TGP.TPHCM: Cử hành Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 44
WGPSG -- Vào lúc 14g30 Chúa nhật 16-05-2010, Lễ Chúa Thăng Thiên, Tổng Giáo phận TPHCM đã long trọng cử hành Ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 44 với chủ đề "Những phương tiện truyền thông hiện đại phục vụ Lời Chúa" tại Hội trường GB. Phạm Minh Mẫn của Trung tâm Mục vụ TGP.
Thành phần tham dự gồm có các linh mục, tu sĩ, giáo dân và các học viên lớp Mục vụ Truyền Thông khoá 1 của TGP.TPHCM.
Khởi đầu, ở ngoài sảnh đường, các học viên lớp Mục vụ Truyền Thông gặp gỡ giao lưu với nhau theo 16 nhóm (theo 15 giáo hạt và 1 nhóm Hoàn cảnh đặc biệt - Khuyết Tật). Đúng 15g, mọi người vào trong hội trường. Nhóm Lửa Hồng giúp cử toạ khởi động với những bài hát và múa minh hoạ, tạo bầu khí truyền thông ấm áp giữa các tham dự viên. Đặc biệt, đang lúc khởi động, Đức cha Phụ tá xuất hiện. Mọi người chào đón ngài bằng một tràng pháo tay thật nồng nhiệt. Sau đó, ngài cùng với mọi người, hát và múa 2 bài: “Gieo mầm tin yêu” của Ý Vũ và bài “Đem tin vui” của Phan Ngọc Hiến, khiến cho bầu không khí của hội trường sôi động hẳn lên.
Diễn giải Sứ điệp
Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã khai mạc chương trình với bài diễn giải “Sứ điệp của Đức Thánh Cha” một cách hết sức hùng hồn, sâu sắc và đầy đủ ý nghĩa. Trước khi nhập đề, ngài có “mở một dấu ngoặc đơn”: “Sứ điệp này, ĐTC viết cho các linh mục trong Năm Linh mục, nhưng không sao, các anh chị cũng là “linh mục” qua bí tích Rửa tội (Linh mục cộng đồng), nên cũng được xem như là ĐTC viết cho anh chị em”.
Ngài mở đầu với kinh nghiệm dấn thân của một Kitô hữu trong ngành truyền thông: ông Tom Peterson. Trước đây, ông làm trong ngành quảng cáo, nhưng sau khi đã cảm nghiệm về Chúa và xác tín Chúa là trên hết, ông đã thay đổi cuộc sống: đi lễ hằng ngày thay vì chỉ đi ngày Chúa nhật, siêng năng xưng tội và đọc Kinh Thánh; ông đã lập trang web để quảng bá hình ảnh về Giáo Hội, chống phá thai và giúp những người đã lỡ phá thai. Đặc biệt, trang catholicscomehome.org đã kêu mời những người bỏ đạo trở về với Giáo Hội, còn gọi là tái Phúc âm hoá. Kết quả thật bất ngờ: chỉ trong 3 tuần đã có 3000 người bỏ đạo trở về với Giáo Hội Công giáo. Chẳng khác gì thánh Phêrô, sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần, chỉ với một bài giảng, ngài đã làm rung động muôn con tim, khiến 3000 dân ngoại gia nhập đạo thánh Chúa (x. Cv 2,37-41). Cho đến nay, con số trở về đã tăng lên 200.000 người. Chia đều phí tổn cho 200.000, ông Tom Peterson tính ra chỉ tốn có 10 USD cho một người trở về đạo. Quá rẻ phải không? Quả thật, ngoài tầm ước mơ! Hơn nữa, không chỉ những người đã bỏ đạo trở về mà cả những người chưa từng biết Chúa cũng cảm nhận về Chúa và xin gia nhập Giáo Hội.
Đức cha nhấn mạnh: “Vì thế chúng ta hãy phục vụ cho công cuộc loan báo Tin Mừng bằng chính những công việc trần thế của mình.”
