Thứ Bảy tuần 7 Phục sinh - Trung thành theo Chúa (Ga 21,20-25)

Thứ Bảy tuần 7 Phục sinh - Trung thành theo Chúa (Ga 21,20-25)

Thứ Bảy tuần 7 Phục sinh - Trung thành theo Chúa (Ga 21,20-25)

“Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra.
Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực”. (Ga 21,24)

 

BÀI ĐỌC I: Cv 28, 16-20. 30-31

“Ngài ở lại Rôma, rao giảng nước Thiên Chúa”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi chúng tôi đến Rôma, Phaolô được phép ở nhà riêng với người lính canh. Sau ba hôm, ngài mời các đầu mục người Do-thái đến. Khi họ đến, ngài nói với họ: “Thưa anh em, dầu tôi đây không làm điều gì phạm đến dân tộc hay tục lệ tổ tiên, mà tôi đã bị bắt tại Giêrusa-lem và bị nộp trong tay người Rôma. Khi đã điều tra, họ muốn thả tôi vì tôi không có tội gì đáng chết. Nhưng người Do-thái chống lại, nên tôi buộc lòng phải nại đến hoàng đế, nhưng không phải là tôi có gì kiện cáo dân tôi. Do đó tôi đã xin gặp anh em và nói chuyện: Chính vì niềm hy vọng của Israel mà tôi phải mang xiềng xích này”.

Suốt hai năm, ngài trú tại ngôi nhà đã thuê, tiếp nhận tất cả những ai đến gặp ngài, ngài rao giảng nước Thiên Chúa và dạy dỗ những điều về Chúa Giêsu Kitô một cách dạn dĩ, không có ai ngăn cấm.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 10, 5. 6 và 8

Đáp: Lạy Chúa, người chính trực sẽ nhìn thấy tôn nhan Chúa (c. 8b).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Chúa kiểm soát người hiền đức, kẻ ác nhân, ai chuộng điều ác, thì linh hồn Người ghét bỏ. - Đáp.

2) Trên lũ tội nhân Người làm mưa than đỏ diêm sinh, và phần chén của chúng là luồng gió lửa. Bởi Chúa công minh, nên Người thích chuyện công minh, người chính trực sẽ nhìn thấy thiên nhan. - Đáp.

 

Tin mừng: Ga 21,20-25

20Ông Phêrô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giêsu thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy ?”

21Vậy khi thấy người đó, ông Phêrô nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao ?” 22Đức Giêsu đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh ? Phần anh, hãy theo Thầy.”

23Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giêsu đã không nói với ông Phêrô là: “Anh ấy sẽ không chết”, mà chỉ nói: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh ?”

24Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. 25Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm.

Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Đời mỗi người Kitô hữu là một ơn gọi theo Chúa. Ta hãy đáp lại ơn gọi yêu thương đó tùy theo bậc sống trong hoàn cảnh riêng của mình, với niềm phó thác cậy trông vào Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tất cả mọi người được kêu gọi để theo Chúa. Có những bậc sống khác nhau. Trong mỗi bậc sống đó lại có từng hoàn cảnh khác nhau. Mỗi người là mỗi phận. Chúa như đang cầm tay từng phận người mà dắt đi theo Chúa. Chúa đang nói với mỗi người chúng con: “Phần con hãy cứ theo Thầy”. Chúa đang dẫn con đi theo Chúa bằng lối đi Chúa dành riêng cho con.

Khi Thánh Phêrô hỏi Chúa về số phận của Thánh Gioan, Chúa đã nói với Thánh Phêrô: “Việc đó liên quan gì đến con, phần con hãy cứ theo Thầy”. Chúa không bảo con đừng quan tâm đến anh chị em quanh con. Khi thấy anh em cần nâng đỡ đức tin, Chúa muốn con chạy tới đóng vai bàn tay của Chúa để đỡ nâng họ. Con sẽ đỡ nâng bằng gương sáng, bằng một lời động viên, bằng một lời nhắc nhở, và nhất là bằng những lời cầu nguyện. Rồi khi con gặp thử thách, con tin Chúa sẽ lại dùng anh chị em quanh con thay mặt Chúa mà ủi an, động viên con.

Tuy nhiên, Chúa muốn nói với riêng con: “Phần con hãy cứ theo Thầy”. Chúa dạy con đừng phân bì ghen tỵ. Xin Chúa đừng để con so sánh phận mình với phận người mà chùn bước chân theo Chúa. Con biết mỗi đời người là một mầu nhiệm trong tình yêu quan phòng của Chúa. Mỗi đời người là một cuộc tình riêng với Chúa. Mỗi đời người đều có đủ thánh giá để vác theo Chúa. Đồng thời mỗi đời người đều được Chúa ban đủ niềm vui và ân sủng để theo Chúa cho nên: “Ơn Ta đủ cho con”.

