Thứ Bảy tuần 28 Thường niên (+video)

Thứ Bảy tuần 28 Thường niên (+video)

Thứ Bảy tuần 28 Thường niên (+video)

Lc 12, 8-12

“Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố
nhận Thầy trước mặt thiên hạ,
thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy
trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa”
.
(Lc 12,8)

Chúa Giêsu tiếp tục đưa ra những lời khuyên cho các môn đệ mình. “Hãy mạnh dạn sống và rao giảng Tin Mừng, đừng sợ.” Ngài cũng tiếp tục đưa ra những lý do để họ luôn được an tâm:

1. Lý do thứ nhất vì trong ngày phán xét chính Chúa sẽ nhận những người dám can đảm làm chứng cho Ngài.

Sách Đường Hy Vọng dạy: Ðừng nhát sợ! Hãy xem Công Vụ Các Thánh Tông Ðồ: đói khát, rách rưới, trộm cướp, roi đòn, đắm tàu, vu vạ, tù ngục, chết chóc... Nếu con sợ, đừng làm tông đồ. (Số 167)

Con chỉ có một mối lo sợ: Tội lỗi.

Triều đình Hoàng Ðế Hy Lạp đã nhóm họp để bàn cách trả thù thánh Gioan Kim Khẩu vì ngài đã thẳng thắn khiển trách bà Hoàng Hậu.

Kế hoạch I: Bỏ tù.

- “Nhưng ông ấy sẽ được dịp cầu nguyện, chịu khó vì Chúa như ông hằng mong muốn.”

Kế hoạch II: Lưu đầy.

- “Nhưng đối với ông ấy, đâu cũng là đất Chúa.”

Kế hoạch III: Tử hình.

- “Ông sẽ được tử đạo, chúng ta sẽ thỏa mãn nguyện vọng ông: được về với Chúa.”

“Tất cả kế hoạch I, II và III không làm cho ông khổ đau, ngược lại ông sẽ vui sướng chấp nhận.”

Kế hoạch IV: “Chỉ có một điều ông khiếp sợ nhất, gớm ghét nhất là tội lỗi, nhưng bắt ông phạm tội không được!”

Nếu con chỉ sợ tội, thì không ai mạnh hơn con. (Đường Hy Vọng số 991)

Một vị tuyên úy người Mỹ vừa giảng một bài cho các binh sĩ Mỹ trong một thánh lễ tại một giáo đuờng ở Châu Âu. Chủ đề của bài giảng là: “Hãy tự hào về Đức tin Công giáo của bạn: Đừng xấu hổ khi phải tuyên xưng nó”.

Một người lính thuỷ nghe và cảm thấy hết sức xúc động nên sau thánh lễ người này đã chận vị tuyên úy lại ngay trước cửa giáo đường và hỏi:

- Thưa Cha, cha có bằng lòng nghe con xưng tội không ?

Vị tuyên úy trả lời:

- Tôi rất hạnh phúc được nghe anh xưng tội.

Thế là chàng lính thủy quì ngay xuống lối đi bên cạnh ngay trước giáo đường. Vị tuyên úy vội nói:

- Đừng quì gối kẻo thiên hạ nhìn kìa!

Chàng lính thủy đáp lại:

- Kệ họ, thưa cha, cứ để họ nhìn, con hãnh diện về đức tin của con.

Chúa Giêsu không đòi hỏi mọi người phải chết cho niềm tin, nhưng Ngài đòi hỏi phải tuyên xưng có nghĩa là phải làm cho cuộc sống của mình trở thành những chứng từ. Ngày nay, chúng ta ít thấy hay khó mà tìm ra được những cuộc bách hại đạo công khai, nhưng những khó khăn về mọi mặt mà người Kitô hữu đang phải trải qua trong cuộc sống, cũng đủ để họ tuyên xưng đức tin đến mức tử đạo. Ngược lại, nếu họ khước từ sống theo những cam kết của đức tin thì phải kể họ là những người chối đạo. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).

2. Lý do thứ hai là sẽ có Thánh Thần soi sáng để họ có thể ăn nói và ứng phó mà không ai có thể bắt bẻ được.

Trong Tông Huấn Ecclesia in Asia (Giáo Hội tại Á Châu) các nghị phụ đã khắng định: “Chúa Thánh Thần tác động trên xã hội loài người, trên các nền văn hóa, bằng cách biến đổi và tái tạo tâm trí con người. Ngài là nguồn gốc của những lý tưởng cao thượng, những công trình mang lại lợi ích cho nhân loại. Thánh Thần Thiên Chúa có khả năng nhìn xa trông rộng tuyệt vời đang điều khiển dòng lịch sử và đang canh tân bộ mặt trái đất” (RM số 28). 

Dạo tháng 2/1996, cùng với phái đoàn của Hội đồng Giám mục Pháp, một linh mục ký giả là cha Daniel, đã đến thăm một số giáo phận tại Việt Nam. Trong một bài ký sự được đăng trên một tờ báo Công giáo Pháp, cha Daniel đã gọi Việt Nam là đất thơm mùi máu các thánh tử đạo.

Chứng kiến cuộc sống sinh hoạt tôn giáo hàng ngày của các xứ đạo ở vùng quê, tác giả đã ghi lại từng chi tiết mà người dân Tây Phương ngày nay chỉ có thể ngỡ ngàng mà thôi: bốn giờ sáng chuông nhà thờ đổ hồi. Bốn giờ mười lăm phút, mọi người từ trẻ đến già lũ lượt đến nhà thờ. Bốn giờ ba mươi phút đọc kinh. Năm giờ, thánh lễ hoặc tham dự phụng vụ Lời Chúa.

Tại một nhà thờ chính tòa nọ, tác giả đã sửng sốt khi chứng kiến năm ngàn người đứng chật ních nhà thờ trong thánh lễ bốn giờ ba mươi phút mỗi ngày trong tuần.

Tác giả nhận định về thời khóa biểu tôn giáo này như sau:

“Rõ ràng là ở đó, người ta chỉ sống cho Thiên Chúa, cho niềm vui con người, ở đó Thiên Chúa là niềm vui của người nghèo.”

Còn Đức Tổng Giám mục Claudio Celli, sau những ngày làm việc của ngài tại Việt Nam hồi trung tuần tháng 10/1996, Ngài nói như sau:

“Con người có thể đặt ra những giới hạn cho sinh hoạt của Giáo Hội, nhưng không thể ngăn chặn tác động của Chúa Thánh Thần”.

Vâng, Giáo Hội Việt Nam đang có những sức sống đáng tự hào nhưng không phải vì đó mà chúng ta tự mãn. Hãy cố mà giữ lấy những hống ân Chúa ban.

 

Top