Thứ Bảy tuần Bát nhật Phục sinh - Rao giảng (Mc 16,9-15)

Thứ Bảy tuần Bát nhật Phục sinh - Rao giảng (Mc 16,9-15)

Thứ Bảy tuần Bát nhật Phục sinh - Rao giảng (Mc 16,9-15)

Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ,
loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)

 

Bài đọc 1: Cv 4,13-21

13 Họ ngạc nhiên khi thấy ông Phê-rô và ông Gio-an mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giê-su; 14 đồng thời họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp thế nào. 15 Họ mới truyền cho hai ông ra khỏi Thượng Hội Đồng, và bàn tính với nhau. 16 Họ nói: “Ta phải xử làm sao với những người này ? Họ đã làm một dấu lạ rành rành: điều đó hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, và ta không thể chối được. 17 Nhưng để cho việc đó khỏi lan rộng thêm trong dân, ta hãy ngăm đe, nghiêm cấm họ từ nay không được nói đến danh ấy với ai nữa.”

18 Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giê-su nữa. 19 Hai ông Phê-rô và Gio-an đáp lại: “Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không ? Các ông thử xét xem! 20 Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra.” 21 Sau khi ngăm đe lần nữa, họ thả hai ông về, vì không tìm được cách trừng trị hai ông. Lý do là vì họ sợ dân: ai nấy đều tôn vinh Thiên Chúa vì việc đã xảy ra.

 

Tin mừng: Mc 16,9-15

9 Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. 10 Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. 11 Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.

12 Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. 13 Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.

14 Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. 15 Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Là Kitô hữu, tức là có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho anh em. Ai không thiết tha với việc loan báo Tin Mừng, người đó chưa thực là Kitô hữu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, ngày Chúa chịu chết trên Thánh giá, bầu trời hy vọng như sụp đổ trước mắt những kẻ tin theo Chúa: các tông đồ thất vọng, các môn đệ bỏ về quê làm ăn, những nguời phụ nữ đạo đức bơ vơ…, tâm hồn họ dường như đã chết. Ngược lại, Tin Mừng Phục Sinh đã làm sống lại tâm hồn của những người tin mến Chúa.

Đón nhận được tin Chúa sống lại, con thấy ai ai cũng mừng. Niềm vui đó không thể giữ cho riêng mình. Họ đã mau chóng loan Tin Mừng Phục sinh cho những người thân quen. Maria Mađalêna thấy Chúa sống lại, bà vội vã về ngay báo tin cho các tông đồ. Hai môn đệ trên đường Emmau nhận ra Chúa đang sống, họ đã ngược về Giêrusalem ngay trong đêm tối để báo tin vui cho các tông đồ.

Lạy Chúa, con được mệnh danh là Kitô hữu, nhưng cuộc sống con còn buồn chán, còn bơ vơ, còn hững hờ với việc sống đạo, là vì con chưa thực tin Chúa Phục Sinh. Con chưa thiết tha với việc giới thiệu Chúa cho người khác, là vì con chưa thực sự cảm nghiệm được Chúa đã sống lại. Nếu con có Tin Mừng Phục Sinh trong lòng, con đã không thể ngồi yên khi thấy bao kẻ khác chưa tin Chúa.

Con xin Chúa mở mắt đức tin để con thấy Chúa sống lại, xin cho con cũng được sống lại thật về phần linh hồn, để dù giữa hoàn cảnh nào, giàu hoặc nghèo, mạnh khỏe hay tật nguyền…, con vẫn thấy an vui trong lòng vì con là Kitô hữu đã tin thật Chúa Phục Sinh. Và với niềm vui ấy, xin Chúa giúp con biết loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho anh chị con. Amen.

Ghi nhớ: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Phần cuối của Tin Mừng Máccô (cũng không do Máccô viết mà do ai đó viết thêm vào) ghi tóm lược 3 cuộc hiện ra của Chúa Giêsu sau khi sống lại:

Hiện ra cho Maria Mađalêna.

Hiện ra cho hai môn đệ trên đường về Emmau.

Hiện ra cho mười một tông đồ.

Đoạn Tin Mừng này nhấn mạnh:

Thái độ không tin của các tông đồ (Không tin lời của Maria Mađalêna, cũng không tin lời của hai môn đệ Emmau).

Chúa Giêsu khiển trách thái độ không tin ấy.

Sau khi làm cho các ông tin, Chúa Giêsu sai các ông “đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn dân”.

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Sau khi khiển trách các môn đệ đã cứng lòng tin, rồi củng cố lại lòng tin đó, Chúa Giêsu mới sai các ông đi rao giảng. Rao giảng là chia sẻ niềm tin của mình cho người chưa tin hay đức tin còn yếu. Vì thế phải tin rồi mới đi rao giảng.

