Suy niệm Lời Chúa: Lễ các Thánh tử đạo Việt Nam (+ video)
LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Mt 10,17-22
Kính thưa anh chị em.
Hôm nay Giáo hội Việt Nam chúng ta hân hoan và hãnh diện mừng kính các Thánh Tử Đạo tại VN.
1. Chúng ta hân hoan và hãnh diện vì 3 lý do:
- Trước hết vì các ngài là người đã chết trên dất nước Việt Nam thân yêu này của chúng ta. Tertulianô sử gia của Lamã thuở xưa đã nói: “Hạt máu của những vị tử đạo là hạt giống nảy sinh ra những người kitô hữu khác." Thật không gì vui mừng và hãnh diện, tự hào khi đất nước chúng ta có những vị thánh góp mặt với Giáo Hội toàn cầu.
- Tiếp đến là vì số lượng lớn lao đông đảo các Thánh tử đạo VN của chúng ta đã có mặt trong Lịch sử của Giáo Hội. Với 117 vị Thánh, Giáo Hội VN được xếp hạng nhất nhì trong sổ bộ các thánh đã được Giáo Hội phong thánh.
- Và cuối cùng chúng ta hân hoan và hãnh diện vì các Ngài là những người đã trung thành với niểm tin và đã lấy đời mình làm chứng nhân anh hùng cho niềm tin đó
Đọc lại tiểu sử các Ngài ta không khỏi không cảm phục về đức tin kiên cường của các Ngài. Vì trung thành với Chúa, các Ngài đã cam chịu thiệt thòi trong đời sống, mất hết chức quyền danh vọng và nhất là phải chịu muôn ngàn khổ hình, có khi còn mất cả mạng sống vì đức tin.
Chúng ta hãy đọc lại sắc dụ cấm đạo được ban hành ngày 18-9-1855 để chúng ta thấy được một phần nào những khổ hình mà các Ngài phải chịu: "Các quan theo đạo Giatô tại triều đình Huế hạn cho một tháng phải bỏ đạo. Các quan tỉnh thì ba tháng. Lính tráng và người dân thì sáu tháng, bằng không thì phải kể là trọng phạm.
Các người theo đạo Giatô không được thi cử, không được giữ chức tước gì.
Ai đưa đường hay chứa chấp đạo trưởng thì bị xử tử. Đạo trưởng Tây phương thì chém đầu vất xác xuống sông. Các giáo đồ giúp các đạo trưởng thì phải chém đầu.
Các cụ đạo bản quốc cũng phải chém đầu. Các giáo đồ theo các cụ đạo này thì phải thích chữ vào mặt và phát lưu.
Phải đốt cho sạch các nhà thờ nhà xứ "
Lịch sử còn ghi lại những hình phạt mà người ta đã nghĩ ra và đã dùng để trừng phạt những người theo đạo như sau :
- Nhẹ nhất là bị gông cùm. Bị xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói cho tới chết.
- Nặng hơn một chút thì bị voi dầy, bị trói rồi bị ném xuống sông, bị chôn sống, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng cho đến chết.
- Quyết liệt hơn một chút thì bị xử trảm, xử giảo (= bị thắt cổ) và thiêu sống.
- Ác liệt nhất là bị xử lăng trì (phân thây ra từng mảnh) hay bá đao ( bị xẻo đi từng mảnh thịt cho tới chết)
Tôi xin trích ra đây một đoạn trong bản báo cáo về việc xử Cha cố Du theo kiểu bá đao tại Thợ Đức ngày 30-11-1835:
"Họ cột chân tay Ngài vào một cây cột. Hai bên lính cầm kìm chờ sẵn. Sau hồi chuông báo hiệu, tên lính cầm kìm đã được nung đỏ kẹp vào ngực kéo ra hai miếng thịt nơi vú liệng xuống đất. Tên khác cầm dao xẻo thịt phía sau hông - rồi đến dùi thì chúng lấy kìm kéo thịt ra rồi dùng lưỡi dao xẻo đứt từng miếng. Cha ngất đi, đầu rũ xuống và Ngài tắt hơi về chầu Chúa lúc 17giờ.