Bước vào sứ điệp, ngài nêu 4 yếu tố chính trong hoạt động truyền thông là: nguồn, phương tiện, sứ điệp, và đối tượng. Dựa trên 4 yếu tố này, ngài diễn giải sứ điệp như sau:
Nguồn là chính chúng ta, những người làm công tác truyền thông, những người được sai đi loan báo Tin Mừng cứu độ. Thánh Phaolô viết: “Quả thật, tất cả những ai kêu cầu danh Chúa đều sẽ được cứu thoát. Thế nhưng, làm sao họ kêu cầu vị Chúa mà trước tiên không tin vào Ngài? Làm sao tin Đấng họ không được nghe? Làm sao nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 11,13-15).
Phương tiện là truyền thông kỹ thuật số. Ngay chính tựa đề của sứ điệp đã nói lên điều đó: “Linh mục và việc mục vụ trong thế giới kỹ thuật số: những phương tiện truyền thông hiện đại phục vụ Lời Chúa”. Lý do là:
1. Chúng ta đang ở trong thời đại kỹ thuật số.
2. Đó là cách thế nối dài mầu nhiệm Nhập Thể.
3. Truyền thông kỹ thuật số là cách đến với người trẻ.
4. Cũng là cách thế đến với những anh em ngoài Giáo Hội.
Sứ điệp là nhằm mục đích loan báo Tin Mừng. Đó là:
1. Loan báo Chúa Kitô.
2. Xây dựng sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa.
Để trở thành người truyền thông đích thực:
1. Chúng ta phải hiện diện trên trang web như chứng nhân Tin Mừng.
2. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải hiểu biết giáo lý cùng với đời sống cầu nguyện.
Đối tượng đây chính là những con người đang theo các tôn giáo khác, những người không tin, những người thuộc mọi nền văn hoá, những người nản chí và những người đang khao khát chân lý vĩnh cửu và tuyệt đối, những người mà ĐTC đã ví von rất hay: “Đúng như ngôn sứ Isaia đã thị kiến về một ngôi nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc (x. Is 56, 7), làm sao chúng ta lại có thể không nhìn thấy mạng web đang mở ra một không gian – giống như “hành lang của dân ngoại” trong Đền Thờ Giêrusalem – dành cho những người chưa biết Chúa.”
Để kết thúc, Đức cha nhắc nhở mọi người hãy kết hợp khả năng chuyên môn của mình với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần để trở thành sứ giả loan báo Tin Mừng trong thời đại kỹ thuật số hôm nay.
Thay lời cám ơn, Ban Mục vụ Truyền thông đã dâng lên Đức cha bó hoa tươi thắm và một món quà lưu niệm là bức phù điêu Chúa Thăng Thiên. Tuy nhiên, sau khi lưu bút tích và chữ ký của mình, ngài đã tặng lại cho Ban tổ chức để bán đấu giá gây quỹ cho Ban Mục vụ Truyền thông. Qua nhiều vòng đấu giá rất sôi nổi, hào hứng và thú vị, kết quả thật bất ngờ: Anh Tôma Phan Tấn Phú đã mua với giá 20 triệu đồng để ủng hộ cho sinh hoạt Mục vụ Truyền Thông của Giáo phận.
Chia sẻ và giao lưu
Sau đó, từ 16g đến 17g30, các tham dự viên được chia thành 16 nhóm để thảo luận và chia sẻ các câu hỏi mà Ban Mục vụ Truyền thông đặt ra. Rồi mọi người cùng giao lưu cá nhân với nhau trong bữa ăn nhẹ: bánh ngọt, rượu nho và nước khoáng. Những người cùng nhóm, cùng giới, cùng lãnh vực như: tu sĩ, ca sĩ, hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà sách, doanh nhân,… nay có dịp gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Họ thăm hỏi, giao lưu, chia sẻ và thông tin cho nhau trong một ngày hội lớn như thế này. Quả thật là rất… “Truyền thông”!
Văn nghệ và đúc kết thảo luận
Khoảng 17g30, mọi người quy tụ về hội trường chào đón Đức Hồng y, vị cha chung của Giáo phận, và cùng nhau đúc kết những gì đã thảo luận trong các nhóm. Các vị đại diện cho các liên nhóm (5 liên hạt và 1 nhóm Khuyết tật) trình bày xen kẽ với các tiết mục văn nghệ rất là sinh động mang nhiều ý nghĩa truyền thông.
Liên hạt 2 (Tân Sơn Nhì, Chí Hoà, Phú Thọ)
Chia sẻ câu số 2: Bạn có thể đóng góp những gì cho Mục vụ Truyền thông của giáo xứ và giáo phận?