2. Các môn đệ đã không tin mặc dù nghe các phụ nữ kể lại việc Chúa Giêsu hiện ra cho các bà. Các ông vẫn không tin khi nghe thêm hai môn đệ thuật lại cuộc gặp gỡ của họ với Đấng Phục sinh. Chỉ mãi đến lúc Chúa đến thì các ông mới tin. Đức tin không do suy luận, không do có bằng chứng, nhưng đức tin là việc Chúa làm, do Chúa ban. Con cám ơn Chúa đã ban đức tin cho con. Con xin Chúa giữ gìn và củng cố đức tin của con.

3. Có một bà nổi tiếng là đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hy vọng được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc.

Bà hỏi:

- Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao ?

- Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là một người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao.

4. “Sau khi sống lại được Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mađêlêna… Bà đi báo tin cho những kẻ từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc”.

Tôi là Maria Mađêlêna, mọi người sỉ vả, chê bai tôi, không ai dám đụng đến tôi vì sợ bị ô uế và lây nhiễm tội lỗi. Mọi cặp mắt khinh miệt đều hướng về tôi. vậy mà khi gặp Ngài, Ngài nhìn tôi với đôi mắt trìu mến và đầy tình thương. Tôi không thể nào quên đôi mắt ấy, đôi mắt kéo tôi ra khỏi vũng lầy tội lỗi. Từ giây phút đó, tôi bước đi theo Ngài, cùng với Ngài rảo qua khắp làng mạc, thành phố để rao giảng Tin Mừng.

Rồi Ngài bị bắt, bị đem giết. Tôi bối rối sợ hãi và tuyệt vọng. Các môn đệ của Ngài cũng đã bỏ chạy. Nhưng Ngài vẫn chưa được yên cả đến xác Ngài cũng bị đánh cắp khi tôi ra viếng mồ sau khi Ngài chết vài ngày. Ôi cuộc đời của Ngài như thế này sao ? Vậy là chấm dứt, chấm dứt tất cả!

Trong cơn tuyệt vọng, Ngài gọi tôi “Maria”. Vâng chính là Ngài. Không phải là cái xác tôi đang tìm mà là một Đức Giêsu đang sống, sống thực sự. Nhiệm vụ của tôi là bây giờ phải đi loan báo tin mừng này cho tất cả mọi người. Tôi không có quyền giữ lại niềm vui và hạnh phúc cho riêng mình. Chúa muốn mọi người cũng được hạnh phúc như tôi, được chia sẻ niềm hạnh phúc này.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống lại, xin Phục sinh tâm hồn con và cho con biết đem niềm vui Phục sinh đến cho mọi người. (Epphata).

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Rao giảng Đức Kitô Phục sinh (Mc 16, 9-15)

  1. Phần cuối của Tin mừng thánh Marcô (cũng không do Marcô viết, và do ai đó viết thêm vào) ghi tóm lược ba cuộc hiện ra chính của Đức Giêsu sau khi sống lại:

- Đức Giêsu Phục sinh hiện ra cho bà Maria Mađalêna, cho hai môn đệ ở Emmau và nhóm Mười Một (Mc 16, 9-14),

- Đức Giêsu Phục sinh sai các Tông đồ đi rao giảng và hứa cho các ông được làm dấu lạ(Mc 16, 15-18)

- Đức Giêsu Phục sinh lên trời, còn các Tông đồ thì chăm lo rao giảng (Mc 16, 19-20).

Đoạn Tin mừng hôm nay ghi lại những lần Chúa Phục sinh hiện ra và sai các Tông đồ đi rao giảng Tin mừng.

  1. Các môn đệ lúc đầu đã không tin mặc dù đã nghe các phụ nữ kể lại việc Đức Giêsu hiện ra. Các ông cũng vẫn không chịu tin, khi nghe thêm hai môn đệ thuật lại cuộc gặp gỡ của họ với Đấng Phục sinh. Phải tới lúc Chúa đến thì các ông mới tin. Xét như vậy thì chúng ta thấy đức tin không do suy luận, cũng không do có sẵn chứng người ta kể lại, nhưng đức tin là việc Chúa làm, do Chúa ban.

Theo Tin mừng, sau khi khiển trách các môn đệ về thái độ cứng lòng tin của họ, Đức Giêsu đã củng cố lại niềm tin đó, rồi Ngài mới sai các ông đi rao giảng. Rao giảng là chia sẻ niềm tin của mình cho người chưa tin hay còn yếu đức tin. Vì thế, phải tin rồi mới đi rao giảng. Các môn đệ đã có đức tin rồi, nên Chúa tin tưởng trao trách nhiệm loan báo Tin mừng của Chúa để loan báo lại cho những người khác.

