Agnès de Jésus (1951) và Soeur Geneviève (1959), làm cho việc tiếp xúc với một tư liệu gia đình phong phú nhất trở thành khả thi, cho phép chuẩn bị một đợt phát hành hết sức rộng rãi kết hợp với các Thư của Têrêxa, được đối chiếu cách tỉ mỉ với các bản gốc (mà viện phụ Combes vừa mới tiếp xúc), tức là các thư tín của Têrêxa và giữa các thư tín ấy với nhau.

Đó chính là tập Thư tín tổng quát, xuất bản vào năm 1972, một năm trước kỷ niệm lần thứ một trăm ngày sinh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Như vậy thánh nữ được gặp thấy lại với mạng lưới những tương quan sống động của bản thân chị mà qua đó nhân cách của chị được tiếp cậngần gũi hơn nữa, mặc lấy chiều kích đích thực của nó. Phần viết về các Thư trong tập sách này phát xuất từ công việc mang tính quyết định ấy.

5. Têrêxa và các thư của chị

Thư từ của Têrêxa gồm 266 bức và nhũng mẩu giấy nháp được tìm thấy, trong đó 227 bức tự tay thánh nữ viết đã được giữ lại [4]. Thời gian hơn hai muơi năm, từ 4.4.1877 đến 24.8.1897, là thời gian khởi đi từ bức thư vụng về đầu tiên của một bé gái, đến bức thư thống thiết cuối cùng được viết do tay một nữ thánh đang liệt giường trong cơn hấp hối.

Tuy vô cùng quí giá, sưu tập ấy không khớp với sinh hoạt thư từ thực sự của Têrêxa. Tỉ lệ thư bị thất lạc có thể ước lượng vào khoảng một phần ba: một ước lượng do ngẫu nhiên, do truyền thống hoặc do giả thuyết. Giữa những mất mát đáng tiếc nhất, người ta còn kể đến một lượng nhỏ gồm 50 thư được gửi cho Cha Pichon ở Canada, người mà hàng tháng Têrêxa vẫn viết thư.

Được giáo dục trong một môi trường gia đình khá khép kín, mười lăm tuổi bước vào một Dòng tu mà ở đó “sự tách biệt khỏi thế gian” được đặc biệt nhấn mạnh, qua đời ở tuổi 24, con người mà Đức Thánh Cha Pi-ô XI một ngày kia sẽ gọi là “con cưng của nhân loại”, trải qua thuở sinh thời của mình giữa một thế giới tương quan thu hẹp. Thư tín của thánh nữ phản ánh trạng thái ấy của các sự việc. Chỉ riêng gia đình đã thu hút hết 78%; nhà tu - gồm cả ba người chị Cát minh - cả thảy mới vừa 10%. Phần còn lại được dàn trải trong 12 tập thư tín: bảy cho các giáo sĩ, ba cho các nữ tu, hai cho những người bạn gái.

Được kích thích bởi mẫu gương của mẹ, của những người chị đầu và ngay cả Céline, vốn viết lách khá dễ dàng, Têrêxa rất sớm biểu hiện cho thấy sở thích muốn liên lạc bằng cách viết ra. Thánh nữ hay quấy rầy những người xung quanh để nhờ họ giúp đỡ. (LT 3,6,7).

Với việc nhập Dòng Cát minh của Pauline, vào ngày 2.10.1882, và từ đó phải trở về với chính bản thân vốn chỉ mới là một đứa trẻ, thì việc liên lạc dường như gặp trở ngại. Têrêxa phải “vắt óc suy nghĩ”, theo cách nói của Bà Guérin (LD 514 ngày 4.5.1885, CG, P.188), thường phải cậy đến một mẩu giấy nháp, ngay cả để viết cho người em cô cậu của mình, Marie Guérin (xem. LT 19)

Sự ức chế còn phải chịu đựng cho mãi đến sau lần giải toả vào dịp Giáng Sinh năm 1886, khi Têrêxa phải diễn tả bằng cách viết ra đời sống sâu xa của mình (LT 28,36). Tại Dòng Cát Minh, từ năm 1888 đến 1890, một mẩu giấy nháp của Chị Agnès de Jésus có thể vẫn còn rất được hoan nghênh trong những trường hợp khó khăn nhất (LT 70,112).

Chính là trong thư từ trao đổi với Céline mà sự thoải mái được tỏ hiện sớm nhất (xem LT 96, và những năm 1891-1892). Nhưng phải đợi đến 1893, Têrêxa mới đạt đến được thiên tư diễn đạt mà sẽ không ngừng được hoàn thiện cho đến lúc thánh nữ qua đời. Bấy giờ, trong những giới hạn mà Luật Dòng Cát Minh đặt ra và những thái độ của các bề trên của mình, thánh nữ viết một cách dễ dàng và khá dài.