Cha chết rồi, lính chặt đầu Ngài cho vào một chiếc thùng đầy vôi....đoạn họ cởi trói, lật úp xác xuống, phân thây ra từng khúc nhỏ bỏ vào thùng vôi. Tiếp theo họ lấy đầu đầu của ngài treo giữa chợ ba ngày...rồi lấy xuống nghiền nát ra, bỏ vào thùng đựng xác, rồi vất tất cả xuống biển cho mất tích"
Vâng, kính thưa anh chị em.
Gian khổ có cao, hình phạt có nặng nhưng lòng trung thành của các Ngài còn cao còn lớn hơn. Cái chết của các Ngài thật đáng làm cho chúng ta tự hào. Trong sắc phong chân phước cho 64 anh hùng tử đạo VN ngày 27-5-1900 Chính Đức Thánh Cha Léo XIII đã nói về các Ngài với tất cả lòng khâm phục như sau: "Đây là những chiến sĩ trung liệt và kiên cường không kém gì những chiến sĩ ngày xưa vào những thế kỷ khai nguyên của Giáo Hội Chúa Kitô"
Đó là chuyện cách đây hơn 300 năm.
2. Chúng ta tự hỏi chúng ta có thể học tìm được một bài học nào từ những tấm gương hào hùng của cha ông chúng ta hay không?
Ngày nay đâu còn cảnh cấm đạo, bắt đạo, giết người có đạo như thời vua quan ngày xưa.
Nhưng để sống đạo trong xã hội hôm nay, quả thực chúng ta gặp không ít khó khăn. Xin kể ra 2 khó khăn tiêu biểu.
Khó khăn thứ nhất đó là chủ nghĩa cá nhân ngày càng phát triển. Ai cũng muốn thăng tiến bản thân và gia đình của mình. Ai cũng lo làm ăn, học hành, xây dựng cho bản thân. Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Những nhu cầu của bản thân càng ngày càng nhiều. Rõ ràng là ngày nay người ta kiếm được nhiều tiền hơn trước, có nhiều tiện nghi hơn trước, xe cộ tốt hơn, nhà cửa đẹp hơn, hưởng thụ nhiều hơn.
Báo Tuổi trẻ số Chúa nhật ngày 23-10-2005 có một bài Phóng sự nói về cuộc sống của những "Sinh viên "quí tộc"" Tôi xin trích một đoạn nhỏ: "Khi tiếp cận được cậu thanh niên mới hơn 20 tuổi này, Tuấn trả lời tôi một câu xanh rờn vì tưởng là bạn học cùng lớp: “Trẻ không xông pha về già ân hận”! Hỏi: “Có đêm ông tiêu hết 20 triệu hả?”. Tuấn nhả khói thuốc lạnh lùng bảo: “Độc thuê sảnh khách sạn đã mất ngần ấy rồi ông ạ. Bữa nào khao nặng phải mất hai cục (200 triệu)!”. “Ông chơi trội quá”, “Thiếu gì thằng như tôi, mỗi thằng khao một buổi”! Vừa trả lời xong, Tuấn đã “bận” với chiếc điện thoại O2: “Lại phải xuống Hải Phòng chơi với mấy thằng bạn”...
Rõ ràng chủ nghĩa cá nhân hôm nay đã làm cho con người không bao giờ thấy thỏa mãn, đầy đủ. Vì thế càng ngày con người càng đóng kín vào bản thân, không có thời giờ để đến nghĩ đến người khác. Một câu nói được coi như châm ngôn của một số người “Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, học bình thường, chơi là chính”...
Để lựa chọn sống theo Phúc Âm, để trung thành với Lời Chúa dạy, chúng ta phải bỏ quên một phần thân mình, gia đình mình để nghĩ đến, để giúp đỡ, để vực dậy những anh em kém may mắn. Đó là điều không dễ.