Các anh chị trong liên hạt đang đóng góp cho Mục vụ Truyền thông bằng cách:
1. Vận dụng ngành khoa học ưu việt.
2. Đi vào xa lộ thông tin.
3. Gầy dựng đội ngũ kỹ thuật.
4. Tiếp thị và PR cho việc loan báo Tin Mừng.
5. Tạo trang web của giáo xứ.
6. Tạo diễn đàn và tư vấn.
7. Thực hiện Năm Thánh 2010: Giáo hội Mầu nhiệm-Hiệp thông-Sứ vụ.
Văn nghệ: Liên hạt đã trình diễn tiết mục hợp xướng: “Lắng tiếng ru đêm” của Phạm Đức Huyến.
Liên hạt 1 (Bình An, Xóm Chiếu, Chợ Quán)
Chia sẻ câu số 1: Để phục vụ Lời Chúa, bạn đã sử dụng những phương tiện truyền thông nào?
Các anh chị trong liên hạt đã sử dụng:
+ Các phương tiện truyền thông truyền thống như:
1. Tiếp xúc cá nhân.
2. Tranh ảnh.
3. Sách, báo.
4. Ca nhạc, kịch, xiếc.
5. Triển lãm tranh chủ đề.
6. Áp phích, băng rôn.
+ Các phương tiện truyền thông hiện đại như:
1. Điện thoại di động, nhạc đạo.
2. Internet, Email.
3. Trang web.
4. Viết blog, lời bình.
5. Album ảnh.
6. Game online Kinh Thánh.
7. Slide show.
8. CD, VCD, DVD, Video.
Văn nghệ: Liên hạt đã hát với vũ điệu cộng đồng: “Chúa là cây đàn” của Lm. Tiến Lộc.
Liên hạt 3 (Gia Định, Thủ Đức, Thủ Thiêm)
Chia sẻ câu số 3: Bạn thu thập được những gì từ Lớp Mục vụ Truyền thông khoá 1?
Các anh chị trong liên hạt đã nhận được những điều sau đây:
1. Thay đổi cách suy nghĩ về truyền thông.
2. Trở thành nhà báo của Giáo Hội.
3. Cầu nối cho các đoàn thể trong giáo xứ.
Văn nghệ: Liên hạt đã diễn tiểu phẩm: “Sức mạnh truyền thông” của Hồ Anh Minh.
Liên hạt 4 (Gò Vấp, Xóm Mới, Hóc Môn)
Chia sẻ câu số 4: Việc tạo Giáo xứ trên titocovn.com mang lại ích lợi gì cho giáo xứ bạn?
Các anh chị trong liên hạt đã nhận thấy những ích lợi sau:
1. Giáo dân biết rõ về giáo xứ của mình.
2. Giáo dân biết về những linh mục đã và đang phục vụ trong giáo xứ.
3. Loan báo Tin Mừng qua đời sống đức tin và sống đạo.
4. Tham gia công việc truyền thông để khai thông dòng chảy hiệp thông, xây dựng văn minh tình thương, sự sống và sự thật.
5. Gieo hạt giống tình thương.
Văn nghệ: Liên hạt đã hát múa tiết mục: “Người gieo giống”.
Nhóm hoàn cảnh đặc biệt (Khuyết tật)
Chia sẻ câu số 6: Bạn làm PR (Quan hệ Công chúng) cho Giáo Hội như thế nào?
Các anh chị trong nhóm đã làm PR cho Giáo Hội bằng:
1. Đời sống đạo đức, yêu thương.
2. Tạo mối quan hệ tốt với mọi người.
3. Làm việc từ thiện như là nghĩa cử yêu thương.
4. Tổ chức và tham gia các hoạt động xã hội.
5. Giao tiếp, báo đài, website, forum.
Văn nghệ: Bạn Hoài Phương đơn ca bài: “Chỉ yêu mình Chúa” của Hà Xuân Duy.
Liên hạt 5 (Tân Định, Sài Gòn, Phú Nhuận)
Chia sẻ câu số 5: Bạn thực hiện Linh đạo Truyền thông như thế nào?
Các anh chị trong liên hạt đã trình bày sơ lược những bài mình đã học, sau đó tìm hiểu “Linh đạo truyền thông là gì?” và cuối cùng là phần trả lời câu hỏi “Bạn thực hiện linh đạo truyền thông như thế nào?” Trả lời:
1. Thực hiện linh đạo truyền thông trong từng hơi thở.
2. Mỗi sáng mai thức dậy rất vui vì được sống trong tình yêu Chúa.
3. Chia sẻ niềm vui:
- Bẻ bánh đời mình theo gương Chúa Giêsu. Chia bánh vật chất: Thăm viếng, giúp đỡ người nghèo. Chia bánh tinh thần: Bắt tay, ánh mắt, nụ cười, cảm thông, tha thứ…
- Dạy giáo lý, chia sẻ kinh nghiệm sống bằng lời.
- Gởi tin nhắn, những lời khích lệ, động viên, làm những ý lực sống trong ngày.
- Làm các slide show có ý nghĩa gởi bạn bè.
- In những tập sách nhỏ tiện lợi, có giá trị để tiếp thị Tin Mừng.
- Làm bảng tin, những bích chương quảng cáo Tin Mừng.
- Đối với các sứ giả Tin Mừng, viết blog chính là thực hiện và chia sẻ linh đạo truyền thông. Viết những tâm tình trải nghiệm từ cuộc sống với Chúa và với tha nhân.
Văn nghệ: Liên hạt đã hát vũ điệu cộng đồng: “Đi trong ánh sáng”.
Xen kẽ giữa các bài đúc kết chia sẻ là các bài hát rất hay và sôi động, mang màu sắc truyền thông, do các ca sĩ công giáo nổi tiếng trình diễn như: Hà Bảo Thu, Thanh Sử, Xuân Trường, Hoàng Hiệp, Y Dưk và Thủy Tiên.
Tiếp đến, Ban Mục vụ Truyền thông đã dâng lên ĐHY bó hoa tươi thắm và một món quà lưu niệm là bức phù điêu Chúa Thăng Thiên. Cũng như Đức cha phụ tá, ngài đã lưu bút tích và chữ ký của mình, rồi tặng lại Ban tổ chức để bán đấu giá gây quỹ cho Ban Mục vụ Truyền thông. Một lần nữa, hội trường lại sôi nổi, hào hứng bước vào vòng đấu giá. Qua nhiều vòng đấu giá, chị Maria Trần Thị Huyền, giáo xứ Gia Định đã mua với giá 21 triệu đồng. Thế là cha Trưởng ban lại nở một nụ cười rạng rỡ trên môi, vì có thêm ngân quỹ chi phí cho chương trình Mục vụ Truyền thông của Giáo phận.
Nhận xét của Đức Hồng Y
Sau khi đã nghe các liên hạt chia sẻ đúc kết và trình bày văn nghệ, ĐHY nhận định, Ngày Thế Giới Truyền Thông và các học viên Mục vụ Truyền Thông chính là ơn Chúa ban. Các học viên sẽ ra đi loan báo Tin Mừng, tiếp tay giúp ngài hoàn thành nhiệm vụ. Ngài cám ơn tất cả mọi người. Sau đó, theo đề nghị của cha Trưởng ban, ĐHY chấm điểm các liên hạt như sau: Liên hạt 5 (linh đạo truyền thông) rất thuộc bài, liên hạt 3 (tiểu phẩm Sức mạnh truyền thông) biết áp dụng vào thực tế cuộc sống, còn nhóm Hoàn Cảnh Đặc Biệt (làm PR cho Giáo Hội) đã mang đến cho ngài một niềm cảm phục sâu sắc và một nỗi xúc động rất sâu xa, mà ngài gọi là đã “khích lệ” ngài rất nhiều. Cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay dường như không dứt, trong khi ĐHY đến tận nơi trao phần thưởng cho anh trưởng nhóm Hoàn Cảnh Đặc Biệt (Khuyết tật).
Thánh lễ Chúa Thăng Thiên
Khoảng 19 giờ, Đức Hồng y chủ sự thánh lễ đồng tế cùng với cha Tổng Đại diện và quý cha, cầu nguyện cho công cuộc truyền thông của Giáo phận. Trong bài giảng, ngài nhấn mạnh: Trách nhiệm loan báo Tin Mừng Phục sinh là của mọi người, người nhận được tin vui trước thì loan báo cho người đến sau. Chính Chúa Thánh Thần sẽ chỉ cách cho chúng ta loan truyền Tin Mừng Phục sinh, chính Ngài sẽ soi sáng cho chúng ta biết phân định đâu là tin vui, tin lành để chúng ta mang bình an và yêu thương đến cho mọi người.
Sau thánh lễ, Đức Hồng y đã tận tay phát chứng chỉ và cha Trưởng ban Mục vụ Truyền thông đã trao quà lưu niệm cho các học viên của lớp Mục vụ Truyền thông khoá 1. ĐHY cũng trao giải thưởng cho các nhóm đạt thành tích xuất sắc trong khóa học. Đó là các nhóm thuộc hạt Phú Thọ, Tân Sơn Nhì và Tân Định. Đặc biệt, một phần thưởng cá nhân độc nhất dành cho học viên linh mục duy nhất: cha Giuse Vũ Minh Danh, chánh xứ Tân Phước. Theo cha Trưởng ban, cha Danh chính là tấm gương sáng cho mọi học viên và cả cho các giảng viên. Cũng chính cha Danh đã tặng cho mỗi người một đĩa VCD: “Đức Mẹ hiện ra ở Fatima”. Trước đó, Uỷ ban Mục vụ Truyền thông trực thuộc HĐGMVN cũng gửi quà tặng gồm một số băng đĩa mang chủ đề Truyền Thông.
Bế mạc chương trình
Chương trình kết thúc vào lúc 22g00. Mọi người ra về trong niềm hân hoan “rằng: Thiên Chúa thật gần gũi; rằng: trong Chúa Kitô, tất cả chúng ta thuộc về nhau” (ĐTC Benêđictô XVI). Để rồi, ngay từ hôm nay, chúng ta sẽ tích cực sử dụng các phương tiện truyền thông, làm cho công cuộc loan báo Tin Mừng và hiệp thông trong Giáo phận ngày càng tốt đẹp hơn.
Thật vậy, giữa một thế giới đầy những biến động và ồn ào hôm nay, lương tâm thúc đẩy người giáo dân dấn thân sâu xa và hăng say “làm cho những giá trị luân lý thấm nhập vào văn hóa và các công trình của loài người. Nhờ vậy, cánh đồng thế giới mới được chuẩn bị kỹ càng hơn để đón nhận Lời Thiên Chúa.” (Lumen Gentium, số 36)
Ước mong rằng, Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội sẽ khắc sâu trong trái tim mọi người những lời rất đẹp của Đức Thánh Cha: “Nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại, Thiên Chúa có thể đi dạo trên những nẻo đường các thành phố của chúng ta, dừng chân trước ngưỡng cửa ngôi nhà và con tim của chúng ta, và một lần nữa lên tiếng gọi: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3, 20).
bài liên quan mới nhất
- Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio - Hiệp thông và Tiến bộ
-
Truyền thông Công giáo được kêu gọi loan truyền Tin Mừng -
Truyền thông và những giấc mơ đẹp -
Trí tuệ nhân tạo và Giáo hội: AI đang định hình công tác mục vụ như thế nào? -
Các nhà truyền giáo kỹ thuật số Công giáo được mời gọi tiếp tục loan báo Tin Mừng trực tuyến -
Liên nhóm Mục vụ Truyền Thông Tân Chí Thọ mừng Bổn mạng 19.10.2024 -
Hiệp hội Truyền thông Công giáo Á châu tổ chức Đại hội 2024 -
Thoáng nhìn Trí tuệ nhân tạo theo quan điểm Kitô giáo: Cơ hội và thách đố -
Hội ngộ truyền thông thường niên năm 2024 -
Sứ mạng Truyền giáo tại Châu Á, một cuộc hội nhập Văn hóa theo bước chân của các chứng nhân vĩ đại của Đức tin
bài liên quan đọc nhiều
- Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ
-
Cậu bé 14 tuổi gặp Chúa nhờ video Công giáo -
Kết quả Tổng điều tra dân số 2019 -
Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024: Trí tuệ nhân tạo và hòa bình -
Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trong đời sống nhân loại hôm nay (2) -
Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2023 -
Hội ngộ Truyền thông thường niên 2021 của Công giáo Việt Nam -
Bộ Truyền Thông: Tài liệu suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19 -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo