Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần XXXIV Mùa Thường Niên
TUẦN XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN B
LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ
Ga 18,33-37
"Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi".
(Ga 18,37)
Những người Do Thái dẫn Chúa Giêsu đến, họ tố cáo Ngài về ba điều:
- gây rối loạn trong dân chúng,
- cản trở việc nộp thuế cho hoàng đế,
- và tự xưng mình là vua.
Đối với họ thì cái mà họ cho là tội nặng nhất nơi Chúa Giêsu là tội lộng ngôn, nhưng họ biết rất rõ quan toàn quyền sẽ không chịu nghe bất cứ một lời tố cáo nào như vậy. Cho nên vì quá ghen ghét, họ đã không ngần ngại bóp méo sự thật. Nếu những người Do Thái chỉ tố cáo Chúa về chuyện lộng ngôn thì họ dư biết là Philatô sẽ bảo đó là chuyện tranh chấp về tôn giáo và bảo họ phải tự dàn xếp. Chính vì thế mà họ phải dựng lên những lời vu khống về những việc có liên hệ đến vấn đề an ninh: cản trở việc nộp thuế cho hoàng đế và tự xưng mình là vua. Với hai lời tố cáo đầu, Philatô có thể bỏ qua, nhưng lời tố cáo sau, thì quan không thể nào không xét đến.
Sau khi nghe xong những lời họ tố cáo, ông dẫn Chúa Giêsu vào trong dinh để điều tra lại. Ông muốn làm thế để tránh sự quấy rầy của đám nguyên cáo cực đoan ở bên ngoài.
Quan hỏi Chúa Giêsu về lời cáo thứ ba: "Ông có phải là vua không?”.
Lời đáp của Chúa Giêsu dưới hình thức một câu hỏi và có vẻ thận trọng: "Quan nói điều đó tự mình hay đã có người khác nói với quan về tôi?" Chúa Giêsu muốn biết Philatô đứng trên quan điểm nào để hỏi Ngài như thế. Quan điểm của người Do Thái hay quan điểm của người Lamã. Hai quan điểm hoàn toàn khác nhau. Cho nên phải để Philatô nói lên quan điểm của mình thì Chúa mới có câu trả lời chính xác. Đối với một người ngoại như Philatô thì một ông vua Do Thái chỉ đơn thuần là một tên phiến loạn chống lại đế quốc Lamã, trái lại đối với người Do Thái ái quốc, thì Vua Cứu Thế là Đấng Thiên Chúa hứa ban mà mọi người Do Thái đang trông chờ.
Sau khi nghe Chúa hỏi quật lại như thế, thái độ của Philatô có phần tức tối. Chúa thừa biết là ông đã lưu tâm đến vụ án rất nhiều nhưng không muốn nói ra mà thôi, như vậy câu trả lời của Chúa chẳng khác gì một câu chọc giận ông cho nên ông đã phản kháng một cách bực mình: "Nào ta có phải là người Do Thái đâu, chính dân ngươi và các trưởng tế đã nộp ngươi cho ta".
Lại một câu trả lời chẳng ăn nhằm gì với câu hỏi. Rõ ràng là ông có chủ tâm hạ nhục Chúa Giêsu khi nói thế. Đúng là mánh lới chính trị của một nhà cai trị có quyền trong tay. Đây rõ ràng là một lằn roi rất độc ác. Ông muốn ngầm nói với Chúa: Chính dân tộc thân yêu của Ngài đã nộp Ngài cho dân ngoại! Chính con cái trong nhà đã đem người trong nhà nộp cho người ngoại bang. Ở đây chúng ta thấy vọng lên lời đã được Gioan loan báo từ trước "Ngài đã đến nhà mình nhưng người nhà không chịu đón nhận" (Ga 1,11) Chúa cảm thấy ô nhục trước những lời đó...chẳng khác gì một cô bé nô lệ bị người mua trả giá cảm thấy tủi hổ về cha mẹ và cả gia đình đã bán cô và làm nhục cô.
Đến đây thì Chúa có thể trả lời. Ngài trả lời quan toàn quyền theo cả hai phương diện, vừa có liên quan đến khía cạnh chính trị Lamã và vừa có liên quan liên quan đến khía cạnh tôn giáo Do Thái. Câu trả lời được diễn tả theo lối phủ định: "Nước tôi chẳng thuộc về thế gian này". Ngài không bao giờ muốn tranh quyền với hoàng đế Lamã. Nhiều lần những người Do Thái đã muốn tôn Ngài lên làm Vua nhưng Ngài đã không thèm, và mới đây nếu Ngài muốn thì cuộc khải hoàn vào Giêrusalem sẽ là một cơ hội ngàn vàng, nhưng Ngài đã không muốn, rồi sau đó lúc bị bắt Ngài cũng không hề nghĩ đến việc bảo vệ chính mình. Ngài đã ra lệnh cho kẻ theo mình phải nạp gươm vào vỏ khi người này vừa rút ra. Không bao giờ Ngài nghĩ đến một vương quốc của bạo lực, khí giới và vinh hiển trần thế.
Dầu sao thì trong lời phủ nhận này, Chúa Giêsu cũng đã nói đến "Nước của Ta" cho nên quan phải hỏi: "Thế thì ngươi là vua sao?" Ngài đáp ngay: "Đúng thế, chính vì thế mà tôi đã sinh ra và đến trong thế gian này, đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi". Vương quốc sự thật chính là nước của Ngài. Nước đó hoàn toàn khác biệt với đế quốc của Xêda.