Chúng ta hãy lưu ý rằng ngoài những mẩu giấy được trao đổi trong nội bộ Dòng Cát Minh - được sự đồng ý của bề trên - thì có ít thư của Têrêxa chỉ được riêng người nhận đọc mà thôi. Ở Buissonnets, không có thư riêng. Tại Cát Minh, tất cả những lời nhắn gửi đều được bề trên đọc, tuỳ thời gian được sắp xếp, và, trong nhiều trường hợp, được các chị lớn của thánh nữ đọc. Sự can thiệp như thế có làm ảnh hưởng đến việc biên soạn các thư hay không? Vào những thời gian đầu của đời sống tu trì, điều đó có thể: người ta nhận thấy như vậy trong những mẩu thư gửi cho Soeur Agnès de Jésus (LT 54,55,76,78,95, v.v..). Nhưng rất sớm, chắc chắn là để tự đặt mình vào đúng sự thật trước mặt một mình Thiên Chúa, thánh nữ đạt đến một sự tự chủ đến nỗi tự do diễn đạt của thánh nữ chẳng có vẻ gì là bị thương tổn bởi sự thâm nhập của một người thứ ba.

***

Vào một thời kỳ mà việc sử dụng điện thoại (được phát minh vào năm 1876) vẫn còn ít phổ biến, thư tín giữ một vai trò trọng yếu trong các gia đình gắn bó với nhau như gia đình Martin/Guérin. Chỉ riêng những chuyến nghỉ ngắn ngày về thôn quê hoặc ra biển thôi, chứ chưa nói đến chuyến du lịch đặc biệt đến Rôma, vào năm 1887, cũng đã làm nẩy sinh một sinh hoạt thư từ đều đặn. Têrêxa tự hòa nhập mình vào khuôn phép của gia đình.

Nhưng, trước hết, chính nội vi của Dòng Cát Minh đã vạch ra ranh giới giữa các thư từ, tùy theo những lần nhập Dòng kế tiếp nhau của bốn nữ tu nhà Martin và Guérin có chia cách hay tập họp các thành viên của gia đình với nhau hay không.

Vì thế, bắt đầu ngày 9.4.1888, Têrêxa đã không còn viết cho hai chị cả mà thánh nữ gặp lại trong đan viện Cát Minh. Thánh nữ được Mẹ Marie de Gonzague cho phép gửi các mẩu thư cho họ trong những kỳ tĩnh tâm mặc áo (10.01.1889) và tuyên khấn (8.9.1890), hoặc trong những kỳ tĩnh tâm riêng của họ (1888-1890), rồi trở lại yên ắng gần như hoàn toàn cho đến cuối năm 1896. Sau đó thánh nữ cố gắng, bằng những mẩu thư hồn nhiên, để viết ra sự thay đổi thể trạng của mình.

Với Ô. Martin lại là trường hợp khác. Nếu các thư của Têrêxa nữ tu Cát Minh gửi cho bố mình đều ở vào giai đoạn tiền tập sinh, thì chỉ vì căn bệnh đau óc của “Đức Vua yêu quí” của thánh nữ xảy đến đột ngột mới làm gián đoạn cuộc đối thoại ấy. Vả lại, từ năm 1888, những thư được gửi đi đã là gửi đến cho một người không còn tỉnh táo nữa rồi. Chẳng phải thánh nữ đã nói vào tháng 5.1889 rằng: “Bố, chính là người con bé mọn của Chúa nhân lành” (LT 91vo) đó sao?

Céline vẫn luôn là người trao đổi thư từ riêng với Têrêxa trong suốt sáu năm “ly hương” trước khi vào Dòng Cát Minh (14.9.1894). Gần đến những ngày lễ hội và kỷ niệm của mình, Céline tránh không đến phòng tiếp khách hàng tuần để đảm bảo quyền thư “riêng” của mình. Những tháng ngày bi thảm từ tháng 2 đến tháng 5/1889 và mùa hè năm 1893 đánh dấu những thời điểm mạnh trong các mối quan hệ ấy.

Cho đến hai năm lưu lại ở Dòng Thăm Viếng (1893-1895), nơi mà mình nhận được mười một bức thư, Léonie hẳn đã có thể làm ra vẻ quên mất, giả như đích thân chị không cho chúng ta biết về việc huỷ các bức thư của em gái. Có thể thực sự là Têrêxa “không có thời gian” để viết cho chị (LT 105,122) hoặc có chăng thì chỉ là những “nhắn gửi” cho chị qua trung gian (LT 85). Nhưng vào năm 1896-1897, Têrêxa xử sự bình đẳng với người thân chủ lý tưởng theo “con đường khiêm hạ” ấy của Tin Mừng.

Những lời chúc mừng truyền thống mừng lễ hoặc mừng năm mới gửi cho gia đình Guérin chẳng gây cảm hứng cho Têrêxa chút nào. Trái lại, những nhu cầu thiêng liêng của Marie làm cho thánh nữ trở nên hùng biện (1889-1890). Sau khi người em họ ấy vào Dòng Cát Minh (15.8.1895), thánh nữ rất hiếm khi gửi thư cho cậu và mợ của mình.

