Thứ Bảy sau Lễ Thánh Gia Thất (+video)
Ga 1,43-51
"Chúng tôi đã gặp Đấng Messia"
(Ga 1,42)
1. Bài tường thuật ơn gọi của Philipphê và Nathanael:
- Philipphê là người môn đệ thứ tư (3 ông trước là Gioan, Andrê và Phêrô). Ông "là người Bethsaiđa, cùng quê với Andrê và Phêrô". Đức Giêsu trực tiếp gọi ông.
- Sau khi được Chúa gọi, Philipphê đã đến gặp Nathanael và giới thiệu Chúa cho ông này. Nathanael là người thường "ngồi dưới gốc cây vả". Kiểu nói "ngồi dưới gốc cây vả" có nghĩa là người thích tìm hiểu Thánh Kinh. Nathanael tìm hiểu Thánh Kinh, nhưng bị giam hãm trong những thành kiến cũ nên không tin rằng, từ Nazareth có thể xuất hiện một thứ gì hay được. Nhưng rất may là Đức Giêsu đã trực tiếp đến với ông, tỏ cho ông thấy Ngài đúng là một ngôn sứ, nên cuối cùng, Nathanael cũng đi theo làm môn đệ Ngài.
2. "Ông Philipphê đến gặp ông Nathanael và nói: Đấng mà sách Luật và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp": Tường thuật của Gioan về ơn gọi những môn đệ đầu tiên cho thấy Chúa thường gọi qua trung gian: Gioan và Andrê được gọi qua trung gian của Gioan Tẩy Giả, Phêrô được gọi qua trung gian Andrê, và Nathanael qua trung gian của Philipphê. Trung gian mà Chúa dùng có thể là một người mà cũng có thể là một sự việc, một biến cố nào đó.
Tôi đã được Chúa gọi. Vậy tôi cũng hãy làm trung gian giới thiệu người khác đến với Chúa.
3. "Ông Nathanael bảo: Từ Nazareth làm sao có cái gì hay được?": Mặc dù đã từng "ngồi dưới gốc cây vả" mà nghiền ngẫm sách thánh nhưng Nathanael đã không gặp được Đấng Cứu Thế, bởi ông mang nặng thành kiến, thành kiến về địa danh Nazareth tầm thường nhỏ bé.
Vâng! Thành kiến nhiều khi trở thành một rào cản không cho chúng ta nhìn thấy hết sự thật.
Một hôm cậu bé Tagore làm thơ và đưa lên cho cha cậu xem. Ông thân chinh chê lời:
- Dở lắm!
Hôm sau, cậu bé lại đem cho cha một sáng tác mới. Ông thân sinh cũng bĩu môi:
-Thơ này là thơ thẩn!
Tagore mới nghĩ ra một mưu. Cậu đem bài thơ của mình mới làm, chép lại thật kỹ và ghi xuất xứ là trích sao trong một cuốn thơ cổ. Cậu ta lại không quên đề tên cuốn thơ cổ ấy cẩn thận. Lần này ông thân sinh đọc xong, mắt sáng rực lên, vỗ đùi khen: Tuyệt! Tuyệt! - rồi đem khoe tíu tít với con trai lớn của ông hiện đang làm chủ nhiệm một tờ báo văn học: "Ba đã đọc rất nhiều thơ cổ, nhưng chưa thấy bài nào hay như bài này!"
Ông con trai chủ nhiệm đọc xong, cũng hết mình đồng ý, xoa tay khen ngợi là hay đáo để và muốn trích đăng lên mặt tờ báo của ông... Bấy giờ ông anh cũng như ông thân sinh đòi Tagore phải đem cuốn thơ cổ kia đối chiếu chứng minh và cũng dễ bề ghi xuất xứ khi đăng.
Đến đây câu chuyện mới vỡ lẽ ra: Có ai ngờ trên đây là một cuộc dàn cảnh bịa đặt của thằng bé Tagore. Ông thân sinh giận sôi máu lên. Nhưng rồi cũng phải nhìn con với cặp mắt thán phục và hối hận cho thái độ mâu thuẫn của mình xưa kia!
Không thể dùng thành kiến mà đánh giá con người hay vấn đề được, bởi vì thành kiến chỉ là một nhận định cục bộ từ một vài trường hợp cá biệt. Không phải vì đã có một vài trường hợp đã xảy ra như thế rồi kết luận rằng, tất cả mọi trường hợp đều sẽ phải xảy ra như thế.
Thế nhưng, con người lại rất dễ nhiễm thành kiến và thường xét đoán theo thành kiến. Chắc hẳn tôi cũng thế.
Chúng ta dễ có khuynh hướng nhìn người qua những lăng kính của những thành kiến có sẵn. Cái nhìn ấy khiến chúng ta suy ra xã hội thành nhiều hạng người và từ đó chúng ta đánh giá người khác theo những nhãn hiệu có sẵn. Chúa Giêsu không nhìn con người bằng cái nhìn ấy. Ngài nhìn xuyên suốt tâm hồn con người. Với Ngài, nơi mỗi người, tâm hồn đều có hình ảnh cao quí của Thiên Chúa. Ngài đã nhìn thấy cái hình ảnh cao quí ấy nơi những kẻ hèn mọn nhất trong xã hội.
Ông Nathanael hỏi Người: "Làm sao Ngài lại biết tôi?". Đức Giêsu trả lời: "Trước khi Philipphê gọi anh, lúc anh còn đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi" (Ga 1,48).
Chúa đánh giá Nathanael không theo cái nhìn của ông về Chúa mà là theo cái nhìn của Chúa về ông. Chúa nhìn thấy trong người đầy thành kiến này có những giá trị đặc biệt. Đó là thiện chí của ông. Ông đầy thành kiến nhưng không cố chấp. "Lạy Ngài sao Ngài biết tôi?" Câu trả lời của Chúa đã làm cho Nathanael xoay hẳn 180 độ, ông đã trở thành môn đệ của Chúa.
Vâng! Chỉ trong và với cái nhìn của Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể nhận ra nơi người anh em là hình ảnh cao quí của Thiên Chúa để có thể yêu thương, cảm thông, tha thứ, chịu đựng.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con mặc lấy tâm tình và cái nhìn của Chúa, để chúng con luôn nhận ra hình ảnh cao quí của Chúa nơi người anh em của chúng con.
Xin tẩy xóa nơi chúng con cái nhìn ích kỷ, nhỏ nhen ganh tị, để chúng con luôn nhìn về người anh em với ánh mắt cảm thông, tha thứ, yêu thương. Amen
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Đức Giêsu Kitô Vua Vũ trụ (+video)
-
Thứ Bảy tuần 33 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 33 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 33 Thường niên (+video) -
Thứ Tư tuần 33 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 33 Thường niên (+video) -
Thứ Hai tuần 33 Thường niên (+video) -
Chúa nhật 33 Thường niên năm B (+video) - Các thánh tử đạo Việt Nam -
Thứ Bảy tuần 32 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 32 Thường niên (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (+video)
-
Thứ Bảy tuần 5 Phục sinh (+video) -
Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật Truyền giáo (+video) -
Ngày 29/06: Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, tông đồ (+video) -
Thứ Bảy tuần 6 Phục sinh (+video) -
Thứ Sáu tuần 6 Phục sinh (+video) -
Thứ Năm tuần 5 Phục sinh (+video) -
Thứ Năm tuần 7 Phục sinh (+video) -
Thứ Năm tuần 6 Phục sinh (+video) -
Thứ Hai tuần 6 Phục sinh (+video)