Tập ba của bộ sách gồm ba tập của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI viết về Chúa Giêsu

Tập ba của bộ sách gồm ba tập của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI viết về Chúa Giêsu

15/08/2010 – Nhân dịp lễ kính Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor, tờ báo Osservatore Romano của Vatican đã giới thiệu với độc giả của báo bức tranh của Raphael vẽ cảnh Chúa Giêsu biến hình. Bức tranh được tờ báo coi là “bức tranh đẹp nhất thế giới”.

Bức tranh “Chúa biến hình” là tuyệt tác cuối cùng của nhà họa sĩ vĩ đại đã được đặt phía bên trên bàn thờ chính của thánh đường Saint-Pierre-in-Montorio ở Roma từ năm 1520 đến năm 1797, thời điểm bức tranh bị Napoléon đem về Pháp.

Được đưa về lại Roma mười lăm năm sau đó, bức tranh được đặt trong một căn phòng của Bảo tàng Vatican.

Sự kiện này đã khiến Đức giám mục Marco Agostini –thuộc khối hai của phủ Quốc vụ khanh, trưởng nghi thức Tòa Thánh và say mê đối với phụng vụ và nghệ thuật thánh, đã than phiền trên tờ Osservatore Romano là vị trí không thích hợp này đã làm giảm đi “ba phần tư khả năng diễn đạt” của bức tranh.

Thực vậy, khi được đặt phía bên trên bàn thờ, bức tranh về sự “Biến hình” đã giúp linh mục và tín hữu trong thánh lễ “thấy” được mầu nhiệm đang được cử hành, “thấy” Đức Kitô vinh hiển trong bánh được hiến thánh. Raphael đã hình dung và đã vẽ công trình của mình vì mục đích này. Nhưng bị đặt trong một Bảo tàng, khả năng diễn đạt và vai trò phụng vụ của bức tranh không còn nữa.

Trong bài giải thích của mình, Đức cha Agostini lưu ý độc giả về nhân vật xuất hiện ở trung tâm của phần dưới bức họa của Raphael: một phụ nữ trong tư thế quỳ, qua cử chỉ của mình, cho thấy đang cầu xin các tông đồ thương đến người thanh niên bị quỷ ám và dùng quyền năng của đức tin chữa lành cho cậu.

Trong ý định tiên khởi của Raphael, người phụ nữ này –hẳn phải lả mẹ của đứa trẻ– là biểu tượng của đức tin. Một đức tin vượt thắng sự cứng tin mà bản thân các Tông đồ cũng bị cám dỗ mắc phải. Một đức tin chiếu sáng như Đức Kitô biến hình, trung tâm điểm của mọi sự.

Có người nói rằng Đức Bênêđictô XVI, sau các Thông điệp dành cho đức bác ái và cậy trông, hẳn đang viết một Thông điệp khác dành cho đức thứ ba của nhân đức đối thần là đức tin. Thực tế lại không phải vậy. Tại Castel Gandolfo –nơi ngài tới ở từ đầu tháng Bảy và sẽ ở đây cho tới tháng Mười-, Đức giáo hoàng đang viết phần ba của tập sách “Chúa Giêsu Nazaret”, dành cho các Tin Mừng về thời thơ ấu.

Tập đầu của bộ sách gồm ba tập này đã được xuất bản vào năm 2007. Tập hai đã được trao cho nhà in và sẽ được phát hành trong nhiều thứ tiếng cùng lúc vào mùa Chay năm 2011.

Điều quan trọng cần lưu ý là sự Biến hình của Chúa Giêsu chiếm một vị trí trung tâm trong toàn bộ công trình. Sự kiện Biến hình đã được đề cập đến trong tập thứ nhất và là điểm xuất phát của tập thứ hai vốn tập trung vào cuộc Thương khó, cái Chết và Sống lại của Chúa Giêsu.

Thực vậy, trong sự Biến hình, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI viết trong tập thứ nhất, “bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu đi cùng với thập giá”. Chúa Giêsu nói với Môsê và Êlia là Người “cần phải chịu thống khổ. Mầu nhiệm này, được “Thiên Chúa thiết lập từ muôn thuở” (1 Cr 2, 7) đã được mạc khải nơi Đức Kitô bị đóng đinh.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong bức tranh ghép ảnh nổi tiếng ở hậu cung Vương cung thánh đường Saint-Apollinaire-in-Classe, ở Ravenne, có từ thế kỷ V, Chúa Kitô biến hình được diễn ta bằng một thập giá lớn bằng đá quý, trên nền trời đầy sao.

Trong bức tranh của Raphael cũng thế, Chúa Giêsu cũng giang tay như ở trên thập giá vậy.

Là trung tâm của tường thuật của Tin Mừng, sự Biến hình cũng nhất thiết phải là tiêu điểm của mọi nền thần học có mục đích tìm hiểu mầu nhiệm Chúa Kitô.

Đó cũng là điểm mà nhà thần học Inos Biffi đã giải thích trong bài báo bậc thầy được đăng trên tờ Osservatore Romano, mấy ngày trước lễ Chúa Giêsu biến hình.

(Theo Sandro Magister, chiesa.espresso.repubblica.it, 10.08.2010)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top