Nước của Xêda chỉ cai trị thể xác, còn vương quốc của Ngài chiếm hữu những tấm lòng. Thế lực của Xêda là binh đội, khí giới, thành trì, sức mạnh vương quốc của Chúa là những nguyên tắc, những tình cảm và những tư tưởng. Công dân của đế quốc Xêda chỉ được hưởng an toàn bên ngoài và bảo đảm tài sản vật chất, còn những phước hạnh trong Nước Chúa là an lạc và vui mừng trong Thánh Thần (x, Rm 14,17). Dù là rộng lớn, đế quốc Xêda cũng bị giới hạn, còn vương quốc của Chúa thì vô biên và được thiết lập tại mọi nơi. Cũng như hầu hết các nước thuộc về đất, đế quốc Xêda rồi sẽ chấm dứt, còn vương quốc Sự Thật sẽ tồn tại đến muôn đời.
Chúa là Vua của một vương quốc như thế. Những ai muốn được ở trong Nước của Chúa sẽ thuộc trọn về Chúa, không phải chỉ là thân xác mà cả tâm hồn. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã giải nghĩa "Là Kitô hữu, nếu chúng ta muốn Đức Kitô ngự trị, chúng ta phải tận hiến cho Ngài, rồi bắt tay vào hành động cùng với Ngài. Nếu không làm thế, nói về vương quyền của Ngài chỉ là tiếng kêu rỗng tuếch không chút ý nghĩa, chỉ là trình diễn bề ngoài của một niềm tin không có thực, chỉ là sử dụng giả dối danh Thiên Chúa cho những trao đổi loài người. Nếu chúng ta để Đức Kitô ngự trị trong tâm hồn ta, chúng ta sẽ không thống trị con người, nhưng phục vụ con người. Phục vụ Vua của tôi, và vì Ngài phục vụ những người được Máu Ngài cứu chuộc”
Phần chúng ta, chúng ta đã được tham dự vào chức vụ vương đế của Đức Kitô, với nghi thức xức dầu thánh trong bí tích Rửa tội: "Thiên Chúa toàn năng là Cha Đức Giêsu Kitô đã giải thoát con khỏi tội, và tái sinh con bởi nước và Thánh Thần, chính người xức dầu cứu độ cho con, để sau khi nhập đoàn với dân Ngài, con luôn luôn tỏ ra là chi thể của Đức Kitô là tư tế, tiên tri và vương đế đến cõi sống đời đời"
Triết gia Kierkegaard người Đan mạch kể câu chuyện về một vị vua yêu một thôn nữ. Ngài định cưới nàng nhưng có quá nhiều trở ngại: tục lệ chỉ cho phép nhà vua cưới các công nương vương triều. Tuy nhiên ngài lấy thế lực để coi thường truyền thống. Nhưng một ý nghĩ khác nảy sinh: sự khác biệt về địa vị khiến tương quan giữa hai người không tự nhiên, cô gái có thể thán phục đức vua nhưng không thực sự yêu ngài: vua vẫn là vua nàng vẫn là thôn nữ! Vua liền quyết định một kế hoạch khác, ngài từ bỏ ngôi vua để sống như một nông dân, nhưng nếu như thế thì chàng nông dân này liệu có được nàng thôn nữ đó yêu nữa hay không, hay lại mất cả chì lẫn chài? Cuối cùng, vì quá yêu nàng, ngài liều bỏ mọi sự để hai người được có một tình yêu đích thực và trọn vẹn.
Tác giả không cho biết câu chuyện kết thúc ra sao, không cho biết cô gái ấy có chấp nhận tình yêu ấy hay ruồng bỏ đức vua, họ có sống với nhau hạnh phúc hay không? Tác giả có lý vì thật ra đó không phải là điểm chính yếu của câu chuyện. Điểm chính yếu là tình yêu của đức vua dành cho người thôn nữ hèn kém này. Tình yêu lớn lao đến độ ngài dám từ bỏ vương quyền và ngai báu vì nàng.
Câu chuyện chưa kết thúc, nó vẫn tiếp diễn. Đây là một câu chuyện có thực về tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta, câu chuyện có thực mà đoạn kết chưa được viết hay nói cho đúng không ai viết thay cho chúng ta được, mỗi người chúng ta tự viết cho riêng mình xem mình chấp nhận hay từ chối tình yêu của Thiên Chúa.
THỨ HAI TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN
Lc 21,1-4
"Thầy bảo thật anh em:
bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết."
(Lc 21,3)
1. Trong Tin Mừng Luca, chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn luôn khuyên người ta phải biết cho đi, để đổi lại gia tài trên trời.
Thánh Phanxicô còn cho chúng ta thấy một ý nghĩa cao cả hơn của việc biết cho đi khi Ngài viết: "Chính lúc hiến thân là khi lãnh nhận, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân."
Ở bên Palestine có hai biển hồ. Biển hồ thứ nhất gọi là biển Chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào có thể sống ở bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Chẳng ai muốn sống gần đó. Còn biển hồ thứ hai là Galilê. Đây là biển hồ thu hút nhiều du khách nhất. Nước ở biển hồ này lúc nào cũng trong xanh mát rượi, con người có thể uống được và cá cũng sống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều. Vườn cây xung quanh rất tốt tươi nhờ nguồn nước này...
Nhưng điều kỳ lạ là cả hai biển hồ này đều nhận được nguồn nước từ những khe suối ở trong núi chảy ra, rồi qua sông Giodan chảy vào biển Chết. Biển Chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát, nồng độ muối rất cao không sinh vật nào có thể chịu được. Biển hồ Galilê cũng đón nhận những nguồn nước như thế rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú và con người.
Một trong những định nghĩa về cuộc sống mà ai cũng đồng tình: một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa lan tỏa. Một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lời. Đôi môi có hé mở mới thu nhận được nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban thì tâm hồn mới tràn ngập vui sướng.
Thật bất hạnh cho ai cả cuộc đời chỉ biết giữ riêng cho mình. "Sự sống", trong họ rồi cũng sẽ chết dần, chết mòn không làm nảy sinh được cái gì tốt giống như nước trong lòng biển Chết.
