Tân Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin và thần học giải phóng

Tân Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin và thần học giải phóng

Tân Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin và thần học giải phóng

WHĐ (31.07.2012) / la-croix – Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin là một nhân vật quan trọng trong Giáo triều Rôma, vì ngài đứng đầu một “Bộ’ của Đức giáo hoàng có thẩm quyền với các vấn đề thần học liên quan đến đức tin và luân lý. Và còn hơn thế nữa vì chính Đức giáo hoàng cũng là một nhà thần học, và đứng đầu Bộ này trong nhiều năm.

Nhưng khi bắt đầu đảm nhận sứ vụ mới kể từ ngày 2 tháng Bảy vừa qua, Đức TGM Gerhard Müller, người rất gần với Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, đã gây nên một số thắc mắc, đặc biệt là về phía những người ủng hộ truyền thống của Giáo Hội, vì ngài có liên hệ với nhà thần học giải phóng Gustavo Gutiérrez. Cuộc trao đổi dài của vị tân bộ trưởng đăng trên L’Osservatore Romano ngày thứ Năm 26 tháng Bảy, là cơ hội để ngài giải thích.

Liên quan đến Huynh đoàn Thánh Piô X và Hội đồng Lãnh đạo các Nữ tu Hoa Kỳ (LCWR), hai vấn đề thuộc phận vụ của Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức TGM nhận định: những người của Huynh đoàn không thể “dựa vào Truyền thống của Giáo Hội, rồi sau đó lại chỉ chấp nhận một phần Truyền thống ấy”.

Về các nữ tu, bác bỏ các lập luận ủng hộ việc phong chức cho phụ nữ, ngài lưu ý rằng “không thể tuyên thệ giữ ba lời khấn rồi lại không tôn trọng”.

Nhưng chính những phát biểu của vị tân Bộ trưởng về thần học giải phóng mới được coi là cách tân nhất. Năm 1988, Đức giám mục Müller được mời tham dự một hội thảo ở châu Mỹ Latinh cùng với Gustavo Gutiérrez; mới đầu ngài còn dè dặt, nhưng sau đó đã bị chinh phục: “Tôi thấy cần phải phân biệt thần học giải phóng sai lầm với thần học giải phóng khác, đúng đắn. Tôi tin rằng mọi nền thần học đúng đắn đều có liên quan đến tự do và vinh quang của con cái Thiên Chúa”.

Ngài nói: “Chắc chắn phải loại bỏ việc trộn lẫn học thuyết tự cứu rỗi của chủ nghĩa Mácxít với Ơn cứu rỗi được Thiên Chúa ban”. Tuy nhiên, ngài nói tiếp: “Làm sao có thể nói về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa trước những đau khổ của biết bao người chẳng có lương thực, nước uống, cũng chẳng được chăm sóc, họ không biết gầy dựng tương lai cho con cái mình ra sao, khi mà nhân phẩm chẳng còn, khi mà quyền con người không được những kẻ có quyền lực màng tới?”

Thật vậy, thần học giải phóng phát xuất từ kinh nghiệm nghèo đói và sự bóc lột, đồng thời cũng khẳng định nếu những từ ngữ như “ơn cứu độ và sự giải thoát nơi Đức Giêsu Kitô” không gợi lên những ý nghĩa rõ rệt, cụ thể thì cũng vô ích mà thôi.

Vậy phải chăng Roma đang phục hồi nền thần học này? Thực tế, phải phân biệt hai bản văn của Bộ Giáo Lý Đức Tin liên quan đến thần học giải phóng. Bản văn thứ nhất, năm 1984, mạnh mẽ cảnh cáo việc sử dụng tư tưởng mác-xít. Trái lại, bản văn thứ hai, năm 1986, vạch ra một lộ trình cho một nền thần học như thế, trong truyền thống Kitô giáo.

Nhưng sự thật là, ở Roma, thần học giải phóng tiên thiên vẫn bị nghi ngờ. Đức giám mục Müller đặt lại nền thần học này trong bối cảnh rộng hơn của học thuyết xã hội của Giáo Hội. Chính ngài, là “con trai một công nhân bình thường của hãng Opel” ở Mainz, đã chịu ảnh hưởng di sản của Đức giám mục Wilhelm von Ketteler, giám mục giáo phận Mainz hồi thế kỷ XIX, người mở đường cho học thuyết xã hội của Giáo Hội.

Đức TGM Müller cho biết mỗi năm ngài đều đến sống tại châu Mỹ Latinh hai hoặc ba tháng, “trong những điều kiện cực kỳ đơn giản”. Ngài thú nhận: “Lúc đầu, đối với một người ở Trung Âu, phải cố gắng rất nhiều. Rồi, khi bắt đầu quen biết mọi người và thấy được họ sống trong những điều kiện ra sao, người ta sẽ chấp nhận ...” Năm 2004, Đức Tổng giám mục Müller đã viết chung với cha Gutiérrez một cuốn sách về nghèo đói và thần học giải phóng.

(Theo Isabelle de Gaulmyn, la-croix, 27-07-2012)

 

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top