Từ 1896 đến 1897, đối với Têrêxa, phạm vi gia đình được nhân đôi bởi một gia đình thiêng liêng: các tập sinh (6 thư) mà Mẹ Marie de Gonzague đã giao cho thánh nữ dẫn dắt, và hai nhà truyền giáo, các Cha Roulland và Bellière (11 thư) mà chính Mẹ bề trên cũng có thư từ liên lạc. Chị nữ tu Cát Minh trẻ ấy viết cho họ những bức thư hết sức đẹp đẽ và, nhất là với đại chủng sinh Bellière, sự tận tuỵ hy sinh của thánh nữ vào những tuần lễ cuối cùng đã đạt đến chủ nghĩa anh hùng.

6. Được Thánh Thần hướng dẫn

Người ta sẽ ngạc nhiên về những nét tương phản trong việc thư tín ấy. Nữ tập sinh mười sáu tuổi lại có thể đồng thời vừa viết những dòng không có gì đặc sắc để mừng lễ bà mợ Guérin, lại vừa gửi cho cô em họ Marie của mình một bức thư hướng dẫn mà sẽ sớm làm cho Đức Thánh Cha Pi-ô X thán phục. Ở tuổi hai mươi bốn, trong cơn bệnh tật, thánh nữ tiếp tục qua mắt ông cậu của mình để cứ là “cô cháu gái ngoan hiền”, khi viết ra những bức thư không mấy thắm thiết, trong lúc lại đang giáo huấn các tập sinh và những người anh em thiêng liêng của mình về con đường “tín thác và (về) tình yêu” mà thánh nữ đã một mình khám phá ra, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần.

Không gì dễ đánh lừa hơn là sự giản dị cứ trôi theo sự đơn điệu của cuộc sống thường nhật để rồi được bỏ qua mà không bị nhận thấy. Đã hẳn người ta khi nào cũng muốn sự thánh thiện phải cao cả. Song lại hoàn toàn không phải như vậy qua những mẩu thư thường được viết vội kia. Nhưng cần phải biết để hiểu cho được điều gì thực sự xảy ra trong cuộc sống ẩn giấu ấy và khám phá ra sức mạnh tình yêu nào có thể ẩn mình trong những biến cố bình thường nhất, bằng cách mặc lấy cho chúng một chiều kích vĩnh cửu. Trong khi những Cuộc Chuyện Trò Cuối Cùng làm cho sống động trước mắt chúng ta một bản thể đạt đến sự sung mãn của chính nó, sẵn sàng đối đầu với sự chết, thì các Thư của Têrêxa lại diễn tả sự năng động của một cuộc đời tìm kiếm tình yêu tuyệt đối.

“Những bức thư ấy là kho tàng quí giá, là phần bổ sung cho tiểu sử của chị ấy!!!”, Cha Bellière đã viết những lời như thế cho Mẹ Marie de Gonzague và ngày 24.11.1898. Thầy đại chủng sinh đã thấy rõ là Chuyện một Tâm hồn được hoàn chỉnh bởi số lượng các thư bao trùm lên những giai đoạn mà ở đó Têrêxa nhanh chóng lướt qua các kỷ niệm của mình. Đằng khác, chính Thủ bản B cũng được hợp soạn bằng hai bức thư, một được gửi cho Chị Marie Thánh Tâm, một gửi cho Chúa Giêsu. Như thế, sưu tập các thư của Têrêxa còn mang lại cho chúng ta những yếu tố về một tiểu sử xác thực, không thể nào tách lìa các Thủ bản tự thuật được.

Ở đây, có một “hành trình vĩ đại” được khắc sâu, một quĩ đạo hoàn hảo không loại trừ những chờ đợi, những ước ao, những đau khổ, nhưng nhất là thể hiện một sự táo bạo không nao núng được hình thành bởi niềm hy vọng đạt đến cùng đích: Tình Yêu đầy bao dung mà Têrêxa cảm nghiệm qua từng giai đoạn sống và muốn tỏ bày ra cho chung quanh.

-------------------
[1] André Combes (1899-1969), tiến sĩ thần học và tiến sĩ văn chương, giáo sư khoa thần học tu đức và thần bí Viện Công giáo Paris, chủ đề tài nghiên cứu trong CNRS: được chỉ định làm Giám chức thân gia vào năm 1960.
[2] Trong cuốn Thánh Têrêxa Nhỏ (Paris, 1947)
[3] Bản văn đầy đủ hơn của bức thư này nằm trong tập Thư tín tổng quát từ trang 46-48
[4] Đối với câu chuyện rắc rối về các thư của Têrêxa, xuất xứ và việc phát hành, người ta nên tham chiếu trong Lời Dẫn Nhập tổng quát của phần Thư tín tổng quát.

 

Top