  1. Ở đây, chúng ta thấy cách Đức Giêsu hành động: Ngài sai người được Ngài hiện ra đem Tin mừng Phục sinh đến cho người khác. Những thế hệ Kitô đến sau chắc chắn không thể nhìn thấy trực tiếp Đức Giêsu, nhưng phải qua trung gian của các Tông đồ là những người đã được nhìn thấy Chúa. Đó là hoàn cảnh của mọi Kitô hữu hôm nay: tin Chúa nhờ lời chứng của những người đã được củng cố trong niềm tin. Chính Đức Giêsu đã nhìn thấy điều ấy, do đó trong lần hiện ra cho các Tông đồ như được kể lại nơi Tin mừng Gioan, Ngài đã nói: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
  2. Niềm tin vào Đấng Phục sinh và chứng từ về Ngài luôn được diễn tả một cách sống mới trong cộng đồng. Sách Công vụ Tông đồ ghi lại một bức tranh vô cùng sống động về cuộc sống mới trong Đấng Phục Sinh ấy. Sự bình an được Đấng ban tặng đã tạo ra một cộng đồng hoà giải, nghĩa là một nhóm tín hữu sống trong hài hoà hiệp nhất và chia sẻ của cải cho nhau. Nét nổi bật của cộng đồng này không hẳn là nghèo khó, bởi vì trong đó, không ai phải thiếu thốn điều gì, mà chính là tình yêu thương của mọi người. Của cải vật chất, thay vì là đối tượng của sự chiếm hữu ích kỷ và do đó là nguyên nhân của tranh chấp chia rẽ, đã trở thành bí tích của tình bạn và huynh đệ (Mỗi ngày một tin vui).
  3. Tin vào Chúa Phục sinh không phải tin rồi ngồi đó, mà phải đem Tin mừng ấy đến cho tha nhân, như bài Tin mừng hôm nay nói đến điều đó. Sau khi hiện ra với các môn đệ. Đức Giêsu bảo các ông: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15).

Khi các Tông đồ nhận được niềm vui phục sinh của Thầy mình, họ thay đổi hẳn thái độ. Thay vì sợ hãi, yếu tin luôn trốn tránh ban đầu khi Thầy chết, họ đã mạnh mẽ dám công nhiên tuyên bố rằng: thời điểm Thiên Chúa thi ân nay đã đến như Đức Giêsu đã báo trước. Họ tin rằng Đức Giêsu đã “sống lại” và “Nước của Thiên Chúa” đã đến.

Niềm vui Phục sinh cần được diễn tả bằng đời sống chứng nhân, ánh sáng Phục sinh phải được chiếu toả ra cho muôn dân. Ánh sáng tự nó phải phản chiếu – không có niềm vui Phục sinh thật nếu không ra đi loan báo Tin mừng.

  1. Giáo hội là thân thể mầu nhiệm của Đấng Phục sinh, Ngài chỉ thực sự được nhận diện trong thân thể ấy qua cử chỉ trao ban mà thôi. Chính vì thế mà trọng tâm và cao điểm của Giáo hội chính là cử hành Thánh Thể. Giáo hội lặp lại cử chỉ trao ban của Đức Giêsu, nhưng cử chỉ ấy sẽ không diễn tả trọn vẹn dung mạo của Đấng Phục sinh, nếu nó không được nối dài và diễn tả cùng cuộc sống trao ban cụ thể của Giáo hội và của các Kitô hữu. Cuộc đời của người tín hữu Kitô phải là một Thánh lễ nối dài để mãi mãi mô tả dung mạo của Đấng Phục sinh.
  2. Truyện: Giáo hội cần Tông đồ giáo dân

Số giáo dân thêm nhiều, và hầu hết các họ đạo đứng vững được trong thử thách, dù lâu ngày vắng linh mục, một phần lớn còn là nhờ hoạt động tông đồ giáo dân của một số người nhiệt thành với công cuộc của Nước Chúa.

Ở Trại Mỹ (Chaimi) tỉnh Quảng Ngãi, cha Đắc Lộ gặp gia đình ông cụ Phaolô và bà Monica. Tuy bị loà cả hai mắt, nhưng ông cụ rất nhiệt thành truyền giáo. Cụ thật là linh hồn sống động của họ đạo đó. Các ngày Chúa nhật và lễ trọng, cụ họp giáo dân trong căn nhà, trong khu nhà cụ, cụ giảng dạy khuyên răn họ.

Cụ còn giúp cho họ tất cả phương tiện cần thiết để bảo vệ đức tin họ đã lãnh nhận. Lòng nhiệt thành của cụ lan rộng ra với tất cả những người ngoại đạo và giúp được nhiều người sẵn sàng chịu phép rửa. Thiên Chúa lại cho cụ quyền trên cả ma quỷ. Những người bị quỷ ám vùng đó đều được cụ trừ quỷ. (Lm. Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo tại Việt Nam).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top