Khó khăn thứ hai là kinh tế thị trường ngày càng phát triển. Đồng tiền đang trở thành một thước đo cho mọi giá trị của con người. Đồng tiền đang trở thành một quyền lực chi phối toàn bộ đời sống con người. Ai cũng muốn có thật nhiều tiền, và để có nhiều tiền, nhiều người đã không từ chối một phương tiện nào kể cả những phương tiện mà họ biết là bất chính như: lường gạt, lừa đảo, làm hàng giả, buôn thuốc phiện, tham nhũng, hối lộ. Vụ Điện kế điện tử trước đây ở Thành Phố Hồ Chí Minh chúng ta là một thí dụ. Tiền bạc quả là một cơn cám dỗ đang làm chao đảo, đang tàn phá những gía trị tốt đẹp, đang làm biến chất biết bao nhiêu con người trong cuộc sống hôm nay.
Đứng trước nhu cầu và ham mê tiền bạc, người Công Giáo muốn trung thành với Phúc Âm, muốn sống trọn vẹn đức tin, bắt buộc phải có sự lựa chọn. Thà cam chịu nghèo khổ còn hơn nhận những đồng tiền phi nhân bất nghĩa. Thà cam chịu thiếu thốn còn hơn đánh mất đức tin. Thà lao động cực khổ để kiếm miếng cơm manh áo chân chính hơn là chạy theo những đồng tiền dễ dãi để chối từ Phúc Âm và luật Chúa.
Quả thực xã hội mới đang tạo ra những thách đố, những cơn bắt bớ mới. Để trung thành với Chúa, với Phúc Âm chúng ta cũng phải lựa chọn quyết liệt. Những chọn lựa đó làm cho chúng ta đau đớn không kém gì những khổ hình. Những hy sinh vì Phúc Âm đó khiến lòng ta rỉ máu không kém gì phải chịu thiêu thân, hay chịu cảnh bị đầu rơi máu chảy. Các Thánh tử đạo chỉ chọn lựa một lần. Còn chúng ta chết mòn mỏi mỗi ngày trong những chiến đấu, những từ bỏ đớn đau. Sống Phúc Âm trong thời đại hôm nay quả không phải là dễ. Phải nói rằng đây đúng là một cuộc tử đạo liên tục. Và sống vì đạo như thế cũng cao đẹp và cũng anh hùng không kém gì chết vì đạo. Sống vì đạo như thế, chúng ta cũng góp phần làm chứng nhân cho Chúa, cho Phúc Âm không kém gì chết vì đạo.
Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xưa các Ngài đã anh dũng hy sinh cuộc đời, dâng hiến máu đào làm chứng cho Phúc Âm. Xin giúp chúng con hôm nay cũng biết can đảm, hy sinh sống theo Phúc Âm để làm chứng cho Chúa trong đời sống hằng ngày. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật 33 Thường niên năm B (+video) - Các thánh tử đạo Việt Nam
-
Thứ Bảy tuần 32 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 32 Thường niên (+video) -
Thứ Năm tuần 32 Thường niên (+video) -
Thứ Tư tuần 32 Thường niên (+video) -
Thứ Ba tuần 32 Thường niên (+video) -
Thứ Hai tuần 32 Thường niên (+video) -
Chúa nhật 32 Thường niên năm B (+video) -
Thứ Bảy tuần 31 Thường niên (+video) -
Thứ Sáu tuần 31 Thường niên (+video)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (+video)
-
Thứ Bảy tuần 5 Phục sinh (+video) -
Chúa nhật 29 Thường niên năm A: Khánh nhật Truyền giáo (+video) -
Ngày 29/06: Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, tông đồ (+video) -
Thứ Bảy tuần 6 Phục sinh (+video) -
Thứ Sáu tuần 6 Phục sinh (+video) -
Thứ Năm tuần 5 Phục sinh (+video) -
Thứ Năm tuần 6 Phục sinh (+video) -
Thứ Năm tuần 7 Phục sinh (+video) -
Thứ Hai tuần 6 Phục sinh (+video)