Xin cho con vui với phận mình và tin tưởng bước theo Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích

Tiếp bài nó chuyện bên bờ hồ về thân phận của Thánh Gioan “Người môn đệ mà Chúa Giêsu yêu mến… cũng là người nằm sát ngực Chúa… Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến… chính môn đệ này đã làm chứng…”

B. Suy gẫm

1. Thánh Gioan tông đồ có nhiều nét đáng nêu gương cho chúng ta:

“Khi ấy Phêrô quay lại nhìn thấy người môn đệ mà Chúa Giêsu yếu mến đi theo sau.” Trong ngôn ngữ Tin Mừng “đi theo” có nghĩa là làm môn đệ. Ngay từ đầu Gioan đã đi theo Chúa Giêsu. Gioan còn tiếp tục đi theo Chúa Giêsu trên tất cả mọi nẻo đường Ngài đi, kể cả đường Thập Giá. Rồi khi Chúa Giêsu đã đặt Phêrô thay thế mình. Gioan lại tiếp tục đi theo Phêrô. Thánh Gioan chính là hình mẫu của Môn đệ trung thành.

2. “Ông là người đã nghiêng mình vào ngực Chúa Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi.” Gioan chẳng những là người trung thành đi theo, mà còn là người hiểu biết Chúa Giêsu nhiều nhất và sâu nhất, vì Gioan “nghiêng mình vào ngực Chúa,” vì Gioan “hỏi” nghĩa là thường suy gẫm về Chúa.

3. “Nếu Thầy muốn, anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến…” Ý Chúa Giêsu không nói là Gioan sẽ sống mãi không chết, nhưng Chúa muốn nói Gioan “ở lại.” Phải hiểu chữ “ở lại” này theo ý nghĩa của Tin Mừng Thứ Tư: Ở lại là tồn tại mãi trong tình yêu mến, trong sự thân thiết. Dù sau này Gioan sẽ chết đi nhưng Chúa Giêsu muốn hình mẫu của Gioan như một môn đệ trung thành đi theo Thầy, như một môn đệ suy gẫm về Thầy tiếp tục tồn tại mãi trong Giáo Hội.

4. “Chính người môn đệ này làm chứng về những điều đó.” Nghĩa là vì Chúa muốn hình mẫu của Gioan còn tồn tại mãi trong Giáo Hội như một cách làm chứng, cho nên Gioan đã làm chứng bằng cách viết lại những cảm nghiệm, những suy gẫm của mình về Chúa Giêsu. Và Gioan còn cho biết “Tôi thiết nghĩ cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các điều được viết ra.” Có lẽ không phải cả thế giới không đủ chỗ chứa những sách mà Gioan nếu muốn sẽ viết ra. Không đủ chỗ chứa là đối với những cảm nghiệm và những suy gẫm sâu sắc của Gioan về mầu nhiệm Chúa Giêsu và về những điều Chúa Giêsu dạy.

Chúng ta hãy nói gương thánh Gioan trung thành “đi theo” Chúa Giêsu, biết “nghiêng mình vào ngực Chúa Giêsu,” biết “hỏi” Chúa Giêsu, để có như thế chúng ta mới có thể “làm chứng” về Ngài.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Gioan sẽ là chứng tá trong Hội thánh (Ga 21, 20-25)

  1. Kết thúc mùa Phục sinh, Phụng vụ cho chúng ta thấy Phêrô đã nhận chức vụ Mục tử thay thế Chúa Kitô, Gioan là chứng tá thường trực trong Hội thánh.

Bài Tin mừng hôm nay là bài kết thúc Tin mừng thánh Gioan, trình bày về Gioan sẽ là chứng tá thường trực trong Hội thánh Chúa cho đến tận thế qua sách Tin mừng của ông.

  1. Thưa Thầy, còn anh này thì sao?”

Phải chăng khi Phêrô thắc mắc về Gioan như vậy là ông ngầm nói với Thầy mình rằng: anh Gioan cũng mến Thầy và được Thầy yêu cách riêng, thì sao? Nghĩa là Thầy sẽ trao cho anh ta nhiệm vụ gì? Hay tại sao Thầy lại không trao trách nhiệm chăn dắt Hội thánh cho anh ta có phải hơn không? Đó cũng là thắc mắc của nhiều người, khi đọc Tin mừng Gioan, bởi vì xem ra Gioan xứng đáng hơn Phêrô, vì ông đã không chối Chúa.

Chúng ta thấy Chúa Giêsu không trả lời thẳng vào thắc mắc của Phêrô, mà lại nói khó hiểu hơn đối với Phêrô cũng như các môn đệ khác: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến anh”, rồi Chúa nói ngay: “Phần anh, hãy theo Thầy”.

  1. Nếu Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho đến khi Thầy đến...”

Câu này là câu vừa trả lời vừa là câu hỏi rất khó hiểu. Thực ra, ý Chúa Giêsu không nói là Gioan sẽ sống mãi không chết, nhưng Chúa muốn Gioan “ở lại”. Phải hiểu chữ “ở lại” này theo nghĩa của Tin mừng thứ tư: ở lại là tồn tại mãi trong tình yêu mến, trong sự thân thiết. Dù sau này Gioan sẽ chết đi, nhưng Chúa Giêsu muốn hình mẫu của Gioan như một môn đệ trung thành đi theo Thầy, như một môn đệ thường suy gẫm về Thầy tiếp tục tồn tại mãi trong Giáo hội (Lm. Carôlô).

  1. Chính người môn đệ này làm chứng về những điều đó”

Nghĩa là vì Chúa muốn hình mẫu của Gioan còn tồn tại mãi trong Giáo hội như một cách làm chứng, cho nên Gioan đã làm chứng bằng cách viết lại những cảm nghiệm, những suy gẫm của mình về Chúa Giêsu. Và Gioan còn cho biết: “Tôi thiết nghĩ cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các điều được viết ra”. Có lẽ không phải thế giới không đủ chỗ chứa những sách mà Gioan nếu muốn viết ra. Không đủ chỗ chứa là đối với những cảm nghiệm và những suy gẫm rất sâu sắc của Gioan về mầu nhiệm Chúa Giêsu và về những điều Chúa Giêsu dạy (Lm. Carôlô).

  1. Trong lịch sử Giáo hội suốt hai mươi thế kỷ nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục kêu gọi nhiều người và ban cho họ những ân sủng đặc biệt, để sống mãn đời trên trần thế. Họ là các thánh nam nữ đã được Thiên Chúa lựa chọn và trao cho các sứ mệnh đặc biệt ở những thời kỳ và hoàn cảnh khác biệt nhau. Có vị được gọi để trở thành các giáo phụ và tiến sĩ Hội thánh. Các ngài dùng ngòi bút và trí thông minh, để rao giảng Phúc âm và đem ánh sáng lời Chúa đến cho mọi người. Những vị khác thì được ơn gọi sáng lập các dòng tu với tinh thần tông đồ và hoạt động truyền giáo trong nhiều lãnh vực khác biệt nhau. Các sứ vụ tuy có khác biệt nhưng đều mang ý nghĩa và tầm mức quan trọng như nhau. Tất cả đều quy tụ vào cùng một mục đích duy nhất là làm chứng tá cho chân lý và tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.
  2. Như vậy, trong mỗi thời đại, ở mỗi xã hội khác nhau luôn cần có những chứng nhân, trách nhiệm khác nhau. Thiên Chúa luôn cần đôi tay, trái tim, khả năng của chúng ta, để tiếp tục sự hiện diện và hành động của Ngài. Có người làm chứng bằng máu, có người bằng sự dấn thân đổ mồ hôi, có người làm chứng bằng nghĩa cử hy sinh phục vụ, có những chứng nhân trong âm thầm cầu nguyện.

          Mỗi người chúng ta được mời gọi trở nên một trong số chứng nhân đó. Chúa đang cần sự đóng góp của chúng ta.

  1. Truyện: Làm chứng cho Chúa

Trong kỳ nội chiến, Tổng thống Hoa Kỳ là Abraham Lincoln có một sĩ quan trẻ làm thư ký. Viên sĩ quan này nổi tiếng là gan dạ, do đó công việc bàn giấy xem ra không thích hợp với anh. Anh chỉ mơ ước trở lại mặt trận, và nếu cần sẵn sàng chết cho tổ quốc hơn là làm công việc đơn điệu nhàm chán trên bàn giấy. Một ngày nọ, sau khi nghe anh than phiền, Tổng thống Lincoln nhìn thẳng mắt anh và nói: “Hỡi anh bạn trẻ, như tôi nhận thấy thì quả thực anh muốn xả thân chết cho tổ quốc, nhưng có lẽ anh không muốn sống cho tổ quốc”.

Tử đạo theo nguyên ngữ là “làm chứng cho đức tin”. Có người dùng cái chết để làm chứng, có người dùng cả cuộc sống. Tuy nhiên, chết đau thương nhục nhã hoặc chết âm thầm từng ngày, cả hai đều có giá trị như nhau. Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi được mời gọi bước theo Chúa Giêsu, nghĩa là chấp nhận những thử thách bách hại và cái chết trên thập giá để làm chứng cho Chúa. Còn Gioan, vị Tông đồ được Chúa Giêsu yêu mến lại làm chứng cho Chúa bằng chính cuộc sống của mình. Gioan tuy không được phúc tử đạo như các Tông đồ khác, nhưng đã sống một thời gian rất dài, để củng cố niềm tin của các tín hữu tiên khởi, nhất là để suy niệm và viết cuốn Tin mừng thứ tư và ba lá thư... Tất cả đều là những cách thức làm chứng cho Đấng đã chết và sống lại là Chúa Giêsu Kitô (Mỗi ngày một tin vui).

Top