2. Thông thường mà nói thì khi có dư người ta mới cho: cho người nghèo và cho Giáo Hội cũng vậy. Sự cho đi như thế theo Chúa Giêsu chưa phải là sự cho đi tốt đẹp. Sự cho đi tốt đẹp theo Chúa là sự cho đi chính cái mình đang cần thiết. Sự cho đi như thế mới quý vì là sự cho đi chính bản thân mình.
Năm 1830, khi thánh Gioan Vianey sửa lại nhà thờ xứ Ars, có một bà già đem đến cho Ngài một đồng bạc, để dâng cúng vào việc tu bổ thánh đường. Thấy bà già quá nghèo nàn và vất vả, thánh Gioan không dám nhận. Ngài sợ bà phải hy sinh nhiều quá nên mới nói với bà:
- Cha cám ơn lòng tốt của bà, và chắc Chúa cũng đã nhìn thấy lòng rộng rãi và sốt sắng của bà rồi. Bà quá vất vả và thiếu thốn, nên xin bà hãy giữ lấy đồng bạc này để tiêu xài cho những thứ cần thiết.
Lúc ấy bà già đã thưa lại cách khiêm tốn rằng:
- Thưa cha, nếu Chúa cho con có của, con sẽ dâng cúng cho Chúa nhiều hơn, nhưng vì con nghèo, nên con chỉ có thế này để dâng cúng cho Chúa. Nhưng đây là tất cả tấm lòng yêu mến của con. Vậy xin cha hãy nhận lấy đồng bạc của con. Với đồng bạc này, nếu cha không mua được cái gì quí giá, thì xin cha hãy mua một viên gạch lát trong nhà thờ, để mỗi khi Chúa Giêsu ngự trong nhà tạm nhìn ra trông thấy viên gạch ấy, Chúa sẽ nhớ tới con.
Bà già trên đây chẳng khác gì bà goá ở trong bài Tin Mừng hôm nay. Bà đã biết sử dụng tiền của vào việc đạo đức, vào việc tu sửa nhà thờ của Chúa, mặc dầu tiền bạc của bà ít ỏi, chỉ có một đồng bạc. Đồng bạc này lại là cả gia nghiệp của bà. Vậy mà bà đã bỏ ra để giúp đỡ nhà thờ. Và như chúng ta thấy Chúa đánh giá thật cao việc dâng cúng của bà.
3. Việc làm của bà goá là một định nghĩa và cũng là một tấm gương về lòng quảng đại: quảng đại chính là cho đi mà không tính toán. Xét cho cùng, quảng đại chính là trao ban chính bản thân mình. ("Mỗi ngày một tin vui")
Vào một mùa đông, tại một đất nước Châu Âu, một em bé 13 tuổi nghe nhà trường thông báo đợt lạc quyên tiền bạc và phẩm vật làm quà Giáng sinh cho các trẻ em nghèo trong vùng. Em đã dành dụm mọi chi tiêu vốn ít ỏi của em trong suốt 3 tháng. Khi đã được 15 đồng, em quyết định đón xe đò từ làng lên phố. Bất ngờ, một trận bão tuyết ập đến dữ dội làm tắc nghẽn mọi hoạt động giao thông. Không chịu bỏ cuộc, em xuống xe, co ro lội bộ băng qua cánh đồng ngập tuyết trắng xóa và gió lốc lạnh buốt.
Ông hiệu trưởng nghe báo có người muốn gặp ông đang đợi ở phòng khách. Ông thực sự kinh ngạc sửng sốt khi nhận món tiền chia sẻ từ tay em bé, bởi vì trước mặt ông chính là một trong số những em bé nghèo mà ông và nhà trường đã đưa vào danh sách tặng quà giáng sinh năm đó. (Góp nhặt)
THỨ BA TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN
Lc 21,5-11
"Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó
sẽ có ngày bị tàn phá hết." (Lc 21,11)
1. Đây là đoạn mở đầu cho một đơn vị văn chương được gọi là "diễn từ chung luận" (Lc 21,5-36), trong đó Chúa Giêsu nói đến những vấn đề "chung kết" của lịch sử và qua đó Chúa cũng muốn ám chỉ đến ngày tận cùng của một đời người.
Đoạn diễn từ này khó hiểu vì được viết theo văn thể khải huyền. Chúa đã dùng những hình ảnh rất thật nhưng chưa xảy ra để nói một cách úp úp mở mởvề ngày chung cuộc và có ý cho mọi người hiểu rằng, ngày chung cuộc chắc chắn rồi cũng sẽ xảy đến như vậy.
Vâng! Mọi công trình do con người xây dựng, dù cho có kiên cố và quý giá đến đâu đi nữa, kể cả Đền thờ Jêrusalem...đều sẽ có ngày sụp đổ. Chẳng có gì bền vững ở thế giới này. "Trăm năm bia đá cũng mòn" ; "Phù hoa nối tiếp phù hoa, trần gian tất cả chỉ là phù hoa. Hoa nào không phai tàn? Trăng nào không khuyết? Ngày nào mà không có đêm? Yến tiệc nào không có lúc tàn?"
Triết lý Á Đông: "sự vật hễ có sinh thì có hoại".
"Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào" (Lc 21,6).
Một lúc nào đó, dù muốn hay không muốn, cái chết cũng đến với chúng ta. Chúng ta sẽ ra đi như chúng ta đã vào đời. Từ trong bóng tối đi ra, chúng ta cũng sẽ trở về với bóng tối. Đã có một thời không có chúng ta, và cũng sẽ đến thời không ai còn nhắc đến chúng ta nữa.
Một hôm trong một cuộc nói chuyện,một giáo sư dạy triết hỏi các sinh viên của mình:
- Em nào trả lời câu hỏi của thầy thì giơ tay lên - thầy nói với cả lớp.
- Ai có thể kể về cha mẹ mình?
Mọi người đều giơ tay.
- Ai có thể kề về ông bà mình?
Khoảng ba phần tư lớp giơ tay.
- Vậy em nào có thể kề về ông bà cố của mình?
Chỉ hai trong số 60 sinh viên giơ tay.
- Giờ thì các em hãy suy nghĩ kỹ đi nào - thầy bảo - Chỉ mới cách có hai thế hệ mà rất ít người biết cụ cố mình là ai. Có thể các em từng thấy một bức ảnh cũ kỹ phai màu được cất kỹ trong hộp thuốc lá mốc meo, hay đã nghe kể một câu chuyện tiêu biểu về gia tộc mình, và biết có người trong tổ tiên mình đã lội bộ năm dặm đường để đến trường. Nhưng mấy người trong các em thật sự biết tổ tiên của mình là ai, các cụ nghĩ gì, hãnh diện, lo sợ hay mơ ước điều gì. Các em thử nghĩ xem. Chỉ trong vòng ba thế hệ thôi mà các bậc tiền nhân đều đã bị lãng quên. Vậy, liệu điều đó có xảy đến với các em sau này không?
Để thầy nêu câu hỏi cụ thể hơn cho các em. Các em thử tưởng tượng xem ba thế hệ sau mình. Lúc ấy các em đã ra người thiên cổ lâu rồi. Chỗ các em ngồi bây giờ sẽ là chỗ của các chít chắt. Liệu chúng có biết gì về các em không? Hay là các em cũng sẽ chìm sâu trong dĩ vãng?
Các em muốn cuộc sống của mình hiện thời sẽ là dấu hiệu báo điềm xấu hay là tấm gương soi sáng cho các thế hệ sau? Các em sẽ để lại di sản nào? Sự lựa chọn hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của các em. Thôi bây giờ lớp chúng ta nghỉ. Không ai trong lớp đứng dậy và ùa về như mọi khi. Mọi người đều ngồi lại và suy nghĩ về lời thầy nói. (Jodie Foster)
Đó cũng là số phận chung của con người.
2. Quả thật, không gì thê thảm bằng cái chết. Chúng ta muốn sống, sống mãi, chúng ta muốn được người đời nhắc đến, nhưng rồi chúng ta phải chết, bị chìm trong quên lãng của thời gian. Mỗi ngày có trên 20.000 người chết, mỗi giờ có đến 10.000 người chết. Hôm nay, ngày mai hay bất cứ lúc nào, tôi cũng sẽ được đếm trong số người phải ra đi ấy.
Tác giả Đường Bá Hổ có bài thơ về đời người như sau:
Xuân đi, Hạ lại, Thu sang Đông,
Chóng như thoi đưa, như nước chảy,
Vừa tiễn buổi chiều chuông chùa kêu,
Đã báo rạng đông, gà gáy sáng,
Ta thử tính xem những người nhãn tiền,
Một năm đã thấy khuất vô số.
Lô nhô nắm đất cánh đồng hoang,
Quá nữa không ai người tảo mộ.
Người ta thường nói "Các nhà văn muốn viết một quyển chuyện hay thì thường phải nghĩ đến phần kết của câu chuyện trước."
Trên vòng bán nguyệt của khung cửa chính của Nhà thờ chính tòa Milanô người ta thấy có khắc ba dòng chữ. Phía dưới hình hoa hồng được trạm trổ tinh vi của vòng bán nguyệt thứ nhất, người ta đọc được dòng chữ: "Mọi hạnh phúc chỉ kéo dài trong khoảnh khắc!".Bên vòng bán nguyệt của khung cửa kia, dưới hình một cây Thập Giá, có dòng chữ: "Mọi đau khổ chỉ kéo dài trong khoảnh khắc". Và ở vòng bán nguyệt của khung cửa giữa dẫn vào lòng chính Vương cung Thánh Đường có khắc dòng chữ: "Chỉ có sự đời đời mới là quan trọng nhất!" Xin nhắc lại một lần nữa: "Chỉ có sự đời đời mới là quan trọng nhất!"
THỨ TƯ TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN
Lc 21,12-19
"Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình." (Lc 21,19)
Trong văn mạch diễn từ chung luận, Chúa Giêsu báo trước cho môn đệ mình biết rằng, có một thời kỳ Giáo Hội sẽ bị bắt bớ. Rồi Ngài cho họ biết, phải sống thế nào trong thời kỳ đó: Đó là đừng sợ khi bị bắt bớ và thù ghét, vì vẫn có Chúa quan phòng trong tất cả những hoàn cảnh éo le đó và phải kiên trì.
1. Patric bon Chasteur, người đã bị Đức Quốc xã tra tấn cầm tù vì tội chống lại sự tàn bạo của Hitler hồi thế chiến thứ II, trong tác phẩm thời danh của ông với tựa đề: "Cái giá những người môn đệ Chúa phải trả", đã viết: "Khổ đau là phù hiệu của những người môn đệ Chúa Giêsu".
Luther, một trong những người đã ly khai khỏi Giáo Hội Công giáo, khi định nghĩa về Giáo Hội cũng nói: "Giáo Hội là cộng đoàn của những người chịu đau khổ, chịu chết vì Đức Kitô và vì Tin Mừng".
Người môn đệ Chúa Giêsu không được coi gian nan thử thách như một cực hình, nhưng phải coi đó là những cơ hội để làm chứng.
Ông Jacques Bouroche là một người ngoài công giáo, trước khi được ơn trở lại, ông hằng ước ao chứng kiến đời sống thánh thiện của đức giám mục François Fénelon (1651-1715)
Ngày kia ông đã liên lạc được với vị giám mục thời danh và xin Ngài cho ông được tới thăm Ngài một thời gian.
Vị giám mục đã niềm nở đón tiếp và đối xử ân cần đến nỗi Jacques Bouroche còn thấy thoải mái hơn cả ở nhà mình. Tuy nhiên, chỉ lưu lại được vài ngày, ông đã thu dọn hành lý, chào vị giám mục và ra đi trước thời hạn dự định.
Khi được hỏi tại sao ông lại vội vàng bỏ đi như vậy, ông Jacques Bouroche đã thú nhận:
"Tôi không thể ở lại lâu hơn. Vì nếu còn ở lại, sớm muộn gì tôi cũng sẽ theo đạo công giáo mất, một điều mà hiện tại bản thân tôi chưa muốn".
Chúng ta hãy nhớ lời của Chúa Giêsu: "Chúng con hãy làm chứng!"(Lc 21,13)
Đó là ơn gọi, là sứ mệnh, là căn tính, là lý do hiện hữu của người Kitô chúng ta.
2. Và cuối cùng, là phải kiên trì.
Chúa mời gọi chúng ta dấn bước vào con đường hẹp vừa dài vừa xa vạn dặm. Con đường về thiên quốc dài dằng dặc, có khi phải đi bằng cả cuộc đời của mình. Chẳng những dài, mà còn là con đường hẹp nữa, cho nên đòi hỏi họ phải kiên trì.
Một nhà truyền giáo tại Ấn Độ đã kể lại câu chuyện sau đây:
Một hôm, trên một quãng đường vắng, ông thấy một người đàn bà nằm phủ phục sát đất. Đây là một cử chỉ khá quen thuộc trong những cuộc hành hương ở Ấn Độ.
Sau một lúc, người đàn bà đứng dậy đi mấy bước rồi lại phủ phục trên mặt đường. Trên một quãng đường ngắn, người đàn bà đã phủ phục như thế đến bảy, tám lần.
Thấy thế, nhà truyền giáo mới đứng lại gợi chuyện. Ông hỏi:
- Bà đi về đâu vậy?
Người đàn bà giơ tay chỉ về hướng Hy-Mã-Lạp Sơn và nêu tên của một ngôi đền nổi tiếng ở đó. Theo bà giải thích, thì tại đây khi sấm chớp nổi lên, Thiên Chúa sẽ biểu dương quyền uy của Người phía dưới thung lũng.
Như vậy, từ đây cho đến ngôi đền đó, người đàn bà phải vừa đi vừa phủ phục như thế trên cả ngàn dặm. Khi được hỏi bà làm như vậy với mục đích gì, Người đàn bà trả lời ngắn gọn và quả quyết như sau: "Để được thấy Chúa".
Cử chỉ của người đàn bà Ấn Độ trong câu chuyện trên đây có thể gợi lên cho chúng ta hình ảnh của một cuộc chiến đấu.
Để được thấy Chúa, người tín đồ Ấn giáo trên đây sẵn lòng chấp nhận một cuộc hành trình gian khổ hầu như quá sức con người. Thế nhưng, lòng khát khao được thấy Chúa và niềm hy vọng mãnh liệt sẽ được gặp Ngài đã khiến người tín đồ ấy can trường tiến bước, kiên trì phủ phục trên con đường cả ngàn dặm như thế, thật đáng cho chúng ta nể phục.
Muốn được hưởng vinh quang với Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải biết can đảm và kiên trì như vậy.
Không có một phần thưởng nào mà không phải trả giá. Không có một vinh quang nào mà không ướt đẫm mồ hôi.
Đây là những lời trích từ sách Gương Chúa Giêsu:
"Có rất nhiều người muốn lên thiên đàng với Chúa Giêsu, nhưng rất ít người muốn vác khổ giá với Chúa.
Nhiều người muốn ngồi ăn với Chúa, nhưng ít người muốn bắt chước đức nhiệm nhặt của Chúa.
Ai cũng muốn vui hưởng với Chúa mà ít người muốn chịu khó vì Chúa.
Nhiều người theo Chúa đến lúc bẻ bánh, nhưng ít ai chịu được cảnh nhục nhã của Thánh giá.
Nhiều người ca tụng Chúa khi được Chúa ban yên ủi.
Nhưng, nếu Chúa lánh đi và bỏ họ một tí, là y như họ phàn nàn hay nản chí luôn."
Lạy Chúa,
Chúa đã chịu chết và sống lại,
xin dạy chúng con biết chiến đấu
trong cuộc chiến mỗi ngày
để được sống dồi dào hơn.
Chúa đã khiêm tốn và kiên trì
nhận lấy những thất bại trong cuộc đời
cũng như mọi đau khổ của Thập Giá.
Ước gì từ nay, không gì có thể
làm cho chúng con xa Chúa. Amen.
THỨ NĂM TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN
Lc 21,20-28
"Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra,
anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên,
vì anh em sắp được cứu chuộc." (Lc 21,28)
Chúng ta tiếp tục suy niệm qua bài diễn từ chung luận:
1. Chúa Giêsu lại nói về ngày thành Jêrusalem bị tàn phá. Những Lời Chúa nói đã được ứng nghiệm từng nét không bao lâu sau đó.
"Năm 70 sau công nguyên, tướng Titus của đế quốc Rôma đem quân bình địa Jêrusalem. Đền thờ Jêrusalem biểu trưng của niềm tin tôn giáo, như lời tiên báo của Chúa Giêsu đã "không còn hòn đá nào trên hòn đá nào"...
Qua câu chuyện về Jêrusalem, Chúa muốn nói về ngày tận cùng của thế giới, đồng thời Chúa cũng muốn ám chỉ về ngày tận cùng của một đời người.
Vâng! Chẳng có gì tồn tại mãi trên cõi dương gian này.
Khi Quincy Adams 80 tuổi, một người bạn hỏi ông:
- Quincy Adams thế nào rồi?
- Quincy Adams vẫn khoẻ, nhưng ngôi nhà mà linh hồn Quincy Adams cư ngụ đã bệ rạc lắm rồi, nó sắp sập đến nơi. Đã đến lúc phải rời khỏi ngôi nhà đó rồi (The Gospel Herald)
Phải! Rồi sẽ có ngày chúng ta sẽ phải rời bỏ cõi dương gian này.
"Khi tôi là một đứa trẻ, tôi cười và khóc, thì lúc đó thấy thời gian bò tới.
Khi tôi là một thanh niên, tôi táo bạo hơn, thì thấy thời gian đi bộ.
Khi tôi trưởng thành, tôi là một người chững chạc, thì thấy thời gian chạy.
Cuối cùng, khi tôi bước vào tuổi chín mùi, tuổi già, thì thấy thời gian bay.
Chẳng bao lâu nữa thì tôi chết, lúc đó thời gian đã đi mất.
2. Bởi vậy, những ai cậy dựa vào những thế lực vật chất và thế gian thì khi sắp chết, chắc chắn sẽ phải hoảng sợ vì những thế lực đó bị sụp đổ. Chỉ có những ai biết cậy dựa vào Chúa thì khi chết mới vui mừng, vì họ biết mình sắp được về với Ngài.
Trước một cử tọa gồm những nhà kinh doanh lớn, những minh tinh màn bạc, những nhà trí thức họp mặt tại câu lạc bộ nổi tiếng Philadelphia Phillies, Cordell Brown đã nói một cách rất duyên dáng như thế này: "Quí vị có thể thành công suốt cả cuộc đời, và lãnh cả triệu đô la mỗi năm, nhưng khi ngày giờ đến, ngày mà người ta đóng nắp quan tài của quí vị lại, thì quí vị sẽ chẳng khác tôi chút nào. Đó là lúc mà mọi người chúng ta đều y như nhau. Tôi không cần tới những gì các bạn đang có trong cuộc sống, nhưng tôi chắc chắn rằng, các bạn cần một điều mà tôi đang có, đó là Chúa Giêsu Kitô."
Những lời của Cordell Brown mời chúng ta tự hỏi chính mình xem: cái gì thực sự là quan trọng đối với chúng ta? Nó mời chúng ta nhìn vào những cái chúng ta phải coi là ưu tiên trong cuộc đời mình. Nhất là nó đòi hỏi chúng ta xem, Chúa Giêsu Kitô có phải là ưu tiên số một trong cuộc đời chúng ta hay không.
Tại tu viện Westminter ở Luân Đôn, có một nhà nguyện nhỏ tên là "Nhà nguyện Thánh George". Trong nhà nguyện này có bốn cuốn sách lớn, trong đó có ghi sáu ngàn tên các nạn nhân của cuộc không kích đó. Một cuốn mở ra và trên trang sách lấp lánh áng sáng có ghi một số tên nạn nhân. Mỗi ngày người ta giở một trang với một số tên mới. Khi bạn nhìn và đọc cột tên dài ấy, bạn không sao biết được người có tên mà bạn đọc nghèo hay giàu, da đen, da trắng hay da màu, là Kitô Hữu, là Do Thái giáo hay là vô thần, già hay trẻ, đẹp hay xấu.
Lúc đó, không còn có một khác biệt nào nữa. Lúc đó, tất cả những gì xảy ra đều tùy thuộc vào bản chất con người mà mỗi người tạo ra cho mình khi mình còn sống trên dương thế.
Vậy thì thái độ tốt nhất của mỗi người là biết sống phó thác cho Tình yêu của Thiên Chúa
Mẹ Têrêsa nói: "Chúng ta phải đặt niềm tin vào Ngài và thi hành những công việc mà Ngài đã mời gọi chúng ta cho đến hơi thở cuối cùng. Thiên Ðàng là nhà của chúng ta. Mọi người đều có khả năng lên Thiên Ðàng. Dân chúng hỏi tôi về cái chết và tôi có trông đợi cái chết không và tôi trả lời, "Dĩ nhiên" vì tôi đang về nhà. Chết không phải là chấm dứt, nó chỉ là sự bắt đầu. Chết là sự tiếp nối đời sống. Ðây là ý nghĩa của sự sống vĩnh cửu; đó là nơi linh hồn chúng ta đến với Thiên Chúa, trong sự hiện diện của Thiên Chúa, để thấy Thiên Chúa, để nói với Thiên Chúa, để tiếp tục yêu thương Ngài với tình yêu lớn hơn, bởi vì trên Thiên Ðàng, chúng ta có thể yêu Ngài với trọn vẹn tâm hồn và linh hồn chúng ta. Chúng ta hãy phó thác thân xác chúng ta cho Chúa. Khi chết tâm hồn và linh hồn chúng ta sống đời đời."
Xin được kết thúc bằng những lời cầu nguyện của Cha Piô, người được Chúa in năm dấu thánh:
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện
để con khỏi quên Chúa.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn.
Cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.
Con cần được thêm sức mạnh của Chúa,
để khỏi ngừng lại dọc đường. Amen.
THỨ SÁU TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN
Lc 21,29-33
"Trời đất sẽ qua đi,
nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu."
(Lc 21,33)
Kết thúc diễn từ về ngày tận thế, Chúa Giêsu nói thật rõ: "Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu". (Lc 21,33)
1. Vâng, mọi sự rồi sẽ qua đi hết. Chỉ có Thiên Chúa mới đời đời.
Có một sự kiện mà ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy: Đó là ngày hôm nay, con người ít nhạy bén với những giá trị thiêng liêng.
Nhà giảng thuyết Payson nói: "Triệu chứng của sự suy thoái thiêng liêng cũng giống như sự suy thoái thân xác. Nó thường bắt đầu bằng việc không thích ăn và chê chán mọi thứ thực phẩm, như cầu nguyện, đọc Thánh Kinh và sách thiêng liêng. Khi nào có những triệu chứng đó, bạn hãy cẩn thận; sức khỏe thiêng liêng của bạn đang lâm nguy. Cần đến ngay vị Đại Y Sĩ là Thánh Linh để chữa trị".
Một người giàu có nọ xây một toà nhà rất đầy đủ tiện nghi, có thể nói là ngoài sức tưởng tượng! Xây xong, ông mời bạn bè đến tham quan, và những người này đã không ngớt lời khen ngợi công trình tuyệt mỹ. Chính chủ nhà cũng tỏ ra không kém phần hứng khởi, và sau khi dọn đến ở trong ngôi nhà mới, ông đã bày ra mọi thứ trò tiêu khiển, đủ mọi lạc thú trên đời!
Ngày nọ, một người tôi tớ đáng kính của Thiên Chúa đến thăm và được ông chủ mời đi tham quan tòa nhà tráng lệ. Sau khi hướng dẫn vị khách đi xem xong, người chủ giàu có mới hỏi người của Thiên Chúa có ý kiến gì không. Vị này trả lời:
- Tòa nhà làm tôi rất hài lòng. Tuy nhiên, nó dư một cánh cửa! Ông cần bít cánh cửa này lại nếu ông muốn có một tòa nhà không chê vào đâu được và hạnh phúc lâu bền!
- Cánh cửa nào thế?
- Đó là cánh cửa mà có lẽ không bao lâu nữa đâu, người ta sẽ khiêng thi hài của ông đi qua. Ngày nào cánh cửa này còn mở, ngày đó hạnh phúc của ông trong lâu đài này sẽ không thể kéo dài, và cái gì không kéo dài được thì không có giá trị cao. Hãy biết rằng, thời gian đang qua đi này sẽ được tiếp nối bằng sự vĩnh cửu, cái sẽ không bao giờ qua đi!
Lời sách Khôn ngoan:
Tất cả sẽ qua đi như bóng câu vụt mất,
như mẩu tin khẩn cấp loan truyền.
Và cũng tựa con tàu đi trên sóng nước
ai còn thấy dấu vết khi nó đã băng qua?
Ai còn thấy lằn tàu trên sóng biển?
Như con chim bay lượn giữa bầu trời,
ai tìm được đường bay của nó?
Ðập đôi cánh trên làn khí nhẹ,
nó vỗ cánh lướt đi, vùn vụt băng ngang trời,
và rồi không còn một dấu vết đường bay.
Như khi mũi tên lao về đích,
trời xé ra, rồi lập tức khép lại
mà không ai biết nổi đường tên bay.
Cũng thế mà thôi, bọn chúng mình" (Kn 5,9-12).
2. Hãy biết khôn ngoan nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa.
Khi thấy cây vả đâm chồi thì người ta biết mùa hè sắp đến; cũng thế, khi thấy "những điều đó" (các thế lực gian tà lung lay) thì hãy biết triều đại Thiên Chúa sắp đến.
Khi nói điều này Chúa Giêsu muốn nói đến vai trò dấu chỉ trong đời sống của chúng ta.
Theo cha Lausade, Thiên Chúa nói với chúng ta bằng hai cách: hoặc bằng Lời Chúa trong Kinh Thánh, hoặc qua các biến cố xảy đến trong đời sống thường ngày. Điều quan trọng là chúng ta phải quan tâm để nhận ra lời nhắn nhủ của Chúa. Chúng ta thường dễ nhận ra Kinh Thánh là Lời Chúa, là giáo huấn của Chúa, mà ít nhận ra các dấu chỉ thời đại cũng là Lời Chúa, là thánh ý Chúa. Nói khác đi, chúng ta ít nghe được tiếng Chúa nói với chúng ta qua các tạo vật, qua niềm vui, nỗi buồn, qua cả những lỗi lầm của chúng ta.
Năm 1937, nữ tu Têrêsa được cử làm giám đốc của một trường trung học dành riêng cho các học sinh giàu tại Calcutta. Nữ tu vẫn còn nhớ mãi lời căn dặn của mẹ mình:
"Con hãy nhớ rằng: con được gởi đến Ấn Độ là để phục vụ người nghèo." Trước cảnh đói khổ của dân chúng, trước cảnh cô đơn của các bệnh nhân, những người phong cùi và nhất là trước cảnh trẻ em và những người già cả lê lết ngoài đường phố, nữ tu Têrêsa cảm thấy không yên tâm để tiếp tục nghề thầy giáo của mình, nhất là thầy giáo cho học sinh giàu nữa.
Ngày 10.07.1946. trên một chuyến xe lửa chật chội, ngồi bên những người cùng khổ, nữ tu Têrêsa bỗng nghe như có tiếng thì thầm trong lòng:
"Con hãy ra khỏi nhà dòng để phục vụ người nghèo bằng cách đến ở với họ, sống giữa họ và như họ."
Đây là lần thứ hai chị nghe tiếng gọi như thế. Xác tín rằng: đây là tiếng gọi của Chúa, chị đã trình bày ước nguyện lên bề trên và đúng một năm sau, chị đã được bề trên và Đức Giám Mục bản quyền địa phương cho phép ra khỏi dòng để sống với những người nghèo khổ.
Cởi bỏ chiếc áo dòng của các nữ tu, chị choàng vào chiếc áo Sari cổ truyền Ấn Độ, ăn mặc giống như người nghèo, nữ tu Têrêsa đã hoàn toàn trở thành một người nghèo giữa những người nghèo.
THỨ BẢY TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN
Lc 21,34-36
"Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn,
hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến
và đứng vững trước mặt Con Người." (Lc 21,36)
1. Đoạn Tin Mừng này là một phần của diễn từ chung luận, trong đó Chúa Giêsu nói tới những việc sẽ xảy ra vào những ngày cuối cùng. Chúa không dừng lâu ở việc mô tả các dấu chỉ, nhưng chú ý đến thái độ mà môn đệ Đức Giêsu phải có.
• Thái độ quan trọng thứ nhất là phải chú ý tới việc đón Chúa đến:không nên để mình bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn bên ngoài, để rồi lo chè chén say sưa hoặc chỉ lo chuyện sống chết, hay chỉ lo chuyện thế gian mà quên lãng việc quan trọng này.
• Thái độ thứ hai phải có là luôn kiên trì trong việc cầu nguyện: cầu nguyện để xin Ngài mau đến, cầu nguyện để xin ơn đứng vững trước những xáo trộn bên ngoài.
Có một người đàn ông kia sống rất hạnh phúc và đầy đủ, tuy nhiên, ông vẫn cảm thấy lo sợ cho cuộc đời. Một hôm, ông nảy ra ý muốn, muốn đi tìm một ai đó chỉ cho ông biết, làm thế nào để cho ông chắc chắn là ông sẽ chiếm hữu được cuộc sống đời đời mai sau. Theo lời hướng dẫn, ông tìm ra được một tu sĩ có tiếng thánh thiện. Khi đến nơi, ông thưa với tu sĩ đó rằng:
- Thưa thầy, nếu biết rằng, chỉ còn sống có một ngày nữa, thì thầy sẽ làm gì?"
Đưa tay ra vuốt chùm râu bạc trắng, vị tu sĩ bình thản trả lời:
- Có gì đâu, sáng dậy đọc kinh, sau đó dùng chút trà rồi ra vườn tưới cây, đi thăm và dùng cơm với bạn bè rồi về ngủ.
- Đó là việc hằng ngày thầy vẫn làm mà. Con muốn hỏi ngày cuối đời kia mà?
- Đúng vậy! Ngày thường và ngày cuối đời có gì khác đâu.
2. Quả thực là chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao, và ngày cuối đời thì lại càng mù mịt hơn. Chính vì thế mà Chúa bảo chúng ta phải luôn tỉnh thức.
Một tài xế xe buýt ở Hoa Kỳ đã chiếm một kỷ lục hiếm có trong suốt hai mươi ba năm hành nghề. Trên một triệu cây số, ông chưa bao giờ gặp hay gây ra một tai nạn nhỏ nào. Được hỏi lý do, ông trả lời: "Hãy nhìn đường!". Câu trả lời tuy đơn sơ, nhưng chứa đựng cả một triết lý sống.
"Hãy nhìn đường!". Có lắm người đi đường hoặc lái xe mà không nhìn đường. Tai nạn xảy ra hầu hết đều do sự lơ đễnh của người lái xe. Người bộ hành gặp tai nạn rủi ro có khi cũng do đi đường mà không nhìn vào con đường mình đang đi.
Chú tâm vào công việc mình đang làm, chính là luật của thành công. Một vận động viên trên sân cỏ sẽ không ngừng chú ý đến quả banh, đến đối phương, đến bạn đồng đội. Một học sinh muốn học giỏi cũng phải chú tâm theo dõi và lắng nghe lời giảng dạy. Một người mẹ trong gia đình phải chú tâm vào ngân quĩ gia đình, vào công việc hàng ngày. Đó là thái độ tỉnh thức mà chúng ta phải luôn có để khỏi quá ngỡ ngàng trước ngày Chúa đến gọi chúng ta.
Cái chết thường đến một cách bất ngờ. Tuy bất ngờ nhưng không phải hoàn toàn bất ngờ, vì Chúa thương chúng ta, nên Chúa luôn ban cho chúng ta nhiều tín hiệu báo trước cái chết để chúng ta kịp chuẩn bị. Mỗi khi chúng ta thấy một người khác chết, đó là một tín hiệu; mỗi khi chải đầu thấy mái tóc mình bạc hơn, đó cũng là một tín hiệu; một chiếc răng bị hư, đôi mắt mờ xuống, tay chân yếu đi, một chứng bệnh xuất hiện… tất cả đều là những tín hiệu. Đó là những tín hiệu mà Chúa gởi trước cho chúng ta vì Chúa thương chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng giả mù giả điếc trước những tín hiệu tình thương ấy. Tốt nhất là đón nhận chúng, nhận ra ý nghĩa của chúng và chuẩn bị.
Một vị đan tu tên là Mésique bất trung với ơn gọi, ông đã sống một cuộc đời không mấy tốt đẹp trong nhiều năm. Đột nhiên ông bị bệnh nặng. Thiên Chúa cho ông rơi vào tình trạng hôn mê trong một tiếng đồng hồ. Khi tỉnh dậy ông không nói gì về những điều đã cảm thấy trong thời gian một tiếng đống hồ ấy. Ông xin người ta cho ông ở một mình trong một căn phòng xây kín, và ông đã ở đó suốt 12 năm trời. Hàng ngày, qua một cửa sổ nhỏ người ta đem đến cho ông một chút bánh mì và nước uống. Một hôm người ta tưởng ông đã chết nên đập phòng đi vào thì thấy ông đang hấp hối. Trước mặt các tu sĩ đang vây quanh, ông nói với họ những lời cuối cùng, trước khi ra đi:
"Anh em thân mến của tôi, người nào luôn khắc ghi vào tâm khảm ý tưởng về sự chết, người đó sẽ không bao giờ phạm tội."
Nói thế rồi, ông tắt thở, để lại cho một người mọi ấn tượng sâu đậm. (Góp nhặt).
Xin được kết thúc bằng lời cầu nguyện của Cha Piô, người được Chúa in năm dấu thánh:
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện
Cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.
Con cần được thêm sức mạnh
để khỏi ngừng lại dọc đường. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 04/12: Thánh Gioan Đamas, Tiến sĩ Hội Thánh
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục -
Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ (lễ kính) -
Ngày 25/11: Thánh Catarina Alexanđria -
Ngày 24/11: Các Thánh Tử đạo Việt Nam -
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi