Suy niệm Lời Chúa: Thứ Ba tuần 5 TN năm lẻ (+ video )

Suy niệm Lời Chúa: Thứ Ba tuần 5 TN năm lẻ (+ video )

Suy niệm Lời Chúa: Thứ Ba tuần 5 TN năm lẻ (+ video )

THỨ BA TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

Mc 7,1-13
 
"Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa."
(Mc 7,13)

Có hai điều Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay

1. Về thói giả hình.

Ngày xưa Chúa đã phê phán: "Dân này kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta" (Mc 7,6).
Chẳng cần phải nói nhiều, chúng ta cũng thấy, ngày nay người ta sống giả dối với nhau rất nhiều. Cái gì ngày nay người ta cũng có thể làm giả được. Nếu như trước đây chỉ mới có chân giả, da giả thì ngày nay có hàng loạt những thứ giả khác như tóc giả, lông mi giả, hoa giả, trái cây giả. Gần đây chúng ta còn được nghe rất nhiều những thứ giả khác: Bằng giả, chứng chỉ giả, tiến sĩ giả... Những thứ ấy còn đi vào cả những sinh hoạt thiêng liêng như mâm quả, hoa, nến, nhang, đèn giả. Mức độ "giả" rất tinh vi nên nhiều khi cái giả xem ra còn đẹp hơn cả những cái thật, khó mà phân biệt được. Ở đây Chúa Giêsu mới chỉ nói đến "Giả hình". Ngày nay còn một thứ giả tệ hơn. Đó là "Giả nhân giả nghĩa"."Giả hình" mà còn đáng trách thì "giả nhân giả nghĩa" còn đáng trách hơn chừng nào.

Sách cổ học tinh hoa có chép một câu chuyện xảy ra tại Hàn Châu. Có một người bán trái cây đã tìm ra được một bí quyết giữ cho cam lâu ngày mà vỏ cam vẫn luôn đỏ hồng. Ông bán với giá rất đắt, thế mà thiên hạ vẫn tranh nhau mua. Có người mua được một trái đem về bóc ra mới vỡ lẽ ra bên trong chỉ là một trái cam thối. Người đó bèn đem trả lại cho người bán và mắng nhiếc thậm tệ.

Chúa Giêsu cũng đã nghiêm trách những thành phần lãnh đạo thời đại của Ngài. Ngài so sánh họ với mồ mả tô vôi, bên ngoài thì sơn phết bóng bẩy, nhưng bên trong chỉ là những xác chết hôi thối.

Lạy Chúa, xin giúp con biết thờ phượng Chúa trong Thần Khí và sự thật (Ga 4,23). (Epphata)

2. Còn về vấn đề truyền thống của tiền nhân thì Chúa muốn ta phải hiểu thế nào?

Xin đan cử một thí dụ:
Một nhà quí phái kia mở một bữa tiệc để thết đãi khách. Trong số những thực khách được mời tham dự bữa tiệc này có một bác nông dân. Sở dĩ bác nông dân này được mời vì bác là người giàu có trong vùng, lại có lòng tốt. Chính bác đã tặng cho nông dân ở trong vùng một số tiền lớn để xây cất một nhà thương.

Hôm ấy, trên bàn ăn người ta dọn ra món đầu tiên là cua nướng. Ngoài dĩa cua nướng dọn cho mỗi người, người ta còn để ở bên cạnh một ly nước nóng và một lát chanh tươi.

Vì là một nông dân, tính tình chất phác, không lễ nghi khách sáo, đàng khác có lẽ bác nông dân kia cũng đã đói, vì thế sau khi khai mạc bữa tiệc, bác đã cắm đầu cắm cổ ăn một hơi hết món cua nướng.

Ăn cua xong, thấy bên cạnh đó có một ly nước nóng và một lát chanh tươi, tưởng là để cho khách uống, nên bác nông dân vắt chanh vào nước rồi uống một hơi hết sức tự nhiên. Thực ra đây là những thứ để rửa tay, sau khi ăn món cua nướng.

Thấy bác nông dân ăn uống như thế, mọi người chung quanh đều trố mắt nhìn nhau rồi tủm tỉm cười với một sự khinh bỉ. Nhưng riêng với ông chủ nhà, khi thấy bác nông dân kia đã uống như thế, thì ông đã xử sự một cách hết sức khôn khéo. Ông cũng vắt chanh vào ly nước của ông và đưa lên uống, để bác nông dân không bị mất mặt trước những thực khách được mời hôm đó.

Thế là mọi người trong bàn tiệc hôm đó, không ai bảo ai, tất cả đều vắt chanh vào ly nước của mình, rồi bưng lên uống.
Một tập tục đã được bỏ qua. Như vậy, tập tục chỉ có giá trị tương đối. Tất cả những nghi thức bên ngoài chỉ có giá trị đích thực khi chúng hướng về Thiên Chúa, thể hiện được xã hội tính và tinh thần tôn trọng con người. Không vì những mục đích đó thì mọi nghi thức, tập tục, cung cách, chỉ là những sinh hoạt giả dối trống rỗng